April 20, 2024, 7:05 am

Lê Lợi mài gươm, một sáng tạo về phương thức biểu hiện

Đọc Lê Lợi mài gươm trường ca của Nguyễn Minh Khiêm, Nxb Hội Nhà văn, 2020

Lê Lợi mài gươm là trường ca thứ tư của Nguyễn Minh Khiêm sau các trường ca Bầu trời màu hoa gạo (2015), Ba mươi tháng Tư (2017), Hát nơi cửa sóng (2018). Ngoài ra ông còn là tác giả của 2 tập truyện, 2 tập kí, 1 tiểu thuyết và 14 tập thơ.

Ngay từ tên gọi Lê Lợi mài gươm đã gợi lên màu sắc anh hùng ca, sử thi về một nhân vật lịch sử, một anh hùng dân tộc đã trở thành huyền thoại. Trường ca được chia làm 5 chương, xuyên suốt là hình ảnh Lê Lợi trong quá trình phát động và tổ chức dấy binh khởi nghĩa chống quân xâm lược. Đồng thời là hình ảnh nghĩa quân Lam Sơn đi theo cờ nghĩa đánh giặc cứu nước, tạo nên chất bi hùng, chất sử thi.

Chương 1: Sấm động rừng Lam: Mở đầu, tác giả gây ấn tượng bằng những lời tố cáo đanh thép trước những tội ác của giặc Minh: Lại một người đàn ông nữa bị cung hình/ Một người nữa bị đem ra mổ bụng/ Một đứa trẻ bị ném vào chuồng cọp/ Một phụ nữ bị bắt làm trò ô nhục/ Một quan nhà Hồ bị ngựa kéo lê thây/ Một nhà sư bị đốt chẳng ghê tay/ Một nhà nho bị lôi ra xử trảm!

Lời thơ tự nhiên, bút pháp tự sự, liệt kê, sử dụng điệp từ “Một…” ở đầu mỗi câu thơ vừa diễn tả tội ác dồn dập liên tiếp của kẻ thù vừa tố cáo gay gắt những hành động dã man của chúng đối với mọi tầng lớp nhân dân ta… Trước cảnh nước mất nhà tan, dân chúng lầm than cực khổ, Lê Lợi Bao nhiêu đêm/ không chợp mắt/ Lòng như than lửa/ Nuốt cơm sỏi cát/ Uống nước như uống tóc/ Lang thang trong rừng/ Lang thang khe suối…

Chương 2: Lê Lợi mài gươm: Không dựa vào huyền thoại. Tác giả khắc họa một hình ảnh Lê Lợi trong đêm ngồi mài gươm: Đầu chít khăn/ Lưng thắt dây rừng/ Chân đi giầy cỏ/ Rừng Lam hoang dã/ Sóng sông Lường vạc đá/ Tiếng gươm siết vào ánh trăng/ Trong ông vọng lên tiếng rú/ Đau nhói và nhức buốt. Hình ảnh Lê Lợi vừa chân thực, sống động vừa phù hợp với tâm hồn và cốt cách của ông. Tiếng gươm siết vào ánh trăng là một sự sáng tạo nghệ thuật, hàm chứa một nội dung thật mới mẻ, sâu sắc… Tiếng gươm như xé vào không gian, xé toang màn đêm u ám để tạo nên những quầng sáng lịch sử

Lê Lợi mài gươm mà Mồ hôi đẫm lưng/ Mồ hôi đẫm khăn/ Mồ hôi tưới lưỡi gươm rực đỏ/ Ông khoát nước sông để giấu đi ngọn lửa/ Đang bùng lên trong trái tim mình… Lê Lợi mài gươm cùng Bao nhiêu đời Đại Việt mài gươm/… Chưa một ngày được giắt vào bao/ Chưa một ngày nằm yên trên vách/ Không phải để chiến tranh/ Chỉ để sống hòa bình…

Lê Lợi xuất hiện như một tất yếu lịch sử. Lòng yêu nước, hồn thiêng sông núi được kết tụ trong một con người cụ thể, đặt lên vai ông trách nhiệm thiêng liêng, cao cả :… Gươm này sẽ hóa lửa thiêng/ Chặt nghiêng sông suối, chém nghiêng núi rừng/ Muôn phương bện lại thành thừng/ Cỏ rơm lại hóa sóng lừng sục sôi.

Chương 3: Bên bếp lửa nhà sàn

Mài gươm nuôi chí đánh giặc. Nhưng làm sao để có sự đồng cảm, chia sẻ và ủng hộ để mọi người cùng đồng lòng đứng lên đánh giặc cứu nước? Đó là những trăn trở của Lê Lợi đã nhiều đêm: Trầm ngâm bên bếp lửa/ Hăn hắt lạnh Đông Ken/ Thung Lam khuya lặng phắc/ Người suy tính việc dựng cờ đại nghĩa… Bên bếp lửa, Lê Lợi chợt nhận ra rằng một cây củi to cũng không làm nên ngọn lửa thiêng, một người không thể vang dậy sông núi… Làm sao để bếp lửa cháy thành đuốc lớn?

Bên bếp lửa nhà sàn bước đầu đã hội tụ được những người cùng chí hướng… Cuối chương 3 là những hình ảnh đẹp trong các mối quan hệ giữa Lê Lợi với các chư huynh, giữa con người hiện tại với tổ tiên, trời đất: Một lạy này xin cám ơn trời đất…/ Những chóe rượu cần được gọi mở ra/ Bếp lửa nhà sàn được chất thêm nhiều củi/ Lửa hồng lên như trái tim rừng núi/ Tiếng cồng chiêng đồng vọng thung sâu.

Chương 4: Bàn thề Lũng Nhai: Gươm giáo đã mài, lòng người đã quyết, lịch sử đã trao cho rừng Lam sứ mệnh Hành đạo thay trời: Anh hùng tụ nghĩa, mười tám người về đây/ Bàn thề đặt giữa thung Mây/ Cùng nhau cắt máu ngón tay ăn thề!

Mười tám người như mười tám ngọn lửa, mười tám ngôi sao, mười tám cánh buồm… cùng một niềm tin như mười tám con khe đổ về một suối, mười tám con suối đổ về một sông, mười tám dòng sông đổ về một biển. Cách diễn đạt về sức mạnh của sự đoàn kết của tác giả thật giản dị vừa sâu sắc, phù hợp với cách cảm cách nghĩ của người dân tộc thiểu số.

Hội thề Lũng Nhai như hội nghị non sông, hội nghị Diên Hồng đời Trần trước vận mệnh sống còn của dân tộc, như một thông điệp gửi đến toàn dân lời kêu gọi cứu nước, và cũng là lời cảnh báo kẻ thù xâm lược.

Chương 5: Cờ nghĩa: Cờ nghĩa dấy lên, những hảo hán, trượng nghĩa muôn nơi tìm về. Người tặng ngựa, trâu, lợn, gà, vải vóc, vàng bạc, sắt thép, tên nỏ, rìu rựa… Nhịp thơ nhanh, mạnh. Câu thơ hai chữ, ba chữ Lũ lượt/ Lũ lượt/ Làng thấp/ Mường cao/ Luồn rừng tới/ Băng đèo tới/ Vượt sông tới/ Người nói tiếng Kinh/ Người nói tiếng Mường, tiếng Tày, tiếng Thổ, tiếng Thái, tiếng Mèo, tiếng Dao, tiếng Rợ.../ Âm vang giọng nói của trăm miền… Tất cả đều khắc sâu hình ảnh và không khí của ngày hội tụ nghĩa, ngày hội ra quân đánh giặc…

*

Đã có khá nhiều tác phẩm, nhiều công trình nghiên cứu về Lê Lợi và Khởi nghĩa Lam Sơn ở những góc độ khác nhau. Tuy nhiên, Trường ca Lê Lợi mài gươm của Nguyễn Minh Khiêm là một sáng tạo về phương thức biểu hiện. Chất sử thi của Trường ca được tạo nên bởi cốt lõi lịch sử của nhân vật và sự kiện diễn ra cách đây 600 năm, được kể thông qua các đoạn thơ, các chương có kết hợp của yếu tố tự sự, trữ tình và lời bình của tác giả càng làm cho không khí sử thi thêm đậm nét. Trường ca Lê Lợi mài gươm được viết bằng thể thơ tự do xen lẫn thơ lục bát để chuyển tải những nội dung phù hợp, vừa như khơi đậy những trầm tích lịch sử vừa như một diễn ca lịch sử. Việc sử dụng ngôn ngữ cũng rất linh hoạt: khi là ngôn ngữ người kể chuyện, khi là ngôn ngữ nhân vật, khi là ngôn ngữ của tác giả... Tất cả được kết nối, hài hòa trong lời ăn tiếng nói mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc xứ Thanh. Các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, tượng trưng, phóng đại… được vận dụng linh hoạt trong những cảnh huống cụ thể để phát huy tối đa sức mạnh chuyển nghĩa tu từ học của tiếng mẹ đẻ.

Có một điều quan trọng nữa là vốn sống. Vốn sống ở đây là kiến thức về lịch sử, về văn hóa bản địa, phong tục tập quán, tâm lí tín ngưỡng, thiên nhiên và con người… Nguyễn Minh Khiêm đã hoàn thiện mình, hoàn thiện trường ca này bằng cái “phông” văn hóa rộng lớn.

Nguồn Văn nghệ số 34/2020


Có thể bạn quan tâm