April 19, 2024, 8:32 pm

Làng Bần

Thử “giải mã” tên gọi

Cuối hè năm 1969 gia đình tôi chuyển về quê ngoại và từ đó tôi được sống những ngày thơ ấu với phố Bần. Người phố Bần làm nhà theo kiểu cửa lùa, sáng sáng từng tấm ván lùa được hạ xuống tạo nên khoảng trống mặt tiền để kinh doanh hay hành nghề gì đó. Trẻ con ham chơi lại thiếu bàn bóng nên những tấm ván cửa lùa đó được ghép lại làm bàn bóng ngay trên vỉa hè. Trẻ con vừa chơi vừa hát ngêu ngao “Làng Bần em có bến ô tô/ Dân phố Bần biết ăn bánh mì. Câu hát ngồ ngộ nhưng phần nào đã nói được nét chính về đời sống của cư dân làng Bần: Người ở phố thì ăn gạo sổ vì đa số là dạng công thương nên có bột mì nướng bánh và còn người ở trong làng thì làm nông nghiệp.

Đình đền làng Bần hôm nay

“Làng Bần” là cách gọi tắt chứ thực ra tên đầy đủ của làng là “Bần Yên Nhân”, cái tên là lạ ấy được giải thích là “Người nghèo yên phận”. Đó là một ngôi làng cổ có từ hồi gọi là bộ Dương Tuyền thuộc nhà nước Văn Lang xưa (Theo Đại Nam nhất thống chí). Nhắc tới “Làng Bần” đa số người nghĩ ngay tới món “Tương Bần” lừng danh từng đi vào ca dao dao gắn ghép với Thăng Long – Hà Nội. Nói thế cũng chưa đầy đủ bởi danh xưng “Bần” còn nhắc tới nhiều làng quanh đó. Khi còn gọi là “Huyện Đường Hào” (từ thời Bắc thuộc) hay khi được gọi là “Đạo Bãi Sậy” (do Toàn quyền Đông Dương đặt ngày 25 tháng 2 năm 1890) thì danh xưng “Bần” đã định hình cho nhiều làng và “huyện trấn” hay “phủ lỵ” đều đặt ở Bần Yên Nhân. Như vậy Bần Yên Nhân trên thực tế đã là một đô thị có tuổi đời dễ đến ngàn năm?

Trở lại về danh xưng “Bần” thì từ xa xưa các làng quanh làng Bần Yên Nhân đều có chung tên gọi gồm ba từ, hai từ đầu chung là “Bần Yên” rồi tới từ thứ ba mới khác. Vì dụ như các làng: Bần Yên Phú, Bần Yên Thổ, Bần Yên Lão, Bần Yên Hòa, Bần Yên Tập, Bần Yên Xá... dĩ nhiên là có làng Bần Yên Nhân. Nhưng xem ra chữ “Bần” hiểu theo nôm hay hiểu theo nho nhe thì có nghĩa là “nghèo” nên dần dần các làng xung quanh “tự động” bỏ đi chữ “Bần” mà chỉ giữ lại hai chữ sau, vậy nên mới có các làng: Yên Phú, Yên Thổ, Yên Lão, Yên Hòa, Yên Tập, Yên Xá như hiện nay. Ngay người làng Bần Yên Nhân cũng “đổi” cách gọi cho phù hợp với thực tế và theo “người ta”. Người Bần Yên Nhân gọi “Làng Bần” tức là chỉ “Phố Bần” còn gọi “Làng Yên Nhân” tức là chỉ phần làng xóm liền với phố. “Làng Bần” hiện nay là Phường Bần Yên Nhân thuộc thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Ngôi Đền lịch sử

Về Bần Yên Nhân bây giờ không thể không tới thăm, tới lễ ở Đền Bần, người dân quen gọi là Đình. Đền Bần nghe đâu được lập từ hơn bảy trăm năm trước. Đền dựng ở giữa chợ Bần, một chợ to nhất nhì trong tỉnh. Đền Bần sau quãng thời gian khá là dài mai một thì nay vừa được trùng tu nâng cấp nên khá hoành tráng, sáng sủa và còn thơm mùi gỗ mùi sơn mới. Ông Nguyễn Văn Trường, thủ từ Đền Bần, chỉ tay giới thiệu khái quát cho tôi thấy những nét mới mẻ của Đền, ông nói “Báo cáo với thằng bạn biết Đền Bần bây giờ có lẽ đẹp nhất vùng đấy”. Ông Trường với tôi vốn là bạn cùng phố nên ăn nói bỗ bã như vậy, giới thiệu xong thì ông Trường nhắc lại chuyện chúng tôi tình cờ gặp nhau ở biên giới phía Bắc cách đây những bốn mươi hai năm. Tôi cảm động lắm, chuyện gian khó khó quên, chuyện vui qua mau mà. 

Ông Trường cho hay: Theo truyền tụng thì Đền Bần thờ “Đông Hải Đại Vương – Đoàn Thượng”. Theo đó thì tướng quân Đoàn Thượng là vị tướng cuối thời nhà Lý (đời vua Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông). Ông là hào trưởng vùng Hồng và là chủ soái của sứ quân họ Đoàn ở lộ Hồng Châu. Khi nhà Trần “tiếm quyền” nhà Lý, Thái Sư Trần Thủ Độ rất muốn trọng dụng tướng Đoàn Thượng nhưng vị tướng người quê ở mạn Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (Xưa gọi là tỉnh Đông hay Xứ Đông) một mực trung quân với Triều Lý không chịu nghe theo. Thuyết phục không được và đề phòng hậu họa, Trần Thủ Độ đã lập mưu giả làm lễ “Minh thệ”. Tướng Đoàn Thượng vì cả tin nên một mình một ngựa đến, bị mai phục chém đầu sắp lìa khỏi cổ nhưng vẫn cố phi ngựa theo đường kinh lý (quốc lộ 5 hiện nay) để về quê. Ngựa đến làng Bần thì đầu của Đoàn Thượng rơi xuống đất. Người dân làng Bần đã nhặt đầu ngài và làm lễ hóa chu đáo. Cảm phục trung thần Đoàn Thượng mà dân làng Bần đã cho lập đền thờ Ngài ở chính nơi đầu Ngài rơi xuống. Đầu rơi rồi nhưng ngựa vẫn phi, phi cho đến Mao Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) thì mới chịu vật ngã hoàn toàn. Vậy nên có câu “Đầu Bần thân Mao” như truyền tích.

Tướng Đoàn Thượng sau khi mất được nhiều đời vua Trần, Lê và Nguyễn sắc phong là “Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng Thượng đẳng thần”. Theo truyền tụng thì đó là một vị thần thường hay linh ứng trợ giúp dân chúng. Trong dân gian còn có tín ngưỡng thờ đức thánh Ông Hoàng Cả tức Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng trong Tứ phủ Quan Hoàng mà huyền tích về sự xuất hiện của họ thường có liên hệ mật thiết với các nhân vật lịch sử, danh tướng có công đánh dẹp giặc hay những người khai sáng, mở mang cho đất nước, địa phương nơi họ hiển linh.

Ngôi chùa cách mạng

Ở làng Bần có một ngôi chùa rất được người dân sùng kính, chùa Bình Tân. Quãng đầu những năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi Bần Yên Nhân là nơi đi về của nhiều cán bộ cách mạng. Xứ ủy Bắc Kỳ từng đã có lần nhóm họp ở Chùa Bình Tân. Ông Ngô Văn Quý, thành viên ban trị sự xây dựng chùa, nét mặt hân hoan kể cho tôi câu chuyện: Có lần Xứ Ủy nhóm họp nhưng không may có kẻ đã chỉ điểm cho mật thám Pháp. Lính Pháp mai phục trong hậu điện của chùa để hòng bắt gọn các cán bộ ta. Tình thế đúng là “ngàn cân treo sợi tóc” vì chẳng có cách nào để báo cho các cán bộ ta biết được.

Sáng hôm đó, theo lịch hẹn các cán bộ của ta từ nhiều hướng đi đến chùa giả như khách vãng cảnh vậy. Mật thám Pháp hí hửng vì sắp “hốt được mẻ lớn” nên chúng bắt vị sư trụ trì chùa ra sân tưới hoa như mọi bữa. Vị sư vừa tưới hoa vừa đảo mắt nhìn ra ngoài ngõ chùa. Ông vô cùng lo lắng khi thoáng thấy bóng người đi tới. Trong tình huống đó chợt vị sư nẩy ra “sáng kiến”, ông thong thả rẩy từng hạt nước lên từng khóm hoa. Vừa rẩy nước ông vừa đi dần ra ngoài cổng. Thấy một cán bộ đi vào, vị sư liền như vô tình rẩy nước tưới hoa mà rẩy cả lên người người cán bộ đang tới rồi như nước trong chậu đã hết vị sư liền hắt cả vào người cán bộ. Thấy khác lạ nên người cán bộ kia lặng lẽ quay lui và kịp báo cho những cán bộ khác. Lính Pháp sáng đó nằm phục trong hậu điện muỗi đốt sưng người nhưng chẳng thấy cán bộ nào của ta tới cả. Chúng hậm hực rút quân. Hành động tỉnh táo và “sáng tạo” của vị sư trụ trì chùa Bần sáng đó đã góp vào công tác bảo về cách mạng một cách dân giã mà hiệu quả. Chùa Bình Tân được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa.

Trận đánh Đồn Bần “kiểu mẫu”

Người Pháp lập phủ lỵ ở Bần Yên Nhân nên xây dựng ở đây một đồn binh khá lớn, tuy gọi là Đồn nhưng thực ra đó là một căn cứ quân sự với nhiều lớp rào thép gai cùng hệ thống lô cốt, hầm ngầm bê tông và được trang bị hỏa lực mạnh. Đồn Bần án ngữ ngay đường số 5 nên gây nhiều khó khăn cho cán bộ bí mật của ta mỗi khi đi về cơ sở. Nhận thấy cần phải “nhổ cái gai” Đồn Bần nên Xứ ủy Bắc kỳ do đồng chí Nguyễn Khang chủ trì liền quyết định “đánh Đồn Bần”. Và nhiệm vụ ấy được giao cho đồng chí Nguyễn Bình (Nguyễn Bình năm 1948 được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Trung tướng).

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Lính tráng trong đồn hoang mang, lo sợ. Nhận thấy cơ hội hạ đồn đã đến, đồng chí Nguyễn Bình lóe lên ý tưởng giả trang quân Nhật đến tước khí giới để thực hiện mục tiêu chiếm đồn nhanh gọn. Việc tấn công đồn được thực hiện theo 2 hướng. Từ trong đồn, cơ sở do ta gây dựng sẽ mở cửa cho quân ta tiến vào. Từ bên ngoài, lực lượng tự vệ khu Bãi Sậy của địa phương đóng giả làm quân Nhật do đồng chí Nguyễn Bình trực tiếp chỉ huy đánh từ bên ngoài vào.

Đêm ngày 12/3/1945, thực hiện đúng kế hoạch đề ra, khi các lực lượng đã tập trung ở khu vực cách đồn Bần Yên Nhân khoảng 200m, đồng chí Nguyễn Khang thay mặt Tổng bộ Việt Minh giao nhiệm vụ. Tới “giờ G”, đồng chí Nguyễn Bình cùng các đồng chí Việt Minh khác trong quân phục sĩ quan Nhật tiến về phía cổng đồn rồi tuốt gươm thị uy. Đúng lúc này, trong đồn vang lên một tiếng pháo, cổng đồn mở toang. Lực lượng của ta ào ạt xông vào làm địch không kịp trở tay.

Trận thắng ở đồn Bần Yên Nhân đã thổi bùng lên cao trào chống Nhật. Niềm tin của nhân dân vào Việt Minh ngày càng được củng cố. Khi đánh giá về trận đánh đồn đặc biệt này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói “Đây là một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ”.

Và hiện tại sáng tươi

Ông Ngô Phương Tuệ, Chủ tịch UBND phường Bần Yên Nhân hôm ngồi cùng mâm với tôi trong lễ giỗ tổ họ Ngô làng Bần (mẹ tôi là con gái họ Ngô) đã cho biết “Thị xã Mỹ Hào hiện có 3 phố và 24 đường phố thì phường Bần Yên Nhân “sở hữu” 2 phố và 17 đường phố”. Câu nói khoe của ông Chủ tịch phường như thầm ý nói rằng: Phường Bần Yên Nhân là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội và là trung tâm phát triển đô thị của Thị xã mới.

Phường nằm giữa hai khu kinh tế hàng đầu của tỉnh Hưng Yên là Khu công nghiệp Phố Nối A và B nên thuận lợi cũng nhiều mà khó khăn cũng lắm. Khó khăn đầu tiên là vấn đề dân nhập cư và phát triển các khu dân cư cũng như xây dựng mới hạ tầng đô thị. Về Phường Bần Yên Nhân hôm nay vẫn dễ dàng nhận ra “nét riêng” của làng Bần, đó là san sát những cửa hàng bán tương Bần đặc sản với những chai tương ánh mầu vàng đỏ.

Nhưng đặc biệt nhất vẫn là phát triển đô thị. Ông Ngô Phương Tuệ ghé tai tôi nói nhỏ “Vấn đề phải làm là xây dựng nếp sống đô thị cho cư dân gốc và dân nhập cư”. Đúng là như vậy, bởi với số dân hơn hai vạn tư người trong đó phân nửa là người nhập cư nên tạo sự hòa nhập và tạo nếp sống của một đô thị nửa công nghiệp nửa kinh doanh là điều không dễ. Việc chỉnh trang hạ tầng cũng là một bước đi để từ chính cuộc sống hàng ngày sẽ hình thành lối sống theo xu hướng phát triển.

Rồi ông Ngô Phương Tuệ thông báo “Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ phường phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 15%/ năm. Cơ cấu kinh tế Nông nghiệp, TTCN, ngành nghề; Dịch vụ thương mại đến năm 2025 là 43%-56%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 160 triệu đồng/ người/ năm”.

Tôi cười vui vui, một hiện tại tươi sáng đang mở ra cho “Làng Bần em có bến ô tô/ Dân phố Bần biết ăn bánh mì”.

Nguồn Văn nghệ số 12/2021


Có thể bạn quan tâm