April 25, 2024, 12:48 pm

Liên hoan Chèo toàn quốc 2019: VẪN ĐƯỢM ĐÀ VÀ CUỐN HÚT

Có vẻ như vẫn nghe vọng lại đâu đây tiếng gọi đò ơi của nàng Súy Vân giả dại lặn lội tìm chồng, qua bao ngọn núi, dòng sông. Một tiếng nấc oan uổng thấu đến trời cao của Thị Kính bởi cắt râu cho chồng mà chịu bao nhiêu oan trái phải nương nhờ cửa Phật, nhưng vẫn không thoát khỏi ánh mắt dao cau của một Thị Mầu xinh đẹp, lẳng lơ với tình yêu bốc lửa, làm đảo điên cả mái tam quan và tiếng chuông chùa thanh tịnh…

Ảnh Internet

Chèo là một sản phẩm văn hóa của nền văn minh lúa nước, của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Đã có nghệ nhân dân gian của một vùng quê chèo nói vui, đất nước ta đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập toàn cầu, nhưng chỉ cần còn lại một người nông dân thôi, thì nghệ thuật chèo vẫn còn lại đến muôn đời...

  Tuy nhiên, cũng như một số loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian, truyền thống độc đáo khác của dân tộc Việt Nam trong cuộc sống đương đại; nghệ thuật chèo cũng không thể “án binh bất động”, quay lưng lại với những yêu cầu thẩm mỹ mới, của một tầng lớp công chúng mới, nhất là lớp khán giả trẻ. Bởi cho dù hấp dẫn, đặc sắc đến đâu, thì chèo cổ dân gian, trong chừng mực nào đó, cũng không hoàn toàn phù hợp của thực tế cuộc sống hiện đại với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trên toàn cầu hôm nay nữa. Vì thế, nghệ thuật chèo vẫn luôn là mối quan tâm không chỉ của riêng làng chèo, mà còn của cả giới sân khấu và các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như của đông đảo công chúng yêu chèo. Nhưng “cải biên, cải tiến, phát triển, cách tân” như thế nào để vẫn giữ được cốt cách và những nét đẹp dân gian, truyền thống độc đáo của chèo, nhất là khi chèo đi vào đề tài hiện đại, đó vẫn là một câu hỏi chưa dễ trả lời trong ngày một, ngày hai; khi nhớ lại giữa những năm 80 của thế kỷ XX, đã rộ lên việc cải tiến, cách tân dẫn đến phá chèo... Người ta biến chèo thành “kịch cắm chèo” có bài hát mới, vừa chắp vá, vừa nhộn nhạo, vừa Ta lại cả vừa Tây. Người ta đưa cả ca khúc “sến”, với dàn trống Tây, kèn Tây, ghi ta Tây vào chèo, lấy cớ là ăn khách, để bỏ đi hàng loạt các làn điệu, lời ca của chèo cổ, cũng như bỏ đi bộ gõ, đàn nguyệt, đàn đáy, nhị, sáo, đàn bầu... trong sáng tác âm nhạc. Nhưng rất may, sau một thời gian không lâu láo nháo như thế, chính người nghệ sĩ cũng đã nhận ra và tự điều chỉnh những quan niệm sáng tạo về những loại hình nghệ thuật đã có từ ngàn xưa của ông cha. Và cho đến nay, sự cách tân của chèo, tiếp thu những tinh hoa của dân gian, truyền thống cùng những tìm tòi hiện đại, tiên tiến, đã mang lại những hiệu quả mới, những dấu ấn mới, những chất liệu mới, cho dù chặng đường sáng tạo nghệ thuật phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thử thách…

        Trên tinh thần ấy, tinh thần nhằm hướng tới việc đi tìm những hướng đi mới, phù hợp với dòng chảy của cuộc sống hôm nay cho nghệ thuật chèo, trong đó có chèo với đề tài hiện đại, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn; Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Uỷ ban Nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Liên hoan Chèo toàn quốc 2019, với sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật cùng 26 vở diễn, cho tất cả các đề tài huyền thoại, dã sử, dân gian, lịch sử, và các vở chèo đề tài hiện đại - nói về con người Việt Nam hiện đại - qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chính cuộc sống hôm nay …

       Trước hết, là vấn đề kịch bản - bởi “có tích mới dịch nên trò”, “có bột mới gột nên hồ”. Kịch bản là bột, để đạo diễn, diễn viên và các thành phần sáng tạo khác mới gột được nên hồ, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh cho người xem. Cùng với sự thành công của các vở diễn với những đề tài đã nói ở trên, thì giữa ngổn ngang những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, các tác giả đã đề cập tới nhiếu vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, những con người tử tế, trung thực, đi tiên phong chống tiêu cực trên nhiều lĩnh vực; về mua bán, chuyển nhượng đất đai; tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc; mua bán chức quyền; quy hoạch kiến trúc, nông thôn, đô thị; những hậu quả chiến tranh của chất độc màu da cam, tình yêu và hình ảnh người lính - anh bộ đội Cụ Hồ - từ thời chống Pháp, chống Mỹ… Chính từ việc phản ánh hiện thực vô cùng phong phú, chính từ những nhân vật hết sức gần gũi, sinh động, đa dạng của các vở chèo đề tài hiện đại; cùng với vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, hoành tráng của các vở chèo lịch sử, dã sử, huyền thoại, cổ tích, dân gian… đã thực sự cuốn hút khán giả thành phố Bắc Giang trong suốt hai tuần lễ Liên hoan, trong đó có khá đông các khán giả trẻ. Điều này chứng minh cho một sự thật hiển nhiên - công chúng không bao giờ quay lưng lại với nghệ thuật sân khấu, trong đó có chèo - nếu các nghệ sĩ luôn biết vượt lên để nâng cao chất lượng nghệ thuật của chính mình! Tuy nhiên, sau Liên hoan, dư luận chung vẫn cho rằng, ngoài sự thành công của các vở diễn dân gian, truyền thống, lịch sử, thì với đề tài hiện đại, vẫn còn không ít hình tượng mờ nhạt, nghiêng về sinh hoạt đời thường, mà không tạo dựng được các nhân vật tiêu biểu cho công cuộc đổi mới của đất nước, nhất là hình ảnh người nông dân hôm nay, do đó chưa tạo ra những đỉnh cao về kịch bản chèo hiện đại…

        Nghệ thuật sân khấu nói chung, trong đó có chèo, là mối tổng hòa các thành phần sáng tạo, từ kịch bản, đạo diễn đến mỹ thuật, âm nhạc, múa để người diễn viên sáng tạo những vai diễn bất tử của mình. Tại Liên hoan này, các đạo diễn đã tìm tòi, sáng tạo những mảng miếng, lớp trò, cũng như thủ pháp xử lý không gian nghiêm túc đầy hiệu quả thẩm mỹ, mang tính chuyên nghiệp cao, nhưng còn ít những vở diễn độc đáo, có tính đột phá, tìm tòi về nghệ thuật, nên không thật sự thuyết phục được khán giả, cũng như những người làm nghề. Với khâu thiết kế mỹ thuật sân khấu, chúng ta buồn nhiều hơn vui, lo nhiều hơn mừng, vì không ít vở diễn đã đưa đầy lên sân khấu bục bệ, phông cảnh (mềm và cứng), lối vẻ tả thực quá chi tiết, rườm rà, rối rắm, vừa không tạo ra được không gian diễn xuất cho diễn viên, vừa đi ngược lại những nguyên lý cơ bản của nghệ thuật chèo là tả ý, tả thần, là chất tự sự, trữ tình, là cách điệu, ước lệ, tượng trưng, gợi tả; chứ không phải là bê nguyên xi những khung cảnh hiện thực ngoài đời để đưa lên sân khấu một cách cồng kềnh, nặng nề và hết sức tốn kém về kinh tế. Ngay cả phần thiết kế trang phục cho các nhân vật, thiết kế ánh sáng vở diễn, cũng chưa có những tìm tòi, sáng tạo đáng kể: phục trang còn lệ thuộc vào hiện thực đời sống, thiếu cách điệu nên còn nghèo nàn, khô cứng, đơn điệu về màu sắc, kiểu dáng; ánh sáng thì lạm dụng quá nhiều màu sắc, nên loè loẹt, việc sử dụng phun khói quá nhiều nhưng lại không tạo được hiệu quả thẩm mỹ cho diễn xuất của nhân vật…   

       Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 đã khép lại thành công tốt đẹp, với  nhiều giải thưởng, huy chương cho diễn viên; tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa… và các vở diễn.. Có hoa tươi với những nụ cười, có nỗi buồn và những giọt nước mắt. Đó cũng là lẽ thường tình sau một cuộc thi tài. Những thu hoạch về học thuật… chắc chắn, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm một cách khoa học, kịp thời và hiệu quả. Nhưng niềm vui to lớn nhất của các nghệ sĩ chèo chính là ngọn lửa sáng tạo vẫn mãi mãi cháy lên không bao giờ tắt, niềm vui lao động nghệ thuật được nhân lên không bao giờ biết mệt mỏi, để mang lại niềm vui cho nhân dân, cho cuộc sống; để giữ lấy hồn cốt dân tộc và vinh danh nghề nghiệp cao qúy “Thanh, sắc, thục - tinh, khí, thần” đẹp mãi cùng thời gian!  

   Nguồn Văn nghệ số 47/2019  

 


Có thể bạn quan tâm