April 26, 2024, 12:41 am

Lan tỏa quyết tâm và những quyết sách từ nghị trường

Không có nhiều thời gian cho một kỳ họp cuối năm được cho là có quá nhiều nội dung quan trọng, thậm chí có nội dung còn được coi là tiền đề, là xương sống của phát triển kinh tế, chính trị, xã hội những năm tiếp theo như Luật đất đai (sửa đổi), Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự (sửa đổi)... Nhưng bằng sự quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, trong và sau kỳ họp, Quốc hội đã hoàn thành chương trình nghị sự, nhận được sự đồng thuận của cử tri. Hơn bao giờ hết, cử tri, doanh nghiệp, xã hội đã, đang kỳ vọng và chờ đợi kết quả thu được từ kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV thông qua những quyết sách kịp thời, sát thực tiễn góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

 

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023

 

Chủ động, thông suốt từ nghị trường đến thực tiễn

Nếu như tại các kỳ họp trước, chi phối các phiên thảo luận tại nghị trường là tiếng nói từ cơ sở được đại biểu chuyển tới Quốc hội, thì tại kỳ họp thứ Tư vấn đề quan tâm của đại biểu đã tập trung hơn ở nhiều vấn đề lớn như: Giá xăng dầu, vật tư y tế, sách giáo khoa, nhà ở xã hội, tăng lương cơ sở cho người lao động, chính sách tài chính tiền tệ, an toàn trên không gian mạng… và cũng ngay tại nghị trường, những tư lệnh ngành, thành viên Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời để gỡ vướng, thậm chí giải quyết triệt để những vấn đề mà đại biểu quan tâm, cử tri mong đợi.

Bốc thuốc, trị đúng bệnh nhằm  nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế cũng là những cụm từ mà đại biểu Quốc hội, cử tri nói về kỳ họp. Không khó để nhận ra những “phương thuốc” hữu hiệu đã được kê đơn ngay tại nghị trường, không chỉ có tác động trong ngắn hạn mà còn có tác động lâu dài, nhất quán, nhằm thúc đẩy thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như: Các chính sách liên quan đến cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh;Tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp qua thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; Có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX, doanh nghiệp trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi thực hiện các dự án an sinh xã hội; xử lý thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng và chính sách đãi ngộ cán bộ để họ yên tâm gắn bó với nghề… Hiệu ứng xã hội đã có, niềm tin của cử tri, nhân dân vào chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ tăng lên với minh chứng từ số liệu thông kê cho thấy, trong 3 quý liên tiếp, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam luôn dao động ở mức 7,5-8%. Đây được xem là mức cao, đưa nước ta trở thành điểm sáng trong khu vực, khối ASEAN và quốc tế.

Phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy an sinh xã hội, chăm lo cho những đối tượng yếu thế, vô hình chung đã thống nhất mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị, xã hội, tạo thành sức mạnh nội sinh để dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam tiến xa. Vì vậy, những quyết sách từ nghị trường cũng chính là tạo tiền đề để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.

Kiên định mục tiêu đặt ra

Bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều nhiều Nghị quyết. Trong đó, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với mức tăng trưởng 6,5%. Được cử tri cả nước hết sức quan tâm. Mục tiêu tổng quát đặt ra là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Muốn làm được điều này, Công tác giám sát đã được Quốc hội đặc biệt coi trọng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra yêu cầu: Công tác Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống”. Trong đó “xây” vẫn là căn bản, lâu dài; “chống” là quyết liệt, triệt để, cấp bách để ngăn chặn tiêu cực từ sớm, từ xa để không có cơ hội phát sinh tiêu cực, làm suy yếu sức khỏe nền kinh tế, tồn hại đến sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Quyết tâm này không phải mới được đặt ra, thậm chí nhấn mạnh tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV mà trước đó đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về lí thuyết là vậy, nhưng thực tế đôi lúc, đôi nơi, để nói không với tình trạng “tham nhũng” và “tham nhũng vặt” vẫn khó khả thi. Đòi hỏi ý chí và quyết tâm cao đội ngũ công bộc của dân. Để không làm suy yếu sức mạnh của nền kinh tế, không chỉ giảm lòng tin của đối tác nước ngoài khi có ý định đầu tư vào Việt Nam mà còn giảm lòng tin của người dân và cử tri cả nước. Trong phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã thừa nhận có sự nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với người dân. Bởi vậy, mong muốn của cử tri, của Nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng”, chống tiêu cực trong xã hội là vô cùng bức thiết

Tại báo cáo của các cơ quan: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao..., cho thấy sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của các cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn thời gian qua, nhưng hoạt động phòng, chống “tham nhũng vặt” còn quá khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra.

Chính vì vậy, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2023. Trong đó, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó là đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.

Phát huy nguồn lực nội tại để có thắng lợi toàn diện, vững chắc cũng được Quốc hội đặc biệt quan tâm và đặt ra những yêu cầu cụ thể. Đó là chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

Đây hầu hầu hết là những “nhiệm vụ” được xem là khả thi mà Quốc hội, cử tri cả nước kỳ vọng vào những quyết sách của Chính phủ ở những tháng cuối cùng của năm 2022 và năm 2023 tầm nhìn 2025. Đặc biệt, với năm 2023 nền kinh tế sẽ phát triển thuận lợi hơn khi dịch bệnh được kiểm soát, sẽ tạo niềm tin, cơ hội để đất nước chuyển mình. Tin rằng, những quyết sách nói trên  sẽ tạo ra những sung lực mới để kinh tế -xã hội  phát triển đúng như kỳ vọng.

PV

Nguồn Văn nghệ số 47/2022


Có thể bạn quan tâm