April 26, 2024, 1:03 am

Lại nhớ Tết xưa

 

Dường như khi bắt đầu luống tuổi, người ta thường hay sa vào hoài niệm, mà giới trẻ nếu không thấu hiểu thì dễ cười nhạo, thậm chí cho rằng ấy sự “lẩn thẩn” của các cụ bô, âu đó cũng là chuyện thường tình. Bởi mỗi thế hệ có một cách nghĩ, cách cảm riêng, ấy là chưa nói đến quan niệm nhân sinh. Có điều, những gì đáo qua cuộc đời mỗi con người, cho dẫu ngọt ngào hay đắng đót thì đều để lại chút dư vị bồi hồi. Trong nhiều sự kiện bề bộn của một đời người, có lẽ mỗi dịp Tết đến, xuân về, thường để lại những kỷ niệm khó quên nhất, lắm khi nó cứ dai dẳng và ám ảnh mãi không thôi.

Ngày tôi còn bé, ở vùng quê Đức Thọ (Hà Tĩnh), bên dòng Lam, càng về cuối năm, thời tiết hay trở nên đỏng đảnh, hanh hao, cóng rét, thất thường tựa như một ả đàn bà góa. Vòm trời u ám, xám ủng, như thể mặt ai đó đương sa sầm ngó xuống trần gian vậy. Cây cối thi nhau rào rào trút lá, những hàng xoan gầy guộc chỉ còn trơ lại cành khẳng khiu, chọc thẳng lên trời. Chỉ vườn rau với những su hào, cải bắp, rau diếp, hành ngò… trên đất phù sa mỡ màu là mướt mát xanh, bất chấp giá lạnh. Rồi khi mưa phùn gió bấc tràn về, lạnh tái tê, rét từ trong ruột cuộn ra. Có manh áo tấm quần cũ kỹ nào người ta bèn đem ra “diện”, bởi vải càng dày thì càng hữu dụng. Nhớ câu “No cơm tấm, ấm áo vá” là vậy. Ngắm chiếc áo bông chần ô quả trám, cũ sờn, bợt bạt của người già, mới thấy thương, thấy tội. Vậy nhưng đâu phải ai cũng có. Lắm người hễ ra đường là khoác áo tơi dày cộm để gió khỏi quật ngã. Dễ bắt gặp những cặp chân trần mốc thếch như da bụng rắn vì giá rét, tóp teo lồ lộ trong làng, ngoài ruộng. Có lẽ đó là những nét không thể giấu vào đâu của một thời khốn khó, đói ăn, thiếu ấm. Cổ nhân có câu “bụng đói cật rét”. Khi ông “anh ruột” lép kẹp, thì chừng như giá lạnh càng được thể hoành hành ác liệt, ngồi đâu cũng thấy co ro!

Quanh năm ăn đói, thức ăn chủ lực là “dưa cà… dưa cà, nhút”; còn mặc thì phong phanh, nên lũ trẻ như tôi thời ấy chỉ mong mỗi dịp nhà có giỗ chạp hay Tết nhất. Vì những lúc ấy nếu không được chén “thả ga”, thì chí ít cũng có chút chất tươi chấm mút, thêm miếng thịt, miếng cá ấm chân răng. Và cảm thấy đời “thung thướng” đến vậy. Ấy là cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì nghĩ thế, có biết đâu để có được một cái tết đúng nghĩa thì mẹ tôi đã phải lo đến thắt cả ruột gan. Thành thử năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu tháng Chạp, mặc dù đương bận rộn cắm mặt ngoài ruộng lo gieo cấy vụ đông xuân, rét cóng xương, tê tái, nhưng về đến nhà, có lúc thấy mẹ tôi ngồi thừ ra trên bậu cửa, mắt nhìn xa xăm, đăm chiêu. Hình như có tiếng thở dài nén lại.

Sau này lớn lên, dần dà tôi mới hiểu cái câu thành ngữ: “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”. Để có được một cái tết tươm tươm một chút thì mọi thứ phải được chuẩn bị từ sớm theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Ăn nhau ở vai trò bà nội tướng - nhạc trưởng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Ai biết lo toan và vén khéo thì chồng con được nhờ và ngược lại. Hằng năm, cứ ra giêng nhiều gia đình đã phải tính chuyện nuôi lợn, chăn gà, thả vịt, vừa để có thực phẩm sống cân nộp “nghĩa vụ”, nuôi bộ đội và các cơ quan đoàn thể, bù lại xã viên chỉ được trả bằng công điểm, đến mùa vụ thì nhận vài chục cân thóc. Nhưng trong số cả đàn gia súc gia cầm ấy, thể nào người ta cũng phải chọn một chú ỉn dành để vỗ béo, chờ cận tết thì mấy nhà hàng xóm bàn nhau đụng thịt để gói bánh chưng, giã giò, đánh tiết canh, làm món dồi, món luộc, rồi hấp, nấu đông, lấy xương hoặc chân giò ninh măng miến… Nói vậy chứ nếu hộ nào chưa “tròn” nghĩa vụ với ông nhà nác mà dám cả gan chọc tiết lợn… eng éc, thì đừng có giỡn mặt nhé. Chỉ đám gà qué là được “xử” tự do thôi, nhưng đừng tưởng lúc nào cũng có thể “lên đĩa” nhé. Nhà nghèo, đâu dám ăn “sang”, còn phải cắc củm mang ra chợ, bán kiếm tiền còm, sắm sanh thứ khác chứ. Ấy là chuyện nuôi nấng bình thường, chớ không may gặp trận dịch, gà toi cả lũ, thì coi như khóc ròng! Ai giỏi, khéo thiến được cặp gà trống, nuôi béo mầm, thì có thể yên tâm. Vừa có gà cúng tất niên, vừa có thịt gà chén ba ngày tết, không ngán. Ngoài ra, người nào siêng thì ra đồng kiếm thêm mớ tôm, tép, xúc mớ cá vụn; sang hơn thì úp nơm kiếm mớ con rô, ít con trắm, hay vài con diếc, con tràu (cá lóc), hoặc thả trúm kiếm ít lươn mang về nữa thì có ba bữa Tết xông xênh rồi.

Thời chiến tranh phá hoại, hầu hết các vùng nông thôn khu Bốn, người dân đều vào hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng rồi cái kiểu cứ đánh kẻng ghi tên, cơm vua ngày giời, tới đâu thì tới chả chết ai. Thì vẫn “bờ xôi ruộng mật” ấy thôi mà sao vẫn “cặm cụi” làm lụng mà chẳng nên ăn, cứ vêu vao, đói dài! Biết vậy, nhưng chả biết kêu ai. Đành tranh thủ mò thêm giỏ cua, cáy, hay ra sông cào hến cho lành. Khi mà quanh năm ngày tháng sống dưới tầm bom rơi đạn vãi, thú thật chả mấy ai dám nghĩ sẽ đón năm mới thế nào. Bởi mạng sống của con người mong manh lắm, chỉ cần nghe tiếng gầm rú của đàn quạ phản lực Mỹ thôi, ngồi dưới hầm kèo chữ A hay đường hào giao thông, trước tiên, ai cũng chỉ cầu trời khấn Phật sao cho làng quê mình, gia đình mình được bình an là đủ. Nên chi cái việc lo Tết bị hạ xuống hàng thứ yếu. Nhưng nói vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì cũng không ai dám nghĩ chuyện “tiêu cực”, phó mặc rồi bỏ bê chuyện tết nhất, cúng kiếng tổ tiên, ông bà. Bởi Tết Nguyên đán là dịp khép lại năm cũ, mở đầu cho một năm mới. Nên bao giờ cũng hết sức thiêng liêng và trọng đại trong tâm thức mỗi người Việt, cho dẫu có ở tận chân trời góc biển nào đi chăng nữa! Nhưng nỗi lo cơm áo luôn đè nặng lên đôi vai của phụ nữ, các bà nội trợ bạc mặt toan tính. Này nhé, ngoài phần “cứng” là khoản thực phẩm “nhà trồng được” thì mỗi lần đi chợ phiên, mẹ tôi phải khởi động việc tích cóp hàng tết dần từ độ tháng mười âm lịch, chứ không đợi vô một chạp mới mua. Mẹ cứ lẳng lặng sắm dần. Có khi gồng một gánh rau, củ, quả trĩu trịt ra chợ, chỉ thu được một nắm tiền lẻ nhàu nát, chả dám mua đồng quà tấm bánh cho con, nhưng bao giờ cũng nhớ liễn trầu xanh óng, chùm cau với khúc rễ chay về cho bà nội tôi. Thường khi mua sớm, thì tất nhiên giá cả có mềm hơn chút đỉnh, lại tha hồ lựa chọn. Từ ít măng khô lưỡi lợn, đến vào bó miến dong, rồi nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu…

Kiến tha lâu cũng đầy tổ. Đến giữa tháng Chạp, khi mọi thứ đã hòm hòm đâu vào đấy, mẹ tôi vẫn còn kiểm đếm xem còn thiếu thức gì để bổ sung trong phiên chợ cuối năm. Hầu như lúc này, chỉ còn mua vài bó lá dong với ống giang chẻ lạt gói bánh, gói giò, thêm ít hương trầm nữa là đủ. Kiểu gì, thì ba ngày Tết cũng phải có nồi măng hầm chân giò, đây là món chủ lực. Sau khi mổ lợn, có thịt làm nhân, mẹ tôi hông đậu xanh chà rồi lấy ra vo từng nắm, thì cha tôi trải nong ra giữa nhà tự tay gói. Chẳng cần khuôn, ông gói bộ vậy mà mười chiếc như một chục, thảy đều vuông chằn chặn và chắc khừ. Xếp lên nhau nom đến là thích mắt. Bao giờ, ông cũng dành ra gói một vài cái bé tẹo, gọi là bánh “đầu đày” dành cho lũ con được nếm ngay khi nồi bánh chín. Đó là một cái thú mà các đấng sinh thành thường dành cho con cái. Cứ chập tối hăm tám hoặc hăm chín thì kê đá, quây chắn gió rồi chất củi gộc, nhóm bếp, bắc nồi bánh chưng. Lửa hực suốt đêm, cánh đàn ông con trai thay nhau canh nồi bánh sôi sùng sục, vừa để châm nước thêm, vừa gạt than bắc ké nồi măng ra bên cạnh. Có khi giải chiếu tụm nhau chơi tú-lơ-khơ hoặc đánh tam cúc để giết thời gian. Gần sáng thì rút bớt củi, đến tinh mơ mới vớt bánh. Đem dúng nhanh vào chậu nước sạch, lấy ra xếp lên bàn, kiếm miếng ván đậy lại, rồi chất cối đá hay vật nặng bên trên để ép bánh cho kiệt nước, có vậy thì bánh chưng mới rền. Kịp chiều 30 thì có bánh sắp lên thờ tổ tiên và cúng tất niên. Cái nếp ấy, thời yên hàn hay cả lúc giặc giã chiến tranh vẫn vậy. Gói bánh chưng đi liền với giã giò để kịp bắc nồi luộc. Món này chỉ đàn ông lực lưỡng, khỏe tay mới làm nổi. Thịt nạc sau khi lọc hết mỡ, thái quân cờ cho vào cối đá, rắc tiêu, rồi quết. Hai tay, hai chày gỗ, cứ thi nhau giã phùm phụp liên hồi kỳ trận, tới lúc thịt sánh nhuyễn, dẻo mệt thì dừng. Véo một chút đưa lên mũi, nghe mùi thơm là được. Quê tôi, khi giã giò, thường người ta hay bỏ thêm ít bột nếp, bột gạo trộn đều, để khi quết thịt tăng thêm độ dẻo, độ dính. Có dạo, tôi cứ thắc mắc, nghĩ hay tại quê mình nghèo nên độn thêm vào giò cho nhiều chăng? Tôi lấy làm lạ, hỏi thì cha tôi bảo không phải như con nghĩ đâu. Đói no chi cũng ba bữa Tết, chẳng lẽ ngả cả con lợn vài chục cân, lại thiếu thịt chắc? Và sự thật, khi cầm miếng giò mịn màng đưa lên miệng nhấm nháp, đọng lại nơi cần cổ, có đủ dư vị thơm, bùi, béo ngậy... và dai.

Thời ấy làm gì có tủ lạnh, tủ cấp đông, một cây giò nếu ăn sẻn được cả tuần mà vẫn không hề giảm hương vị. Hóa ra mỗi nơi người Việt bất kể giàu nghèo đều có một bí kíp riêng trong nghệ thuật ẩm thực. Rồi tục chặt tre dựng cây nêu trước Tết, nam thanh nữ tú thì chơi đu quay, hoặc ném vòng cổ vịt, hát đối đáp… Con nít thì xúm nhau đánh đáo, túi rủng rỉnh những đồng xu. Nhưng thời đạn bom ì ùng, ai nấy lo củng cố hầm hào để giữ cái mạng sống trước nhất. Nếu có được khoảng trống do ngưng bắn thì chuyện chơi vẫn bị xếp sau chuyện ăn. Rồi kinh tế eo hẹp, việc ngăn sông cấm chợ, hàng hóa khan hiếm, thứ gì cũng phân phối và xếp hàng, nên chẳng mấy ai còn tâm địa nào mà nghĩ đến chuyện lễ, chuyện hội. Nhiều trò chơi dân gian cứ thế dần mai một. Giờ đây, nhắc chuyện tết tư ngày trước, lớp trẻ giờ khó mà hình dung, sao ông bà ngày trước cơ cực vậy? Xã hội phát triển, kinh tế nở nồi, chả ai còn phải lo tích trữ gom góp như thời ông bà ngày trước. Mọi thức phục vụ Tết bây giờ luôn có sẵn trong các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi. Muốn gì có nấy, hàng hóa ê hề. Không sợ thiếu, chỉ lo không nhiều tiền! Dẫu không phải ai cũng đều có cuộc sống dư giả, nhưng có lẽ bước sang thiên niên kỷ thứ ba này, không còn mấy người phải bận tâm mong chờ đến Tết để có miếng ăn ngon như ngày trước nữa. Nhu cầu ăn bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Chuyện chơi được chú trọng hàng đầu.

Người ta nghĩ chuyện Tết này sẽ đi du lịch những đâu, đến những nơi chưa đến. Các tour du lịch mời chào, chỉ sợ không đủ sức và tiền bạc để đi mà thôi. Nhưng mối hiểm họa đại dịch còn treo lơ lửng trên đầu, nên nhiều người chọn cách du xuân gần, thậm chí là “án binh bất động” cho lành. Thật khó mà triệt tiêu hoàn toàn Covid-19, chỉ còn cách là chấp nhận sống chung với nó một cách an toàn và thông minh nhất mà thôi. Cho dù có rất nhiều luồng ý kiến bàn luận về việc có nên duy trì Tết Nguyên đán nữa hay không, thì phần đông người Việt vẫn luôn coi đây là dịp thiêng liêng để hướng lòng mình về nguồn cội. Vấn đề là làm sao bảo tồn được truyền thống của ông cha từ ngàn xưa truyền lại, gạn đục khơi trong, coi trọng và giữ gìn những nét đẹp văn hóa. Nhân dịp sắp đón Tết ông Hổ, xin có đôi lời. Gọi là “ôn cố tri tân”! 

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022


Có thể bạn quan tâm