April 20, 2024, 9:50 pm

Lại câu chuyện định hướng âm nhạc

Gây “sốt” trên nền tảng số trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, âm nhạc Việt nói chung, nhạc trẻ nói riêng đang vượt ra khỏi chức năng giải trí, hướng đến giáo dục và định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Song, bên cạnh mặt tích cực, đời sống âm nhạc vẫn đang bộc lộ những bất cập, khiến người nghe, xem trong một chừng mực nhất định... mất phương hướng.

Cảnh minh họa trong ca khúc “Vợ người ta” gây bão mạng xã hội

SỰ NỔI LOẠN CỦA TIẾT TẤU VÀ GIAI ĐIỆU

Nhạc sĩ Trần Tiến từng chia sẻ: “Suốt đời tôi chỉ sáng tác bằng tiếng Việt thôi... Viết bài hát để cho người ta bay, bài hát đó mới là bài hát…”. Và với nhạc sỹ gạo cội này, sự thành công của ca khúc chiếm đến 50% ca từ, và đôi khi, trong những trường hợp đặc biệt nó lên tới 60-70%. Còn với âm nhạc của thế giới hiện nay thì ca từ càng trở nên quan trọng, do lượng thông tin mà người nhạc sỹ đưa vào trong từng ca từ của bài hát. Không chỉ có nhạc sỹ Trần Tiến mà trước ông, những “cây đa, cây đề” của dòng nhạc truyền thống như Văn Cao, Nguyễn Văn Tý hay Trịnh Công Sơn... cũng đều tôn trọng tính thuần Việt trong ca từ. Chính vì vậy, ở những ca khúc của họ, chỉ nghe thôi người ta đã muốn hát, muốn phiêu theo ca từ và thực sự bị chinh phục bởi âm thanh và nhạc điệu. Nhạc trẻ nói chung, dòng nhạc thị trường nói riêng hiện nay lại khác. Nhiều sản phẩm âm nhạc, ca từ được lấy từ cuộc sống, pha trộn ngôn ngữ phương Tây, biến ca khúc thành một sản phẩm lai, khiến người nghe cảm thấy không phù hợp, trong khi lớp trẻ lại cho rằng đó là âm nhạc thời thượng và bắt kịp xu hướng của thời kỳ hội nhập.

Đưa “cuộc đời” vào nghệ thuật, thậm chí những khẩu ngữ hàng ngày trở thành ca từ khiến bài hát trở nên tầm thường, ít nhiều mất đi giá trị thẩm mỹ, thứ vốn được coi là “đặc sản” chỉ âm nhạc mới có. Nhiều nhà phê bình cho rằng, đó là sự xuống đáy của âm nhạc.

Ca khúc có ca từ dễ dãi, thiếu lành mạnh, đang phát triển khá mạnh trong đời sống âm nhạc trẻ hiện nay. Nhất là trên không gian mạng, những sản phẩm dạng “mì ăn liền” thậm chí được cover, luôn thu hút những tín đồ âm nhạc ưa sự dịch chuyển và cả những tín đồ vốn đề cao thế giới nội tâm theo hướng giản đơn nhất. Vô hình chung hình thành nên một lực lượng khán giả trẻ dễ dãi, hời hợt trong thẩm thấu nghệ thuật, thậm chí xa lạ và quay lưng lại với âm nhạc truyền thống.

ĐỊNH HƯỚNG CÁCH NÀO?

Không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc thị trường là một xu hướng tất yếu, nhưng cũng đang thu hẹp dần “đất diễn” của âm nhạc truyền thống. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến cho mọi hoạt động sống chậm lại. Nhiều nhà hát, rạp chiếu phim, nhiều chương trình thực tế, liveshow bị tạm hoãn hoặc không bao giờ được diễn ra, đã tạo cơ hội cho sự bùng nổ của các loại hình nghệ thuật trên nền tảng trực tuyến, trong đó có nhạc thị trường. Nhiều ca khúc được phát hành và nhanh chóng chiếm được những thứ bậc cao trong bảng xếp hạng trên các nền tảng trực tuyến cho thấy sự nhanh nhạy của một bộ phận nhạc sỹ, ca sỹ trẻ trong việc rút ngắn khoảng cách giữa tác phẩm với công chúng, người nghe. Trong khi nhạc truyền thống muốn xuất hiện trên nền tảng số gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, về kinh phí để tổ chức các đêm diễn (dù chỉ dưới hình thức trực tuyến), thì nhạc thị trường lại không gặp bất kỳ khó khăn nào, nhờ sự độc lập (đề cao dấu ấn cá nhân) trong thực hiện các sản phẩm âm nhạc mang tính thị trường. Giới phê bình âm nhạc cho rằng, thực tế này đang phản ánh rõ nét sự phát triển của dòng âm nhạc thị trường và đây chính là thử thách đối với âm nhạc truyền thống.

Song cũng không thể phủ nhận, trong một chừng mực nhất định, âm nhạc thị trường đã và đang khiến cho đời sống âm nhạc sôi động, nếu như không muốn nói là thêm chút gia vị cho đời sống dường như đang nhạt dần do phải chờ quá lâu những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao.

Bỏ xa tính hàn lâm của nhạc truyền thống, nhạc thị trường không kén người nghe, cũng không đòi hỏi quá cao về mặt kỹ thuật thể hiện ca khúc của ca sỹ. Mà ngược lại, dễ hát, dễ thuộc. Không quá khó để người nghe thuộc Độ ta không độ nàng; Chúng ta không thuộc về nhau, hay Chúng ta của hiện tại… song lại rất khó để thuộc những ca từ của những bài hát vốn làm nên tên tuổi của các nhạc sỹ như Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến...

Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, thì để dòng âm nhạc thị trường đi đúng hướng, giới phê bình nhạc sỹ... cần đi sâu tìm hiểu thị hiếu của giới trẻ, kịp thời điều chỉnh để họ sáng tác và biểu diễn theo đúng chuẩn mực, vì “đây là một lĩnh vực phức tạp, cần có sự đánh giá tỉnh táo và công minh trước những hiện tượng lệch lạc, lai căng của một số bài hát mang tính thị hiếu tầm thường, chạy theo đám đông; ca từ dễ dãi, thậm chí thô tục, phản cảm”. Còn theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội: Chúng ta cần phải định hướng âm nhạc cho giới trẻ, nhất là qua các chương trình truyền hình, các cuộc thi, thậm chí đào tạo như một môn chính trong nhà trường để âm nhạc chính thống ngấm sâu, thẫm đẫm vào các em ngay từ bé, chứ không chỉ là môn phụ như hiện nay.

Trên thực tế, dù là môn phụ, nhưng âm nhạc đã may mắn hơn các loại hình nghệ thuật khác, khi có mặt trong chương trình giáo dục bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nhưng để âm nhạc thấm đẫm trong tâm hồn các em, hình thành nên những kỹ năng cơ bản trong tiếp nhận âm nhạc và phát lộ những năng khiếu trong sáng tác thì vẫn còn là điều cần bàn. Có thể, chúng ta đã quá quen với việc coi âm nhạc đơn thuần là chức năng giải trí, giúp thư giãn sau mỗi giờ học văn hóa căng thẳng nên đã bỏ qua công tác biên soạn, chăm chút cho giáo trình âm nhạc khiến cho các em học sinh chưa thực sự say mê với môn học. Vô hình chung, với âm nhạc, việc học chỉ như người “cưỡi ngựa, xem hoa” đa phần không hiểu sâu sắc về nhạc lý. Do đó, xảy ra tình trạng nhạc sỹ/ca sỹ chuyên và không chuyên biến sản phẩm của người khác thành sản phẩm của mình; xây dựng lời mới cho tác phẩm âm nhạc khiến nó trở nên xa lạ, mất đi vẻ đẹp của ca từ vốn có như trường hợp của Chiếc khăn piêu và người ta gọi đó là hành động phá hoại, đạo nhạc đáng lên án.

Âm nhạc trong đời sống giống như thứ gia vị để cuộc sống của mỗi người trở nên cân bằng và mang xu hướng tích cực hơn. Tuy nhiên với âm nhạc thị trường thì có hay không sự cân bằng và tích cực trong giáo dục thẩm mỹ, vẫn cần phải đánh giá và nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Nhưng rõ ràng với những sản phẩm âm nhạc được xuất hiện trong thời gian gần đây cho thấy cần có sự điều chỉnh để tránh sự lệch chuẩn trong sáng tác âm nhạc. Có lẽ cũng không có gì là quá khi nhiều ý kiến đặt ra nên hay không áp dụng việc cấp phép cho những ca khúc mới? Coi đây là bộ lọc để không có những ca khúc có ca từ lệch chuẩn xuất hiện trong đời sống âm nhạc. 

Vẫn biết âm nhạc thị trường cũng sẽ tuân theo quy luật của thị trường, nghĩa là sẽ có lúc lên cao, có lúc thoái trào theo thị hiếu của người nghe. Nhưng nếu cứ thả nổi cho nhạc thị trường tự do phát triển, thì e rằng sẽ có những hệ lụy đáng tiếc. Do nhạc thị trường hướng đến giới trẻ và nếu như hàng ngày cứ rót vào tai họ những ca khúc quẩn quanh với yêu đương sướt mướt, than vãn hay quá sòng phẳng với những mối quan hệ xung quanh thì e rằng chủ nghĩa cá nhân, sự vô cảm sẽ sinh sôi mạnh mẽ mà thiếu đi ý chí phấn đấu, bầu nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ. Sẽ không công bằng khi những ca khúc sôi nổi với những ca từ tạo xung lực mạnh mẽ cho người nghe lại bị lãng quên trước những ca khúc thời thượng qua bảng xếp hạng chót vót trên nền tảng trực tuyến. Trong khi những con số đó không phản ánh đúng chất lượng tác phẩm mà chỉ biểu thị số lượng người quan tâm truy cập mà thôi.

Quay trở lại với việc định hướng âm nhạc, vốn được cho là bài toán chưa có lời giải không chỉ của cơ quan quản lý, Hội nhạc sỹ Việt Nam mà còn của công chúng yêu nghệ thuật. Song dù lời giải thế nào, thì việc đưa ra tiêu chí để đánh giá tác phẩm có lẽ là việc cần làm ngay lúc này để ổn định thị trường âm nhạc song song với đẩy mạnh giảng dạy âm nhạc trong nhà trường hiện nay.

Nguồn Văn nghệ số 14/2021


Có thể bạn quan tâm