April 25, 2024, 2:15 pm

Làm mới các trại sáng tác văn học, nghệ thuật

 

Thường thì câu chuyện về cải tiến, đổi mới các trại sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) luôn được nhắc đến như một yêu cầu cấp bách của đời sống sáng tác, nhằm tạo ra đòn bẩy quan trọng, cho sự ra đời của những tác phẩm VHNT đỉnh cao. Tuy nhiên để có một cái nhìn thấu đáo hơn, và một phương thức hoạt động hiệu quả hơn cho các trại sáng tác VHNT hiện vẫn chưa được định hình. Trước những nhận xét đa chiều lâu nay về các trại sáng tác VHNT về mô hình tổ chức, tính hiệu quả của các trại sáng tác, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới công tác tổ chức, quản lý hoạt động của các nhà sáng tác”, như một hoạt động đánh giá công tác tổ chức, hiệu quả của các trại sáng tác hiện nay, nhằm đưa ra một hướng đi mới phù hợp hơn với những đòi hỏi và yêu cầu của đời sống VHNT hiện nay.

Hàng năm Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch giao Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức từ 60 đến 80 trại sáng tác cho các loại hình nghệ thuật. Trong hai năm vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức thành công 131 Trại sáng tác, đón 2.010 văn nghệ sĩ. Từ đây đã có 5.737 tác phẩm các loại hình văn học nghệ thuật được ra đời. Trong đó có 2.727 tác phẩm thơ; 614 tiểu thuyết, ký, truyện ngắn; 410 tác phẩm sân khấu, phóng sự kịch bản múa, văn nghệ dân gian; 548 tác phẩm mỹ thuật; 999 tác phẩm nhiếp ảnh; 395 tác phẩm âm nhạc; 27 tác phẩm nghiên cứu phân tích; 17 tác phẩm kiến trúc.

Trong số 5.737 tác phẩm được ra đời trong hai năm 2015-2016 đã có nhiều tác phẩm đủ các loại hình nghệ thuật được giải thưởng của các cuộc thi hằng năm do Trung ương và địa phương tổ chức.

Tạo nên cú hích mới

Trước hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức vào ngày 30/11, dư luận trong giới hoạt động nghệ thuật nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm thờ ơ thậm chí có những phát ngôn gây sốc xung quanh các trại sáng tác đang được mở khá ồ ạt biện nay. Thậm chí trên mạng xã hội còn bàn tán khá sôi nổi về chuyện nơi này nơi kia biến trại sáng tác thành điểm “nghỉ dưỡng” cho các văn nghệ sĩ cao tuổi, hay chuyến tham quan du lịch để hợp thức hóa các khoản kinh phí giành cho hoạt động sáng tạo VHNT. Không chỉ có mạng xã hội mà truyền thông cũng đang quan ngại khi nhiều trại sáng tác được mở ra với quy mô vùng miền và thời lượng mở trại quá ngắn, nên thay vì hình thành ý tưởng mới cho tác phẩm, thì đa phần người tham dự trại chỉ kịp hoàn thiện tác phẩm dở dang trước đó của mình chứ không thể có tác phẩm mới hoàn toàn “ra tấm ra món”…

Do vậy, Hội thảo với kỳ vọng nhìn thẳng nhìn thật vào những vấn đề nội tại của các trại sáng tác (từ đơn vị tổ chức, đến hoạt động điều hành của trại sáng tác) được xem như một cú hích quan trọng tạo ra một hướng đi mới, hiệu quả hơn cho các trại sáng tác.

Cho rằng cần có một cơ chế phối hợp trong hoạt động giữa các hội nghề nghiệp trung ương, địa phương, các cơ quan VHNT, nơi tổ chức chương trình, hoạt động của trại sáng tác, mời văn nghệ sĩ dự trại, với trung tâm sáng tác của Bộ, là nơi bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ văn nghệ sĩ sáng tác. Hiệu ứng tích cực đã xuất hiện, được "cân, đong, đo, đếm" rõ ràng, nhà văn Chu Lai cho rằng: "Để nâng cao hiệu quả hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sĩ tại các nhà sáng tác, điều trước tiên phụ thuộc vào ứng xử của người dự trại và người tổ chức… Chất lượng sáng tác như thế nào sẽ do chính hành vi ứng xử của người dự trại và tổ chức điều hành trại, do vậy, rất cần mở cơ chế đi trại sáng tác theo chiều sâu…".

Quan niệm rõ ràng về vai trò, chức năng của mỗi bên để từ đó có sự xác định trách nhiệm cũng như đặt ra đòi hỏi đổi mới phù hợp năng lực, quyền hạn mỗi phía. Cần nhìn thấy ngay vai trò nòng cốt của các đầu mối khởi xướng việc tổ chức – mở trại, là các Hội, cơ quan VHNT, trong việc xây dựng chủ đề, lên kế hoạch hoạt động của trại. Trao đổi nghiệp vụ những gì, giao lưu nghề nghiệp ra sao, gợi ý sáng tác thế nào, thẩm định bước đầu và xúc tác cho quá trình hoàn thiện, nâng cao tác phẩm… phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, sự điều phối của các thành phần chuyên môn đó. Về phía, các nhà sáng tác, đương nhiên phải ghi nhận sự hỗ trợ không thể thiếu về các điều kiện nghỉ ngơi, bồi dưỡng, không gian sáng tác, tiện nghi sinh hoạt… nhằm giúp các văn nghệ sĩ được bảo đảm chu đáo về sức khỏe, tinh thần và yên tâm sáng tạo.  Nhưng cả hai vai trò trên sẽ khó lòng phát huy nếu không lấy đối tượng là chính người sáng tác làm trung tâm khai thác, phục vụ. Có nghĩa, các tác giả văn nghệ sĩ dự trại – “bên thứ ba”, lâu nay vẫn được tiếng là được mời, được tạo điều kiện, được giúp đỡ để tạo nên tác phẩm mới, mới chính là yếu tố quyết định cho mức độ thành công của trại bằng chất lượng sáng tác của mình.

 

Có thực mới vực được đạo

Song song với yêu cầu đòi hỏi về tác phẩm VHNT được hình thành từ trại viết, nhiều ý kiến văn nghệ sĩ tham dự hội thảo cũng không ngần ngại nêu vấn đề về kinh phí mở trại, kinh phí phục vụ các văn nghệ sĩ trong quá trình dự trại viết. Trước thực tế, nhiều Hội, đơn vị có tên tuổi đứng ra mời các văn nghệ sĩ tham dự trại sáng tác chỉ có thể lo nơi ăn nghỉ, phương tiện đưa đón các văn nghệ sĩ trong thời gian dự trại, còn lại kinh phí từ địa phương (nơi văn nghệ sĩ được mời dự trại sinh sống) đều phải tự túc, do đó đã ít nhiều giảm nhiệt tình đến dự trại của chính những khách mời. Chưa kể nguồn kinh phí hàng năm do Bộ rót xuống trại viết để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chi trả lương cho cán bộ trại viết cũng eo hẹp nên cơ sở vật chất tại không ít nhà sáng tác vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Trước những nhu cầu có thực về các nhà sáng tác như thư viện để tra cứu, các loại hình văn hóa, nghệ thuật hay cảnh quan tự nhiên giúp cho người dự trại có cảm giác thư thái trong thời gian tham dự trại viết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Vương Duy Biên nhấn mạnh: "Lãnh đạo Bộ luôn trăn trở về việc phải tìm thêm nguồn lực cho các nhà sáng tác. Kinh nghiệm thực tế của các nước cho thấy, thị trường nghệ thuật cần được kích thích từ chính các nguồn lực xã hội. Hiện nay, nhận thức xã hội đã và đang được nâng cao, nhu cầu thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng được chú ý hơn - đây là cơ hội tốt để các nhà sáng tác chủ động khai thác, tìm thêm nguồn vốn xã hội hóa, phát huy hiệu quả hoạt động".

Xã hội hóa đang là một hướng đi mở của nền kinh tế. Đặc biệt là trong các phong trào văn hóa, văn nghệ quy mô lớn mà không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những chương trình, dự án có nguồn vốn từ xã hội hóa bên cạnh việc giúp giảm áp lực cho ngân sách còn đem lại nguồn lợi tốt hơn cho các đối tượng được thu hưởng do được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm hơn do được nhà đầu tư kiểm soát nguồn vốn chặt chẽ hơn hơn.

Một cơ sở vật chất, xã hội hóa, mở rộng hợp tác trong việc tổ chức trại sáng tác là việc mà cả các Hội, cơ quan VHNT và các nhà sáng tác, trung tâm sáng tác VHNT rất nên quan tâm triển khai. Hiện nay, ngoài các trại do hội nghề nghiệp, cơ quan nhà nước tổ chức, đã có nhiều trại, chương trình sáng tác, mô hình sáng tạo của cá nhân, nhóm văn nghệ sĩ được tổ chức hiệu quả. Bắt tay, tham khảo đội ngũ này, trại sáng tác của nhà nước có thể gặp được nhiều gợi ý hay cho việc làm mới mình.      

 


Có thể bạn quan tâm