April 19, 2024, 7:01 am

“Lá đơn thứ 72”- Ánh sáng công lý tìm thấy từ tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Tại đêm tranh giải Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V ngày 16/11, Sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) đã đưa tác phẩm sân khấu mới “Lá đơn thứ 72” tới rạp Đại Nam để dự thi với sự góp mặt của đội ngũ ban giám khảo trong nước và quốc tế. Dựa trên một vụ án oan được kể lại bởi luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, vở kịch “Lá đơn thứ 72” được đánh giá cao không chỉ bởi cách dàn dựng, diễn xuất chuyên nghiệp của các diễn viên mà còn góp phần truyền tải nhiều thông điệp quý báu về tư tưởng học tập và làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh.

 

NS Văn Hải trong vai Bác Hồ đang đọc lá đơn thứ 72

 

Vở kịch Lá đơn thứ 72 lấy bối cảnh Hà Nội những năm chiến tranh 1960 – 1970. Ngay phút mở màn, nhân vật người tù số 003 Đỗ Minh (do NS Anh Tuấn thủ vai) bước ra mang theo nỗi uất ức vì chịu một tội danh khủng khiếp mà cả đời ông cũng không nghĩ mình có thể làm ra – giết người. 71 lá thư viết liên tục trong 8 năm được gửi đi, nhưng vụ án năm nào đã kết thúc và không có chứng cứ gì mới. Mặc cho cán bộ trại giam khuyên giải, bạn tù chế giễu, người tù ấy vẫn kiên trì viết thư đôi khi bằng cả máu vì tin rằng Bác Hồ sẽ thấy và giải oan cho mình. Mãi cho đến khi gửi lá thư thứ 72, một người cán bộ trẻ vừa được nhận làm ở Viện kiểm sát tên Dư mới tìm hiểu qua những người từng quen biết Đỗ Minh, phát hiện người tù này từng là một người Đảng viên, từ đó bức màn sự thật mới được hé lộ.

Lá đơn thứ 72 là vở diễn của đơn vị sân khấu tư nhân Lệ Ngọc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sự phối hợp thực hiện của 2 cựu Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Vở kịch hội tụ nhiều nghệ sĩ tài năng của Sân khấu Lệ Ngọc như NS Văn Hải trong vai Bác Hồ, NSND Lệ Ngọc vai vợ Đỗ Minh, NS Anh Tuấn vai Đỗ Minh cùng ê kíp trẻ và nhiều diễn viên khác.

Cùng thời điểm này, tại Phủ Chủ tịch, lá đơn kêu oan thứ 72 của người tù số 003 Đỗ Minh đến tay Bác Hồ. Có một điều khiến Người chú ý là tác giả bức thư không một lần xin giảm án. Anh ta chỉ thiết tha được minh oan, luôn đặt niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác. Hơn thế, hàng tháng, anh đều dành dụm số tiền ít ỏi của mình để lén đóng Đảng phí bằng một cái ống tre. Chính nội dung này khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định yêu cầu Viện trưởng Viện KSND Tối cao điều tra lại vụ án với lời nhắn nhủ: “Chuyện của một người nhưng liên quan đến công lý của cả một đất nước”.

Vở kịch đã khéo léo lồng ghép các chi tiết đắt giá nhằm đề cao tinh thần chí công vô tư của những người Đảng viên ưu tú, họ phải đối đầu với phe thù địch là những tên tham ô, tham quan, những cán bộ làm việc hời hợt, chèn ép dân. Phân cảnh Bác Hồ (do NS Văn Hải thủ vai) giả làm một ông cụ bình thường đích thân đến thăm vợ của phạm nhân 003 (do NSND Lệ Ngọc thủ vai) đã gây xúc động mạnh trong lòng khán giả. Khung cảnh Bác ân cần hỏi thăm chị vợ, nghe chị nghẹn ngào kể về người chồng tội nghiệp phải đi tù oan 8 năm nay đã khiến Bác và nhiều khán giả phải rơi nước mắt. Rồi bất chợt, một viên cảnh sát trật tự đến bắt chị và gánh hàng nước nhỏ của chị lên đồn vì tội bán hàng rong bừa bãi, làm người vợ tội nghiệp ấy phải ai oán thốt lên “Trời ơi, thế này thì tôi biết sống bằng gì?”, chứng kiến cảnh ấy Bác Hồ xót xa vô cùng, vụ án năm xưa lại từng bước được hé lộ.

 

Cảnh người vợ vào thăm chồng, phạm nhân số 03

 

Cùng lúc đó trong tù, tên phạm tù cận thị (do NS Huy Hoàng thủ vai) đã bị tên phạm tù to cao (NS Hoàng Nam) đánh đến nỗi phải đi cấp cứu. Cảnh chuyển sang tên tù cận thị bắt đầu kể lại chuyện ngày xưa hắn được làm cán bộ cấp cao, nhờ vậy mà trót lọt lấy của nhà nước rất nhiều vàng: “Làm quan sướng lắm, tiền ấy để mua nhà, mua xe cho đầm non. Ấy là suy nghĩ đổi mới, là tân tiến, mày bảo tao lấy tiền của dân, nhưng không phải, tao lấy tiền của nhà nước!”. Vở kịch được đẩy lên cao trào, tên phạm nhân cao to số 005 – một người Đảng viên trung thành nhưng vì tự vệ mà lỡ bắn chết 1 cán bộ thuế ức hiếp dân, đã không thể kiềm chế được mà lao vào đánh tên tù nhân cận thị. Chi tiết này tuy không nằm trong mạch truyện chính, nhưng đã nhận được một tràng vỗ tay rất dài của khán giả rạp Đại Nam đêm hôm đó. Có lẽ, câu chuyện gieo gió, gặt bão thậm chí gieo nhân nào gặt quả ấy mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn xưa vẫn còn nguyên giá trị. Bởi không một cộng đồng, một xã hội nào lại có thể dung túng cho những cá nhân vụ lợi, dẫm đạp đồng loại để ngoi lên hưởng vinh hoa phú quý.

Vở kịch “Lá đơn thứ 72” nói về vụ án oan được Bác Hồ chỉ đạo điều tra lại từ hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng qua cách “kể” của đạo diễn và các nghệ sĩ trong từng lớp kịch, từng câu chuyện nhỏ về số phận các nhân vật, kể cả các thành viên trong gia đình của người bị hàm oan và kẻ phạm tội, hay các câu chuyện của những phạm nhân đang thụ án trong trại giam…, người xem có cảm nhận như là chuyện của đời sống hôm nay.  Chưa kể, để thể hiện góc nhìn chân thực, giản dị về Bác, Nghệ sĩ nhân dân Vương Duy Biên đã chọn lối thiết kế sân khấu tối giản mà tinh tế. Những tấm pano được thiết kế linh hoạt, ghép nối để tạo các không gian như nơi làm việc của Bác, phố phường Hà Nội, viện kiểm sát, nhà giam…, đồng thời cũng là đạo cụ hỗ trợ nghệ sĩ diễn xuất.

Có thể thấy rằng vở kịch đã tạo hiệu ứng rất tốt từ khi ra mắt lần đầu vào ngày 2/5/2022, cho đến ngày 16/11, tại liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, rạp Đại Nam đã kín chỗ từ rất sớm. Chia sẻ về trải nghiệm sau khi xem vở kịch trên, chị Anya đến từ Ba Lan cho biết, chị rất ấn tượng về kĩ năng diễn xuất của các nghệ sĩ Việt Nam: “Tuy chưa có cơ hội tìm hiểu kĩ về văn hóa cũng như lịch sử Việt Nam nhưng qua câu chuyện trên, tôi cảm thấy sự gần gũi và công bằng của Hồ Chủ tịch rất rõ ràng qua cách truyền đạt của diễn viên. Các nghệ sĩ đóng vai tù nhân, bệnh nhân gây ấn tượng mạnh với lời thoại của họ và tôi cảm thấy nóng lòng được xem những vở kịch khác của Việt Nam trong suốt tuần tới”.

Nói về ý nghĩa cũng như quá trình luyện tập cho ra tác phẩm, nghệ sĩ Văn Hải (thủ vai Bác Hồ) cũng chia sẻ: “Vở kịch này mượn tình tiết nhỏ nhưng lại nói đến những vấn đề lớn lao trong xã hội hiện nay. Các diễn viên, nghệ sĩ chúng tôi cũng đã cố gắng tập luyện và nhiều lần chỉnh sửa, quyết định đem tác phẩm này đi thi. Chúng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm cần phải lan tỏa tấm gương của Bác đến mọi tầng lớp nhân dân, để góp phần đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng thời xây dựng một xã hội công  bằng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, theo mong muốn của Bác lúc sinh thời.”

Nguyễn Phương


Có thể bạn quan tâm