April 19, 2024, 2:34 am

Lá cỏ mềm run trước nắng mai

 

Cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1969-1970, Phan Thị Thanh Nhàn đoạt giải Nhì với bài Hương thầm, một bài thơ tình thoạt tiên gây cảm giác chân mộc, ít trau chuốt, nhưng rất lạ, thời gian càng đi qua, nét lãng mạn của ý tứ, ngôn từ trong từng câu thơ như càng không hề phai đi, cùng với đó là tâm thế của tuổi trẻ một thời như ý niệm về cái đẹp càng được củng cố trong nhận thức của người đọc. Tại thời điểm này, cách cái mốc giải nhì kia đã năm mươi năm, đọc lại Hương thầm, vẫn bị cuốn đi trong cái mạch tình tứ, duyên dáng mà chân mộc của những câu thơ:

Cửa sổ hai nhà cuối phố

Không hiểu vì sao không khép bao giờ

            Có thật là người viết “không hiểu vì sao” không? Bạn đừng tin các nhà thơ. Họ đang dẫn dụ bạn vào “trường thẫm mỹ” của họ, đưa bạn vào những xúc động mà họ đang trải qua, để ngõ hầu bạn “phải” nghe được trái tim họ đang đập ở những cung bực nào. Bạn sẽ hiểu cửa sổ hai nhà “không khép bao giờ” là vì “cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”. Nhưng đó chỉ là một “tầng nghĩa” thôi. Tầng nghĩa thứ hai mới là chỗ tác giả bài thơ nhắm đến: Nào ai đã một lần dám nói? Đây là một câu hỏi mang tính “toàn thể”, tính nhân loại. Cô gái trong bài thơ dù đã cách xa cô Kiều của Nguyễn Du hơn vài trăm năm, dù cũng đã “ngập ngừng sang nhà hàng xóm”, nhưng rồi “không biết nói năng chi” và “nhờ hương thơm nói hộ”. Và đấy là cái “hương thầm” quyến rũ vĩnh cửu của người phương Đông, không cần viện đến ngôn ngữ. Điều này khi vào thơ ca phương Đông thì tạo nên ý ở ngoài lời, và thường khi ý ngoài lời làm thơ sâu sắc hơn những gì bày tỏ trong ngôn từ!

            Hương thầm được nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ nhạc và càng được nhiều người ngân nga khắp mọi ngõ ngách. Đến mức người ta chỉ biết Hương thầm đi liền với Phan Thị Thanh Nhàn, kiểu nhà thơ của một bài như Vũ Cao, TTKH, Hữu Loan… chẳng cần biết chị còn viết những gì!

            Kỳ thực Phan Thị Thanh Nhàn viết rất nhiều, thơ cũng nhiều và các thể loại khác như văn xuôi, báo chí, chân dung văn nghệ sỹ… cũng không ít. Nhưng kệ, “Phan Thị Thanh Nhàn của Hương thầm” vẫn là câu cửa miệng của bạn đọc, của thính giả mỗi khi chị xuất hiện đâu đó chỗ đông người.

*

Là một cây bút thuộc thế hệ “nhà thơ chống Mỹ”, không khó để nhận ra trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn tâm thế sáng tạo khá điển hình của một thế hệ cầm bút, khi mà trách nhiệm công dân được đặt lên thường trực trong tâm trí họ…. Như một lẽ tự nhiên, một lẽ sống có trách nhiệm, bóng dáng của cuộc chiến tranh in dấu khá đậm trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Ngay chút Hương thầm riêng tư, kín đáo là vậy, vẫn là hương thầm của những ngày chiến tranh: Bên ấy có người ngày mai ra trận. Chiến tranh khốc liệt, người con trai trong câu chuyện tình Hương thầm kia đã ngã xuống sau đó ít lâu, nhưng vẻ đẹp của mối tình đầu giữa anh và cô gái thì bất tử...

 Vốn là một nhà báo xông xáo, Phan Thị Thanh Nhàn có mặt trên rất nhiều trận địa, từ hậu phương khi chiến tranh lan rộng, nhất là Hà Nội những ngày B52, từ tuyến lửa bom đạn, ở những đại đội thanh niên xung phong trên tuyến đầu, tại nhiều binh trạm của Trường Sơn ác liệt… Trong thơ chị hiện thực chiến tranh hiện lên rất bình dị: Hà Nội nghe mưa trong tiếng còi báo động/ Hầm trú ẩn cứ múc rồi lại ngập/ Mâm cơm nào cũng vắng mặt người thân/… Máy bay địch bay xa máy bay địch bay gần/ Người Hà Nội nghe mà không chú ý/… Những chàng trai mười tám lên đường/ Nước mắt mẹ nhòa trong mưa tháng bảy (Mùa mưa Hà Nội)

Chiến tranh tàn khốc, kẻ thù từ dậm dọa đến điên cuồng trút bom xuống Hà Nội đưa miền bắc trở về thời kỳ đố đá. Phố xá tạm sơ tán, tạm xếp lại những công việc thường ngày để đối mặt với sự hủy diệt. Có thể nhận ra trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn sự thản nhiên dường như đối lập với tiếng gào thét của chiến tranh trong những ngày đó: Trong tiếng gầm B52/ Áo khăn hoa em xếp lại rồi/ Và cả cách chăm thương nhau cũng khác/ Căn hầm vững, gói lương khô, túi thuốc/ Chiếc hôn dài mừng tủi những ngày xa… (Thành phố tôi yêu)

Trong những câu thơ này, hiện thực bom đạn lùi lại phía sau, phong thái những con người trước bom đạn mới là điều cần nói: tạm xếp lại những lãng mạn để thiết thực, hiệu quả hơn và đặc biệt yêu thương nhau hơn trong bom đạn. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy trong chiến tranh nhiều cảnh chết chóc, nhưng khó tìm hơn và cao hơn những thứ đó, cái mà đối phương khiếp sợ là sự bình thản, là tình thương yêu giữa những con người, khi họ nhận ra bàn tay gầy thương bàn tay gầy thế, những điều giúp con người có thể vượt qua mọi sự tàn khốc của chiến tranh. Thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhiều lúc cũng miêu tả chiến tranh, khá khách quan, đến mức không ai nghe được tiếng đập của trái tim chị: Máy bay giặc đến vừa rồi/ Bọn em góp đạn bắn rơi chiếc đầu/ Cô ta hôm ấy cũng đau/ Bị bom ép đến nhức đầu ù tai/ Nhưng vùng dậy, lại như thoi/ Chạy đi cứu chữa những người bị thương (Thư em gái)

 Một “bức tranh sinh hoạt” thời chiến của người trong cuộc, thản nhiên như không hề có gì phải bận tâm, hệt như cảnh phố xá những ngày B52 trên kia chị viết: Máy bay địch bay xa, máy bay địch bay gần/ Người Hà Nội nghe mà không chú ý (Mùa mưa Hà Nội). Có phải ý đồ của người viết là muốn diễn tả cái bình thản của con người trước bom đạn? Những câu thơ này được viết ngay khi chiến tranh còn rất quyết liệt. Và sự bình thản có được trong câu chữ đã truyền sang sự tự tin của người đọc lúc đó. Còn bây giờ đọc lại, qua những câu giản dị kia ta hiểu “tâm thế” của những con người thời chiến. Hình như cái “khách quan” cần có của ngôn từ có giá trị bền lâu hơn những “hô ngữ”, những “cảm thán”, vẫn thường thấy trong những thơ ca về chiến tranh? Và nếu vậy, thì đó chính là một ưu điểm của Phan Thị Thanh Nhàn trong đề tài này. Ngoài cái “hiện thực khách quan” kia, những chỗ khá ấn tượng của cây bút này là biểu hiện tâm hồn, tâm tình, những tình cảm tinh tế trong những khoảnh khắc nào đó của chiến tranh. Đây là một “khoảnh khắc” ở sân bay Ái Tử khi tiếng súng vừa ngừng: Chẳng một máy bay nào nguyên vẹn/ Cũng không còn một quãng đường băng/ Nhưng vượt lên giữa mảnh bê tông nứt rạn/ Nở tươi ngời một đóa bông trang/… Tôi ngắt đóa hoa tặng anh/… Bằng tiếng nói riêng của người con gái (Ghi chép ở sân bay Ái Tử)

Nhưng đôi khi Phan Thị Thanh Nhàn tỏ ra khách quan đến mức thật thà, đơn giản và hình như bị cuốn theo cách nói “ẩn dụ” của thơ ca một thời: Tôi sẽ viết như bạn hằng ao ước/ Đất nước mình… thế đó súng và thơ (Gửi theo bạn về sông Hương). Những khi như vậy thơ chị hao hụt đi sức gợi!

*

Ấn tượng hơn cả trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn là chủ đề tình yêu và hạnh phúc. Đã có biết bao con đường, biết bao lối đi vào khu vườn thiêng đầy sức mời gọi nhưng cũng không ít nước mắt này? Phan Thị Thanh Nhàn chọn một lối đi riêng, như thể thả vào góc vườn kia một chút hương lặng mà thật dịu dàng quyến rũ rất nữ tính của những câu thơ dung dị. Bản tính nữ, bản năng loài nơi chị khá mạnh. Nhưng khả năng “kiềm chế” nơi chị cũng rất cao: Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em (Con đường)

Lời thơ phong gói thật kín đáo, thể lục bát thoạt nghe có vẻ êm ái, nhẹ nhàng, kỳ thực có thể nghe được “sóng ở đáy sông”. Dù vậy, nhưng vẫn không mất đi sự tinh tế: cái điều “nhỏ thôi” ấy có vai trò gì với “anh” hoặc với ai không cần biết, còn với em là không thể chấp nhận. “Xin đừng đi với một người khác em” nghĩa là một sự chiếm lĩnh không bao gồm thỏa hiệp, nhân nhượng, không có bóng dáng người “thứ ba” nhì nhằng, cho dù mọi điều chỉ còn là kỷ niệm. Lời lẽ khiêm nhường “xin đừng” thôi, mà sao cảm thấy sự “quyết liệt” đằng sau câu chữ, hoặc nói khác đi, quyết liệt mà chưa cần viện đến câu chữ trong thơ…

Còn đây là sự “hờn mát” rất nữ tính của một người từng trải, từng yêu, từng đau… và đến lúc này mọi thứ tưởng đã nguội lạnh, thực ra vẫn còn nguyên vẹn trong thẳm sâu lòng chị. Một minh chứng của “bản năng giới” nói lên rằng, với phụ nữ những gì đến, khó bao nhiêu thì những gì đi, cũng khó bấy nhiêu: Rồi có thể ta nhìn nhau ngượng ngập/ Anh đi cùng cô gái khác xinh tươi/ Tôi cố để không rơi dòng nước mắt/ Có ai đâu thương mến dỗ cho nguôi/ Rồi có thể vợ và con ríu rít/ Anh nhẹ nhàng quên hết chuyện đôi ta (Rồi có thể)

Bất an với những gì đang có trên tay vốn luôn là trạng thái tâm hồn phổ biến của hầu hết các chị. Cái mong manh của hạnh phúc luôn kề bên cái vô thường của trần thế nên cảm giác lo âu như một thuộc tính của giới. Lo âu, phấp phỏng, bất an… chứ không phải là đinh ninh, xác tín, mãn nguyện. Thiếu cảm giác này sẽ chẳng còn cái bồn chồn của “người giữ lửa” trong mỗi căn nhà, sau mỗi cánh cửa. Với Phan Thị Thanh Nhàn hình như lo âu đến từ mọi phía. Có lần trong Ngày cưới của em, lòng chị có chút chạnh buồn: Nhìn hai em thật đẹp đôi/ Vu vơ lòng chị bỗng hơi hơi buồn/ Nhưng rồi chị là người bao dung, không vị kỷ, sẵn sàng chịu hết những “mưa gió bão bùng” để những đứa em của chị hạnh phúc: Chỉ mình chị chịu mà thôi/ Để em vui mãi niềm vui ban đầu (Ngày cưới của em)

Ngay cả khi “tay trong tay” chị cũng cảm nhận được cái “lai vô ảnh, khứ vô hình” của hạnh phúc: Như niềm hy vọng mong manh/ Cầm tay rồi lại hóa thành giấc mơ (Không đề)

Người viết những câu thơ bao dung trên kia từng có một hạnh phúc đẹp, từng có một “bờ vai” tin cậy, từng có một vầng hào quang thân mật ngay bên cạnh những công việc của chị, qua những “ngày tháng vui buồn có anh”: Anh ngời sáng trong em mãi ngời sáng nhất/ Như ngọn đèn trên chiếc bàn đêm/… Anh là bài thơ em viết mãi chưa xong (Nghĩ về anh)

Hạnh phúc có thật ấy, bình dị nhưng lớn lao, giản đơn nhưng quý giá, với chị cao hơn cả đất trời: Anh ơi! Nếu được ví cao xa như thế/ Em cũng không là trời đất gì đâu/ Nhưng anh có biết không: trời-đất/ Sẽ chả là gì nếu thiếu nhau (Trời và đất). Có thể nhận thấy sự bình yên qua những câu thơ, như những lời nói thầm tin cậy.

Với hạnh phúc có thật cần chăm chút ấy, chị có những câu thơ thật thương, mang hơi thở của một thời gian nan: Ta như hai đứa trẻ nghèo/ Quả ngon chỉ dám nâng niu ngắm nhìn/ Đừng bao giờ nhé, chín thêm/ Sợ tan mất giấc mơ em một thời (Không đề). Và chị đã từng hạnh phúc khi biết sống xứng đáng với hạnh phúc ấy: Em ước mình tốt hơn, đẹp hơn/ Tất cả vì anh đấy (Không đề)

Nhưng ông già Thượng Đế hình như mải vui “khi chén rượu, khi cuộc cờ” chểnh mảng một cách đáng trách với rất nhiều những mảnh đời nơi trần thế: Căn phòng vắng một người/ Bỗng trở nên buồn vắng/ Không còn gì ấm cúng/ Không còn gì vui tươi/ Bữa ăn vắng một người/ Tìm đâu ra mùi vị/ Khói cơm cay mắt thế/ Bây giờ em mới hay/ Hun hút hai hàng cây/ Gió thổi dài ngơ ngác… Và chị trở nên trơ trọi trên trần gian: Một người mang đi hết/ Bao nhiêu là thông minh/ Chẳng còn ai hóm hỉnh/ Ai cũng đều nhạt tênh (Một người)

Ai từng đọc Xuân Quỳnh mà không thương cảm trước những câu thơ diến đạt những lo âu, hoang mang về hạnh phúc: Áo em vô ý cỏ găm đầy/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết tình anh có đổi thay? (Hoa cỏ may). Hình như các nhà thơ nữ đặc biệt tinh tế và nhạy cảm với những hoang vắng trong tâm hồn. Phan Thị Thanh Nhàn cũng vậy, có thể nhận ra sự thảng thốt khi chị nói về tình yêu và hạnh phúc xuất phát từ trái tim chị, từ căn phòng của chị, từ mái bếp, từ cái cây sau vườn nhà… của chị gần gụi, giản dị và chân thành. Bởi vậy, những câu thơ của chị không màu mè hào nhoáng mà vẫn lan tỏa thầm lặng trong lòng người đọc.

                                                            *

Hương thầm viết tặng mối tình vừa chớm nở của em trai chị trước ngày chàng trai vào bộ đội. Nhưng chắc chắn ai cũng nghĩ đó chính là kỷ niệm ngọt ngào mối tình đầu của chị. Bởi vì đọc tiếp những bài thơ tình khác của chị như Không đề, Một người, Rồi có thể, Trời và đất, Nghĩ về anh, Căn phòng và anh… dễ nhận ra cái mạch trữ tình riêng tư của một tâm hồn nhạy cảm, đầy khát khao nhưng cũng khá rụt rè, trắc ẩn. Tuổi trẻ của thế hệ chị là những ngày chiến tranh. Gian nan cũng từng, cao cả cũng trải, hạnh phúc đôi khi đi liền với đau thương mất mát. Nhưng những ngày chiến tranh gian khổ mà vui, mà tràn niềm tin, mà không hề tuyệt vọng. Không có gì nghịch lý ở đây cả. Đôi khi, để tồn tại thì cần phải có cái ăn, cái mặc. Nhưng để sống với ý nghĩa đích thực của từ này thì không chỉ có thế. Thơ Phan Thị Thanh Nhàn càng về sau càng ưu tư: Thôi rồi cái thuở anh em/ Thôi rồi một thoáng êm đềm ngày xưa/ Thôi rồi bím tóc đung đưa/ Thôi rồi nũng nịu câu đùa trẻ con (Không đề). Những giây phút yếu đuối, cô đơn cô đơn: Con thiếu một giọng nói/ Con thiếu một bàn tay/ Con một mình một bóng/ Một khoảng trời mưa bay (Mẹ); Nhưng còn đâu nữa thơ ơi/ Lời yêu tan giữa bui đời lấm lem (Những bài thơ cũ)

Và cả những yếm thế, tiêu cực nữa:

Có đôi lúc buồn

Tôi đã định tự tử.

(Yêu đời)

Bi quan, chán nản, tiêu cực hiển hiện trong câu chữ, nhưng hãy nhìn từ phía khác: đây là những câu thơ trung thực của một ngòi bút trung thực. Tại đây trong tâm trạng cay đắng của một nhà thơ, một nghệ sỹ với thực tại đau xót đã chiếm chỗ, đã lấn át ngòi bút tỉnh táo của một nhà báo. Đất nước những ngày sau chiến tranh đầy những buồn lo. Chúng ta thường nói chưa bao giờ đạo đức con người lại xuống thấp đến như vậy. Nhà thơ, vốn là những người hết sức nhạy cảm, những người tôn thờ cái đẹp là những người đau nhất trước những băng hoại của cái đẹp. Họ cần lên tiếng trước những gì đã bị tước đoạt, mỗi khi cái đẹp bị xúc phạm.

Nhưng với bản tính ưa hoạt động sau nhiều năm làm báo, Phan Thị Thanh Nhàn không dễ buông xuôi theo số phận. Tận sâu xa, chị là người lạc quan, đúng hơn chị biết giấu nỗi bi quan trước mặt bạn bè, để hăng hái nhập cuộc, tham gia những sàn nhảy, những hoạt động văn nghệ, những chuyến “phượt” đường dài, lên “phây” với những tấm hình selfie bắt mắt… Nghĩa là một thái độ sống tích cực, lấy cái hăm hở, náo nức của một ngày mới, của một chuyến đi mới, của một trang viết mới với những niềm hy vọng mới để xua đi cái tù đọng của thời gian còn rớt lại quanh quẩn đâu đó trong căn phòng, trong tâm tư để đến với “vạt cỏ mềm đẫm nước/ Đất mịn màng tinh nghịch vết chân đôi” (Với sông Hồng), để làm một “Lá cỏ mềm run trước nắng mai” (Và…).

*

Phan Thị Thanh Nhàn không có những tứ thơ lạ, không có những ngôn từ trau chuốt, độc đáo. Nghĩa là về mặt lập tứ và tu từ của thể loại, chị không thật dụng công. Bút pháp của Phan Thị Thanh Nhàn chủ yếu là lấy cái chân thành, dùng lối nói chân mộc, dùng cách diễn đạt như thể thủ thỉ tâm tình mà rất tế nhị xuất phát từ một tâm hồn nhạy cảm để “cảm hóa”, “dẫn dụ” người đọc. Đây là một nét đáng quý… Phan Thị Thanh Nhàn làm nghề báo, nên cái “thật”, cảnh thật, tình thật luôn được đặt lên đầu tiên: Bài thơ tôi viết ngày xưa/ Tình sao chân thật ngây thơ ngọt ngào/ Bây giờ tóc bạc tuổi cao/ Thơ mình mình đọc câu nào cũng thương (Những câu thơ cũ). Để đạt được tính “chân thật” này, không gì hiệu quả hơn là sử dụng biện pháp “miêu tả”: Trái cam kề bên hạt đỗ/ Gà mái mơ nằm cạnh ổ trứng tròn/ Hàng kẹo vừng ríu rít trẻ con/ Bánh pháo lăng im giấu niềm vui giòn giã (Chợ tết Thuận Vi); Khói cơm chiều nhẹ bay lên/ Đường thôn vương vít mùi thơm ngọt ngào/ Hoa xoan thả tím mặt ao/ Hoa ngâu hoa bưởi lẫn vào hoa chanh/ Rơm tươi quấn quýt bàn chân/ Lại mùi đất ải lẫn cùng cỏ tươi (Làng quê)… Những bài thơ tả cảnh có gì đó làm ta liên tưởng đến những bức ảnh, rất nhiều chất thực, mà không thật nhiều chất gợi! Qua đó có thể thấy văn chương không thể không thật, không thể không miêu tả, nhưng văn chương cũng không phải “lụy” quá nhiều vào cái thật. Để mất đi độ nhòe, độ ảo, mất đi cảm giác “không cắt nghĩa được” bằng lý trí thông thường… là tước đi “đôi cánh” muôn thuở của văn chương nghệ thuật….

Thường gặp trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn là nét tinh nghịch rất trẻ trung của một “lá cỏ mềm run trước nắng mai”. Cần phải nói rằng, giữ cho được sự xanh tươi, tinh tế mãi trong thơ là một việc khó. Phan Thị Thanh Nhàn không “tân kỳ”, chỉ là hương thầm, hương lặng nhưng là hương bền, vẫn giữ được sự tinh tế cần thiết trong thơ kể cả khi người viết đã trải qua thời gian…

Và ngay cả trong những phút giây mệt mỏi không thể tránh khỏi của tuổi tác, thời gian: Nhiều khi điện thoại rung chuông/ Giả vờ đi vắng không buồn cầm nghe/ Soi gương, mình ngán mình ghê/ Nếp nhăn đuôi mắt tràn về khóe môi/ Họp hành chỉ lặng im thôi/ Hình như hết cả niềm vui nỗi buồn (Với mùa thu)… Chỉ là “hình như” thôi, kỳ thực trong thẳm sâu tâm hồn chị sau tất cả những giây phút u buồn kia “lòng vẫn run như lá” (Mùa xuân), vẫn là “… tôi hiểu ra trong sâu thẳm niềm đau/ Tôi vẫn còn yêu đời quá” (Yêu đời)…

Chỉ một góc sự nghiệp sáng tạo của Phan Thị Thanh Nhàn, nhưng qua thơ, người đọc có thể hình dung được những “bí mật tâm hồn” của môt nhà thơ tên tuổi của thế hệ nhà thơ chống Mỹ, kể cả những “sở trường”, “sở đoản” của chị. Tôi thích câu thơ của chị: Lá cỏ mềm run trước nắng mai. Phải, một lá cỏ đã đôi phen bầm giập, nhưng câu thơ gói ghém khá đầy đủ “thần thái” của thơ và “phong vận” của “người thơ” (Người thơ phong vận như thơ ấy – HMT) Phan Thị Thanh Nhàn.

   Nguồn Văn nghệ số 21/2019                                                                     


Có thể bạn quan tâm