April 24, 2024, 7:01 am

Lên bảo tàng Đông Đình, thưởng thức tô mỳ Quảng Đệ Nhất Phú Chiêm

 

Có bạn bè quý nào từ xa xôi về, tôi và anh em văn nghệ, báo chí Đà Nẵng thường “ chiêu đãi” món biển - rừng  đặc sản của thiên nhiên, đưa lên bán đảo Sơn Trà ngắm rừng nguyên sinh quốc gia nơi có nữ hoàng linh trưởng voọc chà vá chân nâu, hoa mộc tiên ( thàn làn tím) và ngắm biển xanh ngắt từ trên độ cao của đỉnh “Sơn Trà chiều chiều mây phủ”, hay chùa Linh Ứng Bãi Bụt có tượng Quán Thế Âm cao ngất nổi tiếng linh thiêng...

 

Một góc bảo tàng Đồng Đình

Cứ thế, hết quần thể cây đa gần ngàn năm tuổi đến Bàn Cờ Tiên, Suối Đá, Bảo tàng Tre Trúc Sơn Trà Tịnh Viên ( của Thầy Phúc), Bảo tàng Đồng Đình... để giải phóng tầm nhìn, mở mang, làm no con mắt.

Để no cái bụng, ngon cái bụng, thì biển Đà Nẵng không thiếu các loại cá, tôm, mực: nướng, hấp, kho, chiên, lẩu đặc sản. Vậy mà, trên Bảo tàng Đồng Đình dưới chân chùa Linh Ứng Bãi Bụt, vào ngày cuối tuần có thêm một đặc sản ngon “nhức nách”: Đệ nhất tinh hoa mỳ Quảng Phú Chiêm của nghệ nhân Trần Thị Thời 72 tuổi, có thâm niên mỳ gánh hơn 60 năm cuộc đời.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam với gian hàng bà của  Trần Thị Thời - Đệ nhất mỳ Quảng Phú Chiêm, do nhà thơ Lê Anh Dũng làm trưởng BTC Ngày hội mỳ Quảng năm 2022 lần thứ Nhất.

Mỳ Quảng từ xứ Quảng thiên di khắp nơi ở Quảng Nam- Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, rồi các tỉnh miền Nam, nhất là ở ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình có đông người Quảng xa xứ định cư làm ăn lâu dài với vùng đất mở ( Thành phố Hồ Chí Minh). Nhưng mỳ Quảng Phú Chiêm ở làng Thanh Chiêm ( Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) thì ngon có tiếng từ mấy tram năm trước, từ khi có Dinh trấn Thanh Chiêm ( 1802). Trong Ngày hội mỳ Quảng của làng Thanh Chiêm, qua thi tuyển riết róng từ gần 100 hộ dân, nghệ nhân, Ban tổ chức đã chọn ra gần 20 gánh mỳ và qua chấm giải của các giám khảo có tên tuổi từ Hiệp hội ẩm thực Đà Nẵng, giảng viên ẩm thực Trường dạy nghề Việt-Hàn, nhất là Á quân Master Chef Tuyết Phạm mùa Ba, năm 2015, nhà nghiên cứu mỳ Quảng Lê Minh Dương, cùng với phiếu bầu của thực khách đã chọn ra tô mỳ  Đệ nhất tinh hoa mỳ Quảng Phú Chiêm năm 2022,lần thứ Nhất: Nghệ nhân Trần Thị Thời.

Ngồi ở Bảo tàng Đồng Đình ( vốn của nhà thơ, đạo diễn Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Đoàn Huy Giao) của một doanh nhân sưu tầm cả trăm loại rượu, cả trăm loại trà, các loại đèn bóng của Bát Tràng, có chiếc trống cổ của đồng bào dân tộc bằng da voi..., ngắm khỉ nhảy chuyền giỡn với du khách trên cây, ngắm cá bơi ở các hồ dưới nước, thăm các cổ vật độc bản của rừng, của biển từ các nơi tụ về, nhìn qua khúc quanh hình móng ngựa thấy biển mênh mông ...thấy cuộc sống thuận hòa với thiên nhiên thêm ý nghĩa.

Bảo tàng Đồng Đình nằm khuất bên trong con đường nhựa như một kẻ sĩ ở ẩn trong ngôi rừng cổ tích. Nó e ấp hấp dẫn khi có người tri âm tự tìm đến kết giao. Bỗng dưng từ dưới nhà sàn phía sau xộc vào mũi mùi thơm của củ hành hương đập dập hơ than củi, mùi dầu phộng khử nén đã đánh thức khứu giác, vị giác và bao nhiêu ký ức gia đình, đồng quê, làng quê xứ Quảng. Bỗng dưng nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ những bữa ăn đầm ấm, thâm tình của gia đình, người thân. Và cảm giác thèm ăn tô mỳ Quảng đệ nhất Phú Chiêm của nghệ nhân Trần Thị Thời đến nôn nao.

Tại Bảo tàng Đồng Đình, những bức ảnh mỳ Quảng dự thi đoạt giải, những bài báo đăng về Tinh hoa mỳ Quảng Phú Chiêm được treo, trưng bày góc hội quán cà phê xanh, mát bóng cây, bóng nước nhìn ra biển. Vợ chồng Đệ nhất danh mỳ Phú Chiêm Trần Thị Thời- Trần Văn Vân được “ thỉnh” ra không gian sinh thái nhuốm màu cổ tích này trổ nghề nấu mỳ Quảng đãi cho thực khách. Tô mỳ của bà Thời hôm nay có cảm giác đẹp, thơm và ngon hơn mọi ngày, vì được ăn trên nhà sàn bên suối của Bảo tàng Đồng Đình, vì mỳ được để trên cái mẹt tre làng thân thương, rau sống nõn các loại có búp chuối non cuộn tròn đặt gọn trong bẹ của búp chuối. Bát mỳ có con mỳ mềm, dày mà dai, nhân xăm xắp thơm nhưn nhức bởi thịt heo ba chỉ, tôm sông đã kho rim cùng các loại gia vị, lại thêm gạch cua đồng quyện nổi  đậm đà. Tô mỳ bật lên với các vị chua, cay, mặn ngọt, béo, bùi, giòn và gam màu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, hồng...

Bà Thời ngồi trên nhà sàn dưới, chiếc lưng gù và gương mặt hiền hậu có dấu vết của bếp lửa ám khói thời gian như rất hạnh phúc khi múc như chan mỳ, rồi bỏ thêm mấy miếng bánh tráng nướng giòn trên tô. Ông Vân, chồng bà Thời phụ cời thêm củi lửa, bưng bê tô mỳ lên nhà sàn trên mời khách. Hai tay nâng tô mỳ thơm bốc khói, anh Đoàn Ngọc Hồng một du khách đến từ Hải Phòng xuýt xoa: “Hải Phòng kết nghĩa với Đà Nẵng, tôi đã đi ăn mỳ Quảng nhiều quán ở Quảng Nam- Đà Nẵng, nhưng tô mỳ của bà Thời ngon không cưỡng được, bởi vị nước nhưn đặc biệt thơm, ngon, đậm đà; nghe cái mùi thơm mặn mà của nó nước bọt đã tứa trên đầu lưỡi.” “Mần” liền hai tô mỳ cho đã thèm, anh Nguyễn Văn Trung, giám đốc Công ty Xây dựng Vinaconex 25 vỗ bụng: Tui đã no cái bụng, nhưng con mắt vẫn còn đói đây. Không dễ chi được “ thỉnh” tô mỳ Quảng Đệ nhất Phú Chiêm.

 

Du khách thưởng thức tô mỳ Quảng đề nhất Phú Chiêm

Có việc bận lên sau, nhà thơ Nguyễn Văn Long ( báo Công an nhân dân), nhà báo Đỗ Hùng ( báo Ngân hàng) gọi điện rối rít: “Xe đang chạy lên đây. Làm ơn để phần cho bọn tui hai tô mỳ bà Thời nghe”, Không kịp chào hỏi, hai vị bươn bả lên nếp nhà sàn trên con suối nhỏ, sà xuống ăn mỳ lia lịa. Nhà thơ Long lua một hơi hết bát mỳ, miệng liếm mép thòm thèm. Còn nhà báo Hùng có vẻ nghệ sĩ hơn nhấm nháp từng con mỳ, gật gù: Ông bà mình nói “ No mất ngon, giận mất khôn”, “ Mỳ ngon nửa tô, thuốc ngon nửa điếu”, tui xin ăn nửa tô mỳ để còn nhỉ dãi, để còn nhớ thương chứ!

Nhìn cặp tình nhân trẻ đẩy đưa mời mọc tô mỳ Quảng “Tinh hoa đệ nhất”  cuối cùng, ngẫu hứng, nhà thơ Hoa Cẩm Chướng “ đế” thêm: Ta ăn chung nửa tô mỳ. Nửa tô còn lại thầm thì trao nhau

Ôm cái lưng gù của bà Thời, thầy Trương Minh Phụng, giảng viên ẩm thực Trường dạy nghề Việt-Hàn nói với tôi: Em nhìn bà Thời say mê, chăm chuốt từng động tác chế biến mỳ, thấy cái lưng gù của bà cong dưới đòn gánh, rồi bưng tô mỳ lên ăn, em chảy nước mắt, vì cảm thương bà Thời, nhớ mẹ, nhớ ngoại của mình từng gánh gồng mỳ đi bán đường xa, vì nó ngon thơm quyện cả hiện tại và ký ức để bao nhiêu kỷ niệm tràn về. Tô mỳ Đệ nhất Phú Chiêm của bà Thời sẽ nâng lên thành món ăn đặc sản thượng hàng với công thức của bà truyền trao qua nghệ thuật sắp đặt, tinh chọn của các nhà bếp lành nghề phục vụ thực khách quốc tế. Mỳ Quảng Phú Chiêm sẽ trở thành ẩm thực văn hóa phi vật thể của quốc gia, tại sao không?

Ca dao nói “Gánh cực mà đổ lên non”, bà Thời thì gánh cái ngon lên rừng quốc gia Sơn Trà cho thực khách thưởng thức. Đằng sau gánh mỳ, tô mỳ Phú Chiêm Đệ nhất của bà Thời có bóng dáng ông Vân, chồng bà tận tụy, tần tảo sớm khuya. Ngước cái nhìn trìu trĩu thương yêu nhìn chồng, bà Thời bộc bạch: Tui với ổng cùng tuổi Tỵ. Thiên hạ nói “Vợ chồng cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”, sao vợ chồng tui cơ cực miết từ nhỏ đến chừ. Nhưng cái vui là gia đình con cái thương yêu đùm bọc nhau, hồi mô đến chừ qua tô mỳ cũng sống qua ngày, không nợ nần chi ai.

Tôi bưng tô mỳ của bà Thời lên, mở to cả mắt, dỏng cả tai, nở cả mũi ra hít hà, chợt đưa đôi đũa ngang miệng, bỗng  thấy lòng cay cay nghèn nghẹn. Nhìn cặp lưng gù của hai ông bà Thời-Vân, nhìn đôi gánh cũ kỹ, già nua trong khói bếp đườm đượm rưng rưng, tôi thấy hương vị tinh hoa mỳ Phú Chiêm bay lên, thăng hoa cùng với chiếc Cúp giải Nhất là hình dáng tô mỳ làm tại Bát Tràng với tiếng vỗ tay vang dội cùng hàng chục khán giả ùa lên tặng hoa mừng cho Đệ nhất nghệ nhân mỳ gánh- mỳ Quảng Phú Chiêm Trần Thị Thời.

Vâng, đời gánh đời người, đôi gióng oằn xuống, đôi vai hõm sâu và cái lưng bà Thời gù xuống để Tinh hoa mỳ Quảng Phú Chiêm bay lên, thăng hoa cùng với thương hiệu xứ Quảng.

                        Chủ nhật, 26.8.2022


Có thể bạn quan tâm