April 19, 2024, 8:47 pm

Ký ức tháng tư

                                   

Trí nhớ nằm trong óc, còn kỷ niệm nằm sâu trong mỗi trái tim”

Vâng. Với tôi. Với ngày 30/4/1975, khoảng thời gian hơn 40 năm xa ấy, quả là một “dấu ấn đời người” chẳng dễ gì phai nhạt.

Tháng Giêng năm 1965, rời mái trường, từ biệt tuổi học trò, nhập vào đội ngũ điệp trùng người lính, làm “Phóng viên mặt trận” của tờ báo Quân khu rồi chuyển về làm Biên tập, Sáng tác văn học ở Tạp chí của một tỉnh đồng bằng sông Hồng. Không gian là Đất nước – Dân tộc với những ngày đầy gian khổ, hy sinh trong hành trình “Đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Đi trong cơn khói lửa chiến tranh. Những tháng năm ấy, cả Việt Nam, già trẻ, gái trai, không một ai đứng ngoài cuộc chiến. Thi sĩ Chế Lan Viên từng viết: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng..... Và, “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Phải bạt núi thời này nung lấy thép cho ta...”. Với tôi hay với mỗi người cầm bút lúc này, cũng chính là “lính trận” đang đứng giữa trận tiền, đang dồn xô trong mưa bom bão đạn, trong những cuộc chia ly. Trong hy sinh mất mát, trong hy vọng đợi chờ...

Trong cuộc hành quân cả dân tộc đi “tìm hình của nước,” trong ý chí và quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn” vào “trận đánh cuối cùng”. Song, đi giữa cuộc chiến mịt mùng, đối mặt với Mỹ ngụy, một đế quốc hùng cường, giữa hiện thực bi hùng của mảnh đất mang lịch sử dạt dào bản anh hùng ca cách mạng... Không ai dù một phút nản lòng. Nhưng, thực tình có lúc, nhiều ai đó đã tự hỏi: “Biết bao giờ chúng ta mới bước ra khỏi cuộc chiến đầy gian nan, khủng khiếp? Biết bao giờ, Việt Nam khổ đau của chúng ta mới giành về phần thắng?”… Thế rồi, quy luật “nhân quả”, quy luật tất yếu của cuộc chiến tranh chính nghĩa... Một ngày, bóng đêm dần lùi xa. Ánh ngày của chân trời tỏa rạng bỗng hiện về trước mặt.

Còn nhớ. Sau hai năm 1973-1974, quân và dân ta liên tiếp giành thắng lợi, làm cục diện chiến trường liên tiếp đổi thay. Ngày 4/3/1975, khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, thị xã Buôn Mê Thuột được giải phóng (từ 10-11/3/1975). Trận đánh then chốt này, điểm trúng huyệt, quyết định cho mở màn cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975… Giống như ngàn đêm đi trong cánh rừng âm u, tối. Bỗng ai nấy như thấy mình vừa bước ra khoảng trời nắng dậy. Một chấn động lớn lao đã dội vào tất cả mọi người trên đất nước một niềm tin, một tâm trạng, một cảm rung thật xốn xang, thật lạ. Những người làm báo, viết văn chúng tôi bỗng từng giờ, từng phút háo hức với những cuộc “Đi và viết.” Với những trang tin mới mẻ. Chúng tôi hăm hở đến với những trận tuyến nóng bỏng. Hăm hở ghi lại không khí sôi động với âm hưởng hai chiều giữa hậu phương và tiền tuyến. Không vui sao được, khi Đài Phát thanh dồn dập đưa tin. Sớm này, (từ 14/3 đến 3/4/1975) Quân ta đã tiến công, tiêu diệt nhiều vị trí quân địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Gia Lai – Kon Tum... Rồi, toàn bộ Tây Nguyên…”.

Ngay sau đó, ngày 5/3/1975, chiến dịch Trị Thiên – Huế lại thừa thắng xốc tới. Ngày 19/3, giải phóng Quảng Trị. Từ 21 đến 26/3/1975, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên lại hoàn toàn giành về chiến thắng… Dọc đường đi viết bài cho báo và tạp chí, ở đâu, chúng tôi cũng bắt gặp những nhóm người đang lao động trên cánh đồng, trên công trường, nhà máy. Họ bỗng reo hò gọi nhau, đứng vón lại bên cây cột bên đường có treo chiếc loa phát thanh, hay túm tụm quanh chiếc Radio nghe bản tin chiến sự. Họ im lặng nín thở rồi nhảy chồm lên, ôm chầm lấy nhau, hét vang trời, vui sướng.

Mà không vui sao được. Sau khi Tây Nguyên, Thừa Thiên – Huế đã vùng lên đánh bại hoàn toàn quân địch. Từ 26 đến 29/3/1975, quân và dân ta lại giải phóng Đà Nẵng. Rồi, từ mùng 1/4 đến mồng 3/4/1975, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã sạch tan bóng giặc. Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế  và các tỉnh Trung bộ bóng trời đã một màu trong xanh của những ngày thắng giặc, sông núi yên bình, xóm quê vang lên bài ca, khúc hát… Tôi nhớ. Những ngày này, dường như không mấy ai không sống trong tâm trạng thấp thỏm đợi chờ. Tất cả tâm hồn, nhịp thở của mọi người đều hướng về mặt trận. Chúng tôi, Ban Biên tập Báo chí của một tỉnh đồng bằng thường thức thâu đêm, bám nhà in, theo dõi những người thợ đang in gấp trang báo trước những dòng chiến sự nóng hổi. Phía Đoàn Chèo, Đoàn Ca Kịch, Cải lương... anh chị em diễn viên, nghệ sĩ, vẫn bên nhau hát ca khản giọng. Họ sáng tác lời mới. Họ luyện tập tiết mục mới. Họ mừng vui dõi theo bước chân các chiến sĩ giải phóng đang thừa thắng đuổi giặc qua các miền đất của Tổ quốc.

Một buổi. Đã gần một giờ khuya, Nhà văn Bút Ngữ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Tổng Biên tập một tờ Tạp chí còn đốc anh em trong khu tập thể cơ quan thức dậy. Cuộc họp bất thường. Vui quá. Chị nấu bếp. Có cả chú lái xe... không ai ngủ được đều ghé vào nghe họp. Ông Tổng Biên tập yêu cầu: “Những giờ phút này, chiến thắng ngoài mặt trận dồn dập quá. Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đã giải phóng rồi. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã quyết định “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng...”. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn sẽ mang tên Hồ Chí Minh – tên Bác... Ngay lúc này, không thể chờ đến kỳ Tạp chí xuất bản, chúng ta phải in nhanh các “tờ gấp”, cả phụ trang để tuyên truyền cho kịp. Hỡi các nhà thơ, nhà văn (Ông Tổng Biên tập kêu gọi). Các đồng chí hãy viết tin bài. Viết ký. Viết các bài thơ ngắn. Kịp thời. Nhanh nhạy. Cụ thể. Mà hay... Báo tỉnh Đảng bộ. Tập san của Văn hóa thông tin đang thúc. Tờ Phụ trang văn nghệ của chúng ta đang cần. Gấp lắm. Rất gấp...”.

Quả tình, không khí chiến thắng ngoài mặt trận đang sôi lên trong từng lối ngõ, góc nhà, cánh đồng, phố phường tới từng nẻo sâu khuất nơi con tim mỗi người dân nước Việt. Từ cảm xúc này, tôi thao thức suốt đêm bên ánh điện dưới cây liễu hiên nhà, kê giấy lên đùi, viết liền một mạch bài thơ Hát về thành Huế. Bài thơ viết xong được gửi đi, in ngay trên trang nhất Báo Đảng của tỉnh. Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam cũng đọc đi đọc lại mấy lần sau khi phát bản tin Thời sự. Bài thơ còn nóng tràn khí thế chiến công: “Cờ bay đỏ Phú Văn Lâu/ Tiếng loa em, tiếng của bầu trời xanh/ “Vạn niên” tối mặt kinh thành/ Hôm nay như mở lòng mình mà reo...”. Rồi, “Tràng Tiền như một cánh cung/ Xưa xuyên tim giặc, nay mừng quân ta/ Xin chào Thượng Tứ, Đông Ba/ Bước chân xác giặc vùi ba bốn tầng.... Những câu thơ thời sự. Thơ hướng ngoại. Tả thực. Thơ hữu ích. Thơ cần cho nhóm tuyên truyền, cho mọi người có lời ca dễ thuộc, dễ hát. Vừa viết xong về Huế, lại Đà Nẵng thắng giặc. Thơ lại cứ thế nối vần. “Anh vào Đà Nẵng Trị Thiên/ Hay qua Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng/ Tan rồi, đồn bốt, xiềng gông/ Thênh thang Hương Hóa, mênh mông  Tuy Hòa/ Đường đi dậy tiếng quân ca/ Nghìn năm lịch sử trao ta trận này...”.

Và, bước chân đuổi giặc của các chiến sĩ giải phóng đã tiến tới Khánh Hòa, đất biển. Thơ cứ tuôn theo cảm xúc. Thơ nối tiếp đẻ ra từ hiện thực nóng bỏng thế này: “Chào em cô gái Nha Trang/ Từ ghềnh Đèo Cả về hang Ba Ngòi/ Trăng cù lao đẫm mắt ngời/ Đất chen chân bước, đỏ trời cờ bay...”.

Thật không thể tả nổi niềm vui trước cuộc đổi thay chóng mặt. Thế chiến thắng, thế chẻ tre, đạp lên đầu thù của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cứ vang dội từng giây. Bản tin ngày 26/4/1975 quân ta nổ súng đồng loạt, phá tan nhiều tuyến phòng thủ của địch. Ngày 28/4, phi đội bay Quyết thắng của Không quân nhân dân Việt Nam đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 29/4, quân ta tiến công tiêu diệt, làm tan rã các Sư đoàn chủ lực số 5, số 7, 25, 18 và 22 của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đại sứ Mỹ và các nhân viên quân sự, binh lính cuối cùng của Mỹ lên máy bay trực thăng rút chạy… 10 giờ 45 phút, Phân đội xe tăng của Quân đoàn 2 đã tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Và, cũng đúng lúc này, thời điểm 11 giờ 30 phút lịch sử ngày 30/4/1975, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam bỗng vang lên bản tin hùng hồn từ thủ đô Hà Nội truyền đi cả nước: “Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Hơn một triệu quân của quân đội Sài Gòn và cả bộ máy chính quyền Mỹ ngụy đã bị đập tan...”. 

Ôi, còn gì vui bằng đất nước Việt Nam, người làm nên mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Người đã ra đi suốt 30 năm (kể từ ngày cách mạng 8/1945) tới thắng lợi trọn vẹn hôm nay.

Mừng chiến thắng 30/4, trên khắp đất nước mang hình chữ S, ai nấy đều sướng vui. Chúng tôi, tất cả đều tràn xuống các lòng đường, tay cầm tay, múa vui như con trẻ. Một rừng cờ đỏ sao vàng cứ cháy lên trong nắng. Chúng tôi vừa hát, vừa tung lên những tờ báo, trang tin, những bài thơ, bản nhạc, những bông hoa tươi rói. Chúng tôi nhìn vào những giọt nước mắt long lanh đang chảy tràn trên khuôn mặt, trong khóe mắt của nhau.

Vui quá. Nghẹn ngào. Ngậm ngùi, bi thương quá. Đất nước thống nhất rồi. Bắc Nam sum họp một nhà rồi. Nhưng hỡi ơi. Sao mà lòng người rưng rưng, thương đau quá. Bởi, giữa phút giây này, người ta tìm nhau, gọi nhau, ai còn, ai mất? Có biết bao bà mẹ đã mất con? Có biết bao người vợ mất chồng? Người anh mất em? Người yêu đợi người yêu, mãi mãi không về?... 

Đêm ấy, tôi vui trong nghẹn nấc, ngồi viết xong bài thơ cho kịp báo lên khuôn, ra mắt vào sáng sớm ngày mai. Bài thơ Mừng giải phóng Sài Gòn, mừng Bắc Nam không còn bóng tên xâm lược.

Rồi, ngày hôm sau và nhiều ngày sau nữa, tôi đi trong đoàn người, đi trong tiếng trống, diễu hành. Tôi vui đến nghẹn ngào nghe tiếng loa trên ngã năm thành phố, giọng nữ nghệ sĩ ngâm thơ đang ngân vang bài thơ tôi viết: “Một ngày vui trời òa dậy sắc cờ/ Đại lộ như trôi trong biển người dào dạt/ Mọi người cầm tay nhau/ Lửa mắt truyền qua nhau/ Nghe tim chảy qua nhau... Khúc hát/ Miền Nam giải phóng rồi/ Hai mươi năm ngóng tìm/ Nam Bắc đã gặp nhau/ ....”.  

Và, “Đất Bắc, trời Nam mây một dải trên đầu/ Cờ chiến thắng hồng lên ngày nắng mới/ Ngày 30/4 Bắc Nam liền một dải/ Đất Việt rợp trời cờ chiến thắng tung bay...”.  

Vâng. Tháng Tư này, thấm thoắt đã trên 45 năm có lẻ. Nhìn về ngày Giải phóng Sài Gòn. Ngày chiến dịch Hồ Chí Minh giành tuyệt đỉnh vinh quang. Đã qua đi, đã gần một nửa thế kỷ đời người. Đã lùi xa một thời “đất nước bi hùng ấy”. Nhưng, là kỷ niệm. Là những gì đã nằm trong sâu thẳm con tim... Tôi và triệu muôn ai đó, sẽ mãi mãi không bao giờ quên được.

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021


Có thể bạn quan tâm