April 26, 2024, 2:55 am

Lắng đọng trong ký ức…

 

Tôi đọc tác phẩm của nhà thơ, tiến sĩ y khoa Nguyễn Thị Kim khá đều. Sắc tím bằng lăng (2004), Một thoáng Tây Hồ (2005), Chuồn chuồn kim (2007), Diện mạo thời gian (2008). Gần đây là Hương vương chiều tà (2009) và Gom thu (2014). Tôi đặc biệt có thiện cảm với Hương vương chiều tà, tập thơ Haikư Việt. Chỉ với một số lượng từ ít ỏi, diễn tả một sự kiện, một cảnh sắc miền quê hương Việt ở thì hiện tại mà gây cho người đọc cảm giác ngỡ ngàng thú vị, vì làm sống lại những ý tưởng, cảm xúc đã lắng đọng trong ký ức bấy lâu tưởng đã xa mờ…

Đọc Phù sa ký ức có cái vui là được biết thêm chút chút về cuộc sống của nhà thơ, về cội nguồn nảy sinh năng khiếu thi ca của tác gỉa Nguyễn Thị Kim. Đặc biệt được biết rằng nhà thơ đã là hội viên của Hiệp hội Haikư Thế giới - Worlk Haiku Association (WHA), một tổ chức hiện đã có mặt ở 60 quốc gia. Chị đã dày công sức nghiên cứu thể thơ này trong nhiều năm, và thơ Haikư Việt của chị đã từng gây nên những vang hưởng rất tốt đẹp trong lòng bạn đọc. Chứng cứ  là một Đại đức ở chùa Huệ Nghiêm, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đọc xong tập thơ của chị, đã viết liền 108 bức thư pháp Việt – in thành 108 bức ảnh khổ 13x18 cm phỏng theo từng bài thơ, rồi cùng học trò mang ra tận Hà Nội tặng nữ nhà thơ.

Phù sa ký ức không có cái bay bổng của thơ Haiku, tất nhiên. Cũng không mang dấu vết của những loại tản văn trữ tình hay nghị luận quen thuộc phổ biến. Trước hết, nó là những trang văn, bút ký, những bài viết có tính tự sự: “Tôi chỉ biết mặt cha qua ảnh. Cuốn album gia đình nay tôi vẫn lưu giữ, tuy ảnh đen trắng nhưng rất bền và có thêm những bức mầu nâu rất đẹp. Ảnh bán thân của bố mẹ tôi, ảnh đôi của hai bố mẹ, ảnh bố đang ngồi bàn làm việc với cuốn lịch tường, lọ mực và chiếc but Parker, chiếc bàn thấm kiểu cổ, hoa Gueul de loup (Hoa mõm chó) nay ít trồng, cắm trong lọ, hình ảnh còn rất sinh động”.

 Đây là một đoạn văn tiêu biểu cho lối viết của cuốn sách. Lối viết chủ yếu là kể lại, là trần thuật, không miêu tả, ít bàn luận. Cứ thế cuốn sách, với những trang viết giầu tính hiện thực, chân chất, lần lượt điểm qua gần như cả đoạn đời mấy chục năm của tác giả. Của chính tác giả, từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành và các mối quan hệ, cùng những người thân trong gia đình họ hàng nội ngoại. Với một lối viết tự nhiên, không câu nệ, không hư cấu, không tô vẽ, có sao nói vậy, không có dấu tích của một lối làm văn kiểu cách nào đó.

Đọc Phù sa ký ức như được tự tay đào bới từng lớp thời gian, để thấy lại những kỷ niệm đã tiềm tàng trong cuộc đời tác giả. Chẳng hạn, hình ảnh người mẹ, con gái cụ đồ làng Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam quê hương của Tam nguyên Yên Đổ, trong ký ức tuổi thơ của tác giả là buổi đón dâu, người mẹ lấy cậu ký tốt nghiệp trường Bách nghệ Hà Nội, có đến 12 chiếc xe Ford đen về làng, om xòm đến mức dân làng tưởng là con gái ông đồ lấy Tây.

Đó là hình ảnh của bà ngoại còn lưu lại trong trí óc trẻ thơ tác giả với chiếc cối giã trầu bằng đồng, chìa có có ba khía dùng để nghiền cùng thói quen nghiện trầu của bà, đến mức nhịn ăn thì được chứ nhịn trầu thì không. Đọng lại trong tâm trí của tác giả thuở ấu niên là hương bồ kết trong nồi nước gội đầu mẹ nấu cho. Nồi nước gồm dăm quả bồ kết đã nướng cùng với vô số lá thơm kiếm được trong vườn như lá bưởi còn tươi rói, lá sả dài nhổ cả cây, vỏ bưởi khô, đặc biệt là hoa và lá hương nhu, từng bông tím li ti, tỏa mùi hương thơm nức cả không gian. Tả thực và chi tiết! Cũng vậy, chính là những chi tiết tả thực đã làm nên giá trị của kỷ niệm sau đây của tác giả: một lần được vinh dự lên Nhà Hát Lớn Thành phố nhận giải nhất của bậc tiểu học, cô bé được nhận phần thưởng, bảy chục năm đã qua rồi mà còn nhớ, đó là một cuốn Từ điển Pháp - Việt cùng một chiếc va ly nhỏ đựng đồ dùng học tập và tấm bằng khen đóng triện Đông - Pháp.

Có thể nói, Phù sa ký ức là một cuốn hồi ký biên niên của nhà thơ. Lần lượt các kỷ niệm được kể lại tuần tự qua từng thời đoạn một cách rất thật thà và dẫu chỉ bằng bút pháp chấm phá giản dị, mỗi trang viết cũng cho thấy được những nét sống động của bầu không khí và hoàn cảnh lịch sử cụ thể từng thời kỳ. Đó là cuộc sống những năm đói kém, 1947-1948, cả nhà xoay xỏa đủ nghề kiếm sống, từ khâu nón, chăn tằm… đến kéo sợi. Những năm Kháng chiến chống Pháp, phiêu dạt đó đây, rồi năm 1954 Hòa bình lập lại, định cư ở Hải  Phòng và được hưởng nền giáo dục mới. Đó là những năm tháng say mê trong lao động, thi đua giành cờ đỏ, bỏ cờ vàng cờ xanh. Thời gian qua đi chẳng hẹn ai. Lớn lên thì lập thân, lập nghiêp, vào Đoàn vào Đảng, bỏ qua mối tình đầu có chút vị chua chát, rồi lấy chồng sinh con, thành bà nội bà ngoại. Những gắng gỏi vượt qua thời bao cấp, một cái phích được chia cho 5 người, vậy chỉ còn cách là phải gắp thăm. Rồi học hành đỗ đạt thành Tiến sỹ và cùng với tài năng bẩm sinh và khổ luyện chị đã có được danh hiệu Nhà thơ. Đã là nhà khoa học, lại còn là thi sĩ. Chà! Thì ra cái gai đã nhọn từ bé, cái hướng đời đã được nuôi dưỡng từ tuổi ấu thơ. Dưới ánh đèn dầu lạc, đêm đêm đã được nghe bà, mẹ kể cho nghe hết chuyện Tấm Cám lại đến truyện ngụ ngôn La Fontain. Còn lớn lên đi công tác thì hiển nhiên đã từng không ít lần là diễn viên kịch nghiệp dư của công đoàn cơ quan… Và không hiểu đó có phải là do sức mạnh lan tỏa của tình yêu thơ ca nghệ thuật không mà cậu con trai cả thoạt đầu theo nghề mẹ học ngành Y, rốt cuộc lại rẽ ngang sang thành họa sĩ và đã công bố một tập Tản văn, một tập thơ. Đến cái mức ông chồng là bác sĩ ngoại khoa giỏi phải trách yêu hai mẹ con lúc nào cũng bay bay.   

Mấy chục năm đã trôi qua với bao thăng trầm biến đổi, vật đổi sao dời, ly hợp, mất còn, niềm vui đã trảỉ, nỗi đau đã từng, đã hiểu đời hiểu người, không so bì với ai, tất tật được kể lại với một giọng văn an nhiên, tự tại, như một dòng chảy tự nhiên, như một nhu cầu giãi bầy chia sẻ tự thân.

Cùng với sự chân thực, có lẽ để lại ấn tượng với nhiều cảm xúc chân thành là những trang tác giả viết về những người thân trong gia đình, như những trang viết về người cha bạc mệnh và cái chết đầy ám ảnh tâm linh của ông; như những bài viết về những người con yêu quý của tác giả....

Với Phù sa ký ức, theo tôi nghĩ, tác giả chắc chỉ có một mục đích khiêm nhường là ghi chép lại những dấu ấn đáng nhớ của cuộc đời mình, những gì đã trải nghiệm với vui buồn như đã có. Cuộc sống là thế đấy. Có cuộc chia tay bi đát như kể trên, nhưng cũng có không ít niềm hạnh phúc trào dâng…

Nguồn Văn nghệ số 50/2021


Có thể bạn quan tâm