April 19, 2024, 2:18 pm

Ký ức lương thiện

 

Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi sáu năm. Nhưng với thế hệ nhà văn chống Mỹ thì dường như nó chưa chấm dứt. Tại thời điểm này, với thế hệ chúng tôi (sinh đầu những năm 50 thế kỷ trước), những tác phẩm viết về chiến tranh vẫn còn dư đầy sức hấp dẫn. Không có gì là quá to tát khi nhà văn Chu Lai hơn một lần viết: “Chiến tranh là một siêu đề tài. Người lính là một siêu nhân vật”.

Trong tiến trình của chiến tranh có những thời điểm được coi là cột mốc, dấu ấn trong ký ức của nhiều thế hệ - mùa xuân năm 1975 - như là một điểm độc sáng của lịch sử không dễ phai mờ. Quan sát thực tiễn văn học đương đại, sẽ thấy hiện tượng trở lại của đề tài chiến tranh trên văn đàn như một tất yếu khi con người thời nay có cái nhu cầu “ôn cố tri tân” được coi là một động hướng tinh thần căn cơ để tạo lập cân bằng tâm thế.

Những tác phẩm nào soi chiếu khá tường tận vào cái thời khắc vận hội, hay nói cách khác tạo những bước đi khổng lồ của lịch sử - mùa xuân năm 1975? Trong tâm thức của người đọc, có thể một số sự kiện văn học bị bỏ qua do chỗ tình trạng “phì đại” của số lượng tác phẩm ngày xuất hiện mỗi nhiều về quá khứ chiến tranh. Nhưng có những cuốn sách đã ghi vào văn học sử, mỗi khi lật giở lại gợi nên biết bao nhiêu hoài niệm. Đó là những tiểu thuyết Miền cháy (Nxb Quân đội nhân dân, 1977) của Nguyễn Minh Châu, Trong cơn gió lốc (Nxb Quân đội nhân dân, 1978) của Khuất Quang Thụy, Năm 1975 họ đã sống như thế (Nxb Quân đội nhân dân, 1979) của Nguyễn Trí Huân, Giữa cơn lốc (Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1978) của Đào Chí Hiếu, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014) của Trần Mai Hạnh...

Mỗi tác phẩm văn chương thành công đều mang một vẻ đẹp khác nhau. Có thể nói, Miền cháy của nhà văn Nguyễn Minh Châu là tác phẩm sớm nhất hóa giải bằng nghệ thuật một vấn đề có tính thời đại, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Bước ra khỏi cuộc chiến tranh chúng ta cũng cần có bản lĩnh cao cường như khi bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu bất kỳ nào. Tiểu thuyết được viết sau dấu vết nóng hổi của sự kiện chiến tranh, tươi ròng sự sống - đó là thời điểm (tháng 3/1975) nhạy cảm khi cuộc chiến đến hồi kết thúc như nó phải kết thúc. Đại đội trưởng Nhĩa (Đại đội K1) trúng đạn bắn lén của kẻ địch, hy sinh vào phút chót của chiến tranh. Chính trị viên đại đội Hiển cũng bị thương. Kẻ bắn lén đê hèn là Phu La, trung tá biệt động quân đội Sài Gòn. Vợ chồng Phu La thoát chết nhờ cõng đứa con nhỏ trên lưng chạy trốn. Nhưng tàn tệ hơn, chúng vứt bỏ con để thoát thân, tìm ra biển đào tẩu, không may người vợ bị tàn quân địch hãm hại. Phu La phải quay lại bờ, định trốn tránh nhưng cuối cùng phải ra đầu thú, trình diện dưới một cái tên khác (sau đó tiếp tục trốn trại). Bé Sinh, con trai của Phu La được các chiến sĩ quân Giải phóng cưu mang. Phu La trốn trại không thành, bị bắt trở lại, được Hiển bố trí cho hai bố con gặp nhau. Mẹ Êm nhận nuôi bé Sinh, theo lời Hiển là đứa bé bị lạc cha mẹ. Cuối cùng thì anh cũng phải nói sự thật với mẹ Êm - bé Sinh là con trai Phu La, kẻ đã bắn chết Nghĩa - đứa con bà đứt ruột đẻ ra. Bà mẹ cắn răng nuốt đau khổ, chăm sóc bé Sinh. Kết thúc tác phẩm là cảnh gặp mặt giữa mẹ Êm, Phu La và Sinh, con trai hắn. Cuộc gặp lịch sử diễn ra trên cánh đồng Chân Mây còn ngổn ngang hố bom, còn rền vang tiếng mìn nổ. Đó là một bi kịch lạc quan trong ý nghĩa đầy đủ nhất của nó.  Hình ảnh bà mẹ Êm lồng lộng giữa một không gian còn khét mùi thuốc súng. Một hình ảnh biểu trưng trĩu nặng tâm thế nhưng cao vời vợi tư thế của người chiến thắng với truyền thống “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của dân tộc Việt Nam.

Nếu Miền cháy của Nguyễn Minh Châu đặt vấn đề nhân tâm thời đại trong thời khắc chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình hiển thị tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc như một truyền thống văn hóa đặc trưng Việt Nam thì Năm 1975 họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân và Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy đem lại cho người đọc cảm hứng hào sảng của chiến thắng lịch sử mùa Xuân1975. Là người lính chiến thực thụ cầm bút viết văn nên tác phẩm của Khuất Quang Thụy có cái tươi nguyên, ngồn ngộn của chất sống. Nhà văn bám chặt vào một đợn vị cấp trung đội (được mệnh danh là trung đội Gió lốc do Mánh làm trung đội trưởng). Trung độ Gió lốc hành quân chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 6 tham gia chiến dịch Tây Nguyên với hướng chính diện là Buôn Mê Thuột. Những trận giao tranh nẩy lửa, những hy sinh vô bờ bến của bộ đội, trong đó có trung đội Gió lốc được tác giả tái hiện với tâm thế, tư thế của người trong cuộc chiến. Tiểu thuyết có cái bộn bề, ngổn ngang của sự kiện và con người nhưng đọc kỹ lại thấy nó được tổ chức có chủ đích, bài bản. Trong cơn gió lốc, có thể nói, là một khởi đầu thành công của Khất Quang Thụy trong đề tài về chiến tranh và người lính (các tiểu thuyết thành công tiếp sau như Đối chiến, Những bức tường lửa, Đỉnh cao hoang vắng).

Cùng nhiệt hứng hào sảng, nhà văn Nguyễn Trí Huân đã dựng lại “thời tôi mặc áo lính” qua tiểu thuyết tràn trề chất sử thi Năm 1975 họ đã sống như thế. Bối cảnh tiểu thuyết đầu 1975 khi quân ta chuẩn bị tích cực bước vào cuộc tổng tiến công mùa Xuân lịch sử. Không gian chiến tranh được mở rộng từ chiến trường Trung Bộ, qua Phan Rang, tới Vũng Tàu, Côn Đảo,...Đó là cái toàn cảnh của tiểu thuyết với những sự kiện lịch sử trung thực. Nhưng con người trong chiến tranh mới là cái đích nhà văn nhắm tới. Đó là những Thiết, Mạc, Nhã, Phác, Thức, Thư, Phước... mỗi người một vẻ, một tâm trạng, số phận riêng tư nhưng chung nhau ở ý chí chiến đấu, ở tình đồng đội cao cả, ở những ứng biến quả cảm và thông minh trong chiến tranh, dù họ là quân nhân hay dân thường. Năm 1975 họ đã sống như thế, nhan đề thể hiện chủ đề tác phẩm. Nhà văn đã sớm tiếp cận và thể hiện một vấn đề quan trọng của sáng tác văn chương - vấn đề nhân cách (“sống như thế”). Chính vì lẽ đó, có thể nói, tác phẩm thuộc hàng sớm nhất đượm tinh thần đổi mới tư duy nghệ thuật, để sau đó nâng tầm khái quát nghệ thuật sâu sắc hơn trong tiểu thuyết Chim én bay (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1988; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1988-1989; Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng, 1989).

Tiểu thuyết Giữa cơn lốc của Đào Chí Hiếu lại có cách đưa chiến tranh “gõ cửa” từng nhà, chạm đến từng số phận cá nhân trong cơn bão lịch sử. Cái nền rộng vẫn là quãng thời gian đầu năm 1975, không khí đời sống xã hội nóng bỏng của cuộc chiến, trên dải đất miền Trung. Giữa cơn lốc là câu chuyện về một gia đình (ông Phan Nhân) bị hoàn cảnh xô đẩy, chia rẽ. Ông Nhân có ba con trai đầu (Trọng, Duy, Hữu) đều bằng nhiều con đường tham gia hoạt động cách mạng. Chỉ riêng Cang (con trai út) lại rẽ sang dường khác trở nên “thanh niên trụy lạc”. Cô con gái rượu (Tú), có nhan sắc, làm trong sở Mỹ, thành vợ hờ của một sĩ quan ngoại bang. Biến cố lịch sử mùa Xuân 1975 làm rúng động toàn bộ đời sống xã hội miền Nam. Cô Tú ôm con nhỏ cùng em trai Cang chạy từ miền Trung vào miền Nam. Nhưng cuối cùng cả hai chị em buộc phải dừng chân tại Cam Ranh vì loạn lạc… Tác phẩm kết thúc “có hậu” theo truyền thống tâm lý và đạo lý Việt Nam: Người con trai cả Phan Trọng (tập kết ra Bắc 20 năm trước) trở về trong ngày vui chiến thắng, đoàn tụ gia đình. Tiểu thuyết được viết tựa trên cảm hứng phân tích hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân đặt trong bối cảnh chiến tranh tạo sự phân hóa trong nhiều gia đình Việt Nam. Thông điệp của tác phẩm gửi tới mọi người: Hãy cố gắng vượt qua những rào cản định kiến, vượt qua những tổn thất đắng cay do ngoại cảnh, con người cần đoàn kết để sống. Ở đây có sự phối thuộc trong cách dựng “ngoại cảm” và “nội thương” trong miêu tả tâm lý, số phận của nhân vật.

Nếu bốn tác phẩm vừa kể trên được viết theo quan niệm bình thường về “tiểu thuyết” (“một câu chuyện bịa như thật”, một thể loại được coi là “cỗ máy cái” của ngành sản xuất văn chương), thì Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh đột phá về hình thức nghệ thuật tiểu thuyết khi nó được xác định là “tiểu thuyết tư liệu”. Có thể nói, Trần Mai Hạnh qua tiểu thuyết của mình đã thể hiện được đầy đủ cái gọi là “quyền uy của tư liệu”. Bối cảnh tiểu thuyết miêu tả cũng là khoảng thời gian mùa Xuân 1975. Mười chín chương tiểu thuyết dẫn người đọc lần lượt tiếp xúc với “Lễ Giáng sinh cuối cùng”, “Nước cờ định mệnh”,.... đến “Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa”. Tác phẩm ngồn ngộn tư liệu sống, trung thành từ nhiều nguồn đáng tin cậy đã vẽ lại quá trình thảm bại của một chính quyền, theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Minh Châu, là: “Một chế độ sụp đổ bởi sức mạnh của súng đạn đè lên nó, thì cái quần láng của những người đàn bà với kiểu may và loại vải do chế độ đó đẻ ra cũng trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu” (Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009, tr. 262). Vừa ra mắt, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4. 75 đã nhận liền hai giải thưởng văn học (Hội Nhà văn Việt Nam, 2014; ASEAN, 2015). Đến năm 2020, tiểu thuyết đã tái bản nhiều lần, đã có phiên bản tiếng Anh, đã tham dự Hội chợ sách Quốc tế Habana (Cuba).

Những bài học nghệ thuật từ những tác phẩm kể trên là rất quan trọng. Trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam, và Giải thưởng VHNT Bộ Quốc phòng (2015-2019), đề tài lịch sử, cách mạng và chiến tranh vẫn chiếm thế thượng phong. Dành được cảm tình của đông đảo người đọc vẫn là những tác phẩm khơi gợi lại để phát huy những ký ức lương thiện về quá khứ anh hùng của dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước qua các thời kỳ lịch sử như Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường, Hùng Binh của Đặng Ngọc Hưng, Nậm Ngặt mây trắng của Nguyễn Hùng Sơn,...Vì sao? Câu hỏi không khó trả lời. Vì hiện tại chúng ta đang đứng trước những thách thức sống còn về chủ quyền lãnh thổ, đang đấu tranh không mệt mỏi với sự xuống cấp đáng báo động của văn hóa, đạo đức, giáo dục trong xã hội ngày càng trở nên phức tạp hơn. Tìm câu trả lời từ trong những bài học kinh nghiệm của quá khứ là cần thiết và cấp bách.

Văn chương, đặc biệt là tiểu thuyết, có khả năng lưu giữ hình ảnh của lịch sử. Những bài học lịch sử từ văn chương thường có sức sống lâu bền, kích thích cảm hứng, mời gọi suy nghĩ, kích hoạt cật vấn ở mỗi người trong cuộc đấu tranh hoàn thiện nhân cách. Văn chương giúp bảo lưu, phát huy những ký ức lương thiện như là biểu hiện của các giá trị chân - thiện - mỹ.

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2021


Có thể bạn quan tâm