April 18, 2024, 7:56 am

Lá rụng trong gió thu

Khi nào thì đất trời nghiêng nghiêng, ấy là khi tuổi đời ta đã nghiêng nghiêng về phía mặt đất, dù ấm áp hay buốt lạnh thì tuổi nghiêng nghiêng xế chiều, tuổi chớm thu, muộn hơn chút nữa, tàn thu, cũng là một dấu mốc của “sự trưởng thành” cuối cùng. Cái tuổi mà người ta có thể bỏ ngoài tai nhiều thứ. Bỏ để rồi người ta bắt đầu nghe được một thứ nhạc nơi “bản hòa âm không điệu”, ấy là tiếng lá rụng trong gió thu. Một khả năng nghe xa hơn tai mắt thân xác, người ta nghe tiếng nhạc lá thu bằng nỗi buồn của chính mình, bằng sự cảm nhận không thành lời, bằng sự bất phân giữa không và có, bằng chút sức tàn yêu thương da diết cõi nhân sinh.

Là mênh mang. Là đằm sâu. Là nhẹ nhàng, hẫng bay mọi thứ tham sân, mà mới vừa đây người ta còn lầm tưởng là lẽ sống, là mục tiêu sống chết cũng phải đạt bằng được, là phải chứng minh mình bằng được, là phải soán đoạt bằng mọi giá.

Có những điều thật nhỏ nhặt, dường như nó quá nhỏ để bộ nhớ của mỗi người, vốn chứa quá nhiều thứ ở trần gian này, không để tâm đến. Lạ là khi đã nghe tiếng lá rụng trong gió thu thì những điều vốn “to tát” kia biến mất, con người ta lại sống, lại rưng rưng, lại trĩu ngực với những điều “không để ý, để tâm” đã qua.

Tôi có cô em gái, sau thời gian tang chồng thê lương, cô ấy đã dần bình phục, những bước chênh chao trong tâm hồn tưởng đang dần bình ổn trở lại. Biết làm sao được khi người ta còn phải sống những ngày tiếp theo, còn phải trách nhiệm với con cái! Vậy rồi cô đi chợ, người bán cam đầu chợ vô tư mừng rỡ, lâu rày không thấy cô mua cam? Sựng lại. Hai bàn chân nhấc không nổi nữa. Có gì đó vừa chặn nghẹn lồng ngực. Có gì đó vừa kéo rịt tâm hồn xuống. Có gì đó mặn xót đôi môi, tự dưng nước mắt lại trào ra, lại giàn giụa, không cầm được. Chuyện là khi chồng cô ấy ngã bệnh, cứ mỗi buổi chợ, việc mua cam về ép cho chồng uống luôn được nhắc nhớ hàng đầu. Có lần cô ấy bận, nhờ đứa con ép cam giúp, chồng không chịu, nói “Để mẹ làm! Để mẹ làm bố uống mới ngon!”. Cam thì ai ép cũng vậy thôi. Không đúng! Cái tình của người bạn đời trong ly cam ấy có vị ngọt ngào cần thiết, riêng biệt… Vậy mới thấy con người ta cần cái vị ngọt ấy của tình yêu thương biết bao nhiêu trong cõi đời lắm nỗi đau thương này!

Thế rồi khóc! Thế rồi lại khóc! Hình ảnh ly cam cứ chập chờn. Đôi bàn tay run run cầm ly cam của chồng cứ ám vào đầu óc. Sau buổi chợ ấy, cô em tôi lại úp mặt nức nở hàng đêm, lại chìm ngập trong nỗi đớn đau, trong vị mặn xót của mất mát, của phân ly. Âm thanh bên tai chỉ buồn bã một tiếng rơi của lá.

Ở một góc nghĩ khác, tiếng lá rụng trong gió thu lại là một thứ ám ảnh không nguôi trong nỗi buồn hiu hắt của chính mình, cái điều mà ai cũng có thể chạm phải. Con người ta khi sinh ra vốn đã cô đơn. Con người ta khi chập chững những bước chân đầu đời vốn đã chấp nhận cuộc hành quân định mệnh về cõi vô biên.

Thời gian này, tối tối, tôi thường gặp ông bạn già ở phòng trà Nhạc Xưa, ông là nhà thơ có cái tên như mây bay dù lúc này ông đi đứng rất khó nhọc. Tôi tin cái tên đã vận vào người, dù đám mây bông ấy đã bị sợi dây neo sức khỏe kéo rịt xuống, nhấc chân lên cũng khó chứ đừng nói bay với bổng. Sau khi hát Mùa thu chết ông nhấc nhấc cơ thể nặng nề về lại ghế ngồi và lẩm nhẩm đọc bài thơ L’Adieu của G.Apollinaire. Ông lại vừa háy mắt và ghé tai tôi thì thầm: Nous ne nous verrons plus sur terre… Mùi thời gian, hay lắm, thấm thía lắm! Phải, ông và tôi đều đang cảm nhận được rõ ràng cái mùi thời gian kỳ diệu, lạ lùng và nghiệt ngã trong đời sống con người. Có gì đó như là sự chạnh lòng đang lan tỏa đâu đây, ngọn nến, ly cà phê, bình thủy tinh có hai dây trầu bà mỏng mảnh… Tất cả dường như đang rót vào không gian phòng trà những tiếng ngân mong manh của lẽ vô thường, đang phả vào không gian ấm cúng này chút tình thân đẫm mùi thời gian. Và lúc ấy, sau nụ cười méo mó của ông, tôi thấy đôi mắt ông đẫm buồn, một nỗi buồn khó tả, thật, nó nửa như sợi tơ vương vẽ đường đi của lá, nửa như dòng âm thanh mỏng mảnh ngân nga trong những gợn tròn đồng tâm. Tôi chợt nhớ có lần đã viết câu thơ: Bóng chiều dẫu dài không chạm hết hoàng hôn. Nhớ và ngậm ngùi.

Mùi thời gian mong manh nhưng đã ám vào ai thì khó phai, vướng vất trong từng suy nghĩ, trong từng bước đi và vào cả cơn mơ. Có ai mơ mà nghe thấy mùi thời gian chưa? Có ai mơ mà nghe tiếng lá rụng trong gió thu chưa? Những người ở tuổi 60 đã ít nhiều bắt đầu như thế, càng về sau càng nghe rõ hơn. Ai đó chưa rồi cũng sẽ! Vậy đó mà cành thạch thảo của G. Apollinaire cứ sống mãi với thời gian, sống mãi trong hồn người trần thế. Bởi mơ không phải là ngủ mà là được đánh thức, cái mùi thời gian ấy, cái tiếng rơi của lá ấy nó đánh thức ta đầu tiên, nó đánh thức một đời sống quay vào bên trong, một đời sống bắt đầu nghiêng nghiêng, một vùng đất trời bắt đầu nghiêng nghiêng. Và khi ấy khúc nhạc không điệu trong lòng ta hình thành mà không ai hay biết, chỉ trên cao kia đang - rõ - bản - hòa - âm.

Nguồn Văn nghệ số 37/2020


Có thể bạn quan tâm