March 29, 2024, 3:19 am

Ký ức Đèo Nai

Tôi trở lại Đèo Nai sau hơn hai chục năm không lên mỏ. Thậm chí cả khu văn phòng Công ty tôi cũng chỉ qua lại bên ngoài khuôn viên một đôi lần. Không lên không phải xa cách gì mà là phạm vi công nhân cán bộ đang làm việc. Mọi sự đã như khép lại với mình và mở ra với những người ngày đêm bám mỏ bám tầng, vật lộn cùng những khó khăn gian khổ, khơi nguồn than ra. Mình là công nhân nghỉ hưu, trở lại có thể không ai biết và chả có gì ngoài việc làm mất thời gian của họ. Vì thế, lần này lên Đèo Nai, tôi chuẩn bị tinh thần, cảm nhận sự đổi khác của tầng mỏ, nơi tôi đã gắn bó ba mươi lăm năm.

 

Cung đường mỏ Đèo Nai

 

Xa xưa Đèo Nai là con đèo nối đường tắt từ Cẩm Phả đi Dương Huy, Ba Chẽ, sang tận Hà Lâu (Tiên Yên) mỗi khi có chợ phiên vào chủ nhật. Một vùng rừng với nhiều loại gỗ lớn như: trầm, dẻ, giổi, lim, ngát... xen lẫn những vạt rừng tre, nứa bạt ngàn. Thú chim nhiều hơn người. Vào mùa xuân sương giăng trắng núi, măng và lộc cây mọc lên tua tủa. Nai hoẵng tìm đến, sinh sôi hàng đàn. Sau ngày khai thác than, người ta còn thấy những bầy thú hoang thong dong gặm cỏ trên sười đồi rải nắng. Dân qua đây thấy thế thường gọi là Đèo Nai…

Những năm đầu thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn phát hiện ra than đến năm 1888 khi thực dân Pháp tiến hành thăm dò, khảo sát và khai thác than ở vùng than Hòn Gai - Cẩm Phả, trong đó có Đèo Nai, đến nay đã hai trăm năm. Điều đó càng khẳng định trữ lượng và chất lượng than Đèo Nai vào loại nhiều nhất, tốt nhất so với các vùng khác. Gần hai thế kỷ, các thế hệ công nhân Đèo Nai đã để lại cho lịch sử công nhân mỏ những trang đáng ghi nhớ và tự hào.

Thời kỳ thuộc Pháp (từ 1888 đến 1955) từ người dân nô lệ, làm thuê bị chủ mỏ bóc lột tàn nhẫn, những người thợ Đèo Nai luôn nêu cao tinh thần yêu nước với ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, liên tục đứng lên đấu tranh. Đỉnh điểm là cuộc Tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ vào ngày 12/11/1936. Sự tham gia của thợ mỏ Đèo Nai giành thắng lợi vang dội, buộc chủ mỏ phải nhượng bộ, và ngày 12/11 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống công nhân cán bộ ngành Than.

Ngày 25/4/1955, vùng mỏ được giải phóng. Đèo Nai chỉ là một công trường khai thác lộ thiên lớn trong Xí nghiệp Than Cẩm Phả. Thợ mỏ Đèo Nai tập trung khắc phục khó khăn do thiếu phương tiện, máy móc, thiết bị nhằm nhanh chóng khôi phục lại sản xuất. Chỉ hai ngày sau khi tiếp quản, công trường Đèo Nai trở lại sản xuất. Từng chuyến tàu điện hét còi, kéo những tấn than Đèo Nai đưa ra cảng Cửa Ông trong ít ngày sau.

Đáp ứng yêu cầu than cho nền kinh tế quốc dân, bắt đầu từ năm 1956, công trường Đèo Nai được Liên Xô giúp đỡ và Nhà nước đầu tư thêm nhiều xe máy, thiết bị. Đội ngũ công nhân tăng nhanh. Trong bốn năm tiếp theo, số công nhân lên đến 2.000 người. Sản lượng than sản xuất năm 1955 là 265.000 tấn, đến năm 1959 đã khai thác được 742.000 tấn. Vùng mỏ đạt sản lượng 1,6 triệu tấn, vượt sản lượng khai thác cao nhất trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ. Nhiều phong trào thi đua mới, xây dựng cuộc sống mới, học tập bổ túc văn hóa xóa mù chữ của Đèo Nai như một điểm sáng ở vùng than Cẩm Phả.

Chính vì những thành tích đó, Đèo Nai là đơn vị duy nhất trong ngành Than được vinh dự đón Bác Hồ về thăm vào ngày 30/3/1959.

*

Là người con trưởng thành từ đầu mom cuối bãi, tôi biết, cùng với các mỏ như Cọc Sáu, Thống Nhất, các xí nghiệp Vận tải ô tô, Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả, xí nghiệp tuyển than Cửa Ông, Mỏ than Đèo Nai (nay là Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin) chính thức thành lập được chia tách ra từ Xí nghiệp than Cẩm Phả kể từ ngày 01/8/1960. Sau khi thành lập, năm năm liền, sản lượng than Đèo Nai cao nhất. Không thể kể hết thành tích đã đạt được của mỏ trong một vài bài viết. Chỉ có thể nói, Đèo Nai là một trong những đơn vị sản xuất giàu truyền thống, tài nguyên, cả con người và khoáng sản, trên đất Quảng Ninh. Từ khi thành lập Mỏ đến nay, đội ngũ công nhân Than Đèo Nai phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân, vượt lên muôn vàn khó khăn thử thách, vừa tích cực tham gia chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn vừa chống trả cuộc chiến tranh phá hoại kinh tế của kẻ thù, góp phần cùng cả nước hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là thời kỳ hăng say lao động, chiến đấu quên mình với tinh thần Sản xuất than như quân đội đánh giặc; Mỗi người làm việc bằng hai; Vì miền Nam ruột thịt; Làm thật nhiều than cho Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đội ngũ thợ mỏ Đèo Nai phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo vươn lên thành một điểm sáng, tiêu biểu của ngành Than. Năm 2001, Mỏ Đèo Nai được đổi tên thành Công ty cổ phần Than Đèo Nai và chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần từ 01/01/2007. Công ty hiện nay là đơn vị khai thác than lộ thiên lớn của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, có trụ sở chính đặt tại phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). Khai trường sản xuất có diện tích khai thác 6,06 km2, nằm ở độ cao 250m so với mực nước biển. Công ty có 1.934 cán bộ công nhân viên, trong đó nữ là 422, công tác tại 25 công trường, phân xưởng, phòng ban.

Ngày tôi làm mỏ, đỉnh đồi +228 còn đậm dấu vết những đường xe goòng vận chuyển than thủ công. Hiện nay, Than Đèo Nai được khai thác ở độ sâu -200m so với mực nước biển. Tất cả đều sản xuất bằng các máy móc, thiết bị, tiên tiến, hiện đại. Chất lượng than Đèo Nai sản xuất đạt tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Từ năm 1960 đến tháng 6 năm 2020, sản lượng than khai thác được gần 70 triệu tấn than nguyên khai, sản lượng bốc xúc đất đá đạt 500 triệu m3 đất đá. Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Công ty là 2.360.000 tấn than sản xuất, than tiêu thụ 2.338.000 tấn, đất đá bốc xúc 21 triệu m3, lợi nhuận trước thuế 22,272 tỷ đồng, doanh thu 2.971 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2020 là ≥ 4%/vốn điều lệ.

Với 60 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, công nhân Than Đèo Nai đã làm nên nhiều kỳ tích trong sản xuất cũng như trong chiến đấu. Công ty đã vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm: Bác Hồ kính yêu đến thăm ngày 30/3/1959; đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Lê Thanh Nghị đến thăm những năm 60, 70, đồng chí Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm năm 1992, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (năm 2000), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (năm 2001), đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 2001, năm 2003), Phó thủ tướng Vũ Khoan (năm 2002), Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, (năm 2004), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (năm 2017)... Nhiều tập thể, cá nhân trong Công ty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động, huân, huy chương kháng chiến, bằng khen Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt năm 1998, Công ty được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và năm 2000, Công ty lại vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Trong cuộc chống chiến tranh phá hoai, tự vệ Đèo Nai đã bắn rơi một máy bay Mỹ khi chúng lao vào đánh phá khu vực mỏ và thị xã Cẩm Phả. Hai cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đó là bác Đặng Văn Bình nguyên Giám đốc Công ty được phong tặng năm 2001, bác Vũ Hữu Sơn, nguyên thợ lái máy khoan BY được phong tặng năm 1967; Một cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là bác Trần Xuân Hỗ, công nhân lái xe gạt. Năm 1967, bác đi bộ đội trở thành đặc công nước, góp phần vào chiến thắng vang dội đánh chìm tàu chở 15 vạn tấn dầu tại cảng Cửa Việt năm 1968. Sau khi giải ngũ, bác chuyển ngành tiếp tục làm công nhân Than Đèo Nai và về hưu tại đây. Năm 2015, bác được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, phát huy thành quả từ những phần thưởng cao quý đã được Đảng, Nhà nước phong tặng, các thế hệ công nhân, cán bộ Đèo Nai luôn phát huy truyền thống, nâng cao trình độ, kiến thức, đoàn kết xây dựng Công ty phát triển bền vững. Phong trào thợ mỏ Đèo Nai giàu về kiến thức, đẹp về nếp sống đã khơi dậy lòng tự hào trong suy nghĩ và hành động của toàn thể CBCNV Công ty, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện tu dưỡng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đó chỉ là những nét rất cơ bản trong bề dày thành tích của một công ty than trong 60 năm qua. Có những điều trực tiếp chứng kiến cũng có nhiều điều qua sách báo, tôi đã mường tượng về Đèo Nai khi đặt chân lên mỏ. Những điều hình dung chả là gì với thực tế hiện trường. Tôi không còn nhận ra dấu xưa ngay khi qua cổng mỏ. Những con đường rộng dài, lớp lớp tầng bè bề thế mở ra, khác hẳn với thời chúng tôi cách đây hai mươi năm. Tôi đứng dưới chân tượng đài - nơi Bác về thăm mỏ khi xưa - cố liên tưởng đến những vị trí tầng mỏ năm nào mà không thể nhận ra. Đứng trên cao nhìn toàn cảnh tầng mỏ, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Những băng tầng lừng lững với những xe ô tô trọng tải lớn đang tấp nập chuyên chở đất đá. Điều lạ lùng là mỏ hầu như không có bụi. Hệ thống phun sương đã được đặt trên các tuyến đường có mật độ xe cao. Đó là niềm ao ước của bao nhiêu công nhân không chỉ một thời. Người lao động giản đơn, tôi không còn gặp. Lại nhớ đến những bác, những chị sửa đường năm xưa, quần quật với những chiếc băng ca đất trong bộn bề bụi phủ. Mọi thay đổi hiện hữu theo chiều hướng tốt đẹp mà không sao nói hết trong bài viết này… Công nhân cán bộ Đèo Nai hôm nay - những người đã viết tiếp những trang sử huy hoàng - đang bước vào những ngày lao động hăng say lập thành tích mới trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.

Nguồn Văn nghệ số 34/2020


Có thể bạn quan tâm