March 29, 2024, 8:23 pm

Ký sự xứ người

 

Ký sự xứ người của Trình Quang Phú ra mắt lần đầu vào năm 2017, tái bản 2019. Đây là cuốn bút ký phóng khoáng và nhân văn, ghi chép lại sinh động và ấn tượng về nhiều miền đất trên khắp thế giới, những nơi ông từng đặt chân qua...

Không o ép từ ngữ, hình ảnh vào một khuôn khổ sẵn có, mà thỏa sức liên tưởng đến những hình ảnh đẹp, vượt ra ngoài những ví von cũ mòn. Ví như việc miêu tả đất nước Algeria đầy ấn tượng với sa mạc Sahara mênh mang những thảm cát vàng thẫm nối đuôi nhau: “gió thổi nhẹ đưa những đám cát bay là là như những dải lụa vàng lửng lơ dưới cánh bay” và “nhấp nhô xa gần vài ốc đảo cây xanh và núi đá”… Đó còn là một đất nước Indonesia xinh đẹp, đầy thú vị trong “Một thoáng Bali”: “Bali có hình thù giống một chú gà con quay đầu về phía Nam mà mỏ là thành phố Cảng Cekik và Gilimanuk, mồng gà là bán đảo Pragat Agung và các đảo nhỏ phía cực Tây Bali”.

Không chỉ thú vị. Nét văn hóa của Bali được Trình Quang Phú miêu tả chi tiết và sinh động qua các lễ hội. Đọc Một thoáng Bali ta như trực tiếp được nghe những âm thanh độc đáo của tiếng cồng, chiêng, tiếng trống, tiếng reo hò… tạo nên một hình ảnh rõ nét về văn hóa Hindu, văn hóa Bali.

Và Hàn Quốc mang vẻ đẹp thơ mộng, thánh thiện với Seoul (trong Từ Seoul đến Busan), “Nắng chiều dìu dịu chiếu trên mặt suối vẽ nên những đường sáng như những bức tranh thủy mạc với những màu sắc pha chút huyền hoặc…” còn Busan thì “Tọa sơn hướng thủy” với “Những chiếc du thuyền chạy tốc độ cao nối nhau vẽ trên mặt biển xanh những đường cong trắng xóa, xa xa là những hòn đảo và những con tàu như những nét chấm phá của bức tranh sơn thủy khổng lồ của thời công nghệ hiện đại…”.

Trình Quang Phú không chỉ miêu tả cảnh sắc tươi đẹp của những vùng đất ông đã đi qua, mà ở tầng sâu, mỗi bài ký đều toát lên vẻ đẹp bên trong của vùng đất ấy, đó là văn hóa, là tâm hồn, là ý chí vươn lên, hướng tới những điều tốt đẹp của con người nơi đây trong suốt chiều dài lịch sử. Và qua đó, tác giả gián tiếp bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng ân tình của con người ở những nơi xa xôi nhưng từng ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó là những người dân Liên Xô và Chính phủ Liên Xô đã dành cho Việt Nam những tình cảm chân thành, sâu sắc (trong Nước Nga mùa thu). Đó là kỷ niệm về những người bạn Đức, là Algeria - một dân tộc đã từng dành cho đất nước Việt Nam những tình cảm sâu đậm và đầm ấm qua việc dân tộc này tích cực ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh cũng như sự thân thiết, keo sơn và trân trọng nhau trong thời bình.

Sự sâu sắc, nhân văn trong tác phẩm còn ở chỗ, trước những sự kiện, hiện vật, con người, ông chỉ quan tâm, chú trọng đến những mặt tích cực chứ không đào sâu vào mặt tiêu cực. Nếu như việc ông trân trọng Algeria bởi những ân nghĩa của cả dân tộc này đối với Việt Nam, thì đó là điều dễ hiểu. Nhưng, ngay cả những đất nước, những con người đã từng gây thương đau cho dân tộc Việt Nam cũng được ông đón nhận bằng tất cả sự bao dung, vị tha. Với trái tim nồng ấm, đôi mắt hướng thiện, ông nhìn rõ những điều tốt đẹp. Trong đôi mắt của Trình Quang Phú, nước Pháp hiện ra lộng lẫy và văn minh, cổ kính và hiện đại, các trí thức và nhân dân Pháp đã từng phản đối chế độ thực dân nước này gây ra cuộc chiến tranh với Việt Nam.

Hay, trong Từ Seoul đến Busan cũng là một ví dụ. Seoul hiện ra trước mặt với dòng sông Hán, động mạch chủ của Seoul cứ vươn dài. Vẻ đẹp của sông Hán gợi cho tác giả nhớ lại ký ức lịch sử bi thương của dân tộc Hàn Quốc: “Sau chiến tranh, nước Đại Hàn được thành lập trên đống đổ nát, nghèo và đói. Lịch sử Korea ghi lại Korea phải sống nhờ vào viện trợ Mỹ, mà muốn có nguồn viện trợ này binh lính Hàn Quốc phải đi đánh thuê ở Việt Nam… Những năm của thập niên 1960 này cuộc sống người dân Hàn Quốc rất khó khăn…”. Kể lại lịch sử không phải để thể hiện sự căm phẫn về tội ác của lính Hàn Quốc đối dân tộc Việt Nam, mà với tấm lòng bao dung, ông nhìn họ bằng đôi mắt của sự cảm thương…

Mang trong mình dòng máu của người Việt Nam, cái bao dung của Trình Quang Phú cùng nằm trong sự bao dung, vị tha của toàn dân tộc Việt Nam mà chính ông đã phát hiện ra và phản ánh trong bài ký. Đó là người Việt Nam đã xóa đi sự căm thù trong quá khứ để bắt tay, hợp tác cùng nhau phát triển, cùng nhau đi lên vì tương lai tốt đẹp. Những con số tưởng chừng khô khốc ông đưa ra trong bài ký vậy mà lại trở thành chứng cứ sống động đầy cảm xúc: “Korea ngày nay là nước đầu tư trực tiếp lớn nhất ở Việt Nam, đến năm 2018 này đã có trên 4.000 dự án của Korea đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký 36,7 tỷ USD. Tập đoàn Samsung đã góp phần tăng trưởng xứng đáng cho GDP Việt Nam…”.

Một trong số các tác phẩm mới được đưa vào Ký sự xứ người lần tái bản này là Thăm Quảng Châu – Nhớ Bác, Trình Quang Phú đã ghi lại đầy xúc động những tình cảm của ông đối với miền đất đã một thời gắn bó với Bác Hồ cùng những chiến sỹ cách mạng Việt Nam. Không đơn giản là ghi chép lại hành trình đã đi, tác phẩm của ông mang rất nhiều lớp chủ đề, chuyển tải đa tầng nghĩa về vùng đất và thế sự. Chính bởi vậy, vẻ đẹp hiện đại của Quảng Châu không làm mờ đi những ký ức lịch sử khi Trình Quang Phú chiếu lại một giai đoạn lịch sử đã qua, gắn với quãng đường hoạt động của Bác Hồ tại nơi đây… Bên dưới những chi tiết lịch sử, Trình Quang Phú viết: “Tôi đứng bên bờ Châu Giang lộng gió khi hoàng hôn xuống, những cây cầu dây văng, những con tàu du lịch lấp lánh ánh đèn đưa khách thong thả soi mình xuống dòng sông mà chợt nghĩ tới con tàu của Liên Xô ngày 11 tháng 11 chín mươi lăm năm về trước đã giương cờ Liên Xô cập bến Quảng Châu, trên con tàu đó có Bác… Phải, tình yêu của tuổi 35 đang dâng đầy trong Bác, hun đúc thành tình yêu to lớn với quê hương, với đất nước…”.

Chặng đường Bác Hồ hoạt động tại Trung Quốc được ghi chép lại trong lịch sử, không còn xa lạ với người Việt Nam. Ấy vậy mà, đọc Thăm Quảng Châu – Nhớ Bác, người đọc không thấy cái lối mòn của bánh xe kiến thức, ngược lại, cảm giác xúc động, bồi hồi vẫn hiện về. Có lẽ, lịch sử được bồi đắp bởi cảm xúc của tác giả đã cuốn hút người đọc, dẫn dắt họ ngược lại quãng đường chông gai nhưng đầy tự hào của dân tộc. Ký sự xứ người không những thú vị với người đọc như một cẩm nang du lịch cấp cao mà thực sự đây là một tác phẩm văn học rất thành công về “Xứ người”. Đọc xứ người để nghĩ về xứ mình, thăm xứ người để có tư duy đẹp xây dựng xứ mình. Đó chính là sự thành công của tác phẩm. Để có được tác phẩm ký như vậy chính là nhờ vào cái tài và cái tâm của người cầm bút.


Nguồn Văn nghệ số 51/2019


Có thể bạn quan tâm