April 20, 2024, 2:32 pm

Kỳ quan của ký ức

Hồ Hoà Bình được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”, là danh hiệu mà du khách thường hình dung để nói về vẻ đẹp lộng lẫy như cảnh thần tiên trên vùng núi Hoà Bình. “Vịnh Hạ Long trên núi” thực chất là hồ thủy điện được ngăn lại bằng khúc thượng nguồn của dòng sông Đà vốn hung dữ về mùa lũ nhưng lại nhất mực dịu dàng trong mùa nước cạn. Từ khi có con đập chắn ngang sông thì dòng sông chỉ còn lại vẻ đẹp lung linh như viên ngọc xanh biếc óng ả, dịu dàng như mỹ nhân “giữa mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo”. Hành trình đến với Hòa Bình sẽ gặp hồ nước biếc xanh lộng lẫy giữa những trùng điệp ngọn núi đá vôi, vốn là kết cấu địa chất đặc trưng của núi non Tây Bắc, mà tạo hóa đã làm nên một vùng sơn thuỷ kỳ vĩ.

 

 

Bây giờ, vùng núi non ấy kết hợp với dòng nước trong xanh tạo nên một bức tranh thủy mặc uyển chuyển giữa bao la mây trời. Nơi ấy là một miền đá như vẻ đẹp rắn rỏi cương nghị của chàng trai Mường. Nơi ấy có làn nước trong xanh như vẻ xinh đẹp lộng lẫy mà duyên dáng của sơn nữ miền Tây Bắc. Hãy hình dung, nổi bật giữa làn nước xanh thăm thẳm là vô số ngọn núi đá nhỏ, đủ các hình thù, đeo trên mình những ngấn nước như chiếc vòng bạc xinh xắn buông trễ nải trên chiếc cổ kiêu ba ngấn của thiếu nữ Mường, Tày, Dao... Nếu đi ngắm cảnh hồ, bạn sẽ được phục vụ bởi “tua” du lịch hấp dẫn thăm thú những thắng cảnh tâm linh, những khu sinh thái với mái nhà sàn Mường cheo leo trên sườn núi, nhìn từ xa như thể những hạt cườm xinh xắn đính trên chuỗi hạt, người ta sẽ thư thái nhàn nhã trên chiếc tầu du lịch như những con thiên nga trắng muốt, con tầu sẽ thong thả nhả sóng đưa bạn tới đền Thung Nai, đền Bờ, động Bờ, đảo Dừa, hoặc những bè cá lồng suốt ngày ì uỗm trên bến đò xưa.

Nhưng ít ai biết dưới đáy nước trong xanh thăm thẳm của vùng hồ đang ẩn giấu một kỳ quan thiên nhiên vô cùng đặc biệt, đó chính là thác Bờ. Khi xưa, thác Bờ là một quần thể đá khổng lồ, đá như mọc từ bờ rồi đua chen vươn ra chiếm lĩnh gần kín mặt sông. Dòng chảy của sông đang thuận buồm xuôi gió khi gặp bãi đá liền trở nên bấn loạn, phải tìm cách len lách, chui luồn qua những khe đá. Dòng sông Đà không thể hiền lành được nữa, nước phải trèo leo tìm cách vượt qua bãi đá trùng điệp với những dáng đá to nhỏ muôn hình vạn trạng. Nước phải xù bọt tung trắng xóa để hì hục leo qua đá. Nước phải róc rách luồn lọt qua vô vàn những khe đá. Thác Bờ ghi dấu ấn trên bản đồ một vùng sông nước hiểm trở và kiều diễm trong vẻ đẹp và chứa đầy sự nguy hiểm của chính nó… 

Địa phận vùng thác Bờ được đánh dấu từ phố Thượng xuống phố Hạ theo hết phố Bờ xã Vầy Nưa huyện Đà Bắc tỉnh Hoà Bình. Thực ra thác Bờ là một quần thể hàng trăm con thác lớn nhỏ khác nhau, được tạo nên từ hang trăm hòn núi đá có hình thù khác biệt. Dễ thấy nhất là hòn núi đá nhìn giống y như chiếc ngai vua với thành vách dựng đứng uy nghiêm, đầy quyền lực nơi chính giữa dòng sông nên được gọi là hòn Ngai. Lại có hòn đá hình giống như thiếu nữ nằm nghiêng nghiêng trên mặt nước được gọi là hòn Cô Tiên. Hòn đá chỗ kia lại giống chú sư tử dũng mãnh vươn mình làm chúa tể ngự trị dòng sông. Hòn đá khác nhìn giống như đóa hoa đang bung nở vươn lên từ làn nước trong xanh… Trong quần thể đá khổng lồ ấy còn có hệ thống hang động khiến dòng nước tinh nghịch chui luồn chơi trò trốn tìm như con trẻ thơ ngây. Khi dòng nước gặp bãi cát vàng óng ánh thì khi ấy dòng sông như đã bình tâm trở lại. Dòng sông sẵn lòng chia sẻ sự an yên với dòng suối nhỏ, nhẹ nhàng nâng dắt dòng nước lên bờ cát trong sự gửi gắm tin cậy. Đây kia là giếng nước trong veo bên ven bờ đá như tấm gương tròn nhỏ nhắn mà các thiếu nữ phố Bờ thường giấu trong lòng tay thi thoảng lén lấy ra soi khuôn mặt hồng như đánh phấn. Tự thuở nào, những rặng cây đa, cây si bám rễ tỏa bóng bình yên bên những cội đá, ung dung vươn cành thả tán xanh mướt mải, xòe ra che rợp một khoảng sông, như mái nhà tự nhiên mà kỳ diệu của tạo hóa… Dưới chân thác bên chợ Bờ còn có bãi Cánh Chim, phía trên cao là rừng lau ngút ngàn, phía dưới là trảng cát vàng óng ả tựa như bãi biển, chạy dài hàng cây số. Mùa nước cạn, con thác trở nên hiền hòa, những tia nắng xuyên qua làn nước trong văn vắt soi vào bầy cá đủ màu sắc óng ánh tung tăng bơi lội trên lớp lớp sỏi cuội đủ mầu xanh đỏ nâu vàng tím.

Thác Bờ còn nổi tiếng bởi vua Lê Lợi đã khắc vào núi đá bên con thác dữ dội một bài thơ khi nhà nhà vua trực tiếp dẫn quân lên chinh phục một tù trưởng nổi loạn. Lạc khoản đề: “Năm Nhâm tý, Thuận Thiên thứ 5 (1432) tháng ba ngày tốt. Ta đi đánh đèo Cát Hãn về qua đây, làm một bài thơ nói về đường lối phòng chống địch hoạ cho đời sau biết: Man Mường –Lễ mặt người dạ thú, ngạch trở giáo hoá, phải tiêu diệt ngay. Nên nghĩ sinh dân thiên hạ, chẳng ngại hiểm trở lam chướng, mà phương lược xuất chinh thì tiến quân bằng đường thuỷ hai sông Thao Đà là hơn cả”.

Thơ rằng:

Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan

Lão ngã do tồn thiết thạch can

Hào khí tảo thanh thiên chướng vụ

Tráng tâm di tận vạn trùng san

Biên phòng hảo vị trù phương lược

Xã tắc ưng tu kế cửu an

Hư đạo nguy than tam bách khúc

Như kim chỉ tác thuận lưu khan.

Dịch thơ:

Gập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan

Già vẫn nguyên còn sắt đá gan

Hào khí nghìn mù đều sạch quét

Tráng tâm muôn núi cũng bằng san

Biên phòng tất khéo mưu

 phòng lược

Xã tắc nên trù kế cửu an

Ghềnh thác ba trăm lời cổ ngữ

Nhưng nay dòng thuận chỉ

xuôi nhàn.

Lịch sử đã in dấu nơi đây bởi những người con anh hùng hy sinh cho vùng Mường bình yên. Khu đền Bờ linh thiêng để thờ người đàn bà Mường và một bà người Dao đã chèo thuyền chở lương thực giúp nhà vua đánh giặc. Hai bên bờ sông Đà đã từng có một phố Bờ sầm uất và chợ Bờ tấp nập họp theo phiên, là bộ mặt đời sống của người dân xứ Mường thác Bờ trù phú yên ả, riêng biệt và độc đáo của một vùng núi đá sông nước trên bến dưới thuyền. Nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa Mường của vùng thác Bờ, chính quyền thời thuộc Pháp đã có hai lần đặt tỉnh lỵ ở nơi này và lấy tên là tỉnh Bờ hay còn gọi là tỉnh Chợ Bờ. Trong lịch sử chống thực dân Pháp, ngày 29-30/01/1891, nơi đây đã diễn ra trận chiến đánh Chợ bờ của 500 nghĩa quân Đốc Ngữ, diệt đồn Chợ Bờ, giết phó công sứ Rugiơni, thu 118 súng trường, 4 súng lục và 40 nghìn viên đạn. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chính quyền cách mạng cũng đã đặt huyện lỵ Đà Bắc tại Chợ Bờ cho đến 1982, trước khi khu vực này chìm sâu dưới hàng trăm mét nước, tận hiến vẻ đẹp của mình cho công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Cuối thế kỷ hai mươi, khi công trình Thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà bắt khởi công, thì thác Bờ cũng bắt đầu chìm sâu dưới đáy nước thăm thẳm, bởi nước hồ từ từ dâng lên. Thời gian để cho vùng thác Bờ chìm hẳn xuống đáy nước xanh kéo dài hàng chục năm trời, tính từ khi khảo sát đến khi xây dựng xong Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình. Tiếc thay, các cơ quan từ tỉnh, huyện và cả cá nhân văn nghệ sĩ thời ấy… đã không ai nghĩ tới việc lưu giữ lại hình ảnh thiên nhiên thác Bờ, các công trình văn hoá và tâm linh, ghi lại cảnh sinh hoạt của cư dân phố Bờ trước khi nó bị chìm sâu dưới đáy hồ.

Là người miền xuôi lên miền núi công tác, năm 1977, vừa 18 tuổi, đã đặt những bước chân đầu tiên lên phố Bờ, từ ấy gắn bó với Thác Bờ với rất nhiều kỷ niệm. Nhưng đáng tiếc là tôi đã sống ở Thác Bờ 5 năm, nhưng tôi cũng không có được một tấm ảnh nào về nơi này, thực sự là một niềm luyến tiếc vô cùng.

Với khát khao có được những hình ảnh thác Bờ, phố Bờ khi xưa, những năm gần đây tôi đã kiên trì sưu tầm trong nhân dân và cán bộ đã từng có mặt tại phố Bờ từ 40 năm trước để xuất bản tập ảnh Bờ xưa cho ngày nay và lưu lại mai sau để thỏa nguyện tâm ước:

 - Những ai từng biết thác Bờ, phố Bờ khi gặp tập ảnh này sẽ có thể cảm nhớ một thời mình đã có mặt tại nơi này.

- Người chưa từng biết thác Bờ, phố Bờ sẽ có thể hình dung về một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp đang nằm sâu nơi đáy hồ.

- Và hàng trăm năm sau, khi Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình hoàn thành sứ mệnh của nó, con người sẽ trả lại tự do cho dòng chảy sông Đà. Chắc hẳn lòng sông khi ấy bồi dâng, quần thể đá thác Bờ có thể bị phù sa lấp dầy. Những hình ảnh thác Bờ xưa cũ trong tập ảnh này được sắp xếp theo dòng thời gian. Rất có thể có người lúc đó sẽ háo hức đón nhận cảnh quan thác Bờ ngày xưa. Độc giả sẽ so sánh với thác Bờ ngày xưa khi nó dần dần lộ diện bởi dòng chảy của sông xói mòn, với những hòn Ngai, hòn Cô Tiên… được lộ dần ra, hẳn thú vị biết bao?

Ý tưởng đó đã tạo nên cảm hứng, và là động lực để tôi quyết tâm sưu tầm và cho ra mắt tập ảnh Bờ Xưa này. Mong rằng bộ ảnh nhỏ sẽ giúp các bạn phần nào hình dung được sự kỳ vĩ, lộng lẫy của thác Bờ xưa, một kỳ quan thiên nhiên, một món quà tuyệt phẩm mà tạo hóa đã ban tặng cho dòng sông Đà.

Nguồn Văn nghệ số 12/2020


Có thể bạn quan tâm