March 29, 2024, 7:02 pm

Lại nói về dạy văn và học văn

CẢM VÀ HIỂU

Đã lâu, cũng mấy chục năm rồi, đâu như từ cải cách giáo dục lần thứ nhất (1986), thay vì dùng khái niệm “giảng văn”, người ta đột nhiên phủ nhận nó, rồi “sáng tạo” ra một khái niệm mới, gọi là “đọc - hiểu văn bản”. Khái niệm ấy tồn tại từ đó đến nay như một mặc nhiên. Đương nhiên, ai cũng biết, danh từ (tên gọi sự vật, hiện tượng, vấn đề… nói chung) là do con người tự đặt ra và quy ước cho nó những ngữ nghĩa tương thích nào đó. Có thể trong khái niệm “đọc - hiểu” đã ít nhiều hàm chứa những ngữ nghĩa mà khái niệm “giảng văn” vốn có, chỉ là chút “làm mới”, hòa theo guồng máy, quy trình đổi mới mà thôi! Tuy vậy, ngay từ khi khái niệm “đọc - hiểu” ra đời cho đến nay, đã có không ít ý kiến phản bác, chê bai nó.

Gần đây, trên mạng xã hội và một số báo chí, nhiều nhà văn, nhà giáo dục khi tiếp tục phê phán khái niệm “đọc - hiểu” và các “ông tổ” của nó, đã đưa ra khái niệm “đọc cảm” với lý do: “Đọc cảm” (cảm nhận) mới là đặc trưng của văn học, (...) chứ không phải là “đọc hiểu” (...). Đơn giản vì đặc trưng văn học là nghệ thuật truyền cảm, mang mỹ cảm của trái tim con người. Không dạy cho học trò rung động trước cái đẹp của văn chương, tức là (...) không dạy gì cả…”. Những ý kiến này rất đúng, nhưng theo tôi, vẫn còn thiếu. Đó mới chỉ là cấp độ thứ nhất trong dạy Văn nói riêng, cũng như tiếp cận một tác phẩm văn chương hay một sự vật, hiện tượng, vấn đề… nào đó trong vũ trụ nói chung.

Dạy Văn và học Văn đương nhiên và bắt buộc phải đọc văn bản tác phẩm, không cần phải nêu thao tác “đọc” trong tên gọi môn học (“đọc hiểu” hay “đọc cảm”). Không đọc (tiếp cận bằng thị giác và có thể cả thính giác…) thì lấy gì mà “cảm”, mà “hiểu”! Điều đáng nói hơn, đó là, dạy Văn không chỉ giúp học sinh “cảm” hoặc “hiểu” văn bản tác phẩm mà phải biết kết họp nhuần nhuyễn, hiệu quả nhất hai phẩm chất này… Thực ra những điều này vốn đã có trong khái niệm “giảng văn” trước đây, tuy không cần chỉ rõ ra. Ai dạy Văn mà chẳng giúp người học “cảm” và “hiểu” tác phẩm. Những bậc đại tài trong dạy Văn, bao giờ cũng biết “gợi cảm” và “gợi hiểu” cho học trò, giúp họ tiếp cận, nắm bắt tác phẩm một cách tốt nhất, đầy đủ nhất, dù có thể chỉ sử dụng mỗi phương pháp diễn giảng, thuyết giảng, giảng bình…

Nhận thức là một trong những chức năng quan trọng của dạy - học nói chung, dạy Văn nói riêng. Nó tôn trọng và không thể thoát khỏi quy luật vĩnh hằng của nhận thức là bao giờ cũng phải phát triển từ thấp đến cao, từ cảm tính (cảm giác, tri giác, biểu tượng) đến lý tính (khái niệm, phán đoán, suy luận). Nhận thức cảm tính ấy là “cảm” và nhận thức lý tính ấy là “hiểu” trong dạy Văn vậy! Thiếu một trong hai công đoạn này, quá trình nhận thức trong việc học Văn của học sinh sẽ diễn ra một cách khiếm khuyết, phản và phi quy luật. Tất nhiên, kết quả là gì, ai cũng biết!

Chỉ “đọc cảm” văn bản tác phẩm thôi (tức mới chỉ dừng ở việc khơi gợi cảm xúc, tình cảm, thì việc dạy Văn cơ bản mới chỉ chạm đến chức năng thẩm mỹ và một chút chức năng giáo dục, chức năng giải trí, hoàn toàn khước từ chức năng nhận thức, chức năng dự báo… như là những chức năng quan trọng và chủ yếu khi dạy - học môn học này nói riêng, cũng như khi tiếp cận một tác phẩm văn chương nói chung. “Cảm” đến tột đỉnh mà không “hiểu” gì về tác phẩm thì đó là một khuynh hướng tạm gọi là duy mỹ cực đoan. Dạy - học truyền thống hay hiện đại đều không phù hợp. Ngược lại, chỉ “đọc - hiểu” văn bản tác phẩm thì cũng là một khuynh hướng tạm gọi là duy lý và phản quy luật nhận thức. Phải khẳng định ngay, không có “cảm” tất chẳng có “hiểu”. Quá trình phát triển để đạt được sự “hiểu”, ngay cả “hiểu” một kiến thức, tri thức khoa học tự nhiên, bao giờ cũng phải xuất phát từ “cảm”, không thể bay vượt qua giai đoạn “cảm” (cảm thụ, cảm xúc, cảm giác…).

“Đọc - hiểu” như hiện tại hay “đọc cảm” như đề xuất rõ ràng còn có những điều chưa ổn trong ngữ nghĩa mà tên gọi hàm chứa. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi giáo dục còn rối rắm về nhiều phương diện: quá tải chương trình; nội dung sách giáo khoa còn những bất ổn; dạy - học trực tuyến…, thiết nghĩ, ai cũng phải thấm nhuần rằng: dạy - học Văn là phải có cả “cảm” và “hiểu”, phải đi từ “cảm” đến “hiểu”, đúng với quy luật nhận thức muôn đời.

GIẢM TẢI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Đây là vấn đề không chỉ lung linh tính lý luận, tính học thuật mà còn nóng bỏng tính thực tiễn, tính thời sự. Nó không chỉ liên quan trực tiếp đến chất lượng của từng cá nhân người dạy, người học mà cao hơn, còn thể hiện một cách sinh động bộ mặt tiên tiến và triết lý nhân văn của một nền giáo dục.

Không biết từ khi nào, hình như bắt đầu từ sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975) thì phải, chương trình và sách giáo khoa phổ thông, từng bước, từng bước, cứ ngày một dày thêm, nặng thêm. Không phải là nó không bị phát hiện và đã tìm mọi cách khắc phục. Nhưng như một căn bệnh nan y, càng khắc phục, sửa chữa, rút gọn, dường như nó càng dày hơn, nặng hơn dưới nhiều hình thức. Giải thích điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, mà ai cũng thấy, đó là, những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa, hầu hết, tuy được thừa nhận bằng những học hàm, học vị cao, song đều là những người đang tại vị ở các vụ, viện, trường đại học… không hoặc rất ít vốn thực tiễn, nơi hoạt động dạy - học ở trường phổ thông đang diễn ra. Đã không ít đề xuất, đề nghị rằng: trong các hội đồng biên soạn chương trình và sách giáo khoa phổ thông, phải cơ cấu một nửa hoặc chí ít là một phần ba những giáo viên giỏi các cấp. Chắc chắn tiếng nói thực tiễn của họ sẽ kéo giảm sự quá tải, khiến chương trình và sách giáo khoa sẽ vừa sức, phù hợp và tương thích hơn. Lại có ý kiến đề xuất: cần tổ chức các cuộc thi biên soạn chương trình và sách giáo khoa, qua đó tuyển chọn được những bộ có chất lượng tốt nhất để phục vụ dạy - học (như một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đã làm). Nhưng hình như, chưa bao giờ những tiếng nói ấy được lắng nghe và chấp nhận một cách nghiêm túc, thực lòng…

Vì vậy mới có những bộ chương trình đồ sộ, quá nhiều môn học. Trong từng môn học thì cũng đưa vào bộn bề kiến thức, tri thức (mà thiếu nhiều kỹ năng học tập, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng làm người…). Trên tờ báo online của Họi Khuyến học Việt Nam, dantri.com.vn ngày 03/9/2020 đã trưng ra một bức ảnh chụp danh mục bộ sách và tài liệu tham khảo lớp 1 gồm 25 cuốn (trong đó có khoảng 11 cuốn sách giáo khoa), tổng giá cả là 807.000 đồng, từ một trường tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh) khiến chúng ta vô cùng sửng sốt và không thể không xót xa. Sực nhớ thuở đi học lớp 1, tôi (và chắc nhiều người thuộc các U từ 50-80) chỉ có từ 1-5 cuốn sách cho tất cả các môn suốt năm học (học vừa đủ, hành và chơi nhiều), mà thương các cháu 6 tuổi hiện nay vô cùng!

Để hy vọng từng bước khắc phục căn bệnh “quá tải”, tiếp tục những đề xuất trước đây, lần này tác giả bài viết lại kiên trì đưa ra mấy ý kiến cụ thể hơn sau đây:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải mời cho được đội ngũ giáo viên giỏi - những người hiện trực tiếp đứng lớp - tham gia biên soạn chương trình và sách giáo khoa. Chương trình mới đã có vì đã quyết định rồi nên thay đổi ngay là khó. Bây giờ, chí ít và tốt nhất là mời họ, cùng với các chuyên gia có uy tín nhất về chuyên môn, tham gia biên soạn sách giáo khoa… (năm nay đã lỡ rồi thì viết cho các năm sau, lớp sau). Tôi tin rằng, nếu làm như vậy, chất lượng sách giáo khoa chắc chắn là tốt lên rất nhiều, chí ít cũng phù hợp, tương thích với thực tiễn dạy - học hiện nay hơn.

Thứ hai, chương trình giáo dục phổ thông của lần cải cách này đã thông qua và quyết định rồi, nên không thể cắt bớt môn học cho các lớp, nhất là các lớp tiểu học. Giờ chỉ còn cách tốt nhất là cắt bớt dung lượng kiến thức, tri thức (thêm phần kỹ năng) trong từng bộ sách cụ thể (đương nhiên là cho năm học 2022-2023 trở đi). Ví dụ, trong chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông, học sinh phải tiếp cận, đọc - hiểu tới 5-7 tác phẩm thơ của cùng một chủ đề, một giai đoạn, một khuynh hướng… nào đó, giảm tải là phải rút lại chỉ còn 2-3 tác phẩm chọn lọc, tiêu biểu, hay nhất (đã được thẩm định qua thời gian). Chỉ cần dạy - học cho đạt, cho “tới bến” 2-3 tác phẩm đó thôi (như cách giảng dạy trước đây) thì kết quả, hiệu quả chắc chắn sẽ gấp bội. Ôm đồm, dàn trải, tham lam bất cứ điều gì, bao giờ cũng thất bại! Thực tiễn dạy - học mấy chục năm trước đã chứng minh rõ điều đó.

Thứ ba, phải trao cho người thầy quyền tối thượng quyết định việc giảm tải nội dung để có những tiết dạy - học “nhẹ nhàng” nhưng hiệu quả nhất. Người phụ trách và chỉ đạo chuyên môn không nên áp đặt, máy móc, cứng nhắc, khiến giáo viên “lo sợ”, triệt tiêu sức sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy của họ.

Cuối cùng, phải làm cuộc cách mạng triệt để trong thi cử, nhất là thao tác ra đề thi. Đã đến lúc cáo chung việc ra đề thi bê nguyên xi những gì có trong chương trình, trong sách giáo khoa. Đề thi phải là cái mới, không có trong sách giáo khoa, nhưng tương đương với mô hình, mô - típ đã được học. Có như vậy. một mặt, đánh giá đúng thực chất năng lực thẩm thấu bài học và sự sáng tạo của người học, xóa bỏ bệnh copy trong làm bài, nạn “đề mẫu”, “văn mẫu”…, mặt khác, đây là một trong những biện pháp vừa giảm tải hữu hiệu, vừa phát huy kỹ năng tự chủ, làm chủ của người học - một trong những kỹ năng làm người tối quan trọng.

Giảm tải nội dung chương trình và sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông là một câu chuyện dường như chưa có hồi kết… Rất mong những người làm giáo dục các cấp, luôn đặt nó lên hàng đầu để thực thi một cách tốt nhất sứ mệnh “trồng người”, tất cả vì con em chúng ta.

Nguồn Văn nghệ số 40/2021


Có thể bạn quan tâm