April 23, 2024, 7:00 pm

Lại thêm một “giấy phép con”

 

Tuần qua, dư luận giới xuất bản xôn xao về nhận định của ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khi cho rằng: Việc in lậu và đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng đang diễn biến phức tạp. Thậm chí, có những cuốn sách đi in giả, in lậu nhưng lại lấy tên một số nhà xuất bản để in trên bìa sách nhằm tạo vỏ bọc là sách xuất bản hợp pháp, trong đó có nội dung không chính xác hoặc nội dung xấu, độc hại. Do đó, trong công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác phòng, chống in lậu nói riêng, đến nay chưa có một giải pháp khả quan nào được áp dụng để ngăn chặn thành công và đẩy lùi vấn nạn in lậu một cách hiệu quả thực sự.

 

Độc giả buộc phải trở thành người đọc thông thái giữa ma trận sách lậu. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 Như vậy có thể hiểu, đứng ở góc độ quản lý, các cơ quan chức năng đã  “lực bất tòng tâm” trước nạn in sách lậu. Tác hại đầu tiên của nạn sách lậu phải kể đến là Nhà nước thất thu thuế, Phía nhà xuất bản, tác giả lần lượt trở thành nạn nhân của nạn sách lậu, bị  sách lậu đẩy đến bước đường cùng của thua lỗ một cách toàn diện. Còn bạn đọc thì bị nạn sách lậu bủa vây không biết đâu là hàng thật, hàng giả, hàng chính hãng do nhà xuất bản danh tiếng in ấn phát hành, thậm chí có những bản sách lậu được in ấn đẹp hơn cả sách thật. Chưa kể, nhiều nhà xuất bản, các đối tác liên kết sẽ không dám đầu tư khi mua được bản quyền tác phẩm có giá trị để xuất bản chỉ vì nạn sách lậu mà không thu hồi được vốn nên không dám tiếp tục đầu tư vì bị in lậu. Thế nên, việc buộc phải trở thành nhà thông thái trong lựa chọn sách cũng không hề dễ dàng với phần đông bạn đọc.

Tác hại của sách lậu cũng được bàn đến nhiều, ngoài ảnh hưởng đến các cá nhân, nhà xuất bản về mặt kinh tế, nó còn đe dọa trực tiếp đến sự tiếp nhận thông tin của độc giả. Bởi không có một cơ quan chức năng nào kiểm soát, chịu trách nhiệm về nội dung những cuốn sách đã được các cơ sở tổ chức in lậu tái bản nhiều lần.

 

Và với những tác hại của in lậu, giải pháp dán tem trên xuất bản phẩm là biện pháp được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống in lậu. Cụ thể việc gắn tem trên xuất bản phẩm sẽ được thực hiện dưới hình thức là gắn cho mỗi xuất bản phẩm hợp pháp một “giấy khai sinh” nhằm phân biệt với xuất bản phẩm in lậu, làm giả hoặc in nối bản trái phép. Mẫu tem đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ đấu tranh chống in lậu sẽ được Bộ Thông tin truyền thông công nhận là mẫu tem chung của ngành, coi đó là công cụ hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi cho các nhà xuất bản. 

 

 Thực tế, việc sử dụng tem chống hàng lậu dán trên xuất bản phẩm không phải là mới, mà trước đó, nhiều ngành khác đã sử dụng hình thức dán tem để chống hàng lậu. Có thể kể ra đây một số lĩnh vực như đồ uống, mũ bảo hiểm, băng đĩa nhạc, sách giáo khoa… nhưng ghi nhận chung, tình trạng hàng lậu vẫn không thuyên giảm thậm chí còn nảy sinh cả dịch vụ in ấn tem giả. Thế nên, việc dán tem lên xuất bản phẩm, tính đến thời điểm này cũng chỉ nên xem là giải pháp mang tính tình thế,  tự phòng vệ của các nhà xuất bản. Do thực tế, việc dán tem nói chung và dán tem trên ấn phẩm xuất bản nói riêng chưa được luật hóa thành chế định pháp lý cụ thể nên những sai phạm nếu được phát hiện vẫn chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, tịch thu tang vật mà không có hình thức xử phạt thích đáng hơn, thậm chí truy tố hình sự. Chính vì vậy, việc dán tem để nhận diện chung là một nhu cầu cần thiết và cũng dễ hiểu vì sao các nhà xuất bản chấp nhận bỏ ra một khoản kinh phí nhất định phục vụ cho việc in ấn tem,và dù không muốn thừa nhận thì việc phát hành một loại tem nhận dạng giống như một loại giấy phép con trong ngành xuất bản là điều có thật. Song khó có thể tiên đoán được rằng sẽ không có nạn in lậu tem như đã từng xảy ra trong thời gian vừa qua.

 


Có thể bạn quan tâm