April 26, 2024, 5:52 am

Lại bàn về một khía cạnh trong vẻ đẹp của trí tuệ dân gian*

Xưa nay khi nói về bọn tham ăn (nghĩa đen), bọn tham lam, ích kỷ, loại người chỉ biết lợi mình (nghĩa bóng), ông cha ta thường nói “bọn xôi thịt”. Xôi và thịt có từ lâu lắm rồi, là món đầu vị trong bất cứ cỗ cúng nào của tổ tiên chúng ta. Đến nay, ở nhiều nơi, cúng tổ, giỗ họ mặc dù có đủ loại nem công, chả phượng nhưng vẫn không thể thiếu xôi và thịt luộc. Không ít nơi người đi dự chỉ ăn những món khác, còn xôi và thịt thì chia phần, mang về cho người ở nhà. “Bọn xôi thịt” chắc cũng có từ lâu rồi trong từ điển chữ nghĩa của ông cha, bởi tuy xôi và thịt không thật quý giá và chế biến cũng đơn giản, nhưng nó thể hiện tấm lòng thơm thảo của cháu con dâng lên tổ tiên, cho nên người ta rất căm giận khi bọn xấu, bọn ích kỷ chiếm đoạt thành của riêng của mình.

“Bọn xôi thịt” đã trở thành thuật ngữ, thành niềm căm giận truyền thống của ông cha ta đối với bọn xấu, cho nên sau này có những món ăn còn quý giá hơn như: Phở, nem công, chả phượng… nhưng “bọn xôi thịt” vẫn chiếm thế độc tôn trong tâm thức dân gian, không ai gọi bọn phở, bọn nem công chả phượng v.v…

Sau chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954) bộ đội về làng tôi mang theo bài hát phổ theo làn điệu dân ca Thái: “Đầy đồng lúa ngát thơm. Xa xa lúa xanh rờn. Tây Bắc tiếng cười vang vang…”. Bọn trẻ con làng tôi (làng tôi gần đường 10) lập tức có bài hát mới, “nhại” theo “Đường 10 lắm ô tô. Liên Xô lắm máy cày. Trung Quốc có nhiều máy bay. Chúng ta có điệu múa xòe”. Ông cha ta thường nói: Đồng dao là tiếng nói của Thượng đế đặt vào miệng con trẻ. Qua bài đồng dao này, Thượng đế (cũng tức là trí tuệ dân gian) muốn nhắn nhủ chúng ta rằng: Người ta giàu có, có máy cày, máy bay, chúng ta nghèo, chỉ có điệu múa xòe, tức là chỉ có văn hóa, phải cố mà giữ lấy, bởi mất văn hóa là mất hết! Ngẫm nghĩ kỹ mới thấy bài đồng dao, bài hát trẻ con này có ý nghĩa thâm thúy biết bao.

Từ lâu ông cha ta đã nói: “Mỗi người thì có một nghề/ Con phượng thì múa, con nghê thì chầu”.

Và “Xay lúa thì đừng ẵm em”. Nhưng trong thực tế, có khi người ta bắt con phượng thì chầu, con nghê phải múa, và đôi khi còn phân công người ta vừa xay lúa vừa ẵm em.

Còn nhớ trong kháng chiến chống Mỹ, trẻ con khắp nơi từng hát: “Thằng què đi công tác – Thằng lác bắn máy bay. Thằng câm gọi điện thoại – Thằng điếc thổi kèn”… Trong thực tế không ai “phân công” một cách ngu si như thế, mà đây chỉ là một cách đánh động, báo động cho những người có quyền phân công, phân nhiệm cho công tác cán bộ đã lạc hậu, lỗi thời ở ở nơi này, nơi khác. Bây giờ chúng ta nói “công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân” là thấm nhuần lời dạy của cha ông ta có từ rất lâu rồi.

Có những câu ca dao mới nghe tưởng rất đơn giản, nhưng hiểu một cách thấu đáo thì cũng không dễ (ít nhất là đối với người viết bài này). Đó là câu: “Gió sao gió mát sau lưng/ Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”.

Anh chàng này khùng hay sao ấy! Người ta nói mát mặt thì lại đi nói mát sau lưng. Người ta nhớ người thân yêu ruột thịt, thì mình lại đi nhớ người dưng. Lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng một lần đi đò dọc trên sông, được nghe người lái đò hát, mới vỡ lẽ ra đây là tiếng hát của họ, tấm lòng của họ. Câu thứ hai giải thích:  anh chàng đi đò dọc trên sông không nhớ bà con họ hàng lại đi nhớ người dưng, người dưng ở đây là người tình, người để thương để nhớ cho mình. Nhưng ý nghĩa sâu sắc nhất lại ở câu thứ hai “Gió sao gió mát sau lưng”: người đi đò dọc trên sông mà “mát mặt”, tức là ngược gió và ngược nước, phải lên bờ, gò lưng kéo thuyền. Chỉ đến khi “gió mát sau lưng” thổi căng phồng cánh buồm, ngồi thư thái, thảnh thơi, bẻ lái, người ta mới có điều kiện nghĩ gần, nghĩ xa và nhớ tới… người dưng. Người ta thường nói văn nghệ bắt nguồn từ lao động, câu ca dao này là một minh chứng rõ nhất cho luận điểm này.

Lại có những trường hợp người nghe, người đọc một câu hát dân gian, một bài ca dao, muốn hiểu thấu đáo, phải hiểu biết nền văn hóa sản sinh ra những sản phẩm ấy. Hơn nửa thế kỷ trước, trong một lần đi sưu tầm văn nghệ dân gian, tôi đã được nghe một bài ca dao: “Cả làng có một cái chuôm/ Có con cá lớn vào nơm anh rồi/ Tha hồ kẻ tát người hôi”.

Mới nghe qua thì tưởng bài ca dao miêu tả một cách bắt cá, vì có chuôm, có nơm, có cá, lại có kẻ tát người hôi… nhưng thật ra không phải như vậy, mà là một câu chuyện tình. Tôi cứ hình dung ra cái cảnh: Một anh trai làng vênh mặt lên thách đố, khoe khoang: Cả làng có một cô gái xinh đẹp nhất, anh đã chinh phục, đã “chim” được rồi! Sở dĩ người Việt Nam không bao giờ hiểu sai, vì trong tâm trí họ luôn luôn tồn tại những câu ví von: Đàn bà như con cá, đàn ông như cái nơm, không úp chỗ này thì úp chỗ khác.

Cũng có những câu mới nghe tưởng như lẩm cẩm: “Lấy vợ đàn bà làm nhà hướng nam”. Có người tưởng ông cha ta bị sai, đã tự ý sửa thành “Lấy vợ hiền hòa”, bởi chẳng lấy vợ đàn bà thì lấy vợ là đàn ông à! Người hiểu như thế là cạn nghĩ, bởi đàn bà trong câu ngạn ngữ này có nghĩa là người có những tiêu chuẩn tối thiểu của một người vợ. Đấy là chưa kể ông cha ta đã báo động những trường hợp bây giờ đã trở nên phổ biến: Đó là bệnh ái nam ái nữ, mà ông cha ta chưa biết gọi tên. Tôi có một chú em họ, cách đây gần 60 năm, đã dở khóc dở cười vì lấy phải một cô vợ như vậy. Đêm tân hôn, bỗng cô vợ chạy ra sân gào lên: “Giời đất ơi! Vợ chồng với nhau mà nó định hủ hóa với tôi”. Về sau mới biết được chị ta chẳng phải là đàn bà đích thực.

Cuối cùng xin nói một câu có vẻ bâng quơ, thời nào cũng đúng, nhưng lại rất thời sự: “Lắm thầy thối ma – Lắm cha con khó lấy chồng!” Xưa đã vậy này lại càng vậy. Thời buổi biến chuyển chóng mặt, người ta cần người dám quyết đoán, dám ra quyết định, dám hành động chứ không chuộng người ăn theo, nói leo, nói dựa, như cô gái có nhiều bậc cha chú nhưng không ai có quyền (hoặc dám) quyết định khiến cho cô khó lấy chồng! Một gia đình đã vậy, một cơ quan, một xã hội lại càng cần người như vậy.

_______

* Sau khi tôi viết bài “Một khía cạnh trong vẻ đẹp của trí tuệ dân gian” (Đăng trên Văn nghệ số 12 năm 2021) nhiều đồng nghiệp và bạn đọc yêu thích. Được sự khích lệ ấy, tôi viết tiếp phần thứ hai này.

Nguồn Văn nghệ số 21/2021


Có thể bạn quan tâm