April 18, 2024, 11:11 pm

Ký ức làng

Kính tưởng Đại tá,

Nhà văn Lương Hiền

1.

Mỗi khi về quê, hễ có tí thời gian rỗi là tôi lại ra đê sông Mã, dạo một vòng từ cống Đồng Quí xuống cống Quảng Châu. Cả đi lẫn về chỉ dăm cây số nhưng tôi thường mất cả buổi, đôi lần còn đến gần hết một ngày. Lý do là vì ở cánh bãi bồi bên ngoài đê, có mấy trại vịt do các cố quản lĩnh. Ở quê tôi, không gọi người già là cụ mà là cố, các cố. Hồi còn hợp tác xã, trại vịt là của chung, nay, thời khoán hộ, các cố vẫn kết nhau theo nhóm, theo cạ hai nhà, dăm ba nhà nuôi cả ngàn, cả vạn con vịt. Không biết là do môi trường sông nước trong lành hay do trải nắng, gội mưa liên miên, giống như cái rổ được gác bếp lưu niên ngấm đủ nồng độ bồ hóng, chắc bền ngang với đồ kim khí và thường ngày lại được bồi bổ bằng trứng vịt tươi nên cố nào, cố ấy đều khỏe mạnh kiểu chắc lẳn, ngoài tám mươi vẫn bám lều, bám vịt. Không những thế các cố còn thơ phú xướng họa rất mực yêu đời. Có người như cố Biên, trưởng một trại vịt lớn đã từng đạt giải nhì cuộc thi của Câu lạc bộ Thơ Đường cấp huyện, giải ba cuộc thi thơ trào phúng chống thói hư tật xấu do một tờ báo ngoài Hà Nội phát động…

Tôi quen biết các cố đã lâu nên mỗi khi ghé là được tiếp như khách quí, là chuyện vãn như thôi miên khó mà dứt ra được. Lần này thấy tôi vừa bước vào cửa lều, cố Biên liền hỏi thăm: “Bầy tôi nghe tin ông thủ trưởng Hiền đã mất rồi, không biết có chính xác không?”.Tôi thưa rằng, tin buồn ấy là đúng, bác đại tá, nhà văn Lương Hiền đã mất hồi năm 2018. Các cố buồn lặng đi. Có cố xuýt xoa: “Người có tài, có tâm thế mà trời không cho thọ đến tuổi bách niên”.

 Lại một khoảng lặng tiếp…

2.

Ở vùng tôi, ai là người đã từng sống tại các làng Xuân Phương, Kiều Đại, Ngọc Xuy, Văn Lâm, Văn Phú, Hòa Chúng, Xuân Độ… trước khi có sông Thống Nhất, có cống Quảng Châu thì mới biết công lao rất lớn, ân nghĩa rất lớn của những người nghĩ ra công trình trị thủy và những người đào sông, xây cống như “ông thủ trưởng Hiền” mà các cố vừa hỏi thăm.Tôi nhớ, từ khi đi học lớp một cho đến lúc rời quê vào bộ đội, làng Hòa Chúng của tôi và các làng vùng đông bắc huyện Quảng Xương cũ không năm nào không chịu cảnh lụt lội. Nguyên nhân chính là do thiên tai, là “trời bắt tội” như cách bà con thường thốt lên mỗi khi trên mưa dưới nước kéo dài, đồng sâu ruộng cạn chìm hàng thước nước nhưng còn một nguyên nhân nữa, nguy hại ngang với cái nguyên nhân “trời bắt tội” là khoảng vào những năm 1960-1961, người ta cho đắp một con đê lớn, đáy rộng hai mươi mét, mặt đê rộng sáu mét, dài năm, sáu cây số nối làng Ngọc Xuy, xã Quảng Phú đến làng Hới, xã Quảng Tiến với mục đích biến mấy ngàn mẫu đất bồi ở ven bờ nam sông Mã để trồng giống lúa cao sản. Công trình được coi như một tiểu thủy nông Bắc Hưng Hải ở Thanh Hóa. Tại con đê ấy, cống Đồng Quí hai cửa được xây để xả nước nội đồng mỗi khi lũ về và ngăn triều cường nước mặn từ cửa biển Lạch Trào dâng lên. Những người nhiều tuổi có kinh nghiệm thủy nông trong vùng khi ngó cái cống Đồng Quí thì ngao ngán lắc đầu, chép miệng: “Vùng ta rồi sẽ thành cái bể nước lụt mất thôi!”; “Cả tỷ khối nước đổ về, một cái cống tí hin này, tải sao kịp?”…Những người nói ra điều lo ngại đó liền được giải thích rằng, cống Đồng Quí đủ sức thoát nước mùa lụt và hãy tin vào sự thiết kế hợp lý của các cơ quan chức năng ngành thủy lợi; đừng nghi ngờ gì về thành quả của công cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật then chốt… Nhưng dù thế, mấy làng phía dưới làng tôi, người ta không những giữ bằng được những con đê bao cũ bên trong đê mới mà còn tự nguyện lao động công ích bồi cho chúng vững chắc hơn. Ngay mùa mưa năm sau, tai họa nhãn tiền. Chỉ qua một đêm mưa tầm tã, nước đổ vào ngõ, vào sân ngập hết hiên nhà, ngập cả gian thờ, gian biên và đóng lại không chịu rút. Mọi sinh hoạt của từng gia đình đều trên mặt giường, mặt phản có kê thêm hai ba hàng gạch. Lũ nhóc chúng tôi đốn chuối hột làm bè “bơi” trong sân nước vô cùng thích thú nhưng sau đó có tin dữ loang tới, người lớn trong làng đánh nhau với làng dưới bị trọng thương phải cấp cứu, rồi lại có tin vui bắt được tù binh mang về, trói ở nhà kho hợp tác xã.

Tù binh hóa ra là hai thanh niên khỏe mạnh trong đám người làng dưới lên đê bao quyết tử ngăn chặn, không cho dân làng tôi xẻ đê, chia nước lụt, bị làng tôi bắt về.

Cuối cùng thì sức nước quá lớn vẫn phá băng những con đê bao. Đồng ruộng, vườn tược… làng dưới cũng bị dìm trong nước lụt như làng tôi. Người làng tôi hoan hỉ, biện bữa cơm cho tù binh ăn rồi lập tức cấp bè chuối, bảo họ tự phóng thích.

Để giải nguy cho vùng lụt, huyện, tỉnh phải tính chuyện cắt đê, mở khẩu tiêu nước. Cắt đê vừa xong thì nước lụt từ đầu nguồn sông Mã đổ về gặp triều cường cữ “nước sinh” đầu tháng, chỗ đê mới cắt nước chảy ngược vào đồng ầm ầm như thác, mấy xã vùng dưới còn bị nước mặn xâm hại. Thế là hàng ngàn con người, bất kể là làng trên hay làng dưới lại phải ra đê, lên đê hàn khẩu. Có người được kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn ngay cạnh mép khẩu, giống như trên chiến trường trước một trận đánh quyết định sự sống mái.

Mùa mưa qua đi, đồng đất quê tôi bị nhiễm mặn thành thứ nước lợ, chỉ có loại rong đuôi chó mọc được, chứ không thể trồng lúa. Cứ thế năm này qua năm khác, mỗi khi mùa mưa đến, dù đang đói vàng mắt ra, dân vùng tôi vẫn phải lên đê khi mở khẩu, khi hàn khẩu như một định mệnh.

Trận lụt lịch sử năm 1969, ông Ngô Thuyền, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa dầm mưa cùng lũ thanh niên chúng tôi hết mở khẩu lại hàn khẩu cả thảy bốn lần. Trong lần mở khó khăn nhất, có tính đến cả sự tổn thất nhân mạng, mắt ông rưng rưng hứa với mọi người: “Khổ thêm lần này nữa thôi bà con ạ, tỉnh đang rất quyết liệt tìm cách trị thủy hiệu quả lâu dài chứ không thể để tình trạng gian khổ, hy sinh này lê thê mãi được!”.

3.

Tuy ông Bí thư Tỉnh ủy nói “đang rất quyết liệt” nhưng do nghèo, do hoàn cảnh thời chiến nên phải đến năm 1976 công trình trị thủy phía nam phần hạ lưu sông Mã mới được phê duyệt với tên gọi là Công trình thủy lợi sông Thống Nhất - cống Quảng Châu nhưng người ta chỉ nói tắt Công trình sông Thống Nhất. Đây là một công trình thủy lợi lớn nhất Thanh Hóa tính đến thời điểm đó, khi hoàn thành sẽ giúp cho hơn hai mươi ngàn ha đất canh tác lúa không bị úng ngập và chuyển từ một vụ sang thâm canh thành hai lúa, một vụ màu; chấm dứt cảnh lụt lội, mất mùa, xẻ đê, hàn khẩu xảy ra từ đầu những năm 1960 cho hàng chục làng xã ven bờ nam sông Mã. Công trình gồm bốn hạng mục: một con sông đào lấy tên là sông Thống Nhất dài 20 km, rộng 100 mét, sâu 7 mét; mười bảy cây cầu bê tông cốt thép bắc qua sông đào; hai âu tầu và một cống xả lũ đầu mối chính gồm bốn cửa, mỗi cửa rộng sáu mét là cống Quảng Châu và một cống dự phòng bốn cửa đổ thẳng nước ra biển Đông ở phía nam núi Trường Lệ, Sầm Sơn. Để hoàn thành công trình, ngoài lực lượng lính thợ tiểu đoàn 27 công binh Quân khu Hữu Ngạn còn có trung đoàn 14 bộ đội địa phương Thanh Hóa cùng hàng vạn dân công các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa và một số xã ngoại vi thành phố Thanh Hóa đào đắp, xây dựng suốt ba ca. Đại úy, kỹ sư Lương Hiền tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn công binh 27 làm tổng công trình sư.

Dịp ấy, tôi được rời quân ngũ tại trung đoàn 57, sư đoàn 304, đơn vị đang khôi phục đường sắt Thống Nhất ở Quảng Bình để đi học. Trên đường ra Hà Nội nhập trường, tôi có mười lăm ngày phép. Về quê, nghe tin ông Lương Hiền là tổng công trình sư Công trường cống Quảng Châu, đóng bản doanh ở cồn Lớn phía nội đê sông Mã, tôi vội đến chào ông.

Tôi biết ông Lương Hiền từ năm 1974 khi tôi là lính pháo mặt đất 105 ly ở Hòn Mê vào đất liền, đến vùng Chi Nê (Hòa Bình) để dự trại viết “Kỷ niệm sâu sắc Chống Mỹ cứu nước” của Quân khu 3 do tiểu đoàn công binh 27 đăng cai. Đại úy tiểu đoàn trưởng Lương Hiền là người có dáng vóc lực lưỡng, da thịt chắc lẳn như đồng hun và giọng nói âm vang như tiếng chuông. Ông rất có tài đàn hát, ông chơi đàn ghi ta, tay dẻo như công múa.

Tôi đến bản doanh của tổng công trình sư Lương Hiền tại hai gian nhà tre nứa lợp lá cọ ở cồn Lớn gặp đúng lúc ông ở công trường về. Ông mặc quân phục, đầu đội mũ bảo hiểm bằng nhựa trắng, chân đi ủng cao su đen. Ông thân thiện bắt tay tôi, hỏi: “Nghe nói, nhà cậu ở vùng này phải không?”. Tôi chỉ về hướng tây nam: “Vâng! Cách đây gần hai cây số, là làng Hòa Chúng, có cống Đồng Quí đấy thủ trưởng ạ”. “Hay quá! Giờ, cậu đi với mình nhé, đang có một công việc mà chắc cậu sẽ rất thú!”. Ông nói rồi tháo ủng, bỏ mũ bảo hiểm đội mũ cối, đi dép cao su vào. Tôi đèo ông bằng chiếc xe đạp công vụ vào làng. Dọc đường phần đông bà con khi gặp ông đều hồ hởi chào: “Thủ trưởng vào làng ạ?”, “Chào bác Hiền”, “Chào ông thủ trưởng!”…; cánh thanh niên người làng thì luôn hỏi thăm: “Bao giờ có văn công về thủ trưởng ơi?”, “Thủ trưởng cho chiếu lại phim Cuộc phiêu lưu1 đi ạ!”…

Ông Lương Hiền đều vui vẻ đáp lời bà con như cảnh người quen gặp nhau. Ở những đoạn đường vắng, nghe tôi kể, được ra quân đi học, ông mừng lắm và nhắc, học được ngành nghề gì cũng quí nhưng đừng để mất đi cái máu văn chương. Ông nói thêm, ông mang cái máu ấy từ hồi chiến dịch Điện Biên, giờ phải tranh thủ viết không thì già mất.

Vào làng, tại nhà ông Biên (tức là cố Biên giải nhì thơ Đường, trưởng trại vịt bây giờ), tôi thật bất ngờ được gặp mấy ông thầy đã khai tâm nghiệp văn chương cho tôi từ hồi năm 1974 ở tiểu đoàn 27. Đó là các thày phụ trách và giảng dạy chúng tôi, gồm nhà văn Mai Vui tổng biên báo Quân khu 3; nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, nhà thơ Duy Khán ở tạp chí Văn nghệ Quân đội; nhà thơ Xuân Miễn ở báo Quân đội Nhân dân; nhà văn Vũ Sắc, nhà biên tập Đỗ Gia Hựu ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Trong lúc rối rít chào hỏi các thầy, tôi được biết thêm, công trình thủy lợi sông Thống Nhất là công trình trọng điểm quốc gia tại Thanh Hóa nên thu hút nhiều nhà văn, nhà báo từ Hà Nội về viết bài, đưa tin. Nhân đó, tổng công trình sư Lương Hiền đã mời kíp các nhà thơ, nhà văn hồi dạy viết Kỷ niệm sâu sắc chống Mỹ cứu nước, năm 1974 ở lại giúp ông tổ chức một trại viết lấy tên là Trại viết Công trường thủy lợi sông Thống Nhất-cống Quảng Châu. Trại đặt giảng đường tại nhà ông Biên, có mười lăm học viên. Ông Lương Hiền gợi ý cho tôi tham gia trại. Thế là tôi nướng hết kỳ phép cho công việc văn chương tại công trường trị thủy lớn nhất quê nhà. Thầy trò chúng tôi, ngày lên lớp một buổi còn một buổi ra hiện trường đi thâm nhập thực tế, trực tiếp đào đắp gánh vác như bộ đội công binh, như dân công thủy lợi. Vất vả nhưng xung quanh có các em dân công trẻ trung, hát hò luôn miệng nên vui lắm. Chúng tôi giúp các cô vận ra những câu hò đối đáp tức thời với phía bên kia khá ăn ý, khiến phía đó chỉ còn nước lúng túng đầu hàng, thua cuộc. Tối về, anh nào anh ấy chong đèn dầu viết văn, làm thơ. Đến khuya, ông Biên thường khoản đãi thầy trò chúng tôi suất bồi dưỡng cỡ ấm chân răng, khi thì nồi cháo vịt nóng hổi rắc hành răm, lá mùi tàu thơm nức, khi thì cả rổ trứng vịt luộc chấm muối chanh. Tôi để ý thấy, trong nhiều buổi các thầy lên lớp, ông Biên thường tìm một góc khuất ngồi chăm chú lắng nghe. Hôm tổng kết trại, nhân có Tư lệnh Quân khu, Thiếu tướng Vũ Yên đi kiểm tra công trình ghé thăm động viên anh em văn nghệ, ông Biên mời Tư lệnh và thầy trò trại viết ăn bữa cơm gạo mới ở sân lều vịt ngoài bãi sông. Trong không khí văn chương tứ hải giai huynh đệ, ông Biên bất ngờ đọc bài thơ Làng nhớ ông tự sáng tác có những câu rất thi ảnh: “Làng nhớ về một dạo tháng ba/ Cánh đồng Quảng Châu nước chua đóng váng/ Bộ đội, dân công về làng đông nghịt/ Ông thủ trưởng già ba phần tóc hoa râm/ Trên công trường ông gánh sáu mươi cân/ Miệng hát lới lơ câu chèo quán dốc…”2. Bài thơ được nhà văn Mai Vui biên tập in ở báo Quân khu 3. Sau này mỗi lần ra trại vịt gặp ông Biên rồi cả đến khi ông có tuổi, lên chức cố Biên, tôi vẫn thường đọc lại mấy câu mở đầu Làng nhớ. Cố Biên xúc động lắm. Có lần cố đã nói: “Nhờ cái lớp viết văn của ông thủ trưởng Lương Hiền hồi bảy sáu (1976) mà tôi đâm ra thích văn chương chữ nghĩa, biết tí táy cách thưởng thơ, làm thơ, lần đi lĩnh thưởng được người trao giải gọi tôi là nhà thơ Vũ Trọng Biên đấy”…

Tôi nhập học được ba tháng thì nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin và tường thuật lễ mở nước cống Quảng Châu. Toàn bộ công trình trị thủy này đã hoàn thành về trước kế hoạch mười lăm ngày, Tổng bí thư Lê Duẩn vào dự lễ và cắt băng khánh thành.

Ít ngày sau đó tôi nhận được tập sách Vùng cát chảy, thành quả của thầy trò dự trại viết chúng tôi về Công trình thủy lợi sông Thống Nhất - cống Quảng Châu do tổng công trình sư Lương Hiền đề tặng, có đóng dấu Kính biếu của ban chỉ huy.

Trận bão kinh người ngày 2 tháng 8 năm đó kèm theo một đợt mưa lớn do hoàn lưu bão như là để thử sức đối với công trình mới khánh thành. Con sông Thống Nhất dòng chảy rộng cả trăm thước đổ nước vào bốn cửa cống Quảng Châu và bốn cửa dự phòng ở phía nam núi Trường Lệ xiết như đuôi rắn. Đấy là mùa lụt đầu tiên sau gần hai chục năm vùng tôi thoát úng ngập.

Cũng từ ấy, đồng đất quê tôi thực sự được canh tác thành hai ba vụ. Trồng trọt phát triển, chăn nuôi theo đó cũng được vực lên. Những năm cả nước ăn hạt bo bo cứu đói, người vùng tôi cũng không đến nỗi thất bát, bởi tổng quỹ đất canh tác nhiều hơn nên đất năm phần trăm (5%) cũng nhỉnh hơn các vùng khác. Đất đai lại mầu mỡ nên bà con thu hoạch năng suất, có đồng ra, đồng vào.

Còn hiện tại, bên cạnh con sông Thống Nhất là đại lộ Nam Sông Mã mới kiến lập, đường hai chiều rộng thênh với bốn làn giao thông xuôi ngược. Làng tôi, làng Xuân Phương, làng Kiều Đại, làng Đa Lộc… giờ đã lên phường, đã nhập vào đô thị nghỉ mát nổi tiếng Sầm Sơn nhưng vẫn còn những cánh đồng thẳng cánh cò bay, năng suất đến 13, 14 tấn/ năm. Nhà hai bên mặt đường nhiều tầng mọc lên san sát. Vùng bãi bồi ngoài đê, nơi là âu tàu cho các đội đánh bắt cá xa bờ về bến, nơi là khu du lịch sinh thái, nơi vẫn là trại nuôi vịt truyền đời như chỗ cố Biên và các cố làng Xuân Phương.

4.

“Thế gian biến cải vũng nên đồi” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Nếu câu này được gọi là Sấm Trạng Trình thì nó ứng vào cuộc biến cải năm 1976 ở vùng tôi, cuộc biến cải thoát khỏi cơ hàn lụt lội liên miên, thay vào đó là ấm no dư dật và mỗi ngày một dày thêm bề thế, một vóc dáng phát triển. Ngồi trên lan can cống Quảng Châu đang mùa tích nước đổ ải cho đồng đất các vựa lúa Cồn Tiền, Văn Phú, Xuân Phương, Văn Lâm… nhìn về làng, tôi nao lòng nhớ lại cái ngày chưa mấy xa ấy. Nhớ rồi lòng dạ cứ đinh ninh rằng, Công trình thủy lợi sông Thống Nhất-cống Quảng Châu là tác nhân hàng đầu để làng tôi, phường tôi cùng một chuỗi làng xã, phường phố liền cạnh thoát nghèo, đổi mới, đi lên ấm no bền vững.

________

1. Tên đầy đủ là Cuộc phiêu lưu của những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt (Phim trinh thám Liên Xô, 3 tập)

2. Dựa ý câu chèo theo điệu lới lơ: Trèo lên quán dốc, ngồi gốc cây đa

Nguồn Văn nghệ số 24/2022


Có thể bạn quan tâm