March 28, 2024, 9:39 pm

Làm mới để đi xa

Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành vào những năm 1920-1930 trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long. Vốn là một thể loại nhạc xưa cổ kết hợp với kịch mà người Việt ta không ai là không biết tới, nhưng qua thời gian, với sự phát triển, hội nhập như vũ bão của nền âm nhạc nước nhà, Cải lương giờ phần lớn chỉ còn tồn tại trong lòng thế hệ đi trước giống như một miền hoài niệm.

Nghệ thuật cải lương đang nỗ lực hồi sinh

Xét trên bình diện đời sống âm nhạc, đa phần giới trẻ có xu hướng tìm đến những thể loại nhạc sôi động, trẻ trung, bắt tai, theo trào lưu thế giới, vô tình góp phần đưa Cải lương tiếp tục lùi vào quá khứ, với không ít gánh hát, đêm diễn Cải lương chỉ vỏn vẹn vài người tới xem, hoặc nghệ sĩ chỉ diễn, hát cho nhau nghe.

Sáng kiến đưa sân khấu Cải lương vào các tác phẩm dành cho giới trẻ dù mới được hình thành nhưng đã nhanh chóng được xem là một trong những hướng đi mới đã và đang được kỳ vọng, có thể làm mới Cải lương để Cải lương... tiếp tục đi xa

ÂM NHẠC KHÔNG CHỈ CÓ POP, ROCK, INDIE…

MV Cung đàn vỡ đôi của ca sĩ Chi Pu vừa được trình làng, ngay lập tức đã trở thành top trending trên Youtube, và giới bình luận văn nghệ đã nhanh chóng đưa ra những nhận xét hết sức lạc quan về MV nói chung, ca sĩ và ê kíp nói riêng. Họ cho rằng với MV Cung đàn vỡ đôi thông điệp nhận thấy đầu tiên chính là những nỗ lực của cá nhân ca sĩ và ekip trong tri ân nghệ thuật Cải lương truyền thống. Đồng thời ở thông điệp thứ hai là sự tiếp thêm sức mạnh, đánh thức nghệ thuật Cải lương, để Cải lương tiếp tục đi xa hơn.

Được biết để có thể tự tin diễn 2 đoạn Cải lương ngắn của 2 đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt NgaThái hậu Dương Vân Nga, ca sĩ Chi Pu cùng ekip của mình đã phải đích thân mời NSND Bạch Tuyết, một nghệ sĩ lão luyện trong làng Cải lương Việt Nam, và nghệ sĩ Thanh Sơn về để được hướng dẫn và tìm hiểu về cách diễn xuất cũng như từng chi tiết về phục trang, lối họa mặt, nhằm truyền đạt một thông điệp hết sức rõ ràng, một mặt làm mới Cải lương, mặt khác chứng minh cho công chúng yêu nhạc thấy rằng MV này đã giúp họ nhận ra rằng, đời sống âm nhạc không chỉ đơn thuần là những bản nhạc pop, rock, indie… mà còn bao gồm nhiều tinh hoa của ông cha ta để lại như kịch hát Ca trù, Tuồng, Chèo, và Cải lương, môn nghệ thuật đỉnh cao đã 100 năm tuổi.

LÀM MỚI ĐỂ ĐI XA

Trước Cung đàn vỡ đôi,  đời sống âm nhạc Việt cũng ghi nhận MV Tứ Phủ của Hoàng Thùy Linh. Xuất phát từ ý tưởng nhằm tôn vinh đạo thờ Mẫu, Tứ Phủ sử dụng chất liệu ca trù… cũng được xem là một đột phá trong việc làm mới âm nhạc truyền thống, góp phần đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả trẻ.

Xu hướng tìm lại và tôn vinh những giá trị xưa cũ, đưa chúng đến với khán giả trẻ bằng cả sự tôn trọng, không tiếc tay đầu tư của các ca sĩ trẻ đã đưa tinh hoa văn hóa nước nhà một lần nữa được làm mới lại trong lòng những người trẻ tuổi. Nghệ sĩ Thanh Sơn cho rằng “lâu lắm rồi mới được hòa nhập và làm việc với một nghệ sĩ trẻ có phong thái làm việc chỉn chu, tâm huyết với nghệ thuật Cải lương, mong rằng các em sẽ tiếp tục phát triển văn hóa, nghệ thuật, cống hiến những cái hay, cái đẹp và tuổi trẻ cho văn hóa, nghệ thuật của đất nước mình”. Còn NSND Bạch Tuyết khen ngợi, “Cải lương được các bạn thế hệ trẻ khoác một tấm áo vô cùng đặc biệt”

 Những nhận xét trên cho thấy nỗ lực làm mới Cải lương của các nghệ sĩ trẻ đã và đang góp phần khẳng định vị trí xứng đáng của nghệ thuật hát Cải lương, loại hình sân khấu truyền thống có khả năng lan tỏa khắp mọi miền đất nước và ở giai đoạn phát triển đỉnh cao, hoạt động biểu diễn Cải lương đạt quy mô và sự chuyên nghiệp của một nền “công nghiệp giải trí” mà những loại hình hiện đại như điện ảnh, tân nhạc vẫn chưa làm được.

Với sự thành công của các MV này cho thấy đời sống âm nhạc hiện đã có sự tách bạch và chuyên nghiệp hơn trong tiếp nhận các sản phẩm âm nhạc. Không còn chỗ cho những MV hời hợt với sự xuất hiện của người mẫu khoe thân, hay những vũ đạo bất chấp chuẩn mực nghệ thuật khiến cho nền âm nhạc nước nhà không thể tạo nên sự đột phá cũng như điểm nhấn. Đã qua rồi thời kỳ sản xuất MV ca nhạc theo motif dựa trên 2 phần: cốt truyện được truyền tải và âm nhạc, xoay quanh video có nội dung tranh đấu nhau vì yêu, khổ sở vì yêu, hoặc hát, hoặc thuật lại những câu chuyện bi thảm, buồn thương về tình yêu một cách rất nông cạn và không sâu sắc... để thay vào đó là những câu chuyện có đầu có cuối về một nhân vật lịch sử, một danh nhân, hay một nét đẹp văn hóa của một vùng miền nào đó ... trên nền tảng nghệ thuật hết sức nhân văn.

Và để kết thúc bài viết về những nỗ lực làm mới nghệ thuật truyền thống nói chung, Cải lương hay Tuồng, Chèo trong kho tàng nghệ thuật truyền thống của các ca sĩ trẻ, xin được mượn lời của các nghệ sĩ Cải lương trong lễ tôn vinh 100 năm nghệ thuật Cải lương truyền thống: 100 năm lắm nỗi thăng trầm, biết bao dấu ấn khẳng định sức sống của loại hình nghệ thuật mang hồn cốt đất phương Nam. Những nỗ lực của người trẻ đã và đang góp phần tạo thêm dấu ấn mới cho chặng đường tiếp theo nhiều gian nan mà cũng đầy kỳ vọng của bộ môn nghệ thuật vừa tròn trăm tuổi. Hơn lúc nào hết, việc tiếp thêm sức mạnh cho sân khấu Cải lương trên con đường “tìm lại chính mình” dù bằng cách này hay cách khác cũng là hoàn toàn cần thiết. Trong đó, giới làm nghề phải có trách nhiệm khơi lại mạch nguồn đổi mới, sáng tạo vốn là đặc trưng loại hình, là yếu tố đã đưa sân khấu Cải lương phát triển đến đỉnh cao trong lòng các ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ trẻ và người yêu âm nhạc, để loại hình nghệ thuật này tiếp tục khẳng định vị thế độc tôn và tiến xa hơn nữa.

Nguồn Văn nghệ số 28/2020


Có thể bạn quan tâm