April 16, 2024, 11:33 pm

Làm hư trò có phải do người dậy?

 

 Quyền năng tư duy là thứ quyền năng lớn nhất của con người. Lúc nào, ở đâu với bất kỳ ai cũng luôn luôn phải đối mặt với tâm trí giữa một bên là hồn nhiên, tĩnh lặng và thân thiện vị nhân, với một bên là tính vị kỷ chứa đầy tham lam và giả dối ghét ghen… Làm sao để biết lắng nghe những thanh âm màu nhiệm, làm sao để biết trầm tư khởi phát những điều thiện, bởi vì tri thức là sức mạnh. Có sức mạnh ấy hiệu trưởng sẽ chuyển hóa được giáo viên, giáo viên sẽ chuyển hóa được học trò.

             Hiệu trưởng mà có tài thì kiểm soát và quản lý được mọi cử chỉ hành động của giáo viên. Thầy cô giáo mà có tài thì mọi việc làm tốt xấu, đúng sai của trò đều nằm trong tầm kiểm soát của thầy cô. Giáo dục của ta hiện nay cái thật và cái giả, cái tốt và cái xấu cứ đan xen. Cái thật vẫn có nhưng ít, còn cái xấu thì nhiều, thậm chí là rất nhiều. Đó là những cơn đau âm ỉ của ngành giáo dục? Vì sao? Vì cái thật, cái tốt chưa đủ mạnh để hoán cải cái giả, cái xấu.

 Suy nghĩ về vấn đề này tôi liên tưởng đến câu chuyện thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên lấy kinh của Ngô Thừa Ân. Trên đường đi yêu quái biến thành Đường Tăng để cản trở. Đường Tăng giả mà cứ như là thật, rất thật. Thật đến nỗi chính Đường Tăng thật cũng không chứng minh được chỉ có mình mới đích thực là Đường Tăng. Chí có Tôn Ngộ Không phải chấp nhận một cơn đau khủng khiếp để vòng kim cô xiết chặt vào đầu khi thách đố: Trong hai vị Đường Tăng vị nào biết niệm thần chú để vòng kim cô xiết chặt vào đầu ta thì đấy chính là Đường Tăng thật. Lúc bấy giờ yêu quái đóng giả Đường Tăng mới chịu lộ nguyên hình.  Giáo dục của ta bây giờ cũng phải biết chấp nhận những cơn đau như Tôn Ngộ Không đã tự nguyện chấp nhận thì mới hoàn thiện được cán bộ quản lý từ trên xuống dưới và từ thầy dạy đến trò học. Bộ trưởng giáo dục tự biết kiểm tra lại mình xem bản thân mình có đủ minh tâm kiến tính để quản lý và điều hành các Giám đốc sở thực hiện đường lối giáo dục, mục tiêu giáo dục của Đảng và Nhà nước hay chưa? Còn khiếm khuyết chỗ nào thì hãy tự hoàn thiện mình! Giám đốc sở giáo dục có đủ đức tài để chuyển hóa các Trưởng phòng giáo dục và các Hiệu trưởng trung học phổ thông hay không? Hiệu trưởng các trường từ phổ thông đến đại học có chuẩn hóa được thầy dạy thông minh, trò học thông minh hay không? Nếu không thì sao là hiệu trưởng. Làm nhiệm vụ gì cũng phải chuẩn hóa con người trước đã. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, lớp học là nhà tranh vách đất vậy mà thầy vẫn dạy tốt, trò vẫn học tốt. Nhiều học trò vào chiến trường còn mang theo cả lời giảng của thầy về Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn và Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi làm nên những kỳ tích anh hùng. Tôi nói thật lòng nếu cứ thi đua chuẩn hóa trường lớp, chuẩn hóa trang thiết bị mà không chuẩn hóa được những người là thành viên ở ngôi trường đó thì sự gian dối ở ngôi trường đó ngày càng tệ hại hơn nhiều.

            Người làm hư trò không ai khác chính là người dạy? Thày cô dạy chính khóa cũng chưa trọn vẹn nhưng lại chỉ bày trò dạy thêm rằng bồi dưỡng học sinh giỏi và dạy thêm học sinh kém để nhằm mục đích kiếm tiền. Học thêm nhưng học trò không hiểu biết thêm mà chỉ có mất mát thêm: Mất tiền, mất thời gian, mất nhân cách. Vì đâu mà học trò gian dối trong thi cử? Theo tôi có hai nguyên nhân:

            - Nguyên nhân thứ nhất là do người dạy: Dạy học là khoa học. Đã là khoa học thì người dạy phải tường minh, phải sâu sắc về tri thức khoa học của bộ môn đó. Dạy học còn là nghệ thuật. Nghệ thuật của nhà sư phạm kích thích tư duy gây hứng thú học tập bộ môn. Người dạy biết cách rèn tư duy, gây hứng thú ham thích học tập thì có khi học một mà hiểu biết lại tăng cấp số nhân. Người dạy không biết cách dạy thì người học sẽ không hiểu. Vì không hiểu cho nên chán học. Vì không hiểu cho nên thi cử phải tìm cách quay cóp.

            - Nguyên nhân thứ hai là do đề thi tạo cho trò gian dối mở tài liệu hoặc quay cóp bài của bạn. Tóm lại thái độ sai của những học sinh trong thi cử là do người dạy và người ra đề. Muốn chống thái độ sai thì phải chống từ đó. Năm học nào hễ cứ đến mùa thi Bộ giáo dục cũng ra những văn bản cấm mang tài liệu, cấm mang điện thoại rồi lắp cả camera, thành lập đoàn thanh tra… làm như vậy có thể đã ngăn chặn được một phần nào đó những gian lận hiện hành nhưng lại gieo tiếp những hạt giống gian lận mới tinh vi hơn.

Tôi xin nhắc lại đề thi văn tuyển sinh vào Đại học của Trung Quốc, đặc biệt là cách ra đề văn của tỉnh Giang Tô. Tôi đã đọc 10 đề thi văn tuyển sinh vào Đại học của tỉnh Giang Tô từ năm 2010 đến năm 2019. Đây là đề thi văn 2019:

            “Mỗi vật đều có một tính, nước thì nhạt, muối thì mặn. Nước thêm nước vẫn là nước, muối thêm muối vẫn là muối. Chua, cay, ngọt, mặn, đắng, 5 vị điều hòa cùng tồn tại hòa trộn tạo ra trăm ngàn vị khác nhau. Vật đã thế, sự việc cũng thế, con người càng thế.

Dựa vào chủ đề này, em hãy tự ra một đề văn và viết về đề văn đó từ 800 chữ trở lên…”

Một đề thi như thế là một đề thi có nội hàm triết học vừa diệu vợi vừa huyền vi.

            Nghệ thuật của nhà sư phạm rèn tư duy cho trò nó cũng gần giống như người nhào bột tinh dầu để làm hương. Thắp một nén mà có đủ mùi của thế giới tâm linh. Tắm nước ở một bãi biển mà có đủ dư vị của muôn sông. Nói ít và hiểu nhiều, học một mà hiểu hai ba là như thế đó.


Nguồn Văn nghệ số 44/2019


Có thể bạn quan tâm