April 24, 2024, 4:57 am

Lang thang đến xa xăm gõ cửa

 

Đã lâu, trên báo Văn nghệ, giới thiệu thơ của một số cây bút về Hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc, tôi đọc và ấn tượng với những câu thơ lạ của Nguyễn Bình Phương: “Bóng những bông hoa bị ngắt/ Nửa đêm về đậu trên cuống run run”. Rồi mãi mấy năm sau lại gặp chùm thơ 5 bài của tác giả in trên Phụ bản thơ báo Văn nghệ tháng 12 năm 2003: Xe máy, Ngoài cờ, Đêm ngà ngà, Mắt, Vọng từ giá sách. Một giọng thơ riêng.

Có khi bài thơ tưởng như rất thực, rất cụ thể nhưng người đọc bất ngờ được hướng đến một cảm nhận, một rung động ngoài dự định. Thỉnh thoảng, tôi có đọc thơ Nguyễn Bình Phương trên báo chí, nhưng chưa bao giờ cầm trên tay một tập thơ của anh. Tôi chỉ hình dung thơ Nguyễn Bình Phương qua một số bài viết, những lời bàn, đánh giá, khẳng định một tài năng thơ. Một nhà thơ chỉ ra thơ Nguyễn Bình Phương cảm xúc tinh tế “phong vị thơ rất riêng đầy trẻ trung”, lối viết sáng tạo thể nghiệm cái mới. Đặc biệt, ông chú ý đến thế giới của những hình ảnh tượng trưng độc đáo gây ấn tượng mạnh. Cái thực hòa lẫn với cái ảo của cái tôi cô đơn hiện sinh. Ông gọi hành trình sáng tạo thơ của Nguyễn Bình Phương là một “cuộc kiếm tìm”. Kiếm tìm cái mới tựa “luồng gió lao rừng rực” về miền bí ẩn của đời sống và của thiên nhiên trải ra vô tận trước sự chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm của con người. Một nhà thơ khác đánh giá nỗ lực sáng tạo của Nguyễn Bình Phương: “Anh là một trong những nhà thơ sớm nhất đã âm thầm “khởi cuộc” khai phá những “miền đất mới” trong thơ đương đại Việt Nam cuối thế kỉ XX”. Trong thơ Nguyễn Bình Phương ta thường gặp một đời sống khác, một thế giới khác, một ngôn ngữ thơ ca, một miền thẩm mĩ khác với đời sống thực tại xung quanh ta và chính những điều ấy đã khơi gợi sức liên tưởng, đã mở ra một cách nhìn sâu hơn vào những chiều kích khác nhau của đời sống tâm hồn con người. Người phê bình thâm nhập vào thế giới thơ Nguyễn Bình Phương và khắc họa lại hành trình đầy say mê, cũng đầy thử thách của nhà thơ. Có lúc thấy đuối sức trong cuộc phiêu lưu vào thế giới thơ ấy nhưng vẫn “khó phủ nhận vẻ đẹp đầy ma mị của nó. Đánh thức và mở ra những đường biên ranh giới khác, độc sáng trong cách ta tri giác về thế giới”… Những lời đánh giá có cánh ấy cứ bay lượn mà thực sự chưa chỉ ra những nét khác biệt, nổi trội so với các nhà thơ hôm nay, nhất là các nhà thơ cùng thế hệ. Tôi đành lang thang đến Xa xăm gõ cửa tìm lối đi trong cái thế giới thơ độc đáo, mới lạ, ma mị theo gợi ý của các diễn ngôn trên.

Cảm giác đầu tiên: thơ khó đọc, thơ dành cho đối tượng độc giả tinh hoa, các nhà nghiên cứu, độc giả ở các giảng đường đại học. Nhiều câu khó hiểu, tư duy nghệ thuật gián đoạn, gấp khúc. Đọc tiếp nhận ra câu thơ bài thơ được định hình in vào giấy tự nhiên, bâng quơ, không dấu vết gia công, như không có ý định sáng tạo, nghĩ sao ghi vậy. Đặc biệt cách cấu tạo câu thơ rất lạ, gây ấn tượng. Trên văn bản thỉnh thoảng sáng lên những câu thơ hay, thú vị.

Xa xăm gõ cửa gồm 5 tập thơ và những bài thơ khác. Có thể xem là toàn bộ sáng tác thơ của Nguyễn Bình Phương. Ở đây hiện rõ 2 thời đoạn sáng tạo: Lam chướng (1992), Khách của trần gian (1996). Cái tôi nhà thơ còn in dấu đất đồi trăng gió một vùng quê. Phần còn lại, sau khi tới kinh thành với những cuộc Xa thân.

Từ điểm nhìn địa văn hóa, người đọc nhận ra cuộc sinh và thành cái tôi đầy kì bí. Một vùng lam sơn chướng khí nặng nề, nhiều huyền thoại, và như huyền thoại “Một chú bé ra đời cười sằng sặc/ Lăn hai vòng/ Rồi đi/ Đêm ấy gái làng nhìn trăng buồn rượi/ Đêm ấy đám người điên/ Khơi lên ngọn lửa hoang lạnh lẽo/ Đêm ấy những hàng cây cổ thụ/ Long rễ và héo rũ”. Đời sống văn hóa dân gian phong phú: những nghi lễ thờ Mẫu, cô Chín thượng ngàn, ma cà rồng, ma chơi, ma đồng. Những trò chơi dân gian: trẻ em bẻ cành làm ngựa, túm đuôi áo nhau chơi trò rồng rắn “cào cào áo đỏ giã gạo cả ngày”… những địa danh nghe thật hoang hoải: Linh Sơn, Linh Nham, chùa Hang, làng Phan, gò Trẹo… “lam chướng mọc lên ngun ngún mép thềm/ Mái lạnh đền thiêng…”, “Ngàn sau lam chướng còn ngời mơ em”. Đó là “dải đất ngái ngủ của trần gian”. Chuyển cư sang thị xã Thái Nguyên vẫn “tỏa ngời lam sơn chướng khí”. Đời sống u buồn khốn khó: “Những đoàn người xếp hàng ăn phở/ Những bà điên thân xác còm nhom/ Những bộ áo quần xanh sĩ lâm đẹp xe vào gang thép/… Hôm qua cô gái điên lao xuống chân đồi/ … Hôm qua gã đàn ông dậy sớm bị vợ cằn nhằn”.

Rồi trưởng thành chú lính binh nhì về kinh thành Hà Nội. “Hòa vào sông/ Hi vọng có ngày ra bể”. Có lần khẳng định “cần phải bàn bạc, phải tàn sát”, có lúc phân bua “Con có chiếc bút nhọn/ Họ vu là kẻ sát nhân”. Cứ như là ngẫu hứng vu vơ mà thật riết róng. Khách của trần gian là thế: “Bóng một người ngự bóng một đám mây/ Tạc vĩnh cửu vào nền trời hư ảo”.

Nói thế cho sang. Thực ra quan niệm chung trần gian cũng chỉ là một cõi tạm của con người: “Người đàn ông mù lòa đi qua ánh sáng bằng thái độ dửng dưng nhẫn nại”, cũng thế: Khách của trần gian

Tôi chú ý nhiều đến Khách của trần gian. Tác phẩm thể hiện bút lực của tác giả: Vốn sống, vốn kiến thức, khả năng tư duy nghệ thuật, xây dựng tác phẩm dài, trường ca. Ở đây, ngoài năng khiếu, rất cần trường vốn và có ý thức thể loại, triển khai ý tưởng và làm chủ. Trường ca non tay sẽ hụt hơi, rời rạc. Nguyễn Bình Phương vượt qua được những yêu cầu trên, lại tung hứng, dồn nén các “mô đun” thành một cấu trúc chặt chẽ, chặt chẽ mà liêu trai.

Chúng ta có thể mở rộng quan sát sang Lam chướng, cùng thời đoạn với trường ca Khách của trần gian. Vẫn đời sống dân gian quen thuộc: “Tháng Tám phơi áo bờ rào/ chuồn chuồn ớt mắt tròn nhóng nhánh/ tháng Tám ra ao tìm gió/ gặp bóng người ngồi câu/ quả sung rụng giật mình hi vọng. Tháng Tám mang trầu cau sang hỏi/ Em lắc đầu...” (Bài hát vu vơ). Những địa danh gợi đến những hoang sơ, huyễn hoặc: Linh Nham đêm, Làng Phan, Định Hóa, Linh Sơn mênh mông. Và thời gian không gian cũng mù mờ, váng vất ma mị “Ai rót rượu vào trăng/ Sương như mắt người thiếu phụ về dĩ vãng”. “cái bóng nhòa nhòa quẩn trong mơ”, “Ngực đồi già lau lách bỏ hoang/ Nghe trong đất lời tiên tri huyền bí”, “Làng bao nhiêu gò đất/ Dáng nhà nằm thiếp hơi trăng”. Có những quan sát tinh tế, phát hiện: “Điếu thuốc lập lòe con mắt thú rừng ơi”, “Sau mái lán một đốm vàng dần nhú/ Và tiếng trăng va xuống cỏ mơ màng” (Ở Định Hóa). Cách nói dân gian rất đậm “Ba vạn chín nghìn đom đóm/ mơn man sáng giữa lòng sông”. (Dân gian nói: ba vạn chín nghìn ngày, một đời người”. “Nào ai ru được/ Ba ngàn mắt mở chong chong”. (Dân gian nói: Trần gian ba ngàn thế giới). “Một thúng nắng/ Một thúng mưa/ Một thúng vừa mưa vừa nắng/ Ba bà thong dong đội lên chùa” (Dằng dặc). Tất cả đều sáng tạo.

Ở đây người đọc có thể nhận ra những đảo ngữ, đảo câu, kết cấu lạ: “Cười không sáng buồn không ra tối”, “Ngõ buồn chạng vạng”, “Hạnh phúc hoa treo mép vực mơ màng”, “Bạn bè đi làm kiếp vợ chồng”. Những câu thơ hay không thể thờ ơ: “Kỉ niệm buồn như trái cây hoang”, “Quả sung rụng giật mình hi vọng”, “Con đường trắng lừ lừ đi xuống nước”, “Con không bước qua cha/ Ba bước giật lùi dành cho ngày khuất mặt”. Thật sắc và lạnh.

Bằng cái nhìn mơ màng, đời sống, con người, cảnh vật mờ nhòe qua những lớp sương gập ghềnh đồi núi, phủ tràn ánh trăng: Dáng nhà nằm thiếp dưới hơi trăng. Trăng hoang vu lượn sóng triền đồi, trăng lác đác, trăng vàng rên xiết, trăng sao rụng như sung, trăng ướt mướt, trăng đang nở, trăng tết bằng rơm bị cháy. “Thấp thoáng từng đôi loan phượng/ Tựa lưng nhau chờ trăng lên”, “Người yêu tôi nằm cạnh một con mèo/ cạnh một ánh trăng/cả ba ho húng hắng”. Trăng ẩn hiện lung linh mờ ảo. Trăng hữu hình như vô hình, trăng xa xăm mà gần gũi, là thiên thể mà cũng là người trần. Trăng như một biểu tượng, không gian, thời gian nghệ thuật chiếm lấp trong một thế giới mông lung đầy những huyền tích. Nhà thơ tạo ra được hiệu quả: Gợi đến ý niệm về một vùng thiên nhiên, con người, cuộc sống hoang sơ, linh thiêng và cái gì cũng chơi vơi hẫng hụt.

Đeo kính khác nhìn sang cuộc đời khác. Từ Xa thân đến Buổi câu hờ hững có khác chăng là cuộc đời đô thị khác với núi đồi lau chướng, khác đối tượng thẩm mĩ, trường cảm hứng: “Ngày nào về đây xem rùa nổi giữa hồ/ Sông Ngân xuống sông Hồng lên tiếng kêu xé ruột/ Ngày nào ngó cơn giông trong suốt/ Ta cầm tay ta hôn nhau” (Bài mùa thu đầu tiên). Cách nhìn cũng khác, mơ màng ít hơn, tỉnh táo hơn. Có nhiều bài dễ đọc: Buồn, than thở, Những chiều mờ, Hàng mã rong, Tự bạch thời bình… N.B.P sau này ý thức hơn, chủ động hơn Nguyễn Bình Phương. Thử làm một so sánh: “Ta là Nguyễn Bình Phương. Ta yêu thị xã này bằng tình yêu hơi thở không phải của ta, hơi thở ấy được mượn từ nơi tăm tối ướt át vào giờ những chiếc lá ra đời, giờ bầy đom đóm chết, giờ đôi mắt một mí đòi quyền đi làm búp xanh trên cây độc” (Khách của trần gian). Và NBP: “Tôi châm thuốc ra ngoài gặp cỏ/ Nghĩ đến mình nghĩ đến mình thật nhiều/ Nhắm mắt lại và từ từ hiển hiện/ Một vườn mía ngọt lúc trăng lên.

Trăng vẫn nhiều, cũng khác trăng xưa. Trăng xưa: Trăng hoang vu, trăng lác đác, trăng ướt mướt, trăng vàng rên xiết, trăng sao rụng như sung… Bây giờ vĩnh biệt ánh trăng góc vườn héo rũ, trăng thì vẫn sáng như xưa, một chiếc lá vàng một mảnh trăng, cây cầu với mặt trăng cùng sáng, giấc ngủ xa vời có một ánh trăng, bước chân ngời ngợi ánh trăng, vầng trăng trên nước tọa im lìm… Xa thân, xa cuộc đời cũ, xa cái nhìn cũ. Cái nhìn khác, trăng cũng khác như sự đổi thay chủ thể trữ tình. Dù sao trăng ẩn hiện tuần hoàn vẫn là biểu hiện của sự biến đổi, sinh trưởng mang giá trị đêm dịu dàng, mờ ảo. Chúng ta đọc Ngày đông thấy cuộc đời cũ: “Những quả đồi lơ mơ tối/ Lơ mơ vạt cỏ gianh/ Ngôi nhà cũ/ Chiếc cần giếng cong queo/ và gió… Ngoài chuồng trâu vang tiếng cọ sừng/ Một người nựng con/ Phát con/ rồi ru/ Một người xách đèn đi vào sương mù”. Cuộc đời mờ xám, lơ mơ tối, tiếng trâu cọ sừng, người nựng con, người đi vào sương mù. Chủ yếu là tả. Mỗi chi tiết, hình ảnh mang thông báo một vùng lam sơn chướng khí.  Khi nhà thơ nhìn sang cuộc đời khác. Buổi câu hờ hững không tả mà gợi thực tại đời sống nhốn nháo bất ổn. “Nước câu mặt trời/ mặt trời câu gió/ Phố câu người đời… Ngày mai câu một ngày mai khác… Con mắt câu giọt sương… Người chán nản ngồi câu cơn giông/ Lũ trẻ online câu hi vọng

- Giữa mê trận những con mồi

Giữa chết bởi săn lùng và sống ngoài chờ đợi

Mỗi người một chiếc cần câu buông lơi

Cái nhìn khác, cuộc đời khác nhưng quan trọng là cách nhìn khác. Cách nhìn khác vẫn tiếp tục một cách nhìn xuyên suốt, thành chủ đạo, rất riêng: Không nhìn thẳng vào hiện thực đời sống con người mà chỉ nhìn vào bóng.Những cô gái đến với anh/ Rồi lặng lẽ ra đi/ Họ mang theo chút buồn làm kỉ niệm/ Chỉ còn lại bóng những hàng cây”. (Hình ảnh cuối cùng) “Quả đã rơi bóng vẫn còn”, “Bóng những bông hoa bị ngắt/ Nửa đêm về đậu trên cuống run run” (Hình cũ), “Ở giữa bức tường hoa sứ/ còn in bóng chiếc áo nâu” Và bóng người “Bức tường hoa sứ đổ/ còn lại bóng chỗ ngồi”. “ra ngoài ao gặp bóng người ngồi câu”, “Cái bóng nhòa nhòa quẩn trong mơ/ Nhẹ tênh không va động” mọi thứ đều lu mờ:

Ngày xưa ở nước mông lung

Chưa thấy mặt trời tình không kí ức

Cuốn theo ánh sáng màu hung

Mải mê hai ta đi tìm thêm bóng

(Xa thân)

 “Họ đột ngột xuất hiện/ Tựa bóng ma thôi ra từ sương/ Đàn ông trên lưng ngựa đen/ Đàn bà mang bạc lạnh/ Không khí kêu trầm trầm quanh họ/ Như tiếng kêu của những con dao” (Chợ núi).

Anh ngọn gió quầy quần trong mây

Anh mầm cây tọa thiền trong đất

Anh khoảng mù lòa giữa nước mắt với phù sa

…Không chảy cùng sông một cái bóng

Anh ngó anh đâu phải là anh

Là hư ảnh…

(Tuổi bốn lăm ngồi cạnh sông)

Rất nhiều bóng. Bóng chỉ là hình ảnh mờ của những hiện vật, sự vật, con người thoáng qua hư ảo đời thường. Không sáng tỏ, bóng là râm tối, không tiếng động, không tiếng vang. Bóng xuất hiện có khi huyễn hoặc, thiêng liêng (bóng ma) chứa đầy bản chất con người. Có khi là bản chất bí ẩn thứ hai của con người (sống như cái bóng). Đó là thực chất phản ánh một bản ngã đồng hành, Nói cách khác, với con người, bóng là kẻ song trùng. Bóng được tôn trọng như linh hồn, không dẫm lên bóng, dù là bóng người khác. Và như vậy nhìn bóng cũng là nhìn vào cái thiêng liêng mù mờ, phiêu lãng. Cách nhìn này như một tư thế chủ đạo của tác giả. Từ tư thế nhìn quy định những lựa chọn diễn ngôn: Không trực diện, bóng gió, khác lạ, quái dị, phi logic… Thủ pháp “lạ hóa” xuất hiện với tần số cao. Nhiều khi là “viết vào đời câu cách ngôn bí hiểm”, “vứt bỏ lời nói để sinh ra lời nói khác/ vứt bỏ âm thanh để sinh ra âm thanh khác”.

- Tiếng nói em màu lam chuyển dần sang màu bạc

- Thời gian héo dần, nụ hôn cỏ úa, cười lanh lảnh,

Đêm nằm giữa ánh sáng ủ rũ”, “Thiếu phụ quay đi xanh mơ màng/ Bỏ lại hồ thẳm xanh/ Tiếng xanh”. “Ngày tháng xanh xao vì thương tổn/ đã bạc màu cả những ước mơ”. Những liên tưởng miên man, kết hợp từ phóng túng, các từ đối lập hòa thuận đứng bên nhau… Từ đó bất ngờ thoát ra những câu thơ hay: “Cái ngủ dịu dàng ôm ngang lưng cái chết”, “Ngàn xe máy chở ngàn khoảng trống/ Phóng như bay về chỗ chán chường”, “Mỗi con bướm một bầu trời đỏng đảnh”. Có khi thực hóa cái ảo: “Con đường vắng hồn hoa đi lảo đảo”, “Dọc bên kia bờ thời gian”. Có lúc ảo hóa cái thực: “Quê anh ở bên kia mùa hạ”. “Con đò sắp rời khỏi mùa hè”… Biến hóa khôn lường, độc đáo.

Đi vào hành trình cùng thế giới thơ Nguyễn Bình Phương thật mệt, nhưng tôi đã gặp được những câu thơ hay, những bài thơ hay. Khi đọc thoải mái lại chỉ thấy những câu thơ bình thường: “Nhớ em anh tức ngực nhức đầu”. “Tiếng kêu của nước bị múc vào gầu. Tình yêu của tôi/ Lòng tin cuồng nhiệt của tôi/ Đã bị dối lừa/ Bị chia sẻ”. Nhẹ nhàng, không nhức đầu. Vậy nên mệt còn hơn không. Nguyễn Bình Phương cứ đi con đường riêng của mình, cứ cảm nghĩ, lí giải hiện thực theo cách riêng của mình: nhìn bóng, nhìn hiện thực phía sau hiện thực, điều hành mộng mị, tiềm thức, vô thức để mê hoặc người đọc. Có điều bứt phá cách tân cũng có nhiều mức. Nhà thơ cần chú ý đến tâm lí, trình độ thẩm mĩ của người đọc, thời đại. Cái gì cũng có ngưỡng. Theo tôi càng cách tân càng ít người đọc. Nghiệt ngã là thế. Chắc nhà thơ cũng đã nghĩ đến điều này.

Nguồn Văn nghệ số 45/2020


Có thể bạn quan tâm