April 20, 2024, 7:57 pm

Làm sao giảm bớt “Gánh nặng nghề thầy”?

Hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức… thuộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước xin nghỉ việc, bỏ việc gần đây có xu hướng tăng cao, nhất là trong và sau đại dịch Covid-19.

Theo tài liệu của ngành Nội vụ công bố mới đây, thì từ năm 2020 đến nay, cả nước có hơn 40.000 cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Trong đó tỉ lệ xin nghỉ ở trung ương là 18% và địa phương là 82%; tập trung nhiều nhất là ở 2 ngành y tế và giáo dục. Báo chí chính thống dẫn số liệu của 2 Bộ chủ quản cho biết: Năm 2022 cả nước có 16.000 giáo viên xin nghỉ việc và bỏ nghề; riêng Hà Nội là hơn 1.000 người, trong khi đây là một trong những địa phương đang đối mặt với tình trạng thiếu trường, thiếu thầy hết sức căng thẳng. Ngành Y tế cũng trong tình trạng tương tự, đến mức Bộ chủ quản phải có văn bản “dọa” ai xin nghỉ việc, thôi việc không có lý do chính đáng sẽ bị tước giấy phép hành nghề (?).

Nhiều người lý giải nguyên nhân của hiện tượng trên đây là do áp lực của hơn 2 năm chống dịch Covid-19 và sức hút từ các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, với mức thu nhập, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến hấp dẫn hơn. Tuy nhiên kết quả điều tra và nghiên cứu của các cơ quan chức năng cho thấy ngoài những nguyên nhân trên đây thì các thầy thuốc và thầy giáo hiện nay còn chịu rất nhiều áp lực khác. Chẳng hạn với các nhân viên y tế khối nhà nước mặc dù phải làm việc trong môi trường có áp lực rất lớn nhưng lại không được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý. Hoặc như khâu quản lý các bệnh viện công vẫn theo thói quen từ trước đến nay nên ít có sự thay đổi, trong khi ở khu vực y tế tư nhân vấn đề này lại được đặc biệt chú trọng, thay đổi thường xuyên, tiếp cận được với các phương thức quản trị bệnh viện trên thế giới…

Nói đến  áp lực về nghề thì ngành nào cũng có với những chủ quan và khách quan đặc thù, nhưng dạy học và y tế là hai nghề đặc biệt vì đối tượng lao động là Con Người, là nghề tác động trực tiếp tới mọi tầng lớp trong xã hội. Hiện tượng bỏ việc, bỏ nghề của thầy giáo và thầy thuốc ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội rất lớn, cả trước mắt và lâu dài, buộc các nhà quản lý xã hội phải xem lại chúng ta vận hành xã hội như thế nào, mà dẫn đến những đứt gãy trong chuỗi quản lý về con người? Khi người ta chọn nghề là định hướng từ năng lực và điều kiện cá nhân, khi phải  bỏ nghề là một khó khăn khó vượt qua. Có câu chuyện một cô giáo Mầm non gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ 16 năm, nhưng không được tuyển dụng chính thức, phải bỏ nghề đi bán hàng, thường lén đến cổng trường nhìn vào vì nhớ nghề…

Mỗi nghề có đặc thù riêng và môi trường làm việc lành mạnh là một tiêu chí người lao động hướng đến. Cải thiện môi trường làm việc lành mạnh là cách giữ chân người lao động, để họ cống hiến những năng lực tốt nhất. Môi trường làm việc tác động mạnh nhất đến giáo viên và bác sĩ, bởi đó là nghề nhạy cảm nhất. Ví dụ  nghề Y dễ bị stress do phải chứng kiến sự đau đớn và tử vong của người bệnh, cùng đó là những đe dọa từ người nhà bệnh nhân... Hoặc như với đa số các giáo viên, dạy xong ở trường nhưng về nhà vẫn phải làm việc như soạn bài, đọc tài liệu, làm sổ sách… cùng đó là sự thiếu thông cảm từ phụ huynh. Làm việc trong tình trạng căng thẳng kéo dài dễ dẫn đến chán nản, bi quan, trầm cảm hoặc cáu gắt…

Vẫn không thể không nói đến chế độ tiền lương hiện hành. Thực tế mọi ngành nghề mức tiền lương đều theo quy định của nhà nước. Trước đây với mức lương khởi điểm, người lao động có thể tạm chi trả cho các chi phí. Đến nay, vì  trượt giá, tiền lương đó không đủ cho sinh sống tối thiểu, dẫn đến bỏ nghề. Thực trạng ấy rất cần có chính sách cải tiến tiền lương hợp lý. Một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, thực tập, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Đến lúc đã có thể vững tay nghề thì họ đã 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng về con cái, gia đình… Vậy thì mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến được. Trong khi người giúp việc “osin” hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công, cũng có số thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến bất cứ ai cũng phải đặt lên bàn cân để so sánh.

Một nguyên nhân nữa là do chính sách thu hút nhân lực khối công lập chưa thực sự tạo được động lực để thu hút và giữ chân đội ngũ cán bộ, chuyên viên có năng lực. Có tỉnh sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân tài, nhưng lại chưa có cơ chế rõ ràng để giữ chân họ. Lại có địa phương đưa ra chính sách thu hút nhân tài với các mức độ đãi ngộ khác nhau với các đối tượng là thạc si, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư… Nhìn vào con số đãi ngộ hàng tỷ đồng thì có thể thấy là lớn, nhưng thực tế chia nhỏ ra trong 10 năm, cộng với gánh nặng gia đình, thì con số ấy không phải là hấp dẫn được lao động có trình độ cao. Việc thu hút và giữ chân người lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là bài toán không tìm ra được đáp số cụ thể nếu các nhà quản lý chỉ tính toán “số học” đơn giản. Có thể thấy để trụ vững với nghề, đòi hỏi người lao động phải có những phẩm chất thuộc về năng lực cá nhân; nhưng để giữ chân họ trụ vững với nghề thì trách nhiệm này thuộc về các nhà quản lý.

Lịch sử thay đổi, nhưng nghề giáo và nghề y luôn tồn tại. Từ dân thường đến nguyên thủ quốc gia, ai cũng cần tới thầy thuốc và thầy giáo. Với hàng chục năm dạy học, công bằng mà nói thì giáo viên chúng tôi có nhiều niềm vui. Ngày 20/11 hằng năm được nhận những bông hoa tươi thắm, học trò thấu hiểu tình yêu thương của người thầy nên ý thức phải học giỏi đền đáp công lao. Thật hạnh phúc biết bao khi nhận được lá thư viết tay của trò cũ nay thành đạt nổi tiếng. Nghề nào cũng là cống hiến. Mỗi người sẽ thật hạnh phúc khi chọn đúng nghề và nghề cũng chọn đúng mình. Tuy nhiên ai biết bên trong, mỗi nghề đều có áp lực riêng. Tôi làm nghề dạy học nên chỉ ví dụ áp lực nghề giáo. Trong đó, cái cách mà báo chí khai thác về nghề dạy học chủ yếu ở góc độ tiêu cực cũng là một áp lực lớn đối với những người thầy. Trong sự phản ứng dây chuyền của dư luận, có ai đã bình tĩnh mà nghĩ ngược lại: trong hàng triệu giáo viên thì vài trường hợp xấu xa trên báo chí nói trên là số ít, nếu so với tệ nạn tham nhũng và góc khuất của các ngành nghề khác. Ngược lại, hàng triệu thầy cô giáo đang cống hiến hết mình cho nghề dạy học, đặc biệt ở những vùng cao, vùng xa, vùng sâu… thì ít khi được nhắc đến. Thực tế, mỗi nhà có một đứa con học thi cuối cấp đã khiến sinh hoạt gia đình xáo trộn, huống chi mỗi thầy cô hàng năm phải dạy cho vài chục học trò được lên lớp, được chuyển cấp, thi đỗ đại học. Mới đây lại có “điều luật” có hiệu lực từ tháng 12/2022 là xử phạt nhà giáo từ 10 triệu đến 15 triệu nếu phạt học sinh không đúng. Thêm một áp lực nữa đối với nhà giáo khi lằn ranh giữa “phạt đúng” và “phạt không đúng” vốn rất mỏng manh và định tính. Việc giáo dục đạo đức cho con trẻ trong thực tế xã hội đang có quá nhiều tiêu cực, giả dối… thực sự là khó khăn cho người giáo viên. Lại nhớ là năm nào, có thầy giáo chống tiêu cực trong thi cử, từng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng khen, được hứa rằng nếu không nơi nào nhận làm việc, thì Bộ trưởng sẽ nhận. Bây giờ, thầy giáo ấy không còn trong ngành giáo dục nữa, vì không có trường nào dám nhận người hay “gây sự”(!).

Một doanh nhân người Ý, sống tại Việt Nam từ những năm 1990, kinh doanh các  món bánh có nguồn từ nước Ý, đã nói về tình trạng giao thông ở Việt Nam, đại ý rằng: mọi người đều biết giao thông hỗn loạn và kêu ca, nhưng tất cả đều không làm gì để thay đổi hiện trạng ấy. Tôi nghĩ doanh nhân nọ nhận xét chính xác, và nghĩ thêm đó không chỉ là tình trạng riêng của giao thông. Một xã hội có khỏe mạnh hay không, có tiềm lực để phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của cả cộng đồng, trong đó có những người thầy thuốc và thầy giáo. Khi danh dự nhân phẩm của con người được tôn trọng thì môi trường xã hội sẽ lành mạnh, đó chính là động lực và mục tiêu để xây dựng một xã hội văn minh.

Nhà văn Phan Mai Hương

Nguồn Văn nghệ số 16/2023


Có thể bạn quan tâm