April 24, 2024, 6:33 am

Làm mới đề tài người chiến sĩ hôm nay

 

Thời “Không có sách, chúng tôi làm ra sách” như nhà thơ Hữu Thỉnh viết có lẽ đã qua. Cũng vậy, nhân vật trung tâm của văn học Việt Nam hiện nay không còn là người lính như thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Khi hoàn cảnh xã hội đổi thay thì văn học cũng có những chuyển động tương thích là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vai trò người lính trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và dựng xây đất nước vẫn không ai thay thế được. Người lính vẫn có mặt nơi gian khó nhất, chấp nhận những thiệt thòi để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và làm tròn mọi nhiệm vụ được đất nước và nhân dân giao phó.

Người lính có cần không những tác phẩm hay viết về họ, viết cho họ, viết vì họ? Tôi nghĩ là cần, rất cần nữa là khác. Tiếp nhận các giá trị văn hóa tốt đẹp là nhu cầu của mọi người, trong đó có bộ đội. Văn học trong ý niệm tôn vinh “cái đẹp cứu rỗi thế giới” đã, đang và sẽ biết phải làm gì trong đời sống xã hội. Công chúng vừa là đối tượng nghiền ngẫm và sáng tạo của nhà văn vừa là bộ phận thưởng thức, phê bình tác phẩm. Đời sống người lính trong chiến tranh hay hòa bình cũng đều rất phong phú, đa diện, đa tầng, xứng đáng để các nhà văn thâm nhập, khai thác xây dựng thành tác phẩm hay. Không phải quá khó khăn để kể ra những tác phẩm ấn tượng, xúc động viết về người lính trong và sau chiến tranh. Nhưng phần lớn các tác phẩm đó thuộc về những nhà văn của thế hệ kháng chiến, những người thấm thía đến tâm can: "Chiến tranh không phải trò đùa". Họ viết về đồng đội và nhân dân, viết về chính mình trong thử thách sinh tử nghiệt ngã của chiến tranh dưới ánh sáng yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa nhân văn cao cả.

Điều tôi và nhiều nhà văn thế hệ kháng chiến thường băn khoăn bấy lâu nay là tại sao nhiều nhà văn trẻ không mấy mặn mà với đề tài người lính? Công bằng mà nói cũng có đấy nhưng hình như không nổi bật và dấu ấn trong nhiều tác phẩm viết về bộ đội của các nhà văn trẻ chưa thật sự sâu sắc, đậm đà. Họ ngại gì và thiếu gì? Ngại về vốn sống bộ đội ít ỏi và thiếu cảm hứng tâm huyết? Ngại khi phải dấn thân vào chặng phiêu lưu văn chương có thể bị coi là khô cứng và thiếu niềm tin thành công? Hay đề tài người lính không đủ sức lay động bạn đọc?

Đọc các tiểu thuyết ra đời sau năm 1975 như: "Thời xa vắng" của Lê Lựu; "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh; "Chim én bay" của Nguyễn Trí Huân; "Bến không chồng" của Dương Hướng, "Bến đò xưa lặng lẽ" của Xuân Đức; "Lạc rừng" của Trung Trung Đỉnh; "Đối chiến" của Khuất Quang Thụy, "Mưa đỏ" của Chu Lai; "Đảo chìm" của Trần Đăng Khoa... hay các trường ca: "Biển" của Hữu Thỉnh; "Mở bàn tay gặp núi" của Nguyễn Đức Mậu; "Điệp khúc vô danh" của Anh Ngọc; "Đổ bóng xuống mặt trời" của Trần Anh Thái... chúng ta vẫn thấy xúc động. Phải chăng, trong thời kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì các nhà văn trẻ thường hướng tới những chuyện thời thượng có khả năng cuốn hút bạn đọc hơn? Họ “đặt cược” đời văn vào một bộ phận không nhỏ người đọc trẻ vốn ngại sự miên man hoài cổ, biết rồi, nói mãi, khổ lắm chuyện truyền thống hay khói lửa ùng oàng, xung đột địch ta... Vì thế, mới có những khoảng trống đáng tiếc trong nền văn học nước nhà sau chiến tranh. Giá như nhiều nhà văn trẻ tâm huyết với người lính để có nhiều tác phẩm viết cho họ thì chắc văn chương nước nhà ít bị mất cân đối như hiện nay.

Tôi nghĩ, nên cần và phải có những tác động tích cực từ các cơ quan chức năng của quân đội và Hội Nhà văn Việt Nam trong xây dựng đội ngũ cũng như khuyến khích viết về lực lượng vũ trang, đặc biệt viết về người lính trong hòa bình. Không chỉ ca ngợi hay tôn vinh mà cần viết đúng về người lính như những gì họ chấp nhận, cống hiến, chịu đựng và hy sinh. Sự hy sinh lặng lẽ giữa đời thường, những bi kịch cuộc đời mà không phải ai cũng biết để chia sẻ, cảm thông. Cần những tác phẩm viết về người lính có chiều sâu và đạt tầm cao về chất lượng nghệ thuật. Các tác phẩm giành giải thưởng của Bộ Quốc phòng không phải vin nhờ vào đề tài mà chủ yếu được minh định bằng chất lượng nghệ thuật thực sự. Nghĩa là nó phải hay, là cái đáng đọc không chỉ với người lính mà với nhiều người.

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm