April 19, 2024, 7:39 am

Lập lờ các giá trị văn hóa


BÙI VIỆT MỸ

Ngày nay, các quan hệ trong đời sống xã hội dường như ngày càng phức tạp. Từ trong nhà ra ngoài phố, ta thường thấy những hành vi ứng xử, những hình ảnh cả ở trạng thái tĩnh và động dễ gây bức xúc, nhưng rồi quen dần, gây cho người ta một thái độ thiếu thiện chí, một trạng thái luôn phải ứng phó. Về cơ bản, dễ thấy nhất là nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, trong khi sự chênh lệch về thu nhập bộc lộ khá rõ; Nhiều việc làm không đem lại thu nhập như mong muốn, sinh ra cảnh người làm lợi dụng, chiếm đoạt tài sản chung vì lợi ích cá nhân. Thường ngày, cảm nhận hàng đầu của chúng ta là cách ứng xử văn hóa. Văn hóa biểu hiện ở tất cả các lĩnh vực. Không cẩn trọng trong ứng xử, các biểu hiện văn hoá của lối sống đã và đang ảnh hưởng lớn đến ý thức cộng đồng  của dân cư. 
Vừa sáng, mở tivi, trên màn hình có một phụ nữ đang ngoáy mông kêu ngứa để anh chàng kia vỗ tay vào. Họ cùng đòi thuốc trị ngứa. Qua VOV giao thông, mỗi buổi, cặp vợ chồng nọ (hình như mới ở quê về Hà Nội) cùng gào lên vài lần: Chồng, chồng, chồng…, vợ, vợ, vợ… nghe khá ghê rợn. Thì ra, họ cần xài loại bồn vệ sinh có mạ vàng cho sánh với giới quý tộc nước Ý. Rồi đến một anh chàng cố tình gây ấn tượng bằng cách cợt nhả với người hàng xóm: “Làm gì mà nước toét tòe loe ra thế này” nhằm để quảng cáo ống nước. Rồi ở đường Nam Cao (Hà Nội) và một số nơi khác, người ta cho treo những tấm pano thật lớn chỉ trưng hình ảnh em bé đóng một cái bỉm vệ sinh, cúi chổng ngược ra đường. Lại nữa, một phụ nữ chúi mũi vào mông em bé nhằm để quảng cáo xà phòng thơm. Vâng, họ đã và đang đóng góp vào diện mạo văn hóa đấy!

Chúng ta cũng biết rằng, hiện còn nhiều các gia đình, ở thành phố thì lo bán mớ rau, con ốc, quả cà… từ nửa đêm mang vào nội đô, nấp ná ven đường, chen lấn bụi bặm; ở các vùng nông thôn, miền núi, thì cha mẹ phải bớt ăn, bớt mặc, chưa đủ nuôi con ăn học. Họ sống, sinh hoạt rất vất vả, ốm đau chưa biết nhờ cậy vào đâu. Vậy mà, ta thường nghe ở VOV, mục “Kết bạn”, chỉ thấy đến 100% số thanh, thiếu niên đều một sở thích là: Đi du lịch, đi chơi, đi mua sắm, nấu ăn, nghe nhạc và xem phim… Liệu chúng ta có biện minh được đấy là sở thích chỉ của những người tham gia trò chơi mà không thể ảnh hưởng đến các bạn khác không. Lại nữa, xem truyền hình, hàng tuần có quá nhiều các cuộc thi hát, nào là Sao mai, Thần tượng, Bài hát Việt, Tài năng Việt, và Bài hát yêu thích… Các chương trình được sao chép từ kịch bản nước ngoài, ít được cải biên nên nhiều khi cả thí sinh lẫn giám khảo rất kệch cỡm, đùa cợt trớ trêu. Ở vài chương trình khác, chọn đáp án đúng, đôi lúc người chơi chỉ cần đoán chừng mò mẫm hay nhờ tìm từ Google, nếu may ra được bảo là đúng, sẽ được “quà”, được hàng chục, vài chục triệu đồng. Lại còn có hẳn chương trình “Đừng để tiền rơi” nữa. Người xem, ngậm cười bởi đa phần, cả cuộc đời họ, dân thôn chân lấm tay bùn, chẳng bao giờ có được số tiền dôi dư nhiều đến như thế. Thật là, việc du nhập các trò chơi còn rất cứng nhắc, có trò chẳng phù hợp với trình độ, mặt bằng đời sống và tập quán văn hoá của dân ta.

Cuốn theo chiều lối ấy là các cổ vũ cho thể thao, đặc biệt là với bóng đá. Nhiều năm qua, các bình luận viên và người hâm mộ đã có bao nhiêu tán dương các cầu thủ, khen đến từng đường bóng “tuyệt chiêu” trên bãi tập rồi trên sân đấu. Từng ví ai đó với Ronando, với Messi, với Beckham… Từng đòi xem anh ta ăn, ngủ, đi lại rồi cả thắc mắc về đội hình thi đấu. Khen huấn luyện viên “ngoại” này, chê trọng tài trận đấu kia. Chúng ta đã khen họ quá lời. Đừng bắt họ “mang vinh quang về cho Tổ quốc”, mà hãy mang cho chính họ và ngành thể thao thôi. Đừng bắt họ phải dốc sức “vì màu cờ, sắc áo” mà bảo họ cần rèn luyện nâng cao đạo đức thể thao, kỹ năng, chiến thuật của mình. Đừng phải “hành trình đi tìm tuổi của Công Phượng” như tìm tuổi vĩ nhân. U18, 19 tức sinh ra trong điều kiện có chứng từ pháp lý đầy đủ, lại còn có bố mẹ của em nữa, việc gì các nhà báo phải vất vả hành trình. Được biết, hiện giờ Công Phượng đã không được chọn vào đội tuyển vì lý do phong độ. Chúng ta đã bao phen chịu bẽ bàng do chính điệp khúc huyễn hoặc, sự tụng ca quá thái của mình. Đấy cũng là hành trang của những người làm công tác văn hóa thời hiện đại vậy.

Tôi có cảm giác như từ các mạng xã hội tự do đến một số kênh thông tin chuyên đề đang tác động lớn đến hướng cảm thụ văn hóa cộng đồng. Những thông tin về được, mất, giàu, nghèo, về sát phạt, giết chóc… đang làm cho người ta nhiễm tính ăn thua, thích chiếm đoạt, thiếu đi sự tôn trọng chung. Từ việc nhỏ lây lan sang việc lớn. Ví như hình ảnh của một cung đường ngoại ô buổi sáng. Thật hỗn tạp, xe máy (đôi khi cả ô tô) chen nhau tràn lên vỉa hè; Các công trình xây dựng nhà ở cao tầng cũng “tràn ra” vỉa hè, lấy hè đường làm thềm nhà, nút chặt con đường mới. Các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đang hoạch định tầm nhìn cho đến năm 20, năm 50 ngay dưới những chân ruộng đã trở nên hoang hóa hàng chục năm trời để chờ xây chung cư, mời gọi cư dân nông thôn về đô thị, sống tắc nghẽn ở cạnh đường. v.v… và v.v…

Hội nhập, xây dựng phát triển đất nước là tất yếu, song tiến trình ấy cần đặc biệt chú trọng đến nhân tố ý thức, lối sống để xây dựng, bảo vệ văn hóa dân tộc. Trong khi, các bậc cha mẹ đang ráng sức theo dõi, dạy dỗ con em mình, tới mức họ phải hy sinh để ngăn cản các ảnh hưởng xấu. Vậy thì những người đi đầu làm công tác văn hóa, không để các thị hiếu, lợi ích thực dụng, tầm thường lấn át dần, làm xáo trộn hay đảo lộn giá trị văn hóa, xâm hại đến lợi ích xây dựng con người mới, nói rộng ra là lợi ích dân tộc ta. 

Nguồn Văn nghệ số 38/2015


Có thể bạn quan tâm