April 19, 2024, 8:19 pm

Lấp khoảng trống văn học thiếu nhi

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm tới của Hội Nhà văn Việt Nam được các đại biểu tham dự Đại hội X mới đây tán đồng, được các cơ quan chức năng ủng hộ, đó là đẩy mạnh sáng tác, nâng cao chất lượng văn học thiếu nhi.

Những năm gần đây, sách thiếu nhi xuất bản rất nhiều nhưng tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, nhất là của nhà văn Việt Nam sáng tác lại rất ít. Điều này phản ánh một nghịch lý là nhu cầu của độc giả nhí rất lớn nhưng không được đáp ứng đầy đủ. Ai cũng nhận thấy tầm quan trọng của tác phẩm văn học thiếu nhi viết bằng tiếng Việt sẽ tốt cho con trẻ trong phát triển tư duy, tri thức, văn hóa, đặc biệt làm giàu ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, thay vì các sách dịch nước ngoài nhiều khi không phù hợp. Nguyên nhân trống vắng văn học thiếu nhi trong nước có thể kể đến đó là: Các nhà văn có tâm lý không xem trọng văn học thiếu nhi, các đơn vị xuất bản không mặn mà vì chất lượng tác phẩm chưa bảo đảm để có thể bán chạy; ít có các hoạt động thiết thực, trọng điểm để thúc đẩy phong trào sáng tác văn học thiếu nhi. Khi số lượng đã không nhiều thì khó có thể trông chờ ở những tác phẩm lớn dành cho các em nhỏ ra đời.

Trong cơ cấu tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam có Ban Văn học thiếu nhi, do vậy cần tập trung những cá nhân tâm huyết, giỏi nghề văn để thẩm định tác phẩm, đồng thời cần những người giỏi tổ chức hoạt động, sự kiện. Việc mở trại sáng tác văn học thiếu nhi gắn với nhiều cuộc thi sáng tác là cần thiết. Phong trào sáng tác văn học thiếu nhi cần ưu tiên đội ngũ cây bút trẻ, có thể gắn bó lâu dài với mảng đề tài này. Các cây bút không nhất thiết phải là hội viên, chỉ cần gửi bản thảo hoặc đề cương tác phẩm mà có chất lượng thì sẽ được mời tham dự trại sáng tác để hoàn thiện. Sau khi có bản thảo từ các cuộc thi, trại viết, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thẩm định, xuất bản, trao giải thưởng, tặng thưởng một cách công khai, minh bạch đối với các tác phẩm văn học thiếu nhi có giá trị.

Ngày nay, có tác phẩm hay còn chưa đủ mà cần phải lan tỏa giá trị tác phẩm thông qua con đường liên kết với các đơn vị xuất bản, truyền thông. Trước đây, nhà văn Tô Hoài viết kiệt tác “Dế mèn phiêu lưu ký” ở tuổi 17-18; mãi đến năm Tô Hoài 21 tuổi (1941), phần đầu tác phẩm mang tên truyện “Con dế mèn” mới được NXB Tân Dân in. Không có sự giúp đỡ in ấn của nhà xuất bản, ý tưởng truyện đồng thoại về chú dế mèn của Tô Hoài có khi đành xếp lại để viết về mảng đề tài khác.

Câu chuyện tổ chức các hoạt động đều cần kinh phí. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, không có cách nào khác là vận động nguồn lực xã hội hóa. Giải thưởng sách quốc gia tổ chức 3 năm gần đây nhờ vận động nguồn lực xã hội hóa đã có có giá trị giải thưởng lớn, tổ chức được quy trình đọc, thẩm định, đánh giá tác phẩm nhiều khâu, có chuyên gia phản biện độc lập... Đây là một ví dụ thành công để giải thưởng văn học thiếu nhi trong tương lai tham khảo, học tập.

Mặt khác, chính Hội Nhà văn Việt Nam cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Đội Trung ương đưa nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để kích thích văn hóa đọc cho đối tượng thiếu nhi. Trò chuyện nhiều với các nhà văn, chúng tôi nhận thấy ai nấy đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích cực đọc sách từ khi còn bé. Nhiều nhà văn đã đến với văn học thông qua các cuốn sách thiếu nhi trong thư viện nhà trường, những giờ đọc sách trên lớp bên cạnh học văn chương trong sách giáo khoa.  

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã phát biểu với báo chí: “Để tạo diện mạo trẻ trung hơn cho nền văn học nước nhà, tôi muốn đẩy mạnh hoạt động của Ban Văn học thiếu nhi. Đó là sự "đánh cược" của tôi vào thế hệ tương lai của văn học và đất nước”. Mong muốn của tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng là mong muốn của tất cả chúng ta về niềm tin vào bước phát triển mới của văn học thiếu nhi Việt Nam thời gian tới.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm