April 25, 2024, 11:15 am

Ký ức Bốn mươi năm

 

Ước gì bộ não của ta to hơn để đủ chỗ chứa đựng biết bao những điều diệu kỳ của cuộc sống. Nhưng nó chỉ có thế thôi, thành ra có những ký ức có thể mãi mãi bị chôn vùi; có những ký ức tạm thời bị quên lãng vào đâu đó, khi hoàn cảnh chạm đến, chúng sẽ vụt sống dậy; và có những ký ức lại luôn rừng rực hiển hiện khiến đôi lúc ta bị phân tâm. Tôi là một người nằm trọn vẹn giữa sự kiện chiến tranh biên giới tháng Hai năm bảy chín, nên nhiều tình huống vẫn luôn đong đầy trong ký ức.

Đầu năm 1976, ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Lên Sơn và tỉnh lỵ tập kết tại thị xã Lao Cai. Vợ tôi dạy học ở trường cấp 1-2 xã Vạn Hòa. Tại xóm Chân Đập, thuộc hợp tác xã Hồng Sơn, chuyên sản xuất rau xanh cung cấp cho thị trường, tôi mới dựng xong túp lều. Ở đó chính quyền địa phương huy động dân công đắp một cái đập điều tiết nước tưới cho cánh đồng rau. Có được mảnh đất cắm dùi một phần do bà con xã viên lên tiếng "đấu tranh", trong khi ông bí thư, nguyên là cán bộ ngành tòa án thị xã được điều chuyển về, nhà tôi cách nhà ông ta chừng hai, ba chục bước chân, nhưng không hiểu sao ông cứ làm khó dễ với vợ chồng tôi. Dựng xong túp lều chưa được bao lâu thì các cơ quan cấp tỉnh lục tục chuyển xuống thị xã Yên Bái, hồi ấy tình hình biên giới đã nóng lên từng ngày từng giờ, nhất là tình trạng "nạn kiều" cùng với những tin tức về thám báo nhan nhản vào sâu trong đất Việt Nam...

Hội Văn học Nghệ thuật là cơ quan di chuyển cuối cùng. Có chuyện oái oăm nên tôi không chuyển được gia đình, đành một mình một ba lô về cơ quan. Đầu năm 1979 sau vài ngày tết vội vàng, tôi lại phải trở về cơ quan. Đến thăm Bùi Nguyên Khiết tại cơ quan Báo Hoàng Liên Sơn, Khiết rủ tôi lên biên giới. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở thị xã Lào Cai. Tôi thu xếp xong công việc, vội nhảy tàu lên đến Lào Cai thì Khiết đã đi Mường Khương, rồi xông lên chốt Lao Páo Chải, thuộc xã Tả Ngài Chồ cùng với bộ đội cầm súng chiến đấu...

Thế mà đã bốn mươi năm.

Ngày hôm ấy đi thăm thú vài nơi về thì đơn vị bộ đội đóng doanh trại ngay xóm mời tôi ăn cơm, tuy chỉ vài khúc cá kho, một đĩa thịt rim, đĩa rau muống luộc, mà sao bữa ăn đắng ngắt; là vì vợ con thì và bát cơm độn sắn, mình cơm trắng, nuốt sao trôi. Tôi ngỏ ý định dựng nếp nhà và nhờ lực lượng bộ đội giúp. Các anh bảo tình hình không mấy sáng sủa, trước tiên, các anh phân công hai chiến sĩ bảo vệ gia đình tôi nếu có nguy cấp. Đó là chiều tối ngày 16 tháng Hai năm 1979.

Chừng bốn giờ sáng hôm sau, mọi người vẫn đang chìm trong giấc ngủ say thì đột nhiên có tiếng nổ rất đanh của đạn pháo. Tôi choàng dậy. Trời mưa lây phây. Tiếng nổ mỗi lúc một mau, chát chúa, nghe rõ tiếng đạn xé không gian viu víu qua đầu. Lát sau, phía ngoài đường thấy tiếng í ới rầm rầm. Dân mạn giáp biên tiểu khu Lao Cai, Phố Mới đang tràn xuống. Bứng các con còn đang ngái ngủ nhét vào hầm trú ẩn do bộ đội đào ngay trong chân núi, vợ chồng tôi chạy về nhà lấy vài thứ đồ cần thiết sử dụng trong ngày để tản vào rừng. Gặp ông bí thư xã ngay ngoài sân, tôi nói:

- Cho tôi cùng các anh chiến đấu!

Ngần ngừ giây lát rồi ông trả lời:

- Anh là người dân tộc, tốt nhất là đưa ngay vợ con đi ngay đi!

Lúc bấy giờ rất bực mình, nhưng về sau, ngẫm nghĩ, mới thấy ông ta có lý. "Người dân tộc". Rất dễ bị vạ lây trong cảnh huống trắng đen, tranh tối tranh sáng đâu dễ phân biệt. Thời khắc ấy, cái tính kỳ thị ấp ủ bấy lâu của ông ta mới lộ tẩy. Thế là vợ chồng con cái tôi quặt quẹo trôi theo cái dòng người chạy giặc ùn ùn như lũ cuốn xuống Phố Lu, rồi xuống Yên Bái trong đói khát, nhọ nhem. Cả cơ quan Hội Văn nghệ có gần chục người thì họ chuyển từ trước nên chỗ ăn chỗ ở đã đàng hoàng, chỉ mình tôi, hai vợ chồng, bốn đứa con nheo nhóc được một gia đình nhường cho một cái bếp lò. Tôi kiếm mấy tấm giát trải lên. Tất cả mọi sinh hoạt đều trên cái bếp lò ấy, chừng độ hai mét vuông: Ngủ, ăn cơm, đọc sách, báo, tài liệu, bản thảo, viết bài... các cháu học... Có ai động lòng? Không! Lòng dạ họ còn nở nang ra khi thấy mình cùng cực ấy chứ! Và quả nhiên có kẻ còn toan tính dồn tôi vào chân tường, cho tôi hết đường sống cơ đấy! Thời ấy là thế! Xin nhà biên tập đừng cắt mấy câu này của tôi. Đã thế, sang sở giáo dục, gặp người một thời là đồng chí (tôi có hơn chục năm công tác ở ty giáo dục), họ tiếp mình hờ hững rồi lủi dần đi. Cái việc xin cho vợ được dạy học trong thị xã Yên Bái ấy mà. Nói thì họ ậm ừ. Viết đơn thì chẳng ai đọc. Về sau mới được sắp xếp vào một trường ở huyện Trấn Yên, gọi là trường Thống Nhất, gồm hầu hết con cháu công nhân nhà máy quốc phòng Z183.

Kỳ lạ! Sao mà cái máu sĩ nó hăng thế không biết. Vợ con còn đang nheo nhóc, bữa ăn kham khổ, giấc ngủ không yên, cứ phó mặc, tôi lại xông lên biên giới. Lần ấy lên chưa đến Cam Đường thì Công an ách lại, không cho vào, vì "địch chưa rút hết, và nhiều bom mìn lắm". Chất liệu chưa đủ để viết bài "đinh". Sự kiện động trời như thế mà chả nhẽ mình không viết được cái gì ra trò? Lại theo một chiếc xe bò ma cùng mấy anh em công nhân mỏ Apatít lên. Xe bò một ngày 100 cây số đến Phố Ràng - huyện Bảo Yên. Bò một ngày nữa, chiều, mới tới thị xã Cam Đường. Xe và anh em công nhân đã kết thúc cuộc hành trình. Lần này có Huyền Sâm, một cây thơ nổi danh, đã có giải trung ương đi cùng, nên hai anh em cứ phăm phăm bước tiến lên phía trước. Đến thôn Tùng Tung, thấy có sắc phục công an phơi trong sân nhà dân. Vào hỏi thì gặp một người, đang xỉa răng tanh tách thư thái như thời bình:

- Có vào được thị xã không, đồng chí? Chắc là yên ổn rồi chứ?

Bộ ấm chén của anh ta đang khô khốc, và bộ mặt anh ta cũng khô khốc như bộ ấm chén:

- Chúng tôi không đảm bảo sinh mạng của các anh đâu! Các anh muốn đi thì tùy!

Thấy tôi cất bước đi, anh Huyền Sâm đành lẽo đẽo theo. Lên đến cầu số 4 tiểu khu Kim Tân một đường rẽ lên huyên Sa Pa, một đường rẽ lên phố chợ Cốc Lếu và qua cầu sang phía tả ngạn sông Hồng, Huyền Sâm tới nhà, ở bên bờ suối Mường Tiên, đoạn này gọi là Ngòi Đum. Ngôi nhà là bồ của anh, hành nghề bán thịt chui, là vì thời đó toàn bộ lương thực, thực phẩm đều phải tem phiếu và xếp hàng, còn vợ con anh vẫn ở quê xuôi, Thái Bình. Nhặt nhạnh được vài thứ lặt vặt, anh em tôi lại phăm phăm bước trên con đường quen thuộc lên Cốc Lếu. Tiêu điều. Tan hoang. Xơ xác. Chợ Cốc Lếu, tức chợ họp dưới gốc cây gạo đã có hàng ngàn năm, là một địa điểm tụ cư từ thuở các vua Hùng dựng nước, theo truyền thống, mỗi phiên sáu ngày đón đồng bào các dân tộc từ các ngả đổ về cùng với hàng lâm thổ sản đổi lấy muối, dầu thắp, kim chỉ, giày dép, và những bè gỗ, bè song mây, tre, mai, luồng, hóp... từ đây trôi theo dòng sông Hồng về xuôi, khi chúng tôi đến, vắng tanh, giữa sân chợ là những con búp bê bị bắn toác, những tấm thiệp cưới cháy lem nhem, vài tấm giẻ vấy máu đen nhem nhuốc... Không một viên gạch nguyên xi. Đi xuống bờ sông. Cây cầu nằm ệp dưới làn nước đục ngầu. Nghe nói mỗi mố cầu là một cảm tử quân cuốn bộc phá quanh người... Có những đoạn phải đi lò dò trên những thanh thép. Có những đoạn bị hẫng nhưng đã được ai đó bắc cho tấm ván. Cũng như cây cầu Long Biên của Hà Nội, cầu Cốc Lếu là chứng tích lịch sử của thị xã tỉnh lỵ và của cả tỉnh Lào Cai. Khi thực dân Pháp rút khỏi Lao Cai, chúng đã nổ bộc phá cắt đứt hai nhịp cầu. Ngày 1 tháng 11 năm 1950 quân và dân tiến lên giải phóng quê hương, ta đã bắc cầu phao tạm để qua lại thuận tiện. Về sau, ngành giao thông nối nhịp bằng dây thép, nên nếu đi đông người thì sẽ bị đung đưa, và có người sợ độ cao, sợ cầu lắc, đã rơi xuống sông... Sang đến bờ bên tả ngạn thuộc tiểu khu Lao Cai, ngoái nhìn lại, mới rùng mình khiếp vía. Chẳng may một phát đạn lạc. Chẳng may dòng nước cuốn trào, thì ôi thôi, ai biết? Ai chứng kiến? Lại nói chợ Cốc Lếu... Mất rồi, từ ngày tỉnh Lào Cai được tái lập, mồng 1 tháng Mười năm 1991, và thị xã được xây dựng lại bắt đầu năm 1992; Vứt cái chợ truyền thống đi, xây dựng siêu thị mới! Đó là ý thích của các nhà quản lý hiện đại. Chẳng còn bóng dáng miền núi; Chẳng còn bản sắc dân tộc đâu nữa...

Chiều hôm ấy anh em tôi tới đơn vị Công an vũ trang, chợt nghe có tiếng nói to từ gian bên:

- Sao không bắn! Bắn bỏ mẹ nó đi! Bắn nhầm còn hơn bỏ sót!

Nhận ra tiếng quen quen, tôi lò dò bước sang, thì thấy một người lủi nhanh ra ngoài bằng cửa sau. Anh chiến sĩ tiếp chúng tôi có vẻ ngượng ngùng. Anh em tôi đành bước nhanh về lại túp lều của tôi, dưới xóm Chân Đập, còn gọi là xóm Cầu Đen, hay xóm Vườn Rau, xóm cầu Cập Keng. Trời tối nhập nhoạng. Không còn điện. Sờ đáy hòm, vẫn còn nắm mì sợi. Sờ chiếc đèn hoa kỳ, vẫn còn chút dầu ma zút. Vườn tốt um đủ loại rau xanh. Hái về nấu nồi mì anh em tôi sì sụp cho qua bữa. Sau một đêm giấc ngủ giật mình thon thót, thức dậy mệt nhoài, mấy chiến sĩ trông coi doanh trại bộ đội nắm cho nắm cơm nếp, nhặt thêm vài cuốn sách, vài bộ quần áo của các cháu nhét chặt vào ba lô, buộc sợi dây dù vào cổ con chó vá, nó vẫn trông nhà gần một tháng nay, thân gầy đen đúa giơ cả mấy giẻ xương sườn ra ngoài, tôi chỉ khóm bí xanh mỡ màng bò lan vào tận hè cho chú bộ đội, tên Mạch, là người nắm cơm cho anh em tôi, chú đến nhờ tôi mang hộ lá thư về nhà, không nhớ ở xã nào đó thuộc huyện Trấn Yên. Anh em tôi đã nai nịt chuẩn bị cất bước ra đi theo con đường tàu xuôi bên phía tả ngạn sông Hồng:

- Chú hái quả bí này ăn đi, kẻo kẻ khác lấy mất!

Mạch rơm rớm nước mắt nhìn theo chúng tôi bỏ lại phía sau một miền quê thương nhớ với biết bao mồ hôi nước mắt, với biết bao kỷ niệm vơi đầy. Mạch ở lại, hồn nhiên với mảnh vườn tốt tươi. Đủ loại rau mầu. Xóm có nhiều gia đình làm nghề nông, còn cất trữ nhiều thóc gạo, với lại những gà, lợn, chó... chạy nhông nhông... tha hồ mà thu hoạch. Doanh trại không chỉ một mình Mạch, nhưng hình như mấy chú xấu hổ, nên cứ rón rén không dám gần chúng tôi. Không sao đâu, các em ạ. Giặc rút rồi, dân chưa hồi cư, dĩ nhiên rồi, cả địa vực này là của các em. Đó, chi chít những mô đất mới đắp, rất có thể là đồ quý của các gia đình, chút của nả họ tích cóp được qua một năm, qua một đời... Còn các em... Trong trận chiến đấu liên tiếp, đơn vị đã bị xé lẻ tứ tung. Sau trận đánh là cái im lặng rợn người, chỉ còn mấy chú lại trở về bám lấy doanh trại, không dám về thăm nhà, không dám bỏ đi xa, vì sợ kỷ luật quân đội...

Hai anh em tôi mỗi người một ba lô trĩu nặng, lòng nặng trĩu, bước thấp bước cao trên con đường sắt cầu, cống đã bị phá nát chừng bốn chục cây số đến thị trấn Phố Lu thuộc huyện Bảo Thắng mới có tàu hỏa, mà tàu thời chiến tranh, chẳng có quy luật nào, chẳng cần giờ giấc, muốn chạy nhanh, chạy chậm là tùy, bao giờ về đến ga, mặc kệ! Còn ô tô, có nằm mơ cũng không thấy.

Chiến tranh biên giới, ấy là trò nghịch của bạo chúa. Chiến tranh biên giới, ấy là thảm cảnh "nồi da nấu thịt". Chiến thắng hay là chiến bại? Hiển nhiên chiến thắng rồi. Chiến thắng vẻ vang nữa là khác. Đó, ngay trong thị xã Lào Cai đã có ba anh hùng lực lượng vũ trang được tấn phong: Trần Nghiên và Nguyễn Văn Hòa thuộc lực lượng dân quân, Quách Văn Rạng, Công an vũ trang, nay là chiến sĩ biên phòng, thêm Hoàng Minh Phương, bộ đội chủ lực chiến đấu bên Lai Châu, quê xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên.

40 năm, khác lắm rồi! Lịch sử chuyển động quá nhanh, đến nỗi ta chưa kịp viết gì cho ra tấm ra món. Ta còn nợ lịch sử nhiều lắm. Biết mà đành bất lực. Mà viết thì... ai cũng tự nhủ phải thận trọng, khi mà mọi sự đang cố giữ gìn cho yên ả. Đó, các đồn biên phòng đối diện nhau kết nghĩa với nhau; các thôn, xã đối diện nhau kết nghĩa với nhau, hàng năm luân phiên tổ chức hội chợ thương mại tại thành phố Lào Cai và thị trấn Hà Khẩu; và những cuộc gặp gỡ, kết giao của các vị lãnh đạo hai địa phương, trong đó, giới văn nghệ cũng được tham gia vào hoạt động hữu hảo, do đó, tôi may mắn đã một lần được đến Mông Tự để tận mắt nhìn con trâu vàng, biểu tượng của người Di dựng ở ngay phía trước đại công sở, để thấy cái gì cũng hoành tráng, lộng lẫy, uy nghi.

40 năm, khác lắm rồi, nhưng ký ức đâu dễ xóa nhòa! Mảnh đất rộng hơn một sào ở xóm Chân Đập, chúng tôi đã cho không học trò của vợ tôi, để vợ chồng nó có kế sinh nhai, vì tôi đã tậu được vài thước đủ đặt một cái nền nhà. Nhưng, các chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên đã vĩnh viễn không trở về; Và, nhà văn Bùi Nguyên Khiết tài năng đang chín rộ đã hiên ngang tạc hình vào núi đá Tả Ngài Chồ.

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019


Có thể bạn quan tâm