March 28, 2024, 10:47 pm

Làn điệu sli nâng cánh cho thơ bay

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ MÃ THẾ VINH

Nhà thơ Mã Thế Vinh quê ở xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Ông còn có bút danh là Mã Tào và Mai Thế. Trước khi bước vào hoạt động sáng tác thơ ca, viết kịch tuyên truyền cổ động và trở thành một nhà thơ nổi tiếng của xứ Lạng, ông từng là một cán bộ văn hóa làm công tác tuyên truyền cổ động, cán bộ biên tập thơ ca quần chúng của tỉnh và khu Việt Bắc. Bên cạnh sự nghiệp sáng tác thơ, văn, Mã Thế Vinh còn đam mê sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu văn hóa dân gian. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa thông tuệ, am hiểu sâu sắc tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán và dân ca dân tộc mình.

Một số tác phẩm tiêu biểu: Tập thơ: Hiến pháp ban hành như mùa Xuân (Tuyển tập thơ 1945 – 1960); Đỉn tỉ Lạng Sơn (Thơ dân tộc diễn ca tiếng Tày – Nùng, 1962), Vẽ bản đồ quê tôi (song ngữ, 1981); Con đường anh đi (truyện thơ song ngữ Nùng – Việt, 1995), Tuyển thơ Mã Thế Vinh (2003), Tuyển tập Mã Thế Vinh (song ngữ Tày, Nùng - Việt, 2013)...

Văn xuôi: Nàng tiên trứng (truyện cổ Tày, Nùng, 1987), Con mực bé Páo (truyện thiếu nhi, 2004), Hai vết sẹo (truyện ngắn, 2011); Lạng Sơn vùng đất của Chi Lăng, Đồng Đăng, Kỳ Lừa (ghi chép, 2010).

Sách sưu tầm, biên dịch: Trai gái sli đối đáp (Báo slao báo sli tò tóop) (song ngữ, 2008); Tục ngữ, thành ngữ Tày, Nùng Lạng Sơn (song ngữ 2009); Nhắn bạn (song ngữ, sưu tầm, dịch thơ Hoàng Văn Thụ); Cỏ lảu sli lượn Nùng Phản slình (Đối đáp giao duyên, biên dịch); Cảu Khay (Truyện cổ Tày – Nùng Lạng Sơn, 2012); Truyện cổ Nùng Tày xứ Lạng (2012); Then Văn Quan (biên dịch, song ngữ,); Sli sình làng (tập sli song ngữ, biên dịch)...

Tiểu luận: Văn hóa – Văn nghệ với việc sáng tạo mới (2005), Thơ dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XX (2011)…

Giải thưởng văn chương: Giải thưởng của Hội đồng văn học dân tộc Hội Nhà văn Việt Nam cho hai bài thơ Hiến pháp ban hành như mùa Xuân và Vẽ bản đồ quê tôi. Giải thưởng Hoàng Văn Thụ cho các tập: Hiến pháp ban hành như mùa Xuân, Con mực bé Páo, Tục ngữ, thành ngữ Tày, Nùng Lạng Sơn. Giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho Sli sình làng - Sli song ngữ. Giải thưởng của Ủy ban Dân tộc cho tập thơ Vẽ bản đồ quê tôi...

Do tuổi cao sức yếu, nhà thơ Mã Thế Vinh đã từ trần vào lúc 8h06’ ngày 25/10/2022 tại quê nhà, hưởng thọ 91 tuổi. Bài viết sau đây của nhà văn Lê Thị Bích Hồng xin được xem như nén tâm hương tiễn ông thanh thản ra đi về miền mây trắng

VN

Mối lương duyên thơ và sli (hát dân gian) đã làm nên sự độc đáo, nhất quán trong sáng tác thơ của ông, tạo nên một phong cách riêng, ăm ắp văn hóa dân gian trong nhịp sống hiện đại.

Nhà thơ Mã Thế Vinh

Gặp ông trong nhiều hoạt động văn học nghệ thuật, tôi thực sự ấn tượng với phát biểu đầy tâm huyết của bậc trưởng lão có mái tóc trắng như cước mà chưa có dịp chuyện trò. Cho đến một buổi lễ tổng kết và mừng Xuân của Hội Nhà văn Việt Nam được tổ chức tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, tôi mới nhón nhén hỏi: “Cháu có nghe đợt đi tham quan Lào với Hội Nhà văn, chú mê lăm vông và trọn một đêm lăm vông với bạn Lào để có một chùm thơ sau phút xuất thần ứng tác: Vẫn vòng tay ấy, Không rượu cũng say, Nhịp lăm vông, Suối Nặm Hôm, Về hội Thạp Luổng, Ơi cô gái Lào Lum, Gặp em trên nhà thuyền, Không đề. Bất ngờ nghe tôi hỏi, ông sững người, chợt phiêu bồng cảm xúc, cười hiền hiền: “Đúng mà. Đêm lăm vông ở Mường Pẹc. Nhưng mà sao cô biết?”.

Nhà thơ Nùng đầu tiên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Mã Thế Vinh là thế hệ nhà văn dân tộc thiểu số thứ hai trưởng thành sau các nhà văn như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Lương Quý Nhân, Hoàng Nó, Cầm Biêu. Với niềm đam mê văn chương, sau hai tập thơ Vẽ bản đồ quê tôi (1981); tập diễn ca Đỉn tỉ Lạng Sơn (1982), năm 1983, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Như một cánh chim đầu đàn, ông mang đến niềm tự hào cho dân tộc Nùng xứ Lạng.

Ngày nhỏ, Mã Thế Vinh không có điều kiện học chữ Quốc ngữ, mà học chữ Nho theo nguyện ước của cha mẹ muốn con trai nối nghiệp thầy Tào, thầy Mo. Năm 1947, xã Tri Phương bị Pháp tạm chiếm, ông cùng gia đình chạy vào vùng tự do và lúc đó mới học phổ thông. Đầu năm 1953, ông thoát ly, bắt đầu chặng đường hoạt động văn nghệ. Với năng khiếu bẩm sinh, giỏi thơ phú, thạo sli, lượn, nên dù mới học hết cấp II phổ thông, nhưng Mã Thế Vinh đã đảm nhiệm tốt nhiều hoạt động tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ. Tự biết năng khiếu là một yếu tố cần, nhưng quan trọng người làm cán bộ phải được bổ sung, bồi dưỡng để đủ rộng sâu phông văn hóa. Điều đó ông đã gửi vào thơ với lời tự bạch chân thành: “Tôi tiếc mình không đủ tài đủ sức/ Chọn những từ giàu màu sắc tinh hoa” (Đẹp). Với tinh thần đó, ông kiên trì theo học các lớp chuyên tu, kể cả lớp lớp ngắn hạn để làm đầy tri thức. Mặt khác, ông lặm lụi tự học, bám vịn vào vốn văn hóa dân gian để làm giàu kiến văn còn ít ỏi của mình.

Tâm sự nghề văn của ông cho thấy thái độ, trách nhiệm của người cầm bút: “Thoát ly gia đình đi công tác lại hoạt động trong ngành tuyên truyền văn hóa, văn nghệ và mặc dù công việc sáng tạo là tay trái, nhưng tôi tâm niệm phải đứng vững trên hai chân là văn nghệ dân gian truyền thống dân tộc, địa phương để phản ánh, miêu tả trung thực về con người, đất nước Việt Nam đổi mới, hội nhập”. Sự nỗ lực vươn lên của ông đã được trải nghiệm và ghi nhận qua nhiều vị trí công tác. Từ diễn viên Ðoàn Văn công Việt Bắc, Mã Thế Vinh đã đảm nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn Văn công Lạng Sơn, Phó Trưởng ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Lạng Sơn (Sở VH,TT&DL tỉnh Lạng Sơn) và sau đó đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn cho đến khi nghỉ hưu. Ông là một trong những người sáng lập Hội Văn nghệ Việt Bắc; hội viên các hội trung ương (Hội VHNT các dân tộc thiểu số, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhà văn, Hội Nghệ sỹ Sân Khấu); Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn.

Sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ và lối tư duy của dân tộc

Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nùng đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyển tập Mã Thế Vinh (Song ngữ Tày, Nùng - Việt). Đây là công trình “tinh tuyển những sáng tác về thơ song ngữ…”, đã khẳng định những đóng góp đáng trân trọng của nhà thơ với ý thức bảo tồn và phát huy sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ; là món quà sinh nhật ông lần thứ 80 của Nxb Đại học Thái Nguyên.

Trong sự nghiệp VHNT, Mã Thế Vinh đóng góp ở nhiều lĩnh vực: Văn học (thơ, truyện, ký, ghi chép); kịch bản sân khấu; sưu tầm, dịch thuật. Nhưng sáng tác thơ (truyện thơ, diễn ca) viết bằng tiếng Tày, Nùng và song ngữ (Tày, Nùng - Việt) mới là niềm đam mê và cũng chính đó mới là thế mạnh của ông. Tình yêu sli thấm vào máu thịt đã thúc đẩy Mã Thế Vinh dành nhiều tâm sức, thời gian hơn cho thơ. Mối lương duyên thơ và sli làm nên sự độc đáo, nhất quán trong sáng tác thơ, tạo nên một phong cách riêng, ăm ắp văn hóa dân gian trong nhịp sống hiện đại.

Thơ Mã Thế Vinh đã vượt khỏi làng bản, rộng mở đến với mọi miền đất nước. Vì thế, sau mỗi chuyến công tác trong và ngoài nước, ông đều gửi xúc cảm của mình vào thơ. Ông thể hiện một tình yêu, niềm tự hào với Việt Bắc đẹp giàu, anh dũng: Là hồ Ba Bể: “Trở về Ba Bể cảnh tiên vui/ Sóng nước vỗ bờ cá lườn bơi”; là Thái Nguyên: “Bằng bằng nơi đây đất Thái Nguyên/ Đèn điện, đèn trời sang lung linh”; là Tuyên Quang: “Bến đò Bình Ca đất Tuyên Quang/ Mặt nước trên bờ ăm ắp hàng”; đây Hà Giang: “Bình minh dọi xuống sương mù hết/ Con gái con trai ra mở đàng”; ngược lên Cao Bằng với cao cao: “Mỏ vàng suối bạc cảnh thanh tao/ Đôi bờ sông Bằng ruộng hai vụ/ Bản Giốc trời bông dải lụa đào” (Việt Bắc chuyển mình). Qua Việt Bắc, sau chuyến hành phương Nam, mở rộng tầm mắt, nhà thơ say mê ôm trọn đất nước thân yêu hợp hai đầu đất nước, nối Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau: “Mũi Bắc Lạng Sơn – Mũi Cà Mau... Vọng cổ trời Nam, Then trời Bắc/ Đàn bầu đàn tính cung bậc chung” (Lời ca quyện hai đầu Tổ quốc)…

Nhà thơ với tài ứng tác

Mã Thế Vinh có tài ứng tác thơ. Thơ là nghệ thuật của cảm xúc. Cảm xúc thăng hoa thường bất chợt gặp khoảnh khắc đáng nhớ. Trước ngày Tết năm 1998, cùng bạn văn đến bên tượng đá nàng Tô Thị và con hổ xám trên đỉnh núi (Còn Lèng, Việt Thắng, TP Lạng Sơn), Mã Thế Vinh liền ứng tác: “Viếng thăm Tô Thị chỏm đầu non/ Hổ còn thương cảm tuổi trăng tròn/ Chờ chồng, hai “nàng” cùng hóa đá/ Kẻ đứng bồng - kẻ lòng sắt son...”.

Đêm lăm vông ở “Đất nước Triệu Voi”, ông tung tẩy cảm xúc nghệ sĩ yêu sli, lượn để hòa điệu trống lăm vông. Đến Cánh Đồng Chum, nhà thơ ngỡ ngàng “rượu không say mà say giữa đồng” trước vẻ đẹp của cô gái Lào Lum, Lào Sủng: “Thấy em đã búi tóc sau lưng/ Áo khuy bạc lưng ong thắt đáy/ Váy lụa thêu hằn cánh bướm xuân” (Không rượu cũng say).

Không có khoảng cách chủ - khách, không có biên giới mà chỉ thấy người nghệ sĩ say mê hết mình cuốn hút đến ma mị của điệu múa ấy: “Em mời lăm vông anh lăm vông/ Hai tay cuốn nhịp - tay lẩy vòng/ Ngực xoay vòng ngực mắt trong mắt/ Mỗi bước lăm vông tình mặn nồng… / Em khắc trong anh “đỏ sẹo” lòng” (Vẫn vòng tay ấy).

Nguồn Văn nghệ số 45/2022


Có thể bạn quan tâm