April 20, 2024, 2:25 pm

Lễ hội, lợi ít hại nhiều

Đất nước mình gần đây lắm “phong trào”: Từ “phong trào” xây dựng trung tâm hành chính, quy hoạch khu vui chơi giải trí, xây dựng tượng đài hoành tráng… đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng! Rất may là do dư luận phản ứng dữ dội, các “phong trào” ấy đã dần dần trôi vào im lặng. Gần đây lại thấy bùng nổ “phong trào” lễ hội. (Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới những lễ hội mới!). Có thể nói là tỉnh tỉnh lễ hội, huyện huyện lễ hội: nào là lễ hội hoa phượng đỏ, lễ hội hoa ban, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội pháo hoa… Rồi lễ hội mở đầu mùa du lịch ở Sầm Sơn, Cửa Lò, ở Sa Pa v.v… với đủ loại hình thức: Festival, Carnaval… Thống kê chưa đầy đủ, nhưng có lẽ phải đến ½ tỉnh, thành phố có các lễ hội hoành tráng, thu hút hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên! Và tất nhiên là cũng tiêu tốn kha khá tiền của... Lễ hội Carnaval Hạ Long năm vừa rồi quy tụ 11 đoàn nghệ thuật đến từ các nước Á, Âu, Mỹ. Festival Huế có năm quy tụ tới mấy chục đoàn nghệ thuật đến từ khắp năm châu. Tất nhiên họ đến biểu diễn thì nước chủ nhà phải lo phương tiện ăn ở, đi lại… cho họ…

Công bằng mà nói, có những lễ hội không phải là không hấp dẫn du khách, như: lễ hội Carnaval Hạ Long, Festival Huế, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng… Nhưng có nhất thiết năm nào cũng tổ chức (như lễ hội Carnaval Hạ Long), hai năm tổ chức một lần (Festival Huế), hoặc kéo dài tới 2 tháng (như lễ hội pháo hoa Đà Nẵng). Tất cả các lễ hội này đều được giải thích là để quảng bá hình ảnh của địa phương, để thu hút khách du lịch… nhưng hiệu quả như thế nào thì không mấy địa phương công bố một cách minh bạch. Các lễ hội này thường được tổ chức rất tốn kém, nhưng hiệu quả thu được chẳng là bao. Khách trong nước thì quá biết địa phương nào có thế mạnh, thế yếu gì, thu hút mình vì lẽ gì. Còn khách quốc tế ư, liệu có ai xem các chương trình truyền hình trực tiếp lễ khai mạc các lễ hội mọc lên “như nấm sau mưa” ở các địa phương, hay vẫn chỉ là “mẹ hát con khen hay”. Có lẽ không có quốc gia nào có nhiều lễ hội mới như nước ta. Có hôm mở truyền hình tất cả các kênh sóng đều truyền hình trực tiếp các lễ hội. Thái Lan đâu có nhiều lễ hội như ta, mà họ thu hút khách du lịch đến vậy. Tất cả khách du lịch nước ta sang Thái Lan, khi trở về đều đánh giá: cảnh quan của họ thua kém xa ta.

Hàng năm 2017 Việt Nam đón hàng chục triệu khách quốc tế. Song theo thống kê của các cơ quan chuyên môn thì chỉ chưa đầy 20% khách muốn quay trở lại. Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu là du lịch trải nghiệm. Nước ta có nhiều cảnh quan đẹp, môi trường thiên nhiên kỳ thú, các phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa độc đáo, khác lạ. Nhưng chúng ta rất ít chú ý mở mang, bồi đắp những tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch vô giá này, mà chỉ muốn xài, cho nó đến cùng kiệt (cũng như sự phát triển kinh tế những năm vừa qua chủ yếu là bán tài nguyên và sức lao động quá rẻ, nên giá trị gia tăng thấp). Do vậy mà các tua du lịch của ta thường đơn điệu, lặp lại, các sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm lưu niệm nói riêng còn nghèo nàn (phổ biến là cái nón, chiếc quạt giấy…), khiến khách du lịch đến một lần là không còn gì để trải nghiệm nữa. Trở lại các lễ hội được tổ chức ồ ạt, vừa lãng phí vừa kém hiệu quả, chắc chắn không ít lãnh đạo địa phương sẽ biện minh, chống chế rằng: họ không sử dụng ngân sách địa phương, mà huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Xin thưa rằng từ nguồn nào thì cũng là cơm áo gạo tiền, là mồ hôi của cải của nhân dân, nếu sử dụng không hiệu quả là có tội.

Nói đi cũng phải nói lại: Không phải những lễ hội như: Festival Huế, pháo hoa Đà Nẵng… không có tác dụng, nhưng việc tổ chức quá nhiều, quá dầy (2 năm một lần như Festival Huế), hoặc kéo quá dài đã khiến công chúng bội thực và không còn chú ý đến nữa. Ông cha ta từng tổng kết: “Rượu nhạt uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Thử xem đón nhận của công chúng những đợt Festival Huế đầu tiên, hoặc lễ hội pháo hoa Đà Nẵng những lần đầu và bây giờ thì sẽ thấy rất rõ điều này. Có những lễ hội rất có ý nghĩa như lễ hội kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, lập nên nước Đại Cồ Việt, nhưng kéo dài tới hơn một tháng (2018) khiến công chúng không còn háo hức nữa. Gần đây lễ hội Chùa Thày (thường được tổ chức vào 3 ngày đầu tháng 3 Âm lịch) đã được (hay bị) một quan chức của huyện sở tại tuyên bố rằng: sang năm lễ hội này sẽ được tổ chức từ 1 tháng Giêng tới hết tháng 3 Âm lịch. Quan chức này muốn tận thu tiền của khách thập phương, hay nhầm lẫn giữa việc du khách đi chảy hội, với việc đi vãng cảnh, lễ Phật quanh năm như tập quán từ xa xưa của ông cha…

Buồn cười nhất là một số quan chức của các tỉnh miền núi phía Bắc đã “nhảy xổ” một cách sỗ sàng vào lễ hội chợ Tình có truyền thống lâu đời và rất văn hóa của đồng bào các dân tộc. Chợ Tình được tổ chức ở nhiều vùng miền núi phía Bắc nhưng nổi tiếng nhất là chợ Tình Khau Vai (Hà Giang) được tổ chức duy nhất một ngày trong năm. Đây là ngày hội dành cho những lứa đôi yêu nhau nhưng không lấy được nhau (dưới chế độ cũ chuyện này xảy ra phổ biến). Họ đến chợ tâm tình, trao đổi tình cảm, mừng cho nhau nếu cuộc sống gia đình êm ấm. Có những đôi vợ chồng cùng đi đến chợ tình, để tìm nửa kia đã lạc của mình. Đây là một lễ hội rất văn hóa, nhân văn và tiến bộ. Người ta đến hội nhưng không mua bán gì. Gần đây một số gia đình ở gần địa điểm tổ chức hội đã mở những dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu (ăn, uống…) của người đi hội. Rồi những đôi trai gái đang yêu nhau, hoặc những người còn lẻ bóng cũng đến hội… mong tìm được nửa kia của mình. Thương nhất là có những người đi hội đã năm, sáu mươi năm, nhưng năm nay đến hội không thấy người năm xưa nữa. Có thể họ đã già yếu, hoặc đã mất rồi.

Một lễ hội đẹp như thế, nhân văn như thế, nhưng không ít chính quyền địa phương đã làm cho biến chất: Họ đứng ra tổ chức, cũng khai mạc bế mạc rồi tổ chức các trò chơi, các dịch vụ thu lợi nhuận. Đáng lẽ giúp cho lễ hội diễn ra tốt đẹp thì họ lại làm cho nó chỉ còn là cái vỏ. Vấn đề cơ bản không phải là tổ chức hay không tổ chức lễ hội, mà là ứng xử có văn hóa với các sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân và giúp nó ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

Đại dịch Covid-19 đầu năm nay đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch, và hậu quả sẽ còn kéo dài chưa biết đến khi nào. Khi đại dịch xảy ra, nhiều địa phương đã bỏ (hoặc giãn, hoãn) nhiều lễ hội. Không chỉ có thế, sự lây lan đến thành thảm họa của Covid-19 trên khắp toàn cầu đã gióng lên một tiếng chuông cảnh báo về thái độ ứng xử ích kỷ của con người đối với thiên nhiên, cũng như bộc lộ nhiều điều bất hợp lý trong lối sống, sinh hoạt của cộng đồng ở nhiều nơi, hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi khi dịch bệnh trôi qua. Điều này rất đáng hoan nghênh. Nhưng theo tôi, ngay cả khi không có dịch bệnh, nhiều lễ hội mới cũng nên bỏ (hoặc giãn ra), vì nó “lợi ít hại nhiều”.

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Có thể bạn quan tâm