April 26, 2024, 12:52 am

LÁ PHONG

Lá phong là tập tùy văn gồm 183 bài do nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu viết trong thời gian làm việc tại Trung Quốc. Gọi là "tùy văn" thoạt nghe có thể sẽ có nhiều người thắc mắc về thể loại của những bài viết này, bởi xưa nay chưa từng nghe tới. Thế nhưng cũng như một tác phẩm văn học, là những chiêm nghiệm, cảm nhận và sáng tạo của người viết, thể loại nhiều khi cũng chợt đến như một phát hiện. "Tùy văn" là cách gọi rất riêng của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu về những bài viết của mình. Tôn trọng cách gọi này, Văn nghệ online xin giới thiệu một số bài được rút từ tập "tuy văn" này do tác giả vừa gửi tới tòa soạn để bạn đọc cùng tham khảo và ngẫm nghĩ...

 

Cỏ lau

Bên mép hồ trong khuôn viên một dinh phủ cổ nay đã trở thành một trường học cực kỳ tôn nghiêm xa xa thấy hiện lên phất phơ màu trắng toát. Đến gần mới biết đó là hoa lau.

Tại sao giữa một dinh phủ cổ tráng lệ nơi hồ nước xây tường bao quanh với thủy đình nghinh phong sơn son thếp vàng với hàng lan can đá chạm khắc lung linh bóng nước uốn lượn rồng bay phượng múa ven hồ với những tùng bách cổ thụ hùng vĩ lại xuất hiện cỏ lau.

Tại sao giữa Beijing kinh đô ngàn đời xa hoa đài các lầu son gác tía của những cung vua phủ chúa. Tại sao giữa thủ đô hiện đại nhà chọc trời san sát nơi đô hội sinh sống của hàng chục triệu người chen vai thích cánh ngỡ không còn một milimet đất trống thế mà cỏ lau vẫn ngạo nghễ phất phơ những ngọn cờ trắng.

Ôi những ngọn cờ trắng vĩ đại.

Cỏ lau tiềm thức hoang dã của nhân loại.

Cỏ lau sức sống bất diệt của nhân loại.

Cỏ lau đó là ngôn ngữ của vĩnh hằng. 

 

Cây sồi

Ở góc khu vườn trường có một cây sồi cổ thụ. Ngày xưa mình đã đọc một truyện vừa hình như có tên là Cây sồi mùa đông của một nhà văn Nga. Đã lâu lắm rồi không còn nhớ nội dung nhân vật và tác giả nữa. Nhưng mấy chữ cây sồi mùa đông đôi khi vẫn ngân nga vang vọng trong tâm trí. Và lũ côn trùng trú ngụ ở gốc cây sồi giữa mùa đông băng giá ấy thì vẫn lao xao ám ảnh mình mãi.

Đến tận hôm nay mới biết đây là cây sồi. Thế mà chỉ qua câu chuyện của nhà văn cây sồi phương Bắc xa xôi đã trở nên hết sức thân thiết gần gũi với mình.

Cây sồi già lá khô héo hết vô cùng buồn thảm. Chẳng hiểu sao lá khô không rụng như mọi cây mà vẫn ở nguyên trên cành. Cây mùa đông đã buồn. Cây sồi sã sượi lá khô treo lơ lửng run rẩy giữa trời ngỡ như lá bị treo cổ lại càng buồn thảm hơn. Nhìn cây sồi lá khô run rẩy không ai nghĩ sự sống vẫn còn ở đó.

Cây sồi giữa mùa đông băng giá vô vàn lần buồn thảm như thế không hiểu sao nhà văn Nga lại có thể dựng nên một hình tượng cây sồi kỳ vĩ và vô cùng nồng nàn nơi trú ngụ ấm áp kỳ diệu của vô vàn côn trùng suốt mùa băng giá như vậy.

Đó là sức sống kỳ diệu của cây sồi hay là tấm lòng nhân hậu nỗi niềm ham sống của văn nhân.

 

Moutai

Được tôn vinh Tửu quốc của quốc gia rượu chè lừng danh thế giới nhưng thời gian đầu thực tình mình không thích Moutai (Mao đài).

Rượu trắng nhưng có mùi táo ủng sắp thối rất khó chịu. Đã thế nồng độ cồn 53 vol mỗi khi chảy vào cổ như ngọn lửa bỏng bò xuống họng.

Nhưng Moutai không hổ danh là Tửu quốc. Với thời tiết âm dưới 20 độ Moutai ngay lập tức trở lên quý phái sang trọng cao ngạo.

Đất trời băng giá tuyết bay. Căn phòng kín mít hương cao lương lên men như táo ủng bay lên ngào ngạt. Moutai trong suốt nóng bỏng miên man chảy qua họng. Chảy đến đâu nhiệt năng rung động đến đấy.

Càng uống hơi nóng từ thân thể tỏa ra càng sực nức nhân hương sưởi ấm căn phòng. Nhân nhiệt âm dương quyện với men cao lương men ngũ cốc ngất ngây miên man bất tỉnh.

Cứ thế bồng bềnh trôi dạt đỉnh núi sườn non.

 

Cây tùng Yihe Yuan

Yihe Yuan (Di Hòa Viên) là cung điện mùa hè. Chốn lầu son gác tía ăn chơi hưởng lạc đệ nhất Zhonghua hàng ngàn năm nay. Nổi tiếng với vô vàn kỳ hoa dị thảo.

Mình tới Yihe Yuan vào mùa đông. Khắp nơi trắng xóa băng tuyết. Không một bông hoa không một cánh bướn. Yihe Yuan là một rừng tùng bất tận xanh thăm thẳm.

Đi giữa rừng tùng thoang thoảng trong giá lạnh hương nhựa tùng ngan ngát. Nghe xôn xao màu xanh diệp lục bừng nở trong tuyết trắng. Ngất ngây cảm thức vĩnh hằng.

Thiên nhiên có nhiều loài cây từ thân lá phả ra mùi hương tự nhiên thơm ngào ngạt. Trong con người cũng có những cơ thể tự tỏa ra mùi xạ hương tự nhiên thơm ngất ngây. Đó đều là những loài quý hiếm trên thế gian. Khi những mùi hương thơm tự nhiên đó tỏa ra cả thế giới đều thanh sạch thơm tho phấn chấn hân hoan và tử tế.  

Chủ nhân quyền uy ngất trời nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành đều đã thành cát bụi.

Vô vàn kỳ hoa dị thảo lộng lẫy nhan sắc đều tàn lụi trong băng tuyết. Chỉ có tùng mộc mạc màu xanh thì trường tồn.

Nhưng kìa biết bao cây tùng trĩu nặng tuổi tác tựa mình trên giá chống. Nếu không có giá chống chắc nhiều cây tùng đã gục ngã rồi

Thời gian thăm thẳm.

 

Wanli Changcheng

Điểm thăm quan thứ hai là Wanli Changcheng (Vạn lý trường thành). Từ Yihe Yuan ngược lên phía Bắc đến Wanli Changcheng khoảng 50km. Mùa đông đường vắng vẻ hai bên đường là đồi núi hoang vu hầu như rất ít khi thấy làng xóm dân cư.

Ở phía Bắc Zhongguo đất rộng người thưa. Thỉnh thoảng thấy một ngôi làng thì nhà cửa lúp xúp xây bằng gạch quây quần san sát thành một khu khép kín trông rất lạ mắt.

Đến điểm du lịch thấy Wanli Changcheng sừng sững vắt vẻo trên những đỉnh núi chon von vô cùng kỳ vĩ. Changcheng xây bằng gạch vuông to bản. Hai bên tường bao xây bằng đá xanh. Tường bao phía Bắc với các khoảng cách đều đặn có các ô để chĩa vũ khí ra. Mỗi đoạn lại có một chòi dùng làm điếm  trú quân.

Nghiên cứu mới nhất khẳng định: Wanli Changcheng dài 21.196 km. Độ cao trung bình là 7m so với mặt đất bề mặt tường thành rộng trung bình 5-6 m.

Wanli Changcheng uốn lượn theo dáng hình của các ngọn núi cao nối tiếp nhau tưởng chừng bất tận. Chẳng rõ bắt đầu từ đâu kết thúc ở đâu nhưng mới trèo được vài trăm mét ngược dốc đã bở hơi tai.

Khách du lịch thăm Changcheng rất đông nhưng thấy toàn đầu đen. Hình như đa số là người Zhongguo. Nếu có người nước ngoài thì cũng là dân Châu Á da vàng mũi tẹt.

Wanli changcheng là một kỳ quan bất hủ của nhân loại.

Thời cổ nghĩ ra việc xây được Wanli Changcheng quả là đầu óc điên khùng. Không điên khùng thì làm sao có kỳ quan. Mọi kỳ quan đều do những bộ óc điên khùng mà có.

Thời cổ xây Wanli Changcheng chắc xương máu nhân dân phải chất thành núi chảy thành sông. Xương máu nhân dân không thành Wanli Changcheng thì cũng thành cát bụi nước lã vô danh.

 

Kỳ quan thế giới

Sự hùng vĩ trường tồn và độc nhất vô nhị của Wanli Changcheng đích thực là một kỳ quan thế giới.

Ngắm Wanli Changcheng không người nào có thể nghĩ đó là bức tường thành cổ đại do con người với hai bàn tay và những công cụ thô sơ xây lên.

Mỗi milimét trường thành chính là một milimét máu xương của người dân Zhonghua.

Chỉ có máu xương người mới làm lên kỳ quan của nhân loại.

Không hiểu tại sao cứ nói đến các kỳ quan bao giờ người ta cũng than thở cũng thương xót xương máu của nhân dân xây lên các kỳ quan đó.

Cách suy nghĩ ấy rất dân túy mị dân thô lậu và tầm thường. Máu xương của nhân dân hàng ngàn năm qua thường tình thì cũng đều mục nát thành đất đá hòa vào sông như cốt nhục cỏ cây muông thú cả. Máu xương có trường tồn đâu.

Thế nhưng nếu máu xương của nhân dân chất chồng thành kỳ quan thì lại trường tồn. Kỳ quan thực chất là máu xương. Là máu xương nên kỳ quan bao giờ cũng vĩ đại. Là máu xương nên kỳ quan ở đâu cũng thiêng liêng. Kỳ quan vinh danh máu xương. Chiêm ngưỡng kỳ quan chính là chiêm ngưỡng máu xương.

Một thời đại lịch sử không có kỳ quan nào thì máu xương thời đại đó là cát bụi và nước lã.

Chỉ là cát bụi và nước lã thì máu xương buồn lắm.

 

Cây tùng Zi Jing Cheng

Ở Zi Jing Cheng (Tử Cấm Thành) có một vườn tùng. Chắc là đều đã trên ngàn tuổi.

Cây nào cũng kiêu hùng đanh thép nhưng dáng hình đều đã suy sụp ngả nghiêng. Đứng không vững. Cây già nua thớ gỗ nổ tung. Vỏ tróc gần hết trơ ra lớp thịt gỗ nâu đỏ long lanh như máu. Nhưng lá cành vẫn xanh mướt trong gió đông buốt giá. Sức sống của tùng vô cùng ghê gớm.

Cây tùng Zi Jing Cheng đã chứng kiến biết bao nhiều chuyện thâm cung bí sử. Nhìn vào thân cây trơn nhẵn vết tay người đủ biết ngàn năm ấm lạnh truân chuyên bất trắc.

Ở nơi hiểm hóc này cây hồn nhiên xanh mướt thì còn. Người phùng mang trợn mắt uy quyền người lặng ngắt mưu mô xảo quyệt đều thành cát bụi.

Chạm tay vào thân tùng thấy gai gai ghê ghê. Bất giác lạnh buốt sống lưng nổi da gà. Ngỡ chạm vào biết bao tay ai cả ngàn năm. Những tay ấy chạm vào cây nghĩa là bấu víu níu bám. Những tay ấy bây giờ không biết đâu rồi.

Nhìn cây tùng Zi Jing Cheng bất giác vô vàn ngón tay người ngàn năm tua tủa xòe ra run rẩy đầm đìa máu tươi.

 

TianGongyuan station

Chủ nhật một mình ra ga Beigongmen quyết định thử đi một hành trình đến tận ga cuối cùng xem thế nào. Đi mãi đi mãi chuyển tàu vài lần những tên ga lạ hoắc… nhưng vẫn quyết tâm đi đến cùng.

Sau một hành trình dài tàu hết đường quay đầu. Hành khách đến ga này chỉ có vài người. Mình theo mọi người đi lên mặt đất. Đó là Tian Gongyuan station. Không phải là khu phố đông dân cư mà là một cái ga giữa một khu rừng công viên mới trồng thấp thoáng xa xa thưa thớt những khu chung cư mới xây.

Có một cô gái nhỏ nhắn xuống ga. Mình nhờ cô chụp cho 1 kiểu ảnh lấy cảnh tên ga. Cô gái có vẻ thích thú cầm máy chụp mấy kiểu rồi ra hiệu rủ mình cùng xuống tàu. Mình cảm ơn và đi ra khu rừng cây.

Rừng cây non ngút tầm mắt được trồng theo hàng lối rất thẳng và đẹp. Mùa đông cây rụng sạch lá nên không biết đó là cây gì. Mênh mông một rừng cành cây lạnh buốt tua tủa giơ cành lên trời như cam chịu như than khóc như buông xuôi. Giữa đất trời băng tuyết những cành non mới mong manh làm sao.

Đến TianGongyuan station tự thấy con người vu vơ quá giữa trời đất. Vơ vẩn một mình chợt thấy nản long nhụt trí hoang mang.

Nếu không đến TianGongyuan station thì làm sao khám phá được cung bậc cảm xúc của mình.

 

Liangshan Po

Đến Shantung (Sơn Đông), ai cũng mong được tới thăm Shuihu (Thủy Hử) nơi tụ hội của 108 anh hùng Liangshan Po (Lương Sơn Bạc) lừng danh. Mình đặt vấn đề với thầy chủ nhiệm. Ông ngần ngừ rồi nói không trong chương trình.

Mấy ngày ở Shantung toàn đi thăm Tỉnh ủy trường Đảng viện bảo tàng phố cổ hồ nước… Hay thì hay thật nhưng cơ bản là vô vị.

Ngàn dặm xa xăm mới tới được đây. Cái cần đến là nơi bến nước lừng danh lại không đến được. Thật chán. Nhưng mình đi khảo sát nghiên cứu chứ đâu phải đi du lịch. Mình đi theo họ chứ đâu phải đi theo mình.

Giá một lần trong đời đến được Liangshan Po ngắm bến nước nhìn lau trắng sóng bạc nghe văng vẳng tiếng hát hào sảng của anh em họ Nguyễn thì thật thỏa chí làm trai.

Làm sao có thể trở lại Shantung được nữa.

 

Tiếng chuông

Buổi chiều trước khi ăn cơm ngồi uống trà trên tầng 17 khách sạn Orient (Phương Đông). Trong ánh hoàng hôn đỏ sẫm bỗng nghe tiếng chuông chiều thong thả ngân nga bóng ngày đang tắt.

Từ trên cao nhìn xuống trong hoàng hôn nhạt nhòa trải dài trước mặt thấp thoáng dải rừng của dãy Taishan (Thái Sơn) hùng vĩ. Không biết ngôi chùa vẳng hồi chuông thu không ấy từ đâu.

Hỏi người phiên dịch. Anh chỉ tay xuống dải rừng xanh nói rằng ở trong  núi đó có nhiều chùa lắm. Có một ngôi chùa rất nổi tiếng bởi Hua He Shang (Hoa Hòa Thượng) đã từng tu ở đây.

Ở ngay đây rồi thế mà không sao đến chiêm bái được ngôi chùa nơi Hua He Shang đã từng tu tập. Từ tầng cao chắp tay bái vọng thiền sư khả kính.

Chuyến đi Shantung thật đáng tiếc lắm thay.

 

Bình đất nung

Bảo tàng gốm sứ Zhibo (Tri Bác) được mệnh danh là trung tâm gốm sứ Zhonghua (China ceramics center). Ở đó trưng bày không biết bao nhiêu mẫu gốm sứ hàng nghìn năm quý giá.

Xem bảo tàng gốm sứ một vòng. Đẹp đến nỗi hoa hết cả mắt. Không hình dung được tại sao người ta lại có thể làm ra những sản phẩm gốm sứ hoàn mỹ đến dường này. Zhonghua xứng danh là thủy tổ gốm sứ nhân loại.

Cả một bảo tàng gốm sứ tráng lệ xa hoa muôn hồng ngàn tía như thế nhưng khi hỏi hướng dẫn viên trong bảo tàng này hiện vật nào là quý nhất. Cô dẫn đi và chỉ một bình đất nung méo mó men da lươn chảy không che hết thân bình được trưng bày trong tủ kính riêng. Chiếc bình này có niên đại lâu nhất nghe nói là hơn 10 nghìn năm và được đánh giá quý hiếm nhất thế giới.

Vật quý không ở bản thân nó mà vì nó mang chứa những thông điệp.

 

Bình gốm

Mình vốn không thích đồ gốm sứ Zhonghua (Trung Hoa). Nhất là đồ Jiangxi (Giang Tây). Chẳng hiểu sao. Thích hay không là do thị hiếu. Nhiều khi nguyên do rất vu vơ. Nhiều khi chẳng có nguyên do nào cả.

Thế nhưng xem bảo tàng gốm sứ Zhibo thì lại rất hứng thú.

Tại khu bán đồ mình chọn mua một bình gốm làm quà lưu niệm. Mình chọn được một bình gốm hình trụ cao vút dáng vẻ rất cao quý. Trên thân bình vẽ mấy bông hoa lớn rất lạ mắt.

Thực ra chiếc bình này có dáng và kích cỡ rất giống một chiếc bình gốm mình mua tại New Delhi. Chỉ khác là một chiếc men sứ vẽ hoa còn một chiếc là phủ nhũ vàng vẽ văn hoa kỷ hà. Chiếc bình gốm này cũng lớn hơn hai chiếc bình gốm mình mua ở Kua Lumpur và Roma

Mang về nhà để ở phòng khách chiếc bình này và chiếc bình New Delhi thành một cặp đôi hoàn hảo. Tàu hay Ấn cứ đẹp là tương hợp với nhau ngay. Tây hay ta cứ đẹp là đứng bên nhau hài hòa thắm thiết. Đẹp bao giờ cũng tạo nên những tương tác đẹp.

Đồ gốm đẹp bao giờ cũng tôn vinh vẻ đẹp của nhau.

 

Tảng đá xẻ đôi

Bên con đường đá độc đạo đi vào Tiger Hill (Đồi hổ khâu) nơi chôn cất Wu Wang (Ngô vương) có một tảng đá đen lớn bị bổ làm đôi bằng một vết chém.

Tương truyền ngày xưa biết Gan Jiang (Can Tương) là người luyện kiếm lừng danh Wu Wang gọi Jiang tới sai luyện cho ông một thanh kiếm chém đá như chém bùn.

Nấu sắt mãi không được. Sau cả hai vợ chồng Jiang phải cắt tóc móng tay và cắt ngón tay nhỏ máu vào chảo sắt mới chảy.

Jiang biết He Lu (Hạp Lư) Wu Wang là kẻ tàn ác. Bèn luyện một cặp kiếm. Cây hùng (trống) mang tên Gan Jiang. Cây thư (mái) mang tên Mo Jia (Mạc Gia - vợ Jiang). Jiang đưa vợ giữ cây thư và dặn nếu ông bị He Lu giết thì mang cây thư giao cho người báo thù.

Được kiếm trước bá quan văn võ He Lu vung kiếm chém vào tảng đá. Tảng đá lớn xẻ đôi. Để trên đời không có thanh kiếm báu thứ hai có thể chống lại thanh kiếm của mình He Lu vung kiếm chém đầu Jiang trừ hậu họa.

Wu Wang  không biết sau này ông ta đã bị cây thư trong cặp kiếm mà Jiang luyện giết chết.  

Wang và Jing và kiếm báu đều đã mục nát nhưng tảng đá bị chém vỡ đôi khi xưa thì vẫn còn đây.

 

Chôn sống

Nhân chuyện phiến đá năm ngàn người chợt nhớ.

Wu Wang He Lu một hôm ăn tiệc có người dâng món cá hấp rất ngon. Nhớ con gái yêu vua ăn một nửa còn một nửa dành gửi cho con.

Nhận nửa con cá từ vua cha Yu Sheng Gongzhu (Công chúa Ngọc Thắng) than rằng: Đại vương cho con cá ăn dở thế là làm nhục ta còn sống làm gì nữa.

Nói xong Yu Sheng đâm cổ chết.

He Lu thương lắm sai làm một cái lăng thật to ở ngoài Changmen (Sương Môn). Đào hào đắp lũy không biết thế nào mà kể. Những chỗ lấy đất thành hồ lớn gọi là hồ Wufen (Vũ Phần). Đục đá hoa cương làm quách bao nhiêu vàng bạc châu báu ở trong ngân khố đem chôn một nửa. Chôn theo cả bảo kiếm Bansheng (Ban Sinh) và sai người tổ chức múa Bạch hạc giữa chợ lớn.

Dân tình kéo đến xem kể hàng vạn người. Nhân tiện He Lu sai mở cửa hầm mộ để dân chúng theo cửa Suimen (Toại môn - đi ngầm dưới lòng đất) vào xem quan quách. Mọi người háo hức kéo ồ cả vào. He Lu cho giật máy đóng sập cửa lại rồi lấp kín. Hàng vạn người già trẻ trai gái quan dân đều bị chôn sống trong hầm mộ.

He Lu nói: Ta cho hàng vạn người đi theo con gái ta. Ở dưới suối vàng con ta sẽ không cô quạnh.

 

Rừng phong

Buổi chiều Jiangsu (Giang Tô) phong cảnh cuối thu đầu đông tĩnh lặng buồn nẫu. Nhìn những con đường heo hút thảm thiết lá vàng. Nhìn rừng phong bạt ngàn ánh ỏi sắc úa lòng người không khỏi buâng khuâng não nùng.

Bất chợt đâu đó vang lên câu Kiều: Người lên ngựa kẻ chia bào / Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Ôi nàng Thúy Kiều (Cui Qiao) lẳng lơ lưu lạc đắm đuối chàng Shu Sheng (Thúc Sinh). Ôi chàng Shu Sheng đàng điếm chơi bời đắm đuối nàng kỹ nữ lầu xanh. Quả là một trang diễm tình kinh điển. Chết nỗi đã có nàng Qiao chàng Sheng thì phải có mụ Huan Qie (Hoạn Thư). Đã có thiện phải có ác. Đã có tốt đẹp thì phải có xấu xa. Có thế chuyện tình mới dở dang ngang trái mới mùi mẫn hấp dẫn.

Rừng phong bạt ngàn đã nhuốm màu quan san ào ào gió thu. Sinh thời chắc Nguyễn viết câu thơ ấy ở đây bởi câu ấy văng ra từ cảnh vật.

Trông lá phong vàng xứ sở Jiangsu nơi nàng Qiao lưu lạc lầu xanh mà cám cảnh cho giai nhân và thi sỹ. Tài và sắc muôn đời héo úa nhuốm màu quan san.

 

Tai Hu

Xe chạy dọc một hồ nước lớn như chạy dọc bờ biển. Buổi sáng hồ còn ngập chìm trong sương mù. Đón đoàn là một thiếu nữ trẻ xinh đẹp và mau mắn. Vừa chọn được chỗ đứng trên xe cô hồ hởi liến thoắng. Đây là Tai Hu (Thái Hồ) rộng 2.250km2 với 90 hòn đảo lớn nhỏ…

Nghe nói thế tất cả mọi người ngoái nhìn ra hồ. Mênh mông bát ngát như biển. Đã đi nhiều nhưng chưa bao giờ thấy hồ nào rộng và mờ ảo như hồ này. Trên hồ thấp thoáng đảo to đảo nhỏ thấp thoáng những chiến hạm dập dềnh lướt sóng.

Bảng lảng trong sương xanh chợt mơ hồ.

Không biết hồ này có phải nơi Li Shi Shi (Lý sư sư) đón Yan Qing (Yến Thanh) xuống thuyền ngao du sơn thủy bỏ mặc các vị anh hùng Lingshan Po sau khi chinh phạt phương Nam chiến thắng trở về quỳ gối nhận mỗi người một chút quan mọn hay không.

Không biết hồ này có phải nơi Lu Junyi (Lư Tuấn Nghĩa) bị gian thần hãm hại đầu độc trên thuyền trở về triều đình đã thổ ra máu và ngã lăn xuống hồ chết mất xác không.

Không biết hồ này có phải là hồ sau khi giúp Yue Wang Ju Jian (Việt Vương Câu Tiễn) đánh bại Wu Wang Fan Li (Phạm Lãi) đã bí mật mang nàng Xi Shi (Tây Thi) bỏ trốn ngao du ngũ hồ để bảo toàn tính mạng không.

Không biết hồ này có phải nơi khi Rongfu (Phủ Vinh) gặp đại nạn tan tành giấc mộng lầu hồng Jia Bao Yu (giả Bảo Ngọc) lang bạt và gặp nàng hầu bị bán làm gái lầu xanh đứng trên thuyền khóc lóc cầu xin Bao Yu cứu mình.

Không biết hồ này có phải…

Trong sương sớm mơ hồ có biết bao tích truyện Zhonghua lừng lẫy gắn với một cái hồ nước mênh mông nào đó in đậm trong tâm thức mình. Tại sao lại thế.

Phải chăng tâm thức Việt có gốc rễ cuội nguồn từ cái Dongting hu (Động Đình hồ) huyền thoại lưu lạc mãi đất người vẫn thăm thẳm nơi bản năng gốc tộc Việt. Cái Dongting hu mơ hồ trong dã sử buâng khuâng như thể chốn linh thiêng thăm thẳm dòng dõi Việt mất nước lưu lạc muôn phương linh hồn thầm kín lén lút đi về.  

 

Tửu quán

Sau khi thăm quan Huaxi cun (Hoa Tây thôn) bạn mời ra quán rượu cổ bên Tài Hú. Tửu quán cổ kính sơn son thếp vàng trang hoàng bài trí y trang những quán rượu xưa nơi Wu song Zhi Shen (Trí Thâm) Song Jiang Li Kui (Lý Quì) thường lui tới.

Tửu quán ngay bên mép hồ. Nhìn ra mênh mông sóng nước. Xa quê lâu ngày lòng không khỏi ngậm ngùi. Nâng bát rượu thấy lòng trống trải vô biên.

Nơi đây biết bao anh hùng hào kiệt đã múa kiếm vung đao. Nơi đây biết bao tao nhân mặc khách uống rượu ngâm thơ. Nơi đây biết bao giai nhân tài tử dan díu tỳ bà não nuột. Nơi đây biết bao kiếp người đã đến đã đi và biền biệt vô tăm tích trên cõi nhân gian.

Nơi đây bến  Xunyang (Tầm Dương) không biết chỗ nào…

Hôm nay vì một nhân duyên nào mình đến đây ngồi đây nâng bát rượu ngắm Tài Hú mù mịt trong sương nghe tiếng sóng tan nát cõi lòng.

Sương ấy sóng ấy người ấy có mà không không mà có. Trong cuộc đời này liệu mình có trở lại nơi này một lần nữa hay không.

 

Cây hòe

Buổi chiều thư thả dạo phố xem hàng tơ lụa. Vào một dinh thự cổ giới thiệu tinh hoa tơ lụa Jiangsu. Khi bước ra bỗng gặp một cây hòe cổ thụ sừng sững một góc sân. Gặp hòe nao nao chợt nhớ chuyện xưa.

Chuyện rằng do chống đối tể tướng Wang An Shi nên Su Dong Po bị đày xuống phương Nam. Vì đường sá xa xôi cách trở phong thổ lam chướng độc hại các nàng hầu người ở đều cho về quê. Duy có Chun Niang (Xuân Nương) kiều diễm vì nặng tình với Su mà kiên quyết theo hầu.

Trong tiệc tiễn thấy mỹ nhân Qiang Yunguan (Tưởng vận quan) chợt hỏi nàng có đi cùng Su không. Su thẳng thừng đi Huangzhou xa xôi hiểm nguy bất trắc không hợp với liễu yếu đào tơ. Chun Niang phải ở lại.

Bị Chun Niang hút hồn Qiang Yunguan không giấu được lòng dục: Nếu ngài không chê tôi thô lậu xin mang con tuấn mã quý báu này đổi lấy Chun Niang. Nhất cử lưỡng tiện bác có ngựa quý tri kỷ đường trường tôi có Chun Niang bạn bầu khuya sớm.

Su mừng rỡ vừa được ngựa vừa gửi gắm nàng hầu nơi bầu bạn.

Dùng một con vật đoạt được mỹ nhân họ Qiang cao hứng lắm. Xuất khẩu thành thơ: “Bất tích sương mao vũ tuyết đề/ Đẳng nhàn phân khó thục nga mi/ Tuy nhiên kim mặc tê minh nguyệt/ Khước hữu giai nhân phụng ngọc chi”. Nghĩa là: chẳng tiếc ngựa quý trắng như tuyết sương/ Đổi lấy đôi mày tằm người đẹp/ Không được nghe tuấn mã gầm thét dưới trăng/ Đã có giai nhân sớm khuya dâng chén ngọc”.

Men hứng Su đọc: “Xuân Nương thử khí thái hốt hốt/ Bất cảm đề thanh tại hận trung/ Chỉ vị sơn hành đa hiểm trở/ Cốt tương hồng phấn hóa truy phong”. Nghĩa là: Chia ly nàng Chun Niang trong hoàn cảnh vội vã/ Đâu có đủ thời gian để khóc hận/ Vì đường núi rừng hiểm trở/ Nên đành lòng đổi mỹ nhân lấy ngựa truy phong.

Ngâm xong thơ hai bậc trí giả đắc chí lắm. Nhất tề cạn chén.

Nghe thơ Chun Niang khóc òa quỳ lạy chủ nhân. Than thở rằng nô tỳ hầu hạ ngài từ nhỏ không muốn xa ngài. Nô tỳ nguyện theo ngài đến chân trời góc biển dẫu muôn đắng ngàn cay đến chết mới thôi. Su nghiêm mặt lừ mắt kiên quyết lắc đầu: Ta đã quyết. Không được trái ý. Giọng lưỡi chủ tớ rõ là lạnh lẽo sắc nhọn.

Quỳ lạy khóc lóc nước mắt như mưa. Chủ nhân không động lòng. Rồi nàng than rằng những bậc trí giả trên đời sao bạc bẽo dã tâm rẻ rúng coi nữ nhân không bằng con vật. Uất ức nàng than thân trách phận ra đời gặp phải người vô tình vô nghĩa nhẫn tâm. Từ bé mình đã quanh quẩn bên người ta cúc cung tận tụy sớm tối hết lòng hầu hạ thế mà kết cục không bằng con ngựa.

Tuyệt vọng nàng khóc rằng: Vi nhân mạc tác phụ nhân thân/ Bách ban khổ lạc do tha nhân/ Kim nhật thủy trị nhân tiện súc/ Thử sinh cẩu hoạt oán thủy sân. Nghĩa là: Làm người chớ làm đàn bà/ Biết bao đắng cay nhục nhã đều gánh chịu/ Hôm nay biết thân phận mình không bằng loài súc vật/ Còn sống làm gì nữa nào biết oán hận ai.

Đang khóc bỗng nàng lao ra sân đâm đầu vào gốc hòe già mà chết. Máu nàng chảy lênh láng trước mặt các danh sỹ. Thế mới biết danh nhân bạc bẽo dã tâm biết dường nào.

 

Thiên tuế

Ở Nanning có một khu rừng trông toàn thiên tuế. Người ta thu gom cây từ khắp nơi về trồng tại đây.

Toàn thiên tuế cổ thụ. Có rất nhiều loại thiên tuế khác nhau. Có thể phân biệt cây theo dáng hình. Có thể phân biệt theo kiểu lá. Có thể phân biệt theo hoa quả. Có thể phân biệt theo tán xòe.

Đến đây mới biết thiên tuế thật đa dạng phong phú về chủng loại. Có cây cổ thụ nghìn năm mà xanh biếc non tơ. Có cây mới vài trăm năm đã già nua cổ kính. Có cây mới vài chục năm dáng hình đã kỳ dị đặc sắc.

Thiên tuế không phải cây quý hiếm. Giá cây cũng không đắt. Sưu tầm cây cũng không quá công phu. Đành rằng những cây có tuổi ngàn năm thì không nhiều.

Quan trọng là ý tưởng. Cái ý tưởng sưu tầm thiên tuế để trồng cả một khu rừng toàn thiên tuế mới là đặc sắc.

Biến một loài cây không đặc sắc thành một khu rừng đặc sắc. Tìm trong loài cây bình thường những cây bất thường.

Đó là ý tưởng nhân văn thâm hậu cao siêu.

Trên đời nay về bản chất sinh tồn nhìn chung mọi thứ đều giá trị giống nhau. Chỉ có sự khác biệt mới định danh một chân dung. Không có chân dung không thể vĩnh hằng được

Trồng một cái cây hơn xây một ngôi đền. Trồng một rừng thiên tuế cho người ta tới chiêm bái mới kỳ diệu làm sao.

 

Thời gian

Từ cửa khẩu Hữu Nghị sau 3 tiếng xe chạy đã về tới Hà Nội. Bước xuống xe tất cả vẫn y trang như hôm nào lên xe ra sân bay. Hình như không hề có hai tháng mình đi xa nơi này.

Cuộc đời vô thường. Con người như thể chim chóc nay đây mai đó. Mây gió phù vân. Vừa hôm nào ở Beijing Shandong Shanghai Jiangsu Nanning hôm nay đã ở Hà Nội.

Vào quán nước vỉa hè gọi một chén trà nóng đậm đà bản sắc Hà Nội. Khói từ chén trà xanh biếc nghi ngút bay lên. Hương trà ngào ngạt. Giật mình hoảng hốt ngỡ ngàng có phải chính cái chén trà buổi sáng cách đây sáu mươi ngày mình đã uống đó không.

Hai tháng là một giấc mơ hư huyền đến nỗi chén trà bên vỉa hè Hà Nội rót hôm đi đến hôm về vẫn còn nóng rẫy ngào ngạt hương nghi ngút khói xanh biếc bay lên.


Có thể bạn quan tâm