April 20, 2024, 1:19 am

Lê Quang Trang và những trang viết về lý luận phê bình

(

Sau khi học xong khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội và dự một lớp viết văn do nhà văn Nguyên Hồng làm Giám đốc, Lê Quang Trang và các bạn cùng đi vượt Trường Sơn vào chiến khu Nam bộ, công tác ở Ban tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam. Ấy thế mà đã qua 50 năm...

Những trang viết này đã được tích lũy trong khoảng 50 năm ấy, kinh qua công tác, sống, tham gia viết văn làm. Chừng ấy sự tích lũy, va chạm, suy ngẫm…đã cho anh những trang viết này.

Nhà văn Lê Quang Trang

Trước hết, nói về những trang lý luận. Đây là những suy ngẫm về những vấn đề của nền văn học nghệ thuật hiện thời, những vấn đề nóng và bức thiết, theo cách nhìn của tác giả. Phải có một tầm nhìn, sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm đối với sự nghiệp văn nghệ và cách diễn đạt nhuần nhị để viết được những trang này. Lê Quang Trang không viết lý luận thuần túy; đây là lý luận thực hành. Từ những diễn biến phong phú, phức tạp của hoạt động văn nghệ, tác giả lọc ra một số vấn đề đáng bàn, đáng quan tâm và có ý kiến. Ngoài những bàn luận về chính chủ đề được đặt ra, tác giả còn nêu lên những nhận xét chung về tình hình. Điều này là cần thiết.

Về tình hình lý luận phê bình hiện nay, tác giả nhận xét: “...tình hình văn học nghệ thuật hiện nay có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Không những đỉnh cao không xuất hiện mà ngay cả các tác phẩm vượt mức trung bình cũng ngày càng thưa thớt…” (trang 13). Không những sáng tác có dấu hiệu sụt giảm đáng lo ngại mà lý luận phê bình văn nghệ cũng sụt giảm theo. Vì sao vậy?

Không khó để bàn về nguyên nhân của sự đi xuống đó, từ cảm hứng chủ đạo của văn nghệ hiện nay trong bối cảnh thị trường cho đến khâu tổ chức chỉ đạo: “Việc bố trí nhân sự lãnh đạo văn hóa văn học nghệ thuật nhiều khi thiếu chuyên môn sâu cần thiết nên cũng có những vướng mắt nhất định, dẫn đến mối quan hệ giữa người lãnh đạo và nghệ sĩ thiếu sự thắm thiết, tạo sự khích lệ sáng tạo tình nguyện (trang 14). “Thứ hai là lúng túng trong phương thức lãnh đạo, quản lý, từ đó chưa tạo được cách thức phù hợp nhất trong đầu tư chăm lo”. “Thứ ba là tư duy nhiệm kỳ... (trang 18).

Qua những trang viết này, tác giả chứng tỏ tầm nhìn bao quát tình hình, một tầm nhìn không dễ có nếu không có nhiệt huyết và trách nhiệm. Vẻ ngoài điềm tĩnh, nhẹ nhàng tuy không bàng quan, tác giả dường như vẫn còn thiếu đi một chút sắc bén để lây lan sang người đọc một năng lượng tích cực hơn.

Phần chân dung (phê bình văn học) chiếm tới gần 200 trang, một nửa cuốn sách, là phần đặc sắc và tâm huyết nhất của tác giả. Cái đáng quý nhất là những trang này được viết với sự trải nghiệm, tích lũy từ những ấn tượng do tiếp xúc trực tiếp, sống với nhân vật. Họ là những người đồng thời với tác giả, cũng tham gia công cuộc chống Mỹ cứu nước và sau đó tiếp tục viết, gánh vác trách nhiệm xã hội. Tính theo tuổi tác, đó là Chế Lan Viên (1920-1989). Ông đã di dời từ Hà Nội vào Tân Bình - Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục sáng tác ở đó cho đến khi từ giã cuộc đời. Tiếp đó là Nguyễn Văn Bổng, Lý Văn Sâm... Kể ra, nếu lấy lý lịch sáng tác ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, miền Nam thì còn có thể phải viết thêm về Bảo Định Giang, Nguyễn Chí Trung... Bảo Định Giang vừa sáng tác vừa quản lý đã để lại những dấu ấn đáng nhớ. Nguyễn Chí Trung sáng tác Bức thư Làng Mực, Tiếng khóc của nàng Út, đáng ghi nhận. Nhưng đáng ghi nhận nhất là cuộc đời chống Pháp, chống Mỹ, chống Pol Pot của anh, một cuộc đời lính kiên trung báo quốc.

Qua những bức chân dung văn học, tác giả làm ta yêu mến thêm các tác giả và tác phẩm. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng của phê bình văn học. Lê Quang Trang độc đáo ngay từ cách đặt đầu đề, sau đó dẫn dắt ta đi vào thế giới nghệ thuật của các tác giả tác phẩm. Đó là một thế giới thân quen, cuốn hút đối với tác giả vì những năm tháng sống, chiến đấu, sáng tác của họ cũng chính là của tác giả. Ở đây có một cuộc hẹn hò tuyệt đẹp giữa người vẽ chân dung phê bình và các nhà văn. Đây là một lợi thế lớn lao, một thuận lợi của ngòi bút phê bình. Và chính Lê Quang Trang cũng trở thành nhà văn qua các chân dung này.

Một yêu cầu không thể thiếu là các bức chân dung tuy có những nét phổ quát của một thời đại, phải bật lên được những cá tính sáng tạo nghệ thuật. Tác giả đã hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ này để người đọc có thể thích thú, say sưa đọc một hơi những chân dung này. Trong phê bình, Lê Quang Trang thiên về cổ vũ, động viên dù lúc này mọi cái đã lắng lại, ta có thể bình tĩnh nhìn mọi việc từ nhiều chiều. Biểu dương, ca ngợi văn hóa văn nghệ thời kháng chiến cách mạng, với những con người ở thế hệ vàng này là trách nhiệm lương tâm nhưng không nên một chiều bỏ qua những hạn chế, dù là phải giải thích từ hoàn cảnh, từ hạn chế tất yếu. Có thế mới thuyết phục ngươi đọc hơn.

Dù sao trước tiên phải ghi nhận ở đây tấm lòng trong cuộc của ngòi bút Lê Quang Trang - nhà phê bình cách mạng. Nội việc đọc chừng ấy tác giả tác phẩm rồi rút ra được tiến trình sáng tác, đặc điểm sáng tác của từng người là một việc khổ công. Viết ra được thành văn chương hấp dẫn được bạn đọc cũng không dễ…Phải có một ngòi bút đã được luyện nhiều qua những trang văn báo chí, văn nghệ ngần ấy năm từ tuổi 20 đến tuổi 70 mới làm được.

Trong tình hình văn đàn hình như đang thiếu vắng những tiếng nói chính trực, hiểu biết, những bề sâu từ trong bếp núc của sáng tác văn học, có trách nhiệm cao với văn nghệ và với cuộc sống, Lê Quang Trang là một cây bút quý hiếm...

Giữa mùa dịch Covid-19

Nguồn Văn nghệ số 37/2021


Có thể bạn quan tâm