April 25, 2024, 1:13 pm

Làng đảo

 

Làng đảo buồn với 16 ngôi nhà, 3 lớp học và 10 học trò và cô giáo tình nguyện!   

Tôi đến đảo Trần (thuộc địa bàn thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Hòn đảo có thể nói là vị trí phên dậu xa xôi nhất trong dọc đường biên giới tuyến biển của tỉnh Quảng Ninh. Làng đảo chỉ có 16 hộ dân, 71 nhân khẩu

Chuyến đi của tôi trong chương trình đi thực tế sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hướng về kỷ niệm 60 năm Ngày Biên phòng Việt Nam và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Mặc dù được báo trước, nhưng thú thực, lòng tôi không khỏi lo lắng, ở nơi đảo xa ấy, không có phương tiện công cộng di chuyển ra vào ngoài phương tiện của lực lượng vũ trang đóng quân và của ngư dân sinh sống tại đây.

Rồi trước khi đoàn lên đường, bản tin dự báo thời tiết đã báo sẽ gặp cơn gió mùa đông bắc cuối mùa rất mạnh trên biển,  nhưng hình như trời chiều lòng quyết tâm đến với đảo với bao nhiệt huyết của cánh văn nghệ sĩ vốn dĩ luôn khát khao tìm tòi những miền đất mới cho nhân vật trong sáng tác của mình, nên những con sóng bạc đầu dữ dội đến thế, vẫn không ngăn được chiếc cano nhỏ bé vượt sóng đưa đoàn văn nghệ sĩ gồm 8 thành viên đến được đảo vào buổi chiều một ngày cuối tuần cuối tháng 2/2019 an toàn.

Gần một giờ vượt qua sóng dữ, có chị đã nôn thốc tháo, có anh thấy cũng hốt hoảng vì sóng, nhưng khi tàu cập bến, chúng tôi cập hòn đảo nơi tiền tiêu này thì mọi việc trước đó hình như đã tan theo bọt sóng. Trước khi đến làng đảo nơi xa xôi này, tôi đã tranh thủ tìm hiểu những nhà báo đi trước viết về họ, hy vọng những thông tin hữu ích ấy sẽ giúp cho bài viết của mình những tư liệu đầy đủ hơn. Nhưng thực sự lòng, khi tôi đặt chân đến đảo, một cảm xúc rộn lên nỗi niềm khó tả, có thể gọi đây là ngôi làng mang tên gọi cơn sóng buồn của biển. Với hơn chục nóc nhà được nhà nước đầu tư kiên cố, với trường học được hỗ trợ khang trang, với một bờ biển đẹp đến mê hồn mà không có bất cứ dịch vụ nào để phục vụ dân sinh thì thực sự là một làng buồn. Bởi lẽ, đã là làng thì đương nhiên phải đủ các hoạt động dịch vụ tối thiếu mới có thể đáp ứng sự sống của làng được. Chúng tôi ghé quán tạp hóa đầu dẫy nhà, một cô còn trẻ giới thiệu em người thuộc huyện Hải Hà, đứa bé trên tay là công dân thứ 71 của làng đảo các bác ạ. Chúng tôi cùng khen thế thì vui quá. Có chị nói, ở đảo cứ đẻ nhiều vào cho đông vui, cô thiếu phụ trẻ cười rất vui và bảo không dám đẻ nữa các bác ạ, vì y tế không đảm bảo cho con trẻ khi bị ốm, có tiền cũng không mua được thuốc cho con ý ạ, dù có tích trữ nhưng cũng không phải lúc nào cũng đáp ứng được đâu, nên nuôi con trẻ ở đảo này vất vả lắm ạ.

Còn khi hỏi anh chủ cano vượt sóng, anh kể: đây là phương tiện hiện đại dùng vận chuyển hành khách có 15 ghế, là phương tiện duy nhất đến thời điểm hiện tại do gia đình anh mạnh dạn đầu tư bằng vốn vay ngân hàng, mua trước Tết âm lịch 2019 là hơn 1 tỷ đồng. Dù sao đến với hòn đảo xa xôi này từ trước chưa có ai dám đầu tư phương tiện như thế này thì cũng là tín hiệu vui cho làng đảo nhỏ bé ít cư dân nhất này. Khi tôi hỏi chị Nguyễn Thị Cảnh, trưởng thôn đảo Trần, thì cano cũng còn ít người đi, lý do về đất liền và ra đảo không có nhiều, phần do lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo thì họ có kế hoạch công tác mới đi, dân cư ít, có việc gấp lắm mới đi, nên giá cả đi và về một chuyến như thế này nếu một người sẽ phải trả chi phí khứ hồi tầm 3 triệu đồng, còn nếu rủ chung người đi cùng thì bớt đi chút ít. Chị Nguyễn Thị Cảnh là trưởng thôn, bí thư Chi bộ thôn Đảo Trần, là gia đình cư dân - di dân tự do đầu tiên ra đây bám đảo. Vợ chồng chị Cảnh đã có hai đứa con,cháu lớn đã được chế độ ưu tiên vào tỉnh học trường nội trú, cháu bé mới học lớp bốn học tại trường đảo. Làng có 16 hộ, 71 nhân khẩu, nhưng hầu như đến nửa số gia đình làm nghề đánh bắt hải sản trên biển họ đi từ 3 đến 6 tháng mới về. Vì thế 16 ngôi nhà được nhà nước xây cấp cho cư dân tình nguyện đến xây dựng đảo có dáng vẻ xây cất kiên cố, hợp với sinh hoạt hiện đại hiện ra trước làng đảo còn khá vắng vẻ. Ngôi trường liên cấp thôn Đảo Trần khang trang do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản tài trợ rất đẹp ngay bên bờ cảng. Nhưng chỉ có một lớp mầm non có 5 cháu ở các độ tuổi cùng học chung với cô giáo mầm non Ngần Thị Minh đảm nhiệm. Còn hai lớp ghép nữa gồm 2 học sinh lớp bốn và 1 học sinh lớp 5 là một cô giáo tiểu học đảm nhận, lớp còn lại gồm 2 học sinh lớp 2 và 1 học sinh lớp 3 là do một giáo tiểu học khác đảm nhận. Hôm chúng tôi đến, cả ngôi trường khang trang chỉ có mỗi cô giáo mần non và 3 cháu, vì đúng ngày biển động, 2 cháu ở nhà vì bố mẹ không đi biển nên không cho cháu đến lớp. Hai lớp ghép tiểu học thì cũng vì biển động nên hai cô giáo ấy lại sinh sống bên đảo Cô Tô không có phương tiện sang nên cả hai lớp cũng nghỉ luôn. Trong những cơn gió lồng lộng, lạnh lùng từ biển khơi thổi vào, giữa ngôi trường chỉ còn tiếng gió ấy, cô Ngần Thị Minh sinh năm 1990 tiếp chúng tôi rất thân thiện và cởi mở. Cô tâm sự đã có thâm niên 7 năm đến với nghề dạy học ở đảo Cô Tô, dù quê cô lại ở miền núi Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Cô chỉ cười bảo, là em thi đỗ khi huyện Cô Tô thi tuyển dụng giáo viên, với 7 năm gắn bó nơi này, em nghĩ, em sẽ xin tình nguyện ở lại với đảo Trần lâu dài, vì hiện tại là em đang trong năm học tình nguyện từ Cô Tô sang đây để dạy học. Dù buồn đấy, nhưng em nghĩ, em sẽ cố gắng…Tôi thấy ấm lòng với nụ cười của cô giáo mầm non tên Minh thật sáng trong và rạng rỡ như cái tên của cô. Hy vọng các học trò của cô Minh rồi sẽ là những công dân góp phần quan trọng cho sự phát triển của làng đảo trong tương lai không xa.

 

Và mong ước cháy bỏng hai từ CÓ ĐIỆN của nữ trưởng thôn…

Tiếp xúc với chị trưởng thôn Nguyễn Thị Cảnh, chị kể, gia đình chị ở trong Hải Hà, hai vợ chồng chỉ sau ngày cưới là ra đây gọi là lập nghiệp chứ thực chất là chúng tôi nghèo quá, bố tôi bảo ra ngoài này bán hàng tạp hóa cho bộ đội đóng quân trên đảo kiếm cơm là được. Vì hồi đó nơi đây là đảo quân sự không cho phép cư dân sinh sống, vợ chồng tôi chỉ quây ít cót ép làm chỗ vừa ở, vừa bán hàng, khi ấy là năm 2006. Đến năm 2014 mới có chủ trương đưa dân ra ở. Nhưng thú thực với nhà báo, ở đây chỉ cần có điện đã có thể ở được, khó khăn khác thì khắc phục được, chứ không có điện thì sinh hoạt đắt đỏ lắm. Chỉ đến tối mới dám chạy máy phát. Nhưng mỗi tháng chạy máy phát cho mấy giờ buổi tối ấy phải chi phí quá mức thu nhập của chúng tôi. Gọi là làng nhưng nếu có hai nhà bán tạp hóa thì còn có người mua, đến ba nhà thì ế luôn vì người tiêu dùng ở đây chủ yếu là bộ đội. Vì thế rất khó khăn khi mưu sinh ở đây. Nếu có điện thì chúng tôi có thể mua trữ hải sản để chế biến mà buôn bán lâu dài, nhưng không có điện thì đành ngồi không thế đấy. Vì vậy, có điện lưới là điều cốt tử với những người tình nguyện đến đây lập làng trên đảo chị nhà báo ạ.

Tôi hỏi chị đi họp xã, họp huyện chị đi bằng cách nào. Chị bảo, lương cho chức trưởng thôn được ngót ngét hai triệu bạc, nếu đi ké thuyền bộ đội, hay nhà nào có thuyền vào đất liền lấy hàng thì tôi cũng phải di chuyển được vào đến Hải Hà, đi xe khách đến Vân Đồn rồi mua vé tàu thủy đi Cô Tô, rồi đến đâu nhờ nhà bạn đến đó, tóm lại nếu có ngày nào về huyện họp thì coi như món tiền phụ cấp công tác xã hội ấy đi tong. Vì địa bàn cũng có ít dân nên công tác vận động quần chúng thì không khó, nhưng vì không có điện, chị cười nói tiếp, vâng, vì không có điện nên nhiều chính sách pháp luật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ở đây gần như không kịp cập nhật, bởi lẽ có điện, có đài, có ti vi mọi người sẽ xem, sẽ cập nhật nhanh hơn. Vì không có điện nên nhà em cũng tính, ở cố mấy năm nữa, có lẽ chúng em cũng phải về đất liền. Vì đường giao thông không có, vì bệnh viện, trường học có cũng như không, em đang lo cháu thứ hai đang học lớp bốn ở đây mấy bữa nữa cháu chuyển cấp vào đất liền chắc không theo các bạn trong ấy kịp….

Tôi thấy chị Cảnh tâm sự với một chuỗi những nỗi niềm của cư dân nơi đảo xa mà lòng không khỏi những băn khoăn. Hiện thực cuộc sống ở đây có thể chấp nhận được về những thiếu thốn như 6 tháng mùa cá đi làm, 6 tháng không đi làm do biển động vẫn chấp nhận được. Hoặc thiếu nước sinh hoạt trên đảo do mùa khô đến, hoặc con em ít, cô giáo ít… sẽ khắc phục được, nhưng có điện sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội của làng lên nhiều lắm chị ạ. Tôi cũng miên man theo dòng tâm sự của chị, người đàn bà can trường dám bứt ra khỏi làng quê ấm áp ra hòn đảo giữa trùng khơi này lập nghiệp, hơn ai hết, chị thấu hiểu điều chị tâm sự lắm chứ. Tôi cũng chỉ là người đến một thoáng rồi về,  chỉ là tâm sự chia sẻ đôi điều cùng chị, và cùng hy vọng các cấp chính quyền sẽ nhanh chóng để đảo Trần có điện, đó là ước mong lớn lao không chỉ của nữ trưởng thôn  mà của các cư dân đang sinh sống trên đảo.

Và tuy là một đơn vị hành chính cấp Thôn, nhưng thôn Đảo Trần chỉ đi quãng 5 phút đã hết khu dân cư tập trung của thôn. Biển cả thì mênh mông, bóng người thì quá ít nên càng thấy cái ước muốn của chị trưởng thôn là rất cấp thiết. Và cái ước muốn được cống hiến của cô giáo trẻ kia, của chị trưởng thôn kia thực sự đang cần được các cấp chính quyền địa phương lưu tâm và đồng hành để những khát vọng giản dị của họ được thực hiện, bản thân họ được cống hiến mà không cần phải so đo…

Chia tay làng đảo, tôi thầm ước cho những ước muốn của những người làng đảo ấy sớm được thỏa nguyện. Ngoài kia, ngày biển động, những con sóng bạc đầu vẫn vỗ nhịp tung lên những con sóng trắng như những cột nhà khổng lồ, rồi làng đảo sẽ vui khi có điện, là tôi nghĩ thế…

Đảo Trần, tháng 2 năm 2019

Nguồn Văn nghệ số 10/2019


Có thể bạn quan tâm