April 24, 2024, 5:35 am

Làng chài miền Tây trên Cao nguyên

“Tây Nguyên không chỉ là vùng đất kỳ ảo của những trầm tích văn hóa, của không gian đầy ắp huyền thoại núi rừng, sông suối mà còn là vùng đất mời gọi những dấu chân khai phá. Thực tế, nhiều thập niên qua, đã có không biết bao nhiêu lượt di dân từ khắp mọi miền đất nước về với cao nguyên bazan. Những lưu dân đến đây đều mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy, vơi bớt những nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh. Hình dung về điều này, mời các bạn đến với một ngôi làng kỳ lạ giữa lòng hồ thủy điện Sê San 4, ngôi làng được dựng nên bởi đa phần là những ngư dân chài lưới đến từ miền tây Nam Bộ”

Nhà bè của anh Nguyễn Văn Triều, cư dân đầu tiên của làng chài.

Từ những dấu chân khai phá…

Chiếc thuyền máy rẽ nước, khoảng chưa đầy mươi phút đã đưa chúng tôi đến với làng chài Sê San. Một ngôi làng đẹp như tranh thủy mặc, hiện ra giữa mênh mông sông nước, trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 thuộc địa phận xã Ia Tơi, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum. Làng có 34 hộ, mỗi hộ là một ngôi nhà bè nổi trên mặt nước. Công trình thủy điện mới được xây cách đây không lâu nên xung quanh làng vẫn còn dấu vết rừng cây khô mọc dưới lòng hồ.

Ngôi nhà bè bề thế nằm giữa trung tâm làng chài là của anh Nguyễn Văn Triều, 44 tuổi, quê gốc ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Anh Triều chính là cư dân đầu tiên của làng chài Sê San. Cách đây chừng mươi năm, do cuộc sống quê nhà khó khăn, anh Triều cùng người em rể Đặng Văn Thuộc lang thang từ miền tây qua miền đông Nam Bộ rồi đến Tây Nguyên. Anh Triều kể, hai anh em đã ở cả tháng trời ở hồ Dầu Tiếng, nhưng đánh bắt cá không đủ sống, phải bán thuyền lấy tiền về quê. Qua nhiều nơi chốn, vào năm 2009, khi nghe tin Thủy điện Sê San 4 hoàn thành với một hồ chứa nước đầy ắp tôm cá anh đã tìm đến. Và rồi, cuộc sống mới ở vùng đất mới đã mở ra niềm hy vọng cho anh.

Năm đầu tiên ở lòng hồ, chỉ có anh Triều và người em rể bám trụ. Anh Triều nhớ lại, những ngày đầu tiên ở đây không một bóng người, xung quanh mờ mịt cây rừng, anh kết một chiếc bè nhỏ vừa đủ để ăn ngủ ngay trên lòng hồ. Cuộc sống tuy ở chốn thâm sơn cùng cốc khá buồn tẻ nhưng bù lại nguồn lợi thủy sản dồi dào, cá tôm vừa ăn vừa bán cũng có đồng tiên dư dả. Sau một thời gian, thấy sống ở đây hơn hẳn quê nhà, năm 2010, anh trở lại An Giang đưa vợ con lên cùng ở. Rồi những năm tiếp theo cho đến năm 2015, lần lượt nhiều hộ gia đình khác ở miền tây Nam Bộ cũng theo chân anh Triều lên đây, có tất thảy 29 hộ. Làng chài Sê San hình thành từ đó.

Cái gì tồn tại cũng ít nhiều có tính hợp lý. Nhưng để sự hợp lý tồn tại chẳng phải chuyện dễ dàng. Lòng hồ thủy điện Sê San 4 vốn là nơi giáp ranh 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Những năm đầu, các hộ dân miền tây vốn không có hộ khẩu ở đây nên liên tục bị chính quyền và các ngành chức năng đẩy đuổi. Họ phải liên tục dạt từ phía này của lòng hồ sang phía kia của lòng hồ. Cho đến một ngày, chính quyền tỉnh Kon Tum nhận được đơn bày tỏ nguyện vọng chính đáng của các hộ dân lòng hồ và nhanh chóng giải quyết bằng sự chấp thuận. Thời điểm năm 2015, huyện mới Ia HDrai được thành lập (tách ra từ huyện Sa Thầy), trong đó có xã Ia Tơi. Cư dân làng chài từ chỗ sống bất hợp pháp đã được thừa nhận, trở thành công dân chính thức của xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum.

Phút thảnh thơi vá lưới, không khác gì đời sống ở miền tây Nam Bộ.

Cư dân lớn tuổi nhất làng chài là ông Nguyễn Văn Hòa, ba vợ anh Nguyễn Văn Triều. Ông sinh năm 1961, năm nay mới ngoài lục thập. Từ khi lên với làng chài, cách đây 5 năm, ông chuyên nghề đặt lọp bắt cá. Mỗi đêm ông Hòa đặt hàng trăm lọp, nhiều lúc trúng cả chục ký cá lăng, cá tai tượng, cá lóc… Nhìn ông là thấy cái hồn sông nước đã ngấm vào máu thịt. Ông xem lòng hồ ở đây không khác gì kênh rạch ở quê ông. Cũng như ông Văn, chị Trần Thị Luyến, bà Bùi Thị Thỉ…là những cư dân miền tây lên đây gia nhập làng chài. Hàng ngày họ dành thời gian rảnh rỗi đan lưới, vá lưới để chồng con ban đêm đánh bắt cá. Với họ, cuộc sống ở đây dễ thở hơn so với trước kia. Nỗi nhớ quê cũng vợi bớt bởi tình làng nghĩa xóm của những phận đời tha hương quần tụ bên nhau.

… đến ngôi làng bè trù phú

Cho đến bây giờ, sau gần 7 năm thành lập, ngoài những hộ dân gốc gác miền tây Nam Bộ, làng chài Sê San đã có thêm 5 hộ dân từ nơi khác đến. Anh Trần Văn Kỳ, người gốc Huế nhưng gia đình cư ngụ ở tỉnh Đăk Lăk cũng tìm sang đây. Vợ chồng anh sống theo nghề chài lưới, dựng ngôi nhà nổi giữa lòng hồ, ăn ở, sinh hoạt không khác gì các hộ dân gốc gác miền tây Nam Bộ. Vợ chồng anh Kỳ cho biết, mới gia nhập làng chài lòng hồ nên chưa thạo lắm nghề sông nước, tuy nhiên thu nhập cũng không đến nỗi và quan trọng là cảm giác được sống trong một ngôi làng thanh bình, giữa những người dân quê miền tây hồn hậu, chất phác.

Người xưa nói “an cư” rồi mới “lạc nghiệp”. Để an cư giữa lòng hồ thủy điện, những cư dân làng chài đã kéo đời sống văn minh gần lại bằng cách đầu tư vào hệ thống điện mặt trời lắp trên mái các ngôi nhà nổi. Năng lượng điện được tích trữ trong hệ thống bình ắc quy không chỉ thắp sáng về đêm mà còn sử dụng cho các tiện nghi như máy quạt, ti vi, dàn karaoke…

Từ nơi lẩn khuất giữa lòng hồ ít ai biết, chỉ trong vài năm trở lại đây, ngôi làng chài Sê San bỗng dưng được săn đón bởi thứ đặc sản riêng có: cá cơm nước ngọt. Loài cá nhỏ bé, chỉ nhỉnh hơn cây tăm này được đánh bắt, phơi khô, có khi chế biến thành sản phẩm bánh tráng cá cơm. Những ai có dịp thưởng thức đều tấm tắc trước vị ngon, lạ của cá cơm và bánh tráng cá cơm, tiếng lành đồn xa nên sản phẩm làm ra luôn được thương lái trong và ngoài tỉnh đặt hàng. Các hộ dân cho biết, mỗi đêm đánh bắt trung bình được từ 5-10 ký cá cơm khô, có mẻ trúng 20-25 ký. Thời giá hiện tại, thương lái mua 80.000 đống/1kg cá cơm khô, nghĩa là mỗi đêm kiếm được thấp nhất cũng vài ba trăm nghìn đến tiền triệu là chuyện thường.

Ngoài đánh bắt cá cơm và các loại cá đặc sản lòng hồ như cá lăng, cá tai tượng, người dân làng chài muốn tạo lập cuộc sống ổn định, lâu dài hơn bằng cách nuôi cá lồng bè. Được sự quan tâm của chính quyền, các ngành chức năng hướng dẫn, nhà nào cũng có vài ba lồng bè nuôi các loại cá như chình, cá hô, cá rô cờ, cá lóc… Chính môi trường thiên nhiên trong sạch đã giúp cho thủy sản ở đây thơm ngon hơn, chất lượng hơn nơi khác. Chỉ riêng đánh bắt cá cơm nước ngọt thôi cũng cho người nơi đây có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.

Để có thêm sức mạnh cộng đồng trong việc nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản nước ngọt lòng hồ, làng chài Sê San đã chính thức thành lập Hợp tác xã Sê San. Chính quyền xã Ia Tơi cho biết, từ khi thành lập Hợp tác xã, các mô hình khởi nghiệp nuôi cá lồng bè được đẩy mạnh, sản phẩm làm ra được gia tăng thương hiệu khiến đời sống người dân làng chài ngày càng phát triển, khởi sắc. Ông Hòa cho biết, mỗi lồng nuôi cá chình, chỉ cần thả 500 con cá chình giống, tận dụng thức ăn của thủy sản đánh bắt ở lòng hồ thì sau khoảng 2 năm mỗi con cá chình có thể bán với giá 1 triệu đồng/1 con. Nghĩa là sau 2 năm, một lồng bè nuôi cá chình thu về ngót nghét nửa tỷ bạc!

Vẽ ước mơ trên sóng nước

Làng chài Sê San bây giờ hình thành 2 làng, làng nổi trên lòng hồ và làng trên đất liền, sát bờ hồ. Làng nổi được dựng ghép trên những thân cây khô tận dụng ở lòng hồ. Nhà nào ở làng nổi cũng có nhà bè to rộng cả trăm mét vuông, tiện nghi sinh hoạt không thiếu thứ gì, ngoài ra mỗi nhà có từ 1 đến 2 chiếc thuyền máy, vừa làm phương tiện giao thông vừa phục vụ nghề chài lưới. Làng trên đất liền có được là nhờ vào chính quyền quy hoạch mỗi hộ 300 mét vuông, có sẵn nhà xây cấp 4 và sân vườn, đường nội bộ được đúc bê tông. Những ngôi nhà trên đất liền chủ yếu để con em ăn ở và theo học ở các ngôi trường trên đất liền, cũng là nơi các chủ hộ gặp gỡ, mua bán thủy sản với thương lái.

Trong tương lai rất gần, làng chài Sê San hay mô hình Hợp tác xã Sê San sẽ kết hợp thêm các ngành nghề dịch vụ như du lịch, tham quan lòng hồ, du lịch trải nghiệm đánh bắt cá, du lịch thưởng thức ẩm thực đặc sản lòng hồ, v.v.. Anh Nguyễn Phú An, chủ tịch xã Ia Tơi cho biết, giữa lòng hồ có một đảo nổi. Sau này chính quyền nghiên cứu để xây dựng Khu Du lịch tổng hợp với nhiều loại hình dịch vụ. Tất cả đang có trong một hình dung về ngôi làng chài du lịch, trong tầm nhìn chiến lược của chính quyền địa phương và mơ ước của những cư dân làng chài.

Chỉ mới 7 năm từ khi được công nhận chính thức và hợp pháp, thế hệ con em đầu tiên của làng chài Sê San đã có thể tự hào về mồ hôi, công sức của lớp cha anh khai phá lòng hồ. Hôm chúng tôi đến, vợ chồng anh Nguyễn Thành Nhân vừa tiễn con ra Huế nhập học. Hóa ra, con gái lớn của anh chị là sinh viên đầu tiên của làng chài. Không giấu được niềm tự hào, anh Nguyễn Thành Nhân tâm sự, vợ chồng anh quyết tâm, chí thú làm ăn để con cháu có được cuộc sống tốt đẹp hơn, tương lai rộng mở hơn. Anh Nhân bảo, anh chị từ miền tây lên, cả hai chưa rành mặt chữ, giờ con cái vậy thì không có niềm vui nào bằng. Đứa con sau của anh Nhân cũng đang theo học ở trường huyện và hầu như hộ nào cũng có con em đang theo học các trường trên đất liền.

Một ngày lênh đênh cùng các ngư dân gốc gác miền tây Nam bộ mưu sinh trên đất Tây Nguyên, chúng tôi thấm thía hơn ý nghĩa của câu “đất lành chim đậu”. Thì ra, quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, là hương hỏa quê nhà mà còn là nơi ta gắn bó sâu nặng đời người. Tây Nguyên thăm thẳm, diệu vợi nhưng cũng là nơi cưu mang những phận người xa xứ. Tây Nguyên bao la, bí ẩn nhưng cũng đầy bao dung và rộng mở đón con em từ các miền quê về đây mưu sinh, lập nghiệp.

Có điều gì đó khó cắt nghĩa nhưng thật ấm áp và xúc động. Là khi chúng tôi tạm biệt làng chài Sê San mà lòng như còn mang theo lời hát ngân vang giai điệu đờn ca tài tử. Giữa mênh mang sóng nước lòng hồ và sắc xanh mờ thẳm của núi rừng Tây Nguyên.

Nguồn Văn nghệ số 31/2022


Có thể bạn quan tâm