April 16, 2024, 12:37 pm

Kỷ niệm lần thứ 94 ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019): BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU PHONG CÁCH BÁO CHÍ CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận là “một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Hoạt động báo chí đã chiếm một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Người, gắn liền với các chặng đường thắng lợi huy hoàng của cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh TL

Trong di sản hết sức phong phú của Người, thế hệ các nhà báo hôm nay có thể tìm thấy những lời khuyên bảo sâu sắc chân tình của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh, một cây bút mẫu mực và từng trải, đã sáng lập nhiều tờ báo cách mạng, trực tiếp viết hàng ngàn bài báo bằng các thứ tiếng khác nhau, với các thể loại khác nhau, dưới những bút danh khác nhau và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Báo chí được Người sử dụng như một vũ khí sắc bén nhằm tuyên truyền, giáo dục, cổ động và tổ chức quần chúng thực hiện hàng loạt nhiệm vụ to lớn của cách mạng. Đối với các nhà báo, những lời dạy của Người mãi mãi là kim chỉ nam trong quá trình rèn luyện tư tưởng, đạo đức và nghiệp vụ của mình, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén…”, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”… Người luôn luôn đặt các câu hỏi cho các nhà báo: “Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì và viết như thế nào?...”.

Những câu hỏi: Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì… đã được nhiều công trình nghiên cứu đề cập, phân tích trong khi bàn về quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với báo chí. Còn viết như thế nào? Đó là vấn đề tương đối khó, chưa được đề cập nhiều và nó thuộc về phong cách báo chí của Bác Hồ.

Thật ra, giữa quan điểm và phong cách báo chí có mối quan hệ hữu cơ. Vấn đề hàng đầu của quan điểm là báo chí nhằm phục vụ ai, vì ai mà mình viết, viết để làm gì. Xác định điều đó sẽ phải tìm một cách viết, một phong cách phù hợp. Bác thường chỉ rõ: Trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, không cho phép xem lâu. Vì vậy viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy.

Có thể nêu đặc điểm thứ nhất trong phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự ngắn gọn. Bác dạy: “Trước hết là cần phải tránh lối viết “rau muống”, nghĩa là lằng nhằng “trường giang đại hải”. Mình viết ra cốt để giáo dục cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhắm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều.

Viết ngắn, viết gọn, rõ ràng, dễ hiểu là việc cần được rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên mới có thể thành công. Trong thời gian đầu bước vào nghề báo, Bác từng được một nhà báo Pháp hướng dẫn cách rút ngắn các bài viết. Nhà báo ấy khuyên Bác: “Viết cho thật chặt, xem đi xem lại, những cái gì lôi thôi, dài dòng không cần thiết thì bỏ nó đi…”. Bác cho biết: “Thế rồi mình đếm từng chữ. Một dòng có mấy chữ, một cột có mấy dòng. Nó có số chữ của nó rồi, đếm từng chữ mà viết cũng khó chứ không phải dễ. Kết quả là viết được”.

Kể chuyện về thời kỳ làm báo Việt Nam độc lập ở Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: “Có lần tôi ở Tĩnh Tây về, Bác phân công viết một bài về phong trào cho báo. Bác nói:

- Chú viết đúng một trăm chữ, viết hơn thì không có chỗ đăng đâu.

Tôi ngồi viết, cảm thấy khó quá. Thời gian qua ở Tĩnh Tây, chúng tôi cũng ra báo. Cũng chỉ là báo in thạch, nhưng giấy sẵn, khuôn khổ tờ báo rộng, bài viết thoải mái chứ không hạn chế như thế này.

Thấy tôi ngồi viết khó khăn, Bác cười rồi bảo:

- Báo của các chú có gửi về nhưng mình không xem hết, mà ở đây cũng không mấy ai xem. Báo của các chú văn hay, chữ nhiều, nhưng khó đọc, và có đọc được cũng không mấy ai hiểu…”

Đại tướng kể tiếp: “Về sau có dịp đi công tác địa phương, tôi mới thấy hết tác dụng rất to lớn của tờ báo; đồng bào ở khắp các nơi đều rất hoan nghênh báo Việt Nam độc lập. Đó chính là nhờ lối viết ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu của những người viết mà chủ yếu là Bác Hồ với lời văn giản dị, thơ vần mộc mạc, dễ hiểu, dễ thuộc, rất thích hợp với đối tượng tuyên truyền là cán bộ và quần chúng cách mạng thuộc các dân tộc ít người. Bác đã đề ra mục đích của tờ báo: Phải làm cho nhân dân ta hết dốt nát, biết rõ sự việc từ xa đến gần, từ nhỏ đến lớn, từ cụ thể đến khái quát. Từ đó biết đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, tự do bình đẳng.

Để bài viết dễ hiểu, Bác khuyên các nhà báo “chớ ham dùng chữ”. Ngày 17/8/1952, nói chuyện với cán bộ báo chí, văn nghệ và cán bộ các ngành tại Trường Lý luận chính trị Trung ương, Bác chỉ rõ: “Các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng chữ lung tung, nhiều khi không đúng”. Và Bác đã nêu lên nhiều ví dụ cụ thể để mọi người biết mà khắc phục.

Năm 1946, một trường trung học đệ nhất ở Nam Định có ra một tờ báo và gửi biếu Bác Hồ. Bác gửi thư cảm ơn, kèm theo tấm ảnh chân dung của Người và lời đề tặng:

“Bác có mấy lời khuyên các cháu,

Ý tứ nêu rõ ràng,

Lời lẽ nên phổ thông,

Câu chữ nên ngắn gọn,

Chúc các cháu thành công”

Cảm ơn các cháu,

Thân ái

Hồ Chí Minh”

Là người sáng lập hàng loạt tờ báo cách mạng, như Le Paria (Người cùng khổ), Thanh niên, Thân ái, Việt Nam độc lập…, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt mục đích ra đời của tờ báo, và tuân theo mục đích cụ thể, người viết xác định nội dung từng bài viết, khuôn khổ cũng như văn phong cho thích hợp. Bản thân Bác coi viết báo là một nhiệm vụ cách mạng, nên Người dường như làm báo suốt đời, nhằm vận động quần chúng. Khi cho ra mắt tờ Le Paria, Người chỉ rõ: “Tờ báo này kể cho các bạn viết về việc bọn thực dân áp bức chúng tôi như thế nào…”. Người đã viết hàng loạt bài văn chính luận sắc bén với những tư liệu hết sức cụ thể, mang tính thuyết phục cao. Một bạn đọc giỏi tiếng Pháp từng nhận xét rằng, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng ngôn ngữ Pháp thật nhuần nhuyễn, mang phong cách một nhà chính luận xuất sắc. Và Người sử dụng nhiều thể loại khác nhau, từ cái tin ngắn, đến những bút ký, nhưng chủ yếu là các bài chính luận. Dù ở thể loại nào, Người luôn luôn yêu cầu viết thế nào cho quần chúng hiểu được, nhớ được. Từ buổi đầu viết báo cho đến khi làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, khi viết xong một bài báo, Người thường chữa đi chưa lại và đưa cho một vài người giúp việc gần gũi xem trước, nếu họ hiểu thì mới cho đăng. Chính vì vậy, Người thường dạy các nhà báo: “Viết phải thiết thực”.

Trước cách mạng tháng Tám, Người chủ yếu viết báo bằng tiếng nước ngoài như Pháp, Anh, Đức, Hoa, Nga…Sau cách mạng tháng 8, Người chủ yếu viết bằng tiếng Việt và Người sử dụng tiếng Việt ngày một nhuần nhuyễn, trong sáng, cuốn hút, dù viết cho đối tượng nào (thiếu niên, nhi đồng, thanh niên, trí thức, bộ đội, nông dân, công nhân, đồng bào thiểu số, các cụ già, người nước ngoài) lời văn vẫn trong sáng, câu văn ngắn gọn và rất hiện đại. 50 năm làm báo (1919-1969), Bác đã viết ngót 2.000 bài báo, với trên 50 bút danh, ngoài ra còn vẽ và phát hành báo, chỉ tập trung vào một đề tài - như Bác nói là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đề tài là như vậy, nhưng đầu đề mỗi bài viết của Bác đều rất độc đáo, hấp dẫn. Nhà báo Quang Đạm từng coi vấn đề này cũng là nét đặc biệt trong phong cách báo chí của Bác. Ông nói trong một dịp trò chuyện với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam: “Đọc bài Bác viết thú lắm, nó hấp dẫn ngay từ đầu đề. Chúng ta thường lúng túng về đầu đề. Đầu đề của Bác là sự mở đầu, bao giờ cũng nói đúng điểm chính trong bài. Có khi chỉ có một chữ nhưng nó đúng với linh hồn của bài. Đầu đề hoàn toàn ăn khớp với chủ đề, với tư tưởng chủ đề, thể loại, lối văn, giọng văn”.

Có thể nêu nhiều ví dụ để chứng minh ý kiến trên. Bài phê bình một anh cán bộ in thiếp chúc tết huyênh hoang, Bác lấy đầu đề Tếu. Nếu phê bình thì người ta có nhiều khuyết điểm lắm, nhưng khi Bác dùng từ Tếu, người đọc sẽ nghĩ phê bình một cái gì đấy chứ không phê bình khuyết điểm như đặt đầu đề Một hợp tác xã kém gương mẫu.

Ngắn hay dài là tùy thuộc vào vấn đề được trình bày trong bài viết. Có đầu đề như Những điều trông thấy mà đau đớn lòng là tương đối dài; hoặc dài hơn, có tới mười chữ, mười hai chữ, ví dụ: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đầu đề các loại như ghi nhanh, tùy bút, châm biếm, đả kích thì rất gọn. Cách đặt đầu đề của Bác nhiều kiểu lắm: Có đầu đề chỉ hai từ, hoặc một từ, như để đánh địch thì có Láo toét, Xấu. Khi nói về phong trào chiến đấu ở Malaixia, Bác đặt đầu đề là Húc, nhằm nhắc đến phong trào của Húc ở nước đó. Cũng có đầu đề mới nghe hơi giật gân mà lạ, như Đốp, đốp. Mấy năm sau lại có một đầu đề Đốp, đốp như thế, đó là cái tát vào mặt Ken-nơ-đi. Ken-nơ-đi nói thế này nhưng sự thật làm khác, nên Bác đặt đầu đề: Đốp, đốp.

Khi Trung Quốc thử quả bom nguyên tử đầu tiên, Bác đặt đầu đề Đùng, đùng. Người mở đầu “đùng, đùng” rồi nói chuyện bom nguyên tử của Trung Quốc nổ, thì các thế lực đế quốc hoang mang, lo sợ. Nhưng cũng có đầu để Bác dùng một chữ “Ầm” thôi, đó là khi Liên Xô thử bom khinh khí. Đầu đề Uỵch là nói về Chính phủ Pháp đổ. Bác kể quá trình khủng hoảng của Chính phủ này, ngã một cái “Uỵch”. Tóm lại, Người rất chú trọng tính hấp dẫn của đầu đề. Như trên đây là lấy âm thanh trong cuộc sống. Cũng nhiều khi Bác dùng chữ đầu đề mang tính hình tượng, ví dụ: Lá cờ và mặt trời (nhằm mỉa mai đế quốc Anh thường khoe “Lá cờ Anh không bao giờ thấy mặt trời lặn”, nhưng trên đất Ai Cập, lá cờ Anh đã hạ xuống, lá cờ Ai Cập đã kéo lên). Đó là một đầu đề mang hình tượng rất đẹp.

Còn có một loại đầu đề thường được Bác dùng lối chơi chữ. Ví dụ: Hồi Ai-xen-hao làm Tổng thống Mỹ, Bác xoáy vào chữ Ai làm đầu đề khá nhiều, như Ô hô Ai, Trong trần ai, ai cũng ghét ai, Vét mỡ lợn (Oét-mô-len), chứng tỏ Bác chơi chữ Việt, chữ Anh, chữ Pháp…nrất tài tình. Có khi là cả một câu lục bát, xét về thơ cũng hay mà nói về cách chơi chữ cũng rất hấp dẫn. Hồi Mỹ tung ra ba máy bay do thám U2 đã bị quân đội Liên Xô bắn rơi một chiếc, quân đội Trung Quốc bắn rơi một chiếc, còn một chiếc chạy thoát, nên Bác lấy từ chữ U và số 2. U có 2 chữ u, một là u ám, hai là u mê. Ba trừ một cũng còn hai, cho nên Bác viết:

“U2 là u ám, u mê

U đi ba chiếc, U về một thôi”.

Ở một trường hợp khác, khi đập đế quốc Mỹ, Bác có đầu đề: Dậy con ăn thịt cha, đọc rất thấm thía. Bác kể chuyện bên Mỹ dạy con ăn thịt cha. Có những trường học, khi dạy đã hỏi cha chết thì như thế nào, ăn thịt cha thế nào cho hết…, nhưng có phải Bác nói chuyện bên Mỹ đâu! Cuối cùng Bác dẫn dắt bài báo đến chỗ: ở miền Nam, đế quốc Mỹ bắt lính ngụy quê địa phương này sang địa phương khác bắn chết cha mẹ những người lính ngụy khác, rồi lại lấy lính quê ở địa phương đó sang giết cha mẹ các tên lính khác. Đó là kiểu đưa con giết bố mẹ một cách tàn ác hơn việc “dậy con ăn thịt cha” bên Mỹ!

Bác rất hay dùng tiếng địa phương làm đầu đề (mà cũng là một cách chơi chữ) như: ri, răng, thì, rồi…Ví dụ:

- “Hỏi trời, trời chẳng nói năng,

Như ri thì Pháp biết mần răng hỡi trời!”

Có lần Bác phê bình Nghệ An không biết tiết kiệm lạc, Bác dùng đầu đề: Thế nào cho lạc thêm vui (vì lạc có nghĩa là vui). Trong bài đó, Bác dùng chữ “choa”, “nghe choa…” là tiếng địa phương. Có đầu đề lại là 3 con số: “10…15…20…”, sau mỗi con số có ba chấm. Bác viết trong bài này là: Làm gì cũng vậy, nhất là trong sản xuất, đặt mức 10 phần, biện pháp phải 15 phần và cố gắng 20 phần.

Nhà báo Quang Đạm cho biết: Bác đã viết gần 1.200 bài cho báo Nhân Dân mà đầu đề bài nào cũng được Người chăm chút rất công phu.

Trong suốt đời mình, Bác Hồ rất nhiều lần viết văn (truyện, ký), làm thơ. Nhưng Người khiêm tốn không nhận mình là nhà thơ, nhà văn. Bác chỉ nhận mình có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí. Người nói: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi tôi là người tuyên truyền - tôi cũng không cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất”.

Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về phong cách nghệ thuật văn thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng hầu như chưa có cuốn sách nào, bài viết nào đề cập về phong cách báo chí của Người. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng, báo chí là bộ phận chủ yếu trong toàn bộ sự nghiệp cầm bút của Người, và nhiều bài báo cũng đồng thời là tác phẩm văn học. Tóm lại, không nên tách rời những yếu tố nói lên phong cách báo chí và phong cách văn học của Người. Chẳng hạn, khi Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét về phong cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngắn gọn, trong sáng, giản dị; linh hoạt, sáng tạo, hoàn toàn làm chủ trong việc sử dụng các hình thức thể loại và ngôn ngữ, các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nhằm mục đích thiết thực của mỗi tác phẩm…, thì như trên đã trình bày, qua một số ví dụ cụ thể, chúng ta tìm thấy các đặc trưng đó trong phong cách báo chí của Người.

Khi bàn đến nghệ thuật viết văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Phạm Huy Thông tìm thấy ở Người một “cách viết lôi cuốn” - như một ngòi bút phương Tây sắc sảo, rất điêu luyện và bút pháp sở trường của Người là châm biếm. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nhận xét như vậy và nói rõ hơn: “Lối châm biếm của Người kín đáo và thú vị. Dù sao, đó cũng chỉ là một khía cạnh trong điểm chung rộng hơn trong cách viết của Người là sinh động, luôn luôn gây hứng thú cho người đọc. Phạm Huy Thông còn bàn sâu về nghệ thuật bông đùa, gợi ý, phê phán trong việc thể hiện nội dung bài viết, tất cả đều nhuần nhuyễn, khéo léo, đầy sáng tạo, hòa hợp với nhau vừa lôgíc lại vừa bất ngờ, linh hoạt mà chặt chẽ.

Một bạn đọc nước ngoài - nhà thơ Phêlich Pita Rôđrighết - cũng từng nhận xét về giá trị lớn lao của những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm 20 của thế kỷ 20: “Các bài báo này đã cho chúng ta thấy mầm mống của quan điểm chính trị và tư tưởng luôn luôn nổi lên và hòa quyện với những giá trị thuần văn học. Cũng trong những bài báo này chúng ta thấy một luồng gió quật khởi, với sức mạnh rung chuyenr đã thổi mà sau này với thiên tài của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến nó thành cơn dông tố cách mạng chỉ biết có thắng lợi”.

*

Viết báo, viết văn là một mặt trong các hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi người ta nhận xét: “Phong cách Hồ Chí Minh là cái vĩ đại gắn với cái giản dị” thì chúng ta cũng có thể nói như vậy về phong cách báo chí của Người. Những đề tài báo chí của Bác là lớn lao, vĩ đại, nhưng trong khi viết, Người thể hiện nội dung một cách giản dị, dễ hiểu. Phạm Văn Đồng, trong bài viết “Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp”, đã phân tích sâu sắc nguồn gốc vì nhân dân, vì dân chủ của tính giản dị và dễ hiểu trong phong cách diễn đạt của Bác Hồ.

“…Hồ Chủ tịch rất coi trọng và đúng là đáng coi trọng: Nhân dân lao động Việt Nam và nhân dân lao động các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, là những người không được học, rất ít người biết đọc, biết viết. Cho nên người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh là một nhà lý luận chuyên dùng những lời nói, những cách diễn đạt giản đơn, sáng tỏ, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ và sâu sắc. Trong lời tựa viết cho tập bài giảng ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đảng nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ, trang hoàng gì cả”.

Một nhà báo lớn của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc và bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trường Chinh - cũng nhận xét: “Về văn phong, cách nói và cách viết của Hồ Chủ tịch có những nét rất độc đáo, nội dung khảng khái, thấm thía và đi vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim cả khối óc của người ta, hình thức sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân…Người rất ghét văn chương sáo rỗng, nhạt nhẽo, rất ghét nói hoặc viết dài dòng, khó hiểu, lủng củng, lằng nhằng và kiên quyết phản đối dùng chữ nước ngoài một cách không cần thiết”.

Những ý kiến trên đây của Phạm Văn Đồng và Trường Chinh, những cây bút lão luyện, xin được coi là kim chỉ nam trên bước đường tìm hiểu lâu dài và toàn diện về phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguồn Văn nghệ số 25/2019


Có thể bạn quan tâm