April 19, 2024, 11:32 pm

Lan man chuyện tháng Mười một

 

Tháng Mười một là tháng dành cho giáo dục, tháng có ngày Nhà giáo, để mọi người tôn vinh nhà giáo...

Cái tháng Mười một áp cuối của một năm, chạm cửa mùa đông rét lạnh với bao chuyện buồn trăn trở trong năm về môi trường, thủy điện, xả lũ, lũ lụt... và nhiều thầy cô giáo có nguy cơ mất việc ở một tỉnh nọ.
Nhớ hồi nẵm, thầy cô giáo không ai gọi là “nhà giáo” mà là “thầy, cô”, giáo viên hay giáo sư... rất ít khi sử dụng từ Nhà.

Nói đến từ “Nhà” bỗng nhớ đến hàng loạt các “nhà” hiện nay mà cứ băn khoăn mãi, ví như nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà nước, v.v và v.v...

Cũng hồi năm nẵm, ai viết báo thì gọi là phóng viên, ký giả, người làm thơ gọi là thi sĩ, viết văn là văn sĩ, nhà nước là chính phủ v.v...

Từ “nhà” theo Tự điển Bách khoa toàn thư mở: “Nhà là công trình xây dựng có mái, tường bao quanh, cửa ra vào để ở, sinh hoạt văn hoá, xã hội hoặc cất giữ vật chất, phục vụ cho các hoạt động cá nhân và tập thể của con người, và có tác dụng bảo vệ cho các hoạt động đó. Nhà cũng có thể là một nơi cư trú hay trú ẩn. Tinh thần, nhà có thể liên quan tới trạng thái khi ở nơi trú ẩn hoặc sự tiện lợi”

Còn từ điển Lạc Việt thì tóm tắt như sau: “Danh từ: công trình xây dựng để ở, nơi ở của một gia đình, những người cùng dòng máu sống trong một gia đình, tập hợp những vua thuộc cùng một triều đại, quang cảnh bên trong, người hoặc những gì có quan hệ gần gũi với mình, thú vật được thuần dưỡng. Từ chỉ người khác với ý thân mật hoặc coi thường. Người chuyên hoạt động trong một lĩnh vực, ngành nghề, gia đình, về mặt của cải, đạo đức. Từ vợ, chồng nói chuyện với người khác

Đại từ: từ dùng cho vợ, chồng gọi nhau

Tính từ: thuộc về một gia đình, một tập thể”.

Tra cứu như thế để thấy từ “nhà” là rất gần gũi, thân thuộc, thân quen và cũng thật “trân trọng”. Giáo sư Trần Văn Khê lúc còn sinh tiền có nói, những gì thân thuộc và quý trọng nhất người ta mới gắn với từ “nhà” .

Song có lẽ vì quá “thân thuộc” nên đôi khi trở thành “xa cách” và thậm chí “xa lạ” với mọi người. Thậm chí có khi còn bị mọi người xem thường như những vụ việc xảy ra gần đây của các nhà... báo (lá cải, chạy theo thị hiếu, viết sai lệch sự thật), nhà văn, nhà thơ (đạo văn, đạo thơ), nhà sử học (trốn tránh sự thật của lịch sử), và cả nhà nước (các cấp, quan liêu, xa rời nhân dân, tham nhũng...)

Riêng “nhà giáo, nhà trường, nhà giáo dục” thì quá nhiều chuyện từ cải cách, thi cử, tuyển sinh, đến dạy thêm, dạy bớt, thu đủ các loại phí... cứ làm cho xã hội nháo nhào, phụ huynh mất lòng tin. Đặc biệt là một bộ phận “nhà giáo” bị suy thoái đạo đức, có những hành vi phản cảm, vô văn hóa, và những hình ảnh học sinh đánh đấm lẫn nhau như những anh chị giang hồ lâu lâu lại đưa clip lên mạng làm bức xúc mọi người, khiến những bậc phụ huynh không khỏi chua xót và lo lắng trước sự giáo dục của nhà giáo, nhà trường...

Thầy cô giáo chân chính rất cần sự tri ân, trân trọng nhưng là sự tri ân, trân trọng xuất phát từ trái tim, đạo đức, nhân cách của mọi người trong xã hội, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Mọi hình thức, giả dối, tôn vinh... chỉ làm xã hội tốn kém, mất thời gian, giống như ngọn lửa bùng lên khi có mồi rơm và sau đó chỉ là đống tro tàn...lạnh ngắt.

Hay đã đến lúc cần xem lại cái từ “nhà” thân quen, có khi là sự lạm dụng thái quá chăng?..

 

 


Có thể bạn quan tâm