April 18, 2024, 9:57 pm

Làm mới sân khấu kịch “Góp gạo, thổi cơm chung”

Sau Ngã quỷ, vở diễn có sự kết hợp giữa cải lương và rối, đến Ngàn năm mây trắng là tổng hòa của chèo, xẩm, hát văn Huế... để lại dấu ấn đậm nét cho công chúng yêu nghệ thuật về một phong cách mới lạ, hấp dẫn, chỉ riêng có ở Việt Nam… thì tới đây, Huyền sử Việt – dự án dài hơi của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng sẽ chính thức được ra mắt công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.

Với sự kết hợp giữa cải lương và xiếc, Huyền sử Việt đã và đang cho thấy những nỗ lực làm mới sân khấu không chỉ của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, mà còn của những nghệ sỹ, diễn viên của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Huyền sử Việt cũng mở ra một hướng đi mới - hướng hợp tác giữa các loại hình, đơn vị nghệ thuật trong một tác phẩm nghệ thuật nhằm đem đến một diện mạo mới cho sân khấu thời Covid.

 

Một cảnh trong vở “Ngàn năm mây trắng”.

 

NỖ LỰC LÀM MỚI SÂN KHẤU

Dựng lại những vở kịch kinh điển trong nước và thế giới dưới góc nhìn đương đại. Thậm chí, thể hiện những tác phẩm đó thông qua nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau như vở: Ballet Kiều, Kiều qua ngôn ngữ múa rối... phần nào cho thấy không có “vùng cấm” trong đời sống nghệ thuật. Nghĩa là, bất kỳ một vở kịch (dù là kinh điển của thế giới hay Việt Nam), cho đến một kịch bản sân khấu vừa được hoàn thành từ các trại sáng tác (nếu có), dưới bàn tay của biên kịch, đạo diễn... đều có thể trở thành chất liệu khai thác của tất cả các loại hình nghệ thuật như Cải lương, Xiếc, Chèo, Tuồng... Nhờ biên độ rộng, lại không quá khắt khe trong khâu Việt hóa tác phẩm cũng như chuyển thể kịch bản sân khấu từ những tác phẩm văn học trong và ngoài nước, nên nhiều năm qua, dù có chung tình trạng khan hiếm kịch bản, đời sống sân khấu vẫn ghi nhận những tín hiệu ấm áp từ sự yêu mến của công chúng yêu nghệ thuật, thông qua việc hình thành hàng loạt sân khấu xã hội hóa ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Tuy nhiên, khoảng năm năm trở lại đây, trước sức ép của điện ảnh, âm nhạc và gameshow truyền hình thực tế... phần lớn các loại hình nghệ thuật truyền thống đã buộc phải co cụm lại. Thậm chí, nhiều đơn vị nghệ thuật dù đã lên lịch công diễn, nhưng buộc phải hủy xuất diễn vì không đủ lượng khán giả cần thiết nhằm cân đối bài toán thu chi/ xuất diễn. Đây là một thực tế mà những người làm nghệ thuật không mong muốn, nhưng buộc phải đương đầu và chấp nhận. Thế nhưng, khó khăn chưa hẳn đã hết, dịch Covid-19 bùng phát với quy mô toàn cầu và xâm nhập trực tiếp vào nước ta, sân khấu đồng loạt đóng cửa. Không xuất diễn, không khán giả trong vòng 4 tháng (từ tháng 1 đến hết tháng 4). Dịch tạm lắng vào tháng 5, nhiều đơn vị nghệ thuật đã lên kế hoạch sáng đèn trở lại. Nhưng Covid một lần nữa làm khó sân khấu khi quay trở lại. Và để không đứt mạch nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của công chúng, hình thức biểu diễn nghệ thuật online được lựa chọn. Những chương trình hòa nhạc, triển lãm và cả những vở diễn đã được số hóa và chuyển tải đến công chúng trên nền tảng số. Nghệ thuật, cũng vì vậy mà vẫn có thể song hành cùng đời sống.

Sự thay đổi từ nghe nhìn trực tiếp sang gián tiếp đã và đang cho thấy thói quen của công chúng trong thưởng thức nghệ thuật là có thực và không hề khó khăn như người ta vẫn nghĩ. Thậm chí, trong một chừng mực nhất định, công chúng trẻ tuổi còn tỏ ra thích thú khi chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay chiếc laptop có kết nối internet là họ có thể thưởng thức nghệ thuật theo cách họ muốn. Đây được cho là sự thay đổi tích cực trong tiếp nhận nghệ thuật nói chung, và sân khấu nói riêng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành. Đồng thời, cho thấy đã qua rồi thời kỳ những người làm sân khấu chỉ lo “bán” những thứ mình có mà không biết rằng công chúng đã “bội thực” khi phải ăn mãi món ăn dù được xem là ngon, bổ, rẻ.  Để lấy lại “khẩu vị”, cũng như kéo công chúng trở lại với sân khấu trong và sau mùa dịch, nhiều đơn vị nghệ thuật, nhà hát... đã xây dựng kế hoạch hoạt động dài hơi trong đó có sự liên kết “góp gạo thổi cơm chung” nhằm làm mới sân khấu.

THÊM NHIỀU ĐẤT DIỄN ĐỂ… THỬ SỨC

Trước Cây gậy thần, vở diễn đầu tiên trong dự án Huyền sử Việt, cuối năm 2019, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam đã dàn dựng và công diễn thành công vở Ngàn năm mây trắng. Đây cũng là vở diễn tiên phong kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhau trong cùng một vở diễn, từ cải lương (làn điệu Chiêu quân, vọng cổ, Lý chiều chiều), hát chèo (lẩy Kiều, vỉa ngâm), hát xẩm (xẩm chợ, xẩm ba bậc), hay làn điệu trống quân trong hát văn Huế... đã tạo ra những hiệu quả tích cực không chỉ cho chính vở kịch hát, mà còn mang lại cho khán giả những trải nghiệm vô cùng lý thú khi chỉ trong một đêm diễn cùng lúc được thưởng thức những tuyệt kỹ của ba loại hình nghệ thuật truyền thống. Cảm giác mới, lạ, cuốn hút còn được ghi nhận từ chính những nghệ sĩ, diễn viên tham gia diễn xuất.

Sau thành công của Ngàn năm mây trắng, những ý tưởng phối kết hợp nhiều loại hình thuật trong một tác phẩm không còn hiếm thấy trong đời sống sân khấu. Không lâu sau thành công của Ngàn năm mây trắng, Ngã quỷ với sự kết hợp giữa Cải lương và Rối cũng chính thức được trình làng. Và ngay lập tức trở thành vở diễn được đánh giá rất thành công, không chỉ thu hút được một lượng lớn khán giả mà còn cho thấy sự thành công trong kết hợp các loại hình nghệ thuật trong cùng một vở diễn là hoàn toàn có thể chấp nhận được và nếu làm tốt sẽ mở ra một hướng đi mới cho đời sống sân khấu không chỉ trong thời điểm hiện tại mà là của cả tương lai.

Theo NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, kết hợp giữa hai loại hình tưởng không liên quan gì tới nhau như: Cải lương và Rối. Giữa Xiếc và Cải lương thì tưởng như không liên quan nhưng thực tế lại rất gần gũi với nhau. Bản thân nghệ thuật Cải lương theo một số tài liệu ngay từ những năm 60 thì trong những phần trình diễn đã có nhiều “màu sắc” của nghệ thuật Xiếc. Đó là việc pha trộn thêm những cảnh múa, đu bay, diễn võ... để thêm sinh động cho cảnh diễn. Đây cũng là một cách nâng nghệ thuật Cải lương hấp dẫn hơn để phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Nhận ra những điểm tương hỗ giữa các loại hình nghệ thuật để từ đó làm sâu sắc và nâng tầm giá trị của nghệ thuật đó ở tầm cao hơn cũng là mục đích mà Dự án Huyền sử Việt mới đây đã được các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam ấp ủ cho một giai đoạn dài hơi từ 2020 đến 2023. Được biết, Huyền sử Việt sẽ được mở đầu bằng việc khai thác hình ảnh “Tứ bất tử” trong đời sống tín ngưỡng của người Việt Nam. “Tứ bất tử” chính là các vị thần: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. Chiếu theo lịch sử, nếu Tản Viên Sơn Thánh là vị thần đại diện cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai của người Việt; thì Phù Đổng Thiên Vương đại diện cho sức mạnh tuổi trẻ, tinh thần chống ngoại xâm quật cường. Còn Chử Đồng Tử tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, tình yêu và ước mơ về sự sung túc. Công chúa Liễu Hạnh tượng trưng cho đức hạnh, trí tuệ, sự thịnh vượng. Các nhân vật sẽ được thể hiện qua các công trình nghệ thuật được dàn dựng liên tiếp qua các năm. Trong đó, công trình nghệ thuật đầu tiên của dự án tập trung thể hiện hình tượng Chử Đồng Tử. Theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, để tạo sự hấp dẫn, mới lạ, được minh họa bằng các trò diễn xiếc, cả hai đơn vị đã phải bàn thảo hết sức kỹ lưỡng để lựa chọn sao cho xiếc trình diễn những gì tầm cỡ, kỹ năng, kỹ xảo cao nhất. Đơn cử như có thể sử dụng những màn đu trên cao, các màn biến hóa để minh họa những cảnh mang tính thần thoại; hoặc bằng ảo thuật và các màn xiếc thú tạo ra không gian thiên nhiên... Còn đối với cải lương, vở diễn cần các làn điệu truyền thống, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản để thể hiện tài năng của các nghệ sĩ.

Hy vọng rằng, bằng cách kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong một vở diễn sân khấu, những người thực hiện sẽ có thêm nhiều “đất” để thử sức, để khám phá và thỏa mãn khả năng sáng tạo của mình trong nỗ lực làm mới sân khấu.

Nguồn Văn nghệ số 38/2020


Có thể bạn quan tâm