March 29, 2024, 6:08 am

Lạ từ cái đã quen

 

Về lĩnh vực viết cho trẻ em, Phạm Đình Ân, sau nhiều năm sáng tác thơ, năm 2018 nhà thơ bỗng nhiên gửi đến độc giả tập văn xuôi hướng dẫn kỹ năng sống, mang tên Hoa sim nở muộn. Đến năm 2019, cũng tại Nhà xuất bản Thanh niên, tác giả này lại ra sách viết cho trẻ em, nhưng trở về với thơ, ấy là tập Trong người có lá. Tên nghe lạ và hay, gây tò mò. Nhớ ra, tập thơ viết cho trẻ em sát trước tập này của anh, cũng có tên lạ và thú vị: Đất đi chơi biển (Nxb Văn hóa - Thông tin, 2007). Trẻ thơ hồn nhiên hẳn là rất ưa thích cái ngộ nghĩnh, lạ lẫm.

Tập thơ Trong người có lá có 56 bài, bố cục thành bốn phần. Phần Còn nguyên tuổi thơ nói đến tình cảm gia đình, trường lớp. Phần Ngắm cây hỏi quả nêu mối quan hệ giữa trẻ thơ và môi trường, rộng hơn là thiên nhiên. Ý thức quan tâm đến cộng đồng, đất nước của công dân nhỏ tuổi tập trung ở phần Hai đầu quê hương. Phần cuối - có tên trùng với tên sách - giúp trẻ em yêu thơ văn hướng đến những cảnh việc mới mẻ, đôi khi là khác thường, nhằm trau dồi hiểu biết về ngoại cảnh, bồi đắp cho tâm hồn non tươi thêm nhiều hơn nữa sắc màu muôn vẻ của đời sống.

Có mấy bài thơ được in lại: hai bài trong sách giáo khoa tiểu học (Sắc màu em yêu, Quà của bố) và bốn bài về Trường Sa (Thư đến thư đi, Ngọ nguậy, Những chú vích, Trăng Trường Sa, Trường Sa rằm trung thu). Như vậy, hầu như mọi bài thơ đều được chọn lọc kĩ càng, bố cục trong tập là chặt chẽ, hợp lý.

Bài thơ nào cũng đáng được bình, vì mỗi bài mỗi tứ. Ở đây điểm qua mấy bài tiêu biểu. Thơm trang vở mới là một tích hợp ý nghĩa; thứ nhất: tình cảm gia đình kết nối với tình cảm cộng đồng; thứ hai: ý thức, trách nhiệm chung giữa nhà trường và gia đình - xã hội. Một cơn bão tràn về miền Trung, thầy - cô giáo có căn nhà còn ở tạm được, đã đón các con bị lâm nạn đến ở. Em ơi, đây cũng là nhà/ Thầy cô như thể ruột rà có nhau// Em ơi, hãy ở lại đây/ Nhà ta, cha mẹ: có thầy, có cô. Viết nếu không khéo, dễ thành lời tuyên truyền, nhưng đây lại là mời gọi, cảm thông, san sẻ và khuyên nhủ khá mềm mại.

Tác giả sử dụng thể thơ lục bát là phù hợp. Dẫn độc giả ra với thiên nhiên quê hương, tác giả liệt kê sinh động các loại đá bằng thơ trong Họ nhà đá: đá cuội, đá dăm, đá phiến, đá tảng, đá tai mèo, đá vôi, đá hoa, đá ong, đá mài... rồi xen lẫn vào mấy loại đá chuyển nghĩa thật thú vị: đá thúng đụng nia, đá vàng, đá đấm.

Viết về trách nhiệm, nghĩa vụ của trẻ em đối với xã hội, đất nước bằng truyện đã khó, viết bằng thơ càng khó hơn. Ấy mà Hai đầu quê hương lại có sức thuyết phục cao. Trong đêm, em nằm mơ thấy bão lụt, sáng ra kể lại, cả nhà nghĩ đến Trường Sa, bảo nhau gửi thư thăm. Thế là Quà, thư theo mấy chuyến tàu/ Biển xanh nhòa sắc hai đầu quê hương. Bốn bài thơ khác viết về Trường Sa đều hay, đã được dư luận độc giả khẳng định.

Hai mươi mốt bài ở phần ba, đưa đến độc giả nhỏ tuổi nhiều khám phá mới lạ, tạo nên đối thoại ẩn ngôn hoặc hiển ngôn. Hai bài đố Đứng gì?, Cửa gì? được giải đố ở hai bài Sáu kiểu đứng, Sáu loại cửa, diễn đạt linh hoạt, tài hoa. Thí dụ: Hỏi: Đứng gì không đứng bằng chân?/ Đứng gì muôn thuở chỉ nhằm ban trưa? Thì lời giải là: Đứng đầu không đứng bằng chân/ Mặt trời đứng bóng chỉ nhằm ban trưa. (Được biết, tác giả đã viết hàng trăm bài thơ đố, có sách Đố vui giúp học tốt môn tiếng Việt và Tự nhiên - xã hội ở tiểu học, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010).

Những bài thơ đố và giải đố cùng ba bài Bàn không phải bàn, Kể chuyện về con, Trong người có lá thuộc loại thơ có tứ, đồng thời giúp độc giả nhớ đến đồng dao. Trẻ nhỏ hẳn sẽ vui thích khi đọc đến cái bàn, ngỡ nó chỉ là một vật dùng, sờ mó được, hóa ra còn thêm những cái bàn chuyển nghĩa như: bàn thắng bàn thua, bàn cãi, bàn chuyện, bàn lùi, bàn giao... Nếu là văn, lời kể sẽ tẻ nhạt, là thơ thì vẫn hay nếu dùng lục bát đưa đẩy vần điệu, chọn lọc hình ảnh theo hướng giàu sức biểu cảm. Bài Trong người có lá cũng có dáng dấp đồng dao. Chỉ khác là không phải lục bát, và nó hướng đến chủ thể vật chất không chỉ của chính tác giả mà còn của mọi độc giả, bởi ai cũng có lá gan, lá mía, lá phổi, lá lách. Bài thơ rất ngắn, nói về cái lạ nhưng lại quen thuộc hiển nhiên. Nhà thơ của các em như đưa ra một thông điệp: cuộc sống đẹp tươi muôn màu vẻ lạ kỳ ở ngay chính mỗi con người chúng ta, từ thân xác đến tâm hồn.

Có những cái hằng ngày chúng ta thấy rõ mà không tìm hiểu điều bí mật. Bí mật của cái không bí mật gì cả. Thơ Phạm Đình Ân đã nói thế. Tác giả mời các em trả lời các câu hỏi: Bầu trời cao mãi đến đâu? Sông lấy nước nơi nào mà mãi mãi chảy? Biển đón nước về từ nghìn sông suối, tại sao không lụt tràn? Lửa và nước đua tranh thì bên nào thắng, bên nào thua? Thang máy và thang tre, cái nào cần cho con người hơn? Người hai chân thì bình thường, trong khi ghế hai chân lại đổ kềnh, thang hai chân phải dựa? Còn đây, vừa hỏi vừa không về một sự việc ất ơ, trái khoáy, không đâu vào đâu: chuồn chuồn kim đỏ đi tìm chỉ đen, chuồn chuồn kim đen đi tìm chỉ đỏ, tìm mãi không được, đậu chán rồi bay... Những câu thơ gợi nhớ những bài đồng dao, đọc nghe vô nghĩa, song, chúng vẫn hàm chứa một điều gì thú vị.

Nguồn Văn nghệ số 22/2020


Có thể bạn quan tâm