April 20, 2024, 11:13 pm

Kỷ niệm 97 năm Báo chí cách mạng Việt Nam: Hướng đến nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

L

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 là tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Liên quan tới mục tiêu này, việc chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí không chỉ là thay đổi về công nghệ, mà còn giúp thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả. Đây là một trong những nội dung đã được bàn thảo tại Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn” do Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Theo  đó, số liệu của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2019, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in đi xuống, nguồn thu giảm 3,9% so với năm 2018. Từ đầu năm 2020 đến nay, dù chưa có thống kê đầy đủ, song doanh thu của nhiều cơ quan báo chí giảm tới 50%, thậm chí có nơi giảm tới 60-70%.

Tại Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn”  đã chỉ ra những nỗ lực của truyền thông trong quá trình chuyển đối số. Mặc dù trong hơn hai năm qua, dịch Covid 19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội, nhưng lại là phép thủ để truyền thông chuyển đổi số. Đó là sự bùng nổ truyền thông mạng xã hội, xu hướng truyền thông hội tụ, đa phương tiện có tác động mạnh mẽ tới hệ thống báo chí Việt Nam. Đây là thách thức rất lớn, song cũng là thời cơ để các cơ quan báo chí chuyển mình. “Để phát triển kịp với xu hướng thông tin của bạn đọc, các cơ quan báo chí đã bước vào một cuộc đua mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng”, đồng thời góp phần khẳng định, các cơ quan báo chí phải chuyển đổi số, đón đầu công nghệ mới để giữ chân bạn đọc, tăng doanh thu.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30-11-2021, số lượng cơ quan báo chí có phiên bản điện tử là 259/816 (số cơ quan báo và tạp chí thực hiện 2 loại hình báo in và điện tử là 230; báo điện tử độc lập là 29); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh. Một số cơ quan báo chí đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata..., trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại, như: Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, VnExpress...

Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều tham luận của đại biểu đã chỉ ra rằng,  truyền thông Việt Nam thực sự nhập cuộc với chuyển đổi số vẫn còn là cả một quá trình dài, cần có lộ trình. Trước hết phải làm rõ thế nào là chuyển đổi số, minh bạch quan niệm về chuyển đổi số, không phải cứ trang bị máy móc kỹ thuật hiện đại là chuyển đổi số, mà Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề con người, tư duy. Việc này cần nhiều yếu tố, trong đó lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số sẽ giúp chuyển đổi số thành công. Đồng thời, các cơ quan báo chí phải đào tạo cán bộ, phóng viên hiểu và sử dụng thành thạo công nghệ. Có như vậy, truyền thông của Việt Nam mới có thể hướng đến nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

Lê Minh


Có thể bạn quan tâm