April 26, 2024, 5:35 am

Ký ức một thời

Tám giờ sáng! Từng người xuống tàu. Nhiều người mang vác theo những bọc hàng hóa cồng kềnh. Từ chợ Sa Đéc đi về thị trấn Mỹ An của huyện Tháp Mười trong ngày chỉ có một chuyến tàu này. Đường bộ đi về huyện gần như chưa có. Nếu trễ thì chỉ có nước nằm ở lại, đợi ngày sau mà về… xe máy không có, điện nhà, điện thoại, ti vi cũng không.

Minh họa của NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Rồi chiếc tàu lô chen chúc cả trăm con người cũng bắt đầu ì ạch nổ máy rời bến. Lúc mới xuống tàu có ít người, chắc muốn khoe cảnh nên thơ sông nước quê mình nên chồng tôi cố ý chọn chỗ ngồi ở hàng ghế sát bên ngoài hông tàu để có thể nhìn rõ hai bên bờ sông. Tàu chạy dọc con sông Sa Đéc. Lúc ấy phía bệnh viện Sa Đéc mới bị lở chút ít ngoài đầu doi. Thời gian chẳng bao năm, không biết có phải do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay không, mà sự tàn phá của thiên nhiên thật ghê gớm. Nó đã “nuốt chửng” luôn cả cái bệnh viện tỉnh rất bề thế ngày nào.

Hết sông Sa Đéc, tàu rồ ga băng qua con sông Tiền mênh mông. Gió ào ào thổi. Cái không khí nóng nực, oi nồng ở trên bờ chỉ ít phút trước đây, đã tan biến hết khi tàu bắt đầu ra đến sông lớn. Nước và trời mênh mông như giao nhau. Tít xa chỉ nhìn thấy một vệt xanh mờ, chạy dài. Tàu rẽ sóng xiên chếch xéo để sang bên kia sông. Từ mũi tàu, nước hai bên mạn tàu rẽ ra tung lên từng đám bọt trắng xóa rồi chạy lăn tăn tan dần ra xa. Trên trời, bầy chim én bay lượn thành đàn. Có một vài con dạn dĩ còn chao lượn sát mũi tàu trông thật nên thơ.

Tôi cứ đắm mình nhìn nước, nhìn trời. Cũng phải thôi! Là cô gái quê tít tận Thái Bình, lại ở thị xã, rất ít sông rạch, lần đầu tiên về quê chồng, tôi thật ngỡ ngàng, thích thú xen lẫn sợ hãi bởi không biết lội. Lỡ ra…

Qua sông Tiền, con tàu chạy chầm chậm tới Bình Thạnh. Giống như xe đò trên đường, tới nơi nào hễ có người cần xuống, kêu là tàu ghé liền chẳng thấy quy định đâu là bến cho xuống khách. Rồi tàu tới Rạch Ruộng, theo kênh Nguyễn Văn Tiếp. Khoảng hai giờ chiều, tàu ghé chợ Thanh Mỹ. Có ba bốn người cùng chúng tôi xuống đây. Con tàu lại tiếp tục rẽ sóng tiến về chợ Mỹ An của huyện Tháp Mười, nghe nói khoảng bốn tới năm giờ chiều mới tới bến đậu cuối cùng cho khách xuống và 12 giờ đêm, nó lại trở ngược về Sa Đéc mang theo cả người và đặc sản miền sông nước Tháp Mười.

Chiều nắng chang chang, trong chợ không còn bóng người, không có những tiệm bán hàng chạp-phô, tiệm thuốc tây mua bán cả ngày đêm như bây giờ. Các loại tôm cá cua ốc, chuột đồng, chim cò, rau muống, bông súng… nói chung tất cả những thứ của đồng quê được bà con đánh bắt, trồng tỉa đem ra chợ bán vào những buổi sáng. Khi nắng vừa hửng lên là chợ tan. Gọi là chợ, nhưng chỉ là một doi đất trống, bà con tự nhóm họp chủ yếu để trao đổi hàng hóa với nhau, hầu như không có căn nhà xây nào. Buổi chiều chỉ lác đác vài cái dù che tạm bán bánh mỳ, cơm, hủ tiếu và một cái sạp bán vải, quần áo may sẵn. Chúng tôi dừng chân ngồi nghỉ chuẩn bị cho đợt “hành hương” sắp tới, khoảng hai ba cây số để về kênh 1, ấp Lợi An. Mà hai cây số của người dân nơi đây tôi nghe đâu cũng “kéo dây thun” lắm nên cũng hơi ơn ớn trong đầu. Nghỉ khoảng mươi phút, ông xã hối đi về gấp, sợ trời mưa thì mệt.

Chưa mưa mà tôi thấy mệt. Đường gì mà khúc khuỷu, lồi lõm, bề ngang có lẽ khoảng nửa mét, một bên đường là con rạch chạy dài, một bên là sông, sơ ý một chút là “trượt pate” xuống đó liền. Còn một cái khổ nhất mà không thể không nói đến, đó là cứ đi dăm mét là có ngay một cây cầu khỉ mà tới bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn nổi da gà, tim vẫn đập thình thịch, xây xẩm cả mặt mày. Cầu gì mà chỉ có một cây gáo hoặc cây tràm khúc khuỷu cong queo bắc qua. Thi thoàng có cây có tay vịn, còn đa phần là không. Đi qua cứ như làm xiếc. Để qua được một cây cầu, tôi phải ngồi ngang, tập trung cao độ để nhích dần từng centimet, hai tay ôm cứng lấy thân cầu nên mỗi khi bò qua được một cây cầu, tôi phải ngồi thở dốc dù giỏ xách, quà cáp đem về, thậm chí cả đôi guốc cao gót ông chồng cũng mang vác hết, chưa nói một tay anh còn phải nắm lấy tay tôi, miệng thì điều khiển, phải làm thế này, phải làm thế kia…

Bởi tại cái mặt tôi tái xanh tái mét, cả người run cầm cập chẳng còn hồn vía gì khi đi qua những cây cầu, khiến ai đi ngang cũng phải mắc cười, chắc họ xem tôi như từ “hành tinh khác” rớt xuống. Tôi vùng vằng tuyên bố với ông chồng: “Thôi, đây là lần đầu cũng là lần cuối, không bao giờ về đây nữa đâu”. Ông xã tôi phì cười: “Vậy đó, chứ sau này muốn về… hoài à”. “Ai về thì về. Đã nói không về là không”. “Thôi, khuya mai đi bằng đường sông, khỏi qua cầu nữa, được không?”. Tôi vội gật đầu đồng ý ngay. Nghĩ tới đoạn đường trở ra, tôi bủn rủn cả người nên đi kiểu nào cũng được, miễn đừng phải bò qua những cây cầu này. Mà nghe nói lại đi lúc nửa đêm để đón tàu nữa chứ! Đi ban ngày đã muốn đứng tim, huống hồ ban đêm…

Gần tới nhà, nghe nói chỉ còn ba cây cầu nữa thôi, tôi cũng khấp khởi mừng trong bụng thì gió ào ào thổi tới, một cơn mưa chợt đổ ập xuống. Thời tiết gì mà kỳ cục, thật vô duyên. Mới nắng chang chang đó, chẳng thấy có một bóng mây, chả có dấu hiệu gì trời mưa, thế mà vẫn mưa như xối nước được. Hai chúng tôi ướt nhẹp, lạnh run. Bây giờ thêm cái nạn nữa của trời mưa còn khổ trăm ngàn lần trời nắng. Vốn đường đất sét pha thịt, khi trời khô thì cứng ngắc, đi chân không bị đâm đau nhói, nhưng kể ra cũng còn sướng chán. Đến lúc mưa, đất chèm nhẹp dính bết vào guốc gỡ không ra. Đi chân không dò từng phân còn khó, huống hồ mang thêm đôi guốc bết đất, giống như đeo thêm cùm ở chân. Tới hai cây cầu gần nhà còn khổ hơn những cây cầu trước. Nước mưa, những cây tràm làm cầu đã tróc vỏ vì mưa nắng, càng trơn trượt. Lơ đãng một chút là lọt xuống sông liền.

Trầy trật cả tiếng đồng hồ, người lấm lem đầy sình đất rồi chúng tôi cũng về được tới nhà. Trong nhà chỉ một mình mẹ chồng tôi. Ông già và một người anh là liệt sĩ, hy sinh cách nhau có vài năm, không còn nổi một tấm hình, chỉ có hai cái bằng Tổ quốc Ghi công trên bàn thờ. Nhà anh cũng như rất nhiều gia đình tôi gặp trên đường từ chợ đi vô, không tường mà rặt nhà lá, vách đưng. Khung sườn nhà, đòn dông chủ yếu là cây tràm, là loại cây rất sẵn ở vùng này. Ngôi nhà tuổi thọ chắc đã nhiều năm, lại về đúng lúc trời đang mưa, chúng tôi phải dùng thau nồi hứng những chỗ bị dột. Nền nhà cũng bằng đất sét nện cứng. Nước mưa đổ xuống trong nhà như ngoài sân, rất dơ. Nước sinh hoạt quanh năm để dành ăn uống dựa vào hệ thống lu khạp hứng nước mưa. Nhìn nhà giàu nghèo lúc ấy là đoán ngay được bởi “tiêu chí” là hàng lu khạp đựng nước mưa dài hay ngắn, lu cao hay lu thấp. Ngược lại, mùa nắng tuy đỡ hơn nhưng cũng khổ vì nước phèn. Nước trong vắt đến tận đáy, thoạt nhìn rất thích bởi thấy rõ những con cá con tôm bơi lội như trong bể cá cảnh. Thế nhưng, nếu nhúng chân xuống cái thứ nước tưởng nước rất sạch ấy chỉ ít lần thôi là da chân đổi màu xám ngoét, mốc thếch. Móng chân thì vàng chệch, ăn sâu vô tận những kẽ móng. Chưa nói tới nạn đỉa từng đàn nhung nhúc lội, sẵn sàng “viếng thăm” nếu xuống sông tắm không để ý. Còn cái nạn đi vệ sinh mới khổ! Thật “mắc cỡ” với mấy con cá dưới ao…

*

Đêm xuống. Ngoài trời tối đen như mực bởi ở đây chưa có điện, người dân chỉ dùng đèn dầu. Từng đàn muỗi vo ve, nhỏ xíu nhưng chúng châm vô là muốn nhảy dựng. Má anh đã giăng sẵn mấy cái mùng. Cảnh ngồi trong mùng nói chuyện bây giờ nghe thật lạ, chứ lúc bấy giờ rất phổ biến nếu không muốn bị muỗi chích. Mà lúc ấy ai cũng nghèo, cũng khổ. Tiền không đủ ăn, đừng nói tới chuyện mua thuốc xịt hay kem thoa tránh muỗi. Nhưng muỗi nhiều quá, mấy thứ trừ muỗi là hàng xa xỉ phẩm bấy giờ cũng không thể đuổi những đàn muỗi đói ấy đi được bởi chúng quá nhiều. Má anh và bà con xung quanh thường xua muỗi bằng việc hun gốc cây hay hun trấu mới bớt mà chẳng tốn một xu nào.

Lăn qua lăn lại, rồi một đêm lạ nhà cũng qua đi. Tờ mờ sáng, má anh đã thức dậy quét dọn. Tôi cũng dậy theo. Má biết con gái thành thị, đi làm việc hay ngủ nướng. Bà nói: “Con cứ ngủ thêm đi. Má thức sớm quen rồi, có nằm thêm cũng không ngủ được” - “Con cũng không ngủ được má à” - “Ừ! Thôi xuống bếp sưởi ấm, ngồi gần lửa có khói cho bớt muỗi”.

Sáng rõ đã có mấy cô bác xung quanh nghe tin có cô dâu miền Bắc về, ghé qua hỏi thăm. Đúng là tình người nơi thôn quê mộc mạc, chân tình thật. Má anh ra bờ ruộng sau nhà đem vô mấy cái lờ lợp trong thấy cá tôm nhảy lách chách, đổ ra thau cũng hơn cả ký. Sao ở đây kiếm đồ ăn dễ thế nhỉ?! Mấy dì lối xóm tới chơi tiếp làm cá. Má kêu tôi ra trước nhà vít cây điên điển hái nửa rổ bông vàng rực đem vô. Tôi cứ tròn xoe mắt, tự hỏi sao cái thứ bông vàng cuống xanh, mùi dịu dịu thơm thơm ngai ngái ấy lại ăn được nhỉ. Sau khi lặt sạch. Má bắc nồi canh chua nấu với cơm mẻ. Má lựa ít con cá rô tròng trọng làm sạch, bỏ vô nồi. Cá còn lại, số chiên, số kho tiêu. Gạo nấu cơm thì bằng loại gạo đỏ lúa mùa nhà trồng. Càng nhai càng thấy ngòn ngọt, thơm thơm, ăn hoài không muốn dừng. Sau này dù có lúc đi ăn tiệm rất nhiều món “sơn hào hải vị” nhưng tôi cảm giác chưa bao giờ được ăn một bữa cơm dân dã nhưng ngon hơn thế! Cả một nồi cơm to tướng, quay đi quay lại hết sạch.

Ăn xong, tôi cùng ông xã đi tới mấy nhà bà con chòm xóm xung quanh thăm hỏi. Đa phần là họ hàng với anh. Ai cũng vồn vã, hồ hởi đón tiếp chúng tôi. Cái không khí đầm ấm ấy làm cho tôi bỗng quên bẵng đi cái cực khổ nơi quê nghèo thiếu thốn như ở đây.

*

Xã Thanh Mỹ anh hùng, nơi trước đây là cái nôi của cách mạng, quê hương thứ hai đã gắn kết với cuộc đời tôi. Trong chiến tranh, nơi đây đã chở che bao bọc các đồng chí lão thành cách mạng như bác Tám Bé, chú Tư Hữu, chú Mười Long, chú Hai Thái Hòa… tổ chức đầu não của tỉnh Kiến Phong, nay là tỉnh Đồng Tháp, để lãnh đạo phong trào cách mạng các địa phương trong tỉnh, góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc năm 1975. Kẻ thù muốn xóa sổ những mầm mống cộng sản ở đây, không biết bao nhiêu tấn bom đạn, chất độc hóa học đã bị chúng rải xuống mảnh đất nhỏ bé nhưng trung dũng, kiên cường này. Hầu như gia đình nào trong xã cũng có người chết, bị thương vì đạn bom, vì bị tra tấn tù đày bởi đi theo cách mạng. Có rất nhiều dũng sĩ diệt Mỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang và bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được nhà nước phong tặng cho những con người nghèo nàn nhưng vô cùng yêu nước, trung kiên nơi mảnh đất vùng sâu Tháp Mười này. Mảnh đất mà trong mỗi tấc đất, mỗi con người ở đó đã ghi đậm những chiến công ngoan cường trong mỗi trận đánh với Mỹ, ngụy. Không biết đã bao nhiêu máu xương của đồng chí, đồng bào đổ xuống nơi đây để ngày hôm nay chúng ta có dịp hồi tưởng lại một thời lịch sử hào hùng đã qua của vùng đất với hai tiếng gọi thân thương: Thanh Mỹ, Tháp Mười… Sau ngày giải phóng, xã Thanh Mỹ tan hoang bởi bom mìn chà nát. Cả vùng đất bao la hầu hết là cánh đồng hoang đầy lúa trời, cỏ mồm, đế năn, sậy, tràm, sản xuất chỉ một vụ lúa mùa, năng suất bấp bênh, mùa lũ thì nước ngập mênh mông, mùa khô đất đai nứt nẻ, xì phèn không thể sản xuất được, không đủ nuôi sống dân trong xã mà chỉ chờ cứu viện từ trung ương về. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì, giao thông khó khăn, chỉ đi bằng đường thủy, dân cư thưa thớt… 

*

Bữa đó, buổi chiều sau khi ăn xong, má kêu chúng tôi đi ngủ sớm để tối còn đi. Thao thức mãi, mới chợp mắt một lát bà đã gọi dậy ra tàu. Lúc ấy độ chừng quá nửa đêm. Trời đêm lành lạnh nhưng đầy sao. Lập cập mắt nhắm mắt mở tôi bước xuống xuồng. Chiếc xuồng ba lá nhỏ nhắn gọn ghẽ, chồng chềnh. Lại tới cái màn ngồi xuồng chết trân không dám đụng cựa sợ lật xuồng. Cái xuồng bé nhỏ chở tới ba người, nước hai bên mấp mé cảm tưởng nước sắp tràn vào xuồng, cả mấy tiếng ngồi muốn đứng tim. Má bơi lái, anh bơi mũi. Đêm có gió, trên sông thấy ít muỗi hơn. Nước ngược nên hai người cật lực bơi lâu lắm mới ra tới vàm. Chợ bây giờ vắng tanh, tối thui. Chỉ thấp thoáng một bóng đèn tròn mờ mờ nơi nhà máy chuốt gạo. Chúng tôi ngồi đợi tàu ra. Đêm nay nước chảy mạnh thật. Nhưng sao đêm khuya quá mà tàu vẫn chưa tới. Không có đồng hồ, tôi ngồi vạ vật, khoác cái áo budong dài tay, cao cổ của anh chờ đợi. Từng đàn muỗi lại vo ve bên tai, châm chích. Khoảng hơn hai giờ sáng có người ra bán cá, thấy chúng tôi chờ tàu vội nói, tàu chạy từ nãy rồi.

Trời… tôi muốn sụm luôn. Chán nản, buồn tủi, tôi òa khóc nức nở, nằm dài ra cái sạp bán thịt trong chợ chẳng sợ dơ bẩn, mặc gió thổi, mặc muỗi chích, mặc chồng an ủi... Mệt mỏi, mơ màng tôi thiếp đi. Anh ngồi đuổi muỗi để tôi ngủ đến trời sáng hẳn, chúng tôi quá giang được xuồng của người quen gần nhà đi chợ, quay trở về nhà.

Đêm sau, chập tối, má bơi xuồng đưa chúng tôi ra chợ ngủ nhà người bà con gần đó. Hai giờ sáng tàu ra. Lúc này trên tàu ít người. Chủ tàu còn giăng sẵn vài cái võng. Chúng tôi lên hai cái võng còn trống. Mặc cho người lên xuống. Gió mát hiu hiu. Hửng sáng nghe lao xao, mở mắt thì ra đã tới chợ Sa Đéc. Hai chúng tôi vội vàng theo mọi người lên bờ, kết thúc chuyến hành trình lần đầu tiên về quê chồng...

*

Thấm thoát từ đó đến nay đã hơn hai mươi năm. Trở lại Thanh Mỹ lần này, cảnh vật, con người đổi thay đến chóng mặt. Từ gần như “hai bàn tay trắng”, chính quyền và nhân dân Thanh Mỹ cùng nhau bắt tay xây dựng lại quê hương: Đào thêm hệ thống kênh nối liền các con kênh lớn vươn vào vùng sâu để dẫn ngọt, thau chua, rửa phèn, cải tạo đất đai, mở rộng diện tích sản xuất lúa, tiêu thoát lũ và tăng thêm nguồn thủy sản, phát triển giao thông thủy, tạo điều kiện đưa dân vào làm ăn sinh sống và phát triển sản xuất. Nước ngọt tràn về, đất được ém phèn không cho lừng lên, nước chảy tới đâu, ruộng lúa cũng xanh lên tới đó như những vết dầu loang. Xã Thanh Mỹ dần dần hồi sinh, “thay da, đổi thịt” từng ngày. Trung tâm của tỉnh đã chuyển lên Cao Lãnh. Từ thành phố trẻ Cao Lãnh, con đường đi về xã Thanh Mỹ chỉ hơn hai mươi cây số, lại toàn là đường bê tông tráng nhựa, chạy xe honđa chỉ khoảng ba mươi phút chứ không phải ngồi tàu ê ẩm từ sáng đến chiều như ngày nào. Còn nếu từ thị xã Sa Đéc, muốn về Thanh Mỹ cũng có nhiều ngả đường, hầu hết là đường lộ. Có thể qua đò Mỹ Long, tới huyện Cao Lãnh rồi đi đường Tân Hội Trung hay theo quốc lộ 1, vô Cổ Cò là tới thẳng chợ Thanh Mỹ, hoặc tới huyện Tháp Mười về xã cũng chỉ hơn chục cây số. Dân trong xã bây giờ muốn đi Mỹ An hay tới thành phố Hồ Chí Minh hoặc đi Cao Lãnh chỉ cần vài bước ra cửa là có ngay xe đò hay xe bus ghé rước, ít phút lại có một chuyến. Đường điện cũng đã hòa vào mạng lưới quốc gia, nguồn nước sạch cũng được kéo đến từng nhà. Điện thoại bàn thì hầu như nhà nào cũng có, không kể điện thoại di động được người dân sử dụng rất phổ biến. Ngay trung tâm xã là Trạm y tế trên hai mươi giường bệnh, có bác sĩ túc trực ngày đêm, và ngay đầu và cuối vàm là trường cấp I, cấp II của xã. Chợ Thanh Mỹ không thấy một chút vết tích của ngày xưa. Khu nhà lồng chợ rộng lớn với đầy đủ các mặt hàng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân. Những dãy nhà hai ba tầng san sát mọc lên. Khu dân cư nối liền chợ sầm uất, nhộn nhịp. Đèn điện sáng rực suốt đêm. Bây giờ Thanh Mỹ như một đô thị thu nhỏ, chẳng thua kém bao nhiêu ngoài thành phố. Khi nghe thông tin hơn 90% hộ dân nơi đây đã xây dựng được nhà tường kiên cố, trong nhà đều có nhà vệ sinh, không còn cây cầu cá ngày nào, tôi chợt nhớ lần đầu trước khi về quê chồng, có đứa bạn thân cắc cớ hỏi tôi: - Đố mày làm thế nào để phân biệt cá tra đực và cá tra cái?. Tôi say sưa trả lời như sách vở: - Loại này khó phân biệt, chỉ khi nào bắt lên bờ, vuốt thấy trứng hoặc “sẹ” chảy ra mới biết được - Vậy mà cũng đòi là kỹ sư thủy sản. Tao có “kinh nghiệm” chỉ mày, cách này dễ ợt. Tôi tròn xoe mắt, hỏi dồn: - Còn cách nào hả? - Có chứ. Về quê chồng đi cầu cá là biết ngay. Nếu đàn ông đi cầu, cá dưới ao nhảy loạn xạ lên thì đó đích thị là cá cái; còn đàn bà đi cầu, cá dưới cầu chắc chắn cá đực!.

Ôi trời, đồ quỷ…

*

Tới Ủy ban xã Thanh Mỹ, gặp các cán bộ còn rất trẻ, sử dụng máy vi tính nối mạng internet thành thạo. Hỏi ra mới biết họ là cán bộ lãnh đạo của xã, gia đình ở gần đây. Họ cũng đều là con em cơ sở cách mạng ngày xưa được xã đưa đi bồi dưỡng, đào tạo trở về. Những thế hệ nối tiếp cha anh sẽ là tài sản vô giá của đất nước. Chính họ là những người đang và sẽ viết tiếp trang sử mới của quê hương Thanh Mỹ anh hùng!.

Nguồn Văn nghệ số 32/2020


Có thể bạn quan tâm