April 26, 2024, 5:01 am

Làm thế nào để môn học “Trải nghiệm” thực sự là trải nghiệm?

 

Trong Chương trình phổ thông tổng thể vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có hoạt động giáo dục bắt buộc “Trải nghiệm” và “Trải nghiệm, hướng nghiệp” được phân phối 105 tiết/ năm. Đây là nội dung mới và còn nhiều điểm đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội do lo lắng sẽ có những biến tướng xung quanh cái gọi là hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Trước chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, vài năm trở lại đây, hoạt động trải nghiệm được hiểu nôm na là những hoạt động ngoại khóa. Tức là tổ chức cho các em học sinh đi tham quan tại  một địa điểm du lịch hay một di tích văn hóa để các em có kiến thức phục vụ cho học văn học, lịch sử.v.v… Và hoạt động này thường không mang tính chất bắt buộc, do việc tổ chức các chuyến dã ngoại phụ thuộc rất nhiều vào kinh phí do gia đình của học sinh đóng góp. Điều đáng nói là hình thức dã ngoại phần lớn chỉ được các Sở Giáo dục và Đào tạo tại các thành phố lớn triển khai chứ không phổ biến nhiều tại các tỉnh thành và các khu vực nông thôn. Nên khi hình thức dã ngoại - học ngoại khóa trở thành môn học trải nghiệm, nhiều trường, nhiều phụ huynh đã tỏ ra lo lắng, rất có thể chi phí học tập sẽ bị đội lên cao. Chưa kể nỗi lo có thật về sự bắt tay giữa nhà trường và các công ty lữ hành du lịch hiện nay.

Thế nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Cha ông ta thường có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, phải chăng đã bao hàm hết ý nghĩa của  hoạt động trải nghiệm này? Và phải chăng nhóm biên soạn đã lĩnh hội đủ mọi hàm ý trong câu nói trên để khái quát thành một môn học bắt buộc giúp cho học sinh có cùng trình độ nhận thức.v.v…

Thế nhưng không hoàn toàn vậy. Nghĩ đến hoạt động trải nghiệm, theo cách hiểu nôm na hiện nay “Trải nghiệm” có nghĩa là trải qua, kinh qua, nếm trải… Và tất cả những yêu cầu này nếu muốn đáp ứng được thì phải có thời gian, kinh phí, có các điều kiện về vật chất, con người để tổ chức. Chưa kể, người hướng dẫn, đánh giá cũng phải chuyên nghiệp, có chiều sâu nhất định. Đành rằng, hoạt động này là bổ ích và giúp trẻ trau dồi thêm kỹ năng sống, nhưng cứ hình dung thế này. Học sinh thành phố sẽ trải nghiệm về cuộc sống của vùng nông thôn, của các hoạt động sản xuất gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp. Còn học sinh nông thôn sẽ trải nghiệm gì, máy móc, công nghệ hay kinh doanh, sản xuất trong các khu công nghiệp tại thành phố… Và nhà trường sẽ lấy kinh phí ở đâu để chi trả cho những hoạt động trải nghiệm này nếu như không tiếp tục yêu cầu đóng góp từ phụ huynh. Trong trường hợp này thì hoạt động trải nghiệm sẽ trở thành hoặt động bắt buộc đối với tất cả học sinh chứ không còn là tự nguyện giống như trước đây. Chính vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, khi môn học trải nghiệm được công bố, không chỉ dư luận bàn thảo, mà cả những giáo chức trong ngành đều tỏ ra lo lắng trước lộ trình thực hiện môn học, và điều liện vật chất phục vụ môn học.

Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Chính phủ đã chính thức giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào trung tuần tháng 10. Do đã đánh giá đúng độ khó và điều kiện vật chất khi triển khai chương trình mới là chư phù hợp, Chính phủ đã xin lùi thời điểm triển khai tới năm 2020 và sẽ dạy thí điểm ở một số tỉnh, trường nhất định để đánh giá, tổng kết rồi mới chính thức triển khai đại trà. Sự cẩn trọng này là cần thiết, thế nên rất mong môn học “trải nghiệm” nói trên cũng cần cân nhắc lại, kẻo khi điều kiện chưa chín muồi (chưa chuẩn bị được các điều kiện tối thiểu đã triển khai) e rằng lợi bất cập hại.

 

 


Có thể bạn quan tâm