April 23, 2024, 3:06 pm

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ (27/7/1947 - 27/7/2022): Về miền ký ức

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ (27/7/1947 - 27/7/2022)

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, 40 văn nghệ sỹ thời kháng chiến là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sỹ, nhiếp ảnh, phóng viên, biên đạo, diễn viên... và họ cũng từng là người lính đã sống và chiến đấu trên vùng đất Khu V - Quảng Nam, họ đến những nơi từng sống, chiến đấu và viếng thăm đồng đội đã hy sinh, nằm lại trên đất Quảng Nam.

Bên mộ nhà báo, nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ

Tuổi hai mươi

 “Tuổi hai mươi ai mà không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc” – Nhà thơ Thanh Thảo đã từng viết như vậy! Những chàng trai, cô gái ở mọi miền Đất nước, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường xung trận. Họ là ai? Sinh viên năm thứ nhất, năm nhì, hay là vừa tốt nghiệp đại học, hay chàng trai chân đất… họ từ chối được đi nước ngoài, họ viết tâm thư bằng máu xin vào miền Nam đánh giặc, cứu nước và họ đã đến mảnh đất của “Máu và lửa”.

Rồi đi qua thời hậu chiến gian nan/ Vẫn bên nhau những con người quả cảm/ Đã xông pha trong chiến tranh chống Mỹ” - Chị Gia Phong - vợ nghệ sỹ Điện ảnh Trần Hữu Thanh đã “xuất khẩu” hai câu thơ khi thấy nhà văn Cao Duy Thảo – tay trong tay, chân phải chống gậy dìu nhà thơ Thanh Thảo bước vào Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Nơi đây, có nhà văn Nguyễn Hồng, biên đạo múa Phương Thảo và tác giả bài thơ nổi tiếng Bóng cây Kơ nia – Ngọc Anh. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm bạn thời đại học và cùng chiến trường nghẹn ngào khấn vái “Hồng ơi! Hôm nay bọn tao về thăm mày đây, đông lắm! Thằng Hà, em mày cũng về đây! Bọn tao gửi cho mày những bông hồng vàng, bởi mày thời học lớp Ngữ văn Tổng hợp rất mê tác phẩm Bông hồng vàng của Paustovsky, cho mày 2 lon sữa ông Thọ để mày uống cho đã thèm…”. Nhà văn Vũ Thị Hồng, Nguyễn Bảo là bạn học ở đại học, bạn ở chiến trường gục đầu vào mộ anh mà khóc, nhắc lại lời tuyên bố nổi tiếng “Nếu chúng mò vào được đây thì trước hết chúng phải bước qua xác tôi”.

Cũng ở đất Điện Bàn, có một ngôi mộ tập thể, cuối năm 1967, nhận được sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà, Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà di chuyển về Gò Nổi, Điện Bàn để dàn dựng, tập luyện chuẩn bị chương trình tiết mục để phục vụ những vùng mới giải phóng. Đến tháng 1/1968, Đoàn về đóng quân ở thôn Vân Ly, xã Điện Hồng (nay xã Điện Quang). Lúc 8 giờ sáng ngày 24/1/1968, một loạt bom quyét của máy bay Mỹ thả trúng ngôi nhà, 12 nghệ sỹ hy sinh. Đây là nỗi đau, sự mất mát lớn nhất của Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà. Nhạc sỹ Văn Cận ra đi nhưng những giai khúc trong bài hát Giữ trọn tình quê đã làm rung động tình cảm bà con hai miền Nam – Bắc trong những năm đất nước bị chia cắt – đặc biệt là những người vợ, những người con gái ở miền Nam có chồng, người yêu đi tập kết ra miền Bắc và cho đến ngày hôm nay.

Khi chị Phương Anh cắm bông hồng trắng đặt lên mộ chị Võ Thị Phương Thảo, rồi khóc nức nở, giọng nghẹn ngào: “Phương Thảo ơi, Phương Anh đây! 55 năm rồi tao mới gặp lại mày đây, tao thì đầu đã bạc, còn mày thì xương tan, thịt nát… Phương Thảo ơi!...”, ai nấy đều nước mắt tràn mi. Nghệ sỹ - Biên đạo múa Phương Thảo và nghệ sỹ múa Phương Anh vào chiến trường Khu 5 vào cuối năm 1966 – hai chị tuổi mới ngoài đôi mươi. Vào chiến trường chưa gần một năm thì chị Phương Thảo hy sinh. Còn chị Phương Anh sau hơn 4 năm lăn lộn trên khắp chiến trường, chị phải ra Bắc chữa bệnh. 55 năm – hơn nửa thế kỷ - hai chị em mới lại được bên nhau, nhưng người thì ở cõi âm, còn người ở cõi trần thì da mồi, tóc bạc.

Phương Thảo – Được mệnh danh là hoa khôi của căn cứ Khu ủy Khu V - từ chối đi du học múa ở Liên Xô, xung phong về Quảng Nam. Ngày 6/4/1967, trong lá thư cuối cùng gởi về gia đình, Phương Thảo đã viết cho ba mẹ những lời đầy tự hào và như lời tiên định về lý tưởng sống “Sống chết là chuyện thường trong cách mạng miền Nam. Nếu sợ và dao động thì vào đây sẽ không làm được việc. Nếu ở miết trên núi thì chẳng khác nào những kẻ đi lánh nạn”. Mặc cho “Ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương/ Đói cơm, lạt muối” những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi với giọng hát, điệu múa, góp sức mình vào “Tiếng hát, át tiếng bom”.

Men theo bờ Nam sông Thu Bồn, Đoàn văn nghệ sỹ kháng chiến Khu V đã đốt những nén hương trầm thơm ngát để tưởng nhớ hương hồn đồng đội đã ngã xuống năm xưa tại Bia Tưởng niệm AHLLVT, nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Chu Cẩm Phong ở thôn Vinh Cường, xã Duy Tân, Duy Xuyên. Nơi đây được chính quyền, các nhà văn Khu 5 đã gom góp tiền, công sức để xây dựng và tôn tạo, tu bổ trở nên khang trang hơn. Bên bờ con khe, căn hầm bí mật mà Chu Cẩm Phong cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh ngày 1/5/1971 đã được phục dựng và trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.

Tại Đài Tưởng niệm trong khuôn viên Bảo tàng Quân V khu ở thành phố Đà Nẵng, khắc tên 208 văn nghệ sỹ, nhà báo hy sinh trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Và riêng tại Quảng Nam, cũng thật khó để kể hết tên các nhà báo, các văn nghệ sỹ đã hy sinh trong những năm chống Mỹ. Chuyến đi này, nhà văn Nguyên Ngọc đành phải vắng mặt. Người vợ đồng cam cộng khổ - cựu tù yêu nước Hồ Thị Tâm vừa ra đi vì bạo bệnh. Nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng gặp chuyện buồn vào phút cuối giờ lên đường. Đồng đội, bạn văn thay ông dâng hương, tưởng niệm người bạn đời - nhà văn – liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.       

Trong cuộc chiến đấu hy sinh giành độc lập, dù khó khăn, gian khổ nhưng trong trái tim của mỗi chàng trai, cô gái luôn có tình yêu nồng cháy như nhà báo - nhà thơ Nguyễn Trọng Định. Những dòng cuối cùng trong nhật ký với nét bút vội vã, nguệch ngoạch “…Em thương yêu! Anh đã xuống đồng bằng và ra mặt trận. Đã hiến thân cho cách mạng thì anh cũng đã hiểu rõ tất cả những gì cần thiết mà mình phải làm trong trận đánh quyết liệt này…. Nhưng dù anh có hy sinh thì em hãy coi đó là một niềm vinh dự, tự hào. Bởi lẽ anh thương yêu của em đã sống trọn vẹn với trách nhiệm một người con của Đảng. Hôn em. Anh ra Mặt trận đây!”. Từ chiến trường, bài Thăm quê hương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, báo Nhân dân vừa in xong thì Nguyễn Trọng Định “tung tẩy, tài hoa” ngã xuống bên dòng sông La Thọ, Điện Phước, Điện Bàn.

Tình Nhân dân 

Năm 1969, Hội Văn nghệ Trung Trung Bộ đóng ở vùng Nước Bui, huyện Trà My. Năm 1971, cơ quan Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ đóng ở Nước Ngheo (nay thuộc xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My). Tới tháng 5 năm 1973, Chi hội đổi tên thành Hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung bộ đóng ở Nước Oa. Từ giữa năm 1973 đến tháng 5/1975, các cơ quan của Khu ủy Trung Trung bộ đóng rải rác ở đôi bờ ven con sông Trà Nô. Chiến trường Khu V là vùng chiến trường trọng điểm, vô cùng ác liệt, đâu đâu cũng có tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom mìn, tiếng súng nổ. Đường dây 559 bị địch đánh phá ác liệt nên không vận chuyển được lương thực từ Bắc vào. Cả Khu V đói. Hằng tháng trời, không có gạo, phải vào rừng lấy măng, lấy nấm mèo, hái rau tàu bay, môn thục, thậm chí phải lấy ruột cây dương xỉ, của móng ngựa… về ăn trừ cơm. Vừa sáng tác, vừa phải làm rẫy trồng lúa, trồng sắn, trồng bắp để tự túc lương thực. Những năm đó vào chiến trường B không mấy ai không bị sốt rét. Bom đạn, đói và sốt rét ác tính đã cướp đi rất nhiều anh chị em văn nghệ sỹ và chiến sỹ giải phóng như họa sỹ Nguyễn Xuân An mất ở dốc Voi vào giữa năm 1972. Theo nhà văn Nguyễn Bá Thâm, họa sĩ Xuân An bị viêm thận mãn tính, nhưng giấu bệnh để được vào chiến trường, chính tay anh xé nữa chiếc võng của mình để quấn thi hài họa sỹ trẻ Xuân An thay cho quan tài.

Kể sao cho hết các anh, các chị đã từng đến đất này, bởi các nghệ sỹ, chiến sỹ có mặt ở chiến trường Quảng Nam vào những thời điểm khác nhau. Người sớm nhất vào năm 1961, nhưng vào năm 1971, 1972, khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, các văn nghệ sỹ, báo chí từ miền Bắc liên tục vào chiến trường Khu V. Thiếu tướng – nhà văn Nguyễn Chí Trung viết Vùng đất đã sinh ra tôi…Bởi vậy, trong mỗi tác phẩm của họ, có thể thấy, nhân dân chính là điểm tựa, là nơi xuất phát và cũng là bến đỗ của các văn nghệ sỹ. Bao khó khăn gian khổ, bao hiểm nguy giữa sự sống và cái chết cũng không ngăn được những bước chân của các văn nghệ sỹ đi thực tế sáng tác ở chiến trường. Ghi lại những chiến công của bộ đội, du kích và của người dân sống trong vùng giải phóng, vùng lõm, vùng địch chiếm đóng những hình ảnh chân thực và sinh động, phản ánh về cuộc sống chiến đấu của những năm tháng cam go, đầy khó khăn gian khổ của quân dân Khu 5, Quảng Nam, Quảng Đà nhưng rất đỗi hào hùng bằng lời ca, những thước phim, những tấm ảnh, những bức ký họa, những bài ký, ghi chép làm tư liệu sống để sáng tác những tác phẩm tầm cỡ sau này. Nhiều tác phẩm, nhiều cá nhân đã đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, đóng góp tài năng vào kho tàng Văn học nghệ thuật cho đất nước.

Chính trên mảnh đất “máu và lửa” này, nhiều gia đình đã hương khói, chăm lo mộ phần và coi các anh, các chị như người ruột thịt của mình. Nơi hy sinh của nhà báo, văn nghệ sỹ được dựng những tấm bia tưởng niệm, hay những ngôi mộ gió… Bia tưởng niệm nhà văn Dương Thị Xuân Quý được dựng trong khuôn viên “đất lành Duy Xuyên” của vợ chồng anh Võ Bắc, bên mộ chị, hoa nở sớm chiều, không bao giờ tắt lặng khói hương. Ông Văn Công Mịch là người đã thờ Chu Cẩm Phong và đồng đội hơn 40 năm qua. Khi chị Phương Thảo hy sinh, bà con địa phương tẩm liệm, chôn cất chu đáo trong mảnh vườn của nhà ông Văn Công Ba; nhân dân La Tháp, Duy Châu luôn hương khói và gìn giữ hơn 40 năm. Gia đình đã đưa chị vào nghĩa trang liệt sĩ, nhưng bà con nơi đây thành tâm xây một ngôi mộ gió nơi nghệ sỹ múa Phương Thảo từng nằm xuống, với tâm nguyện làm nơi trú ngụ cho hương hồn chị.

Tình bạn, tình đồng chí

 Nhà văn Nguyễn Bá Thâm là người Nghệ An, nhưng ông chọn Quảng Nam là quê hương thứ 2, ông thuộc nhiều tên đất, tên làng, từng con đường, ngọn đồi, từng trận đánh, từng chiến công và cả hy sinh mất mát và là người khởi xướng, tiên phong kết nối để làm việc nghĩa với văn nghệ sỹ. Không mấy người biết tất cả bia tưởng niệm của nhà văn Nguyễn Hồng, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý đều đã được vận động xây dựng và chăm nom, thăm viếng chính bởi những văn nghệ sỹ từng chiến đấu tại chiến trường Khu V. Ngay sau ngày giải phóng, hai nhà văn Nguyễn Bảo và Nguyễn Bá Thâm về ven sông Thu Bồn vùng Điện Bàn để tìm hài cốt Nguyễn Hồng.

Ở giới hội họa, những bức ký họa của họa sỹ Hà Xuân Phong được hoạ sỹ Nguyễn Thế Hưng, nhà điêu khắc Phạm Hồng trân trọng gìn giữ và bảo quản an toàn, để sau này tập Ký họa Quảng Nam thời kháng chiến của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam được độc giả đón nhận và coi đây là tư liệu quý hiếm. Họa sỹ Giang Nguyên Thái - Trưởng ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Khu V tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bảo rằng: “Thế hệ chúng tôi đã thực sự trưởng thành từ mảnh đất này và luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình. Mỗi năm chúng tôi đều tổ chức gặp mặt vào cuối tháng 4 để kỷ niệm ngày giải phóng Quảng Nam, cũng là cách nhắc nhớ nhau về mảnh đất ân nặng nghĩa tình”.

Văn nghệ sỹ khi đi qua con đường này – ngày xưa là đường 16, nay là quốc lộ 14E thường dừng chân bên cầu Bà Huỳnh thành kính tri ân, mong muốn vơi đi một phần nỗi đau mất mát của những người đồng chí, đồng đội,  trong đó có họa sỹ Hà Xuân Phong, một họa sỹ tài năng đang hé lộ đã ra đi vào ngày 17/11/1974 bên dòng sông Trà Nô - nguyện cầu cho các hương hồn liệt sỹ được siêu thoát, phù hộ độ trì cho quê hương, đất nước được thanh bình. 

Nhớ hôm Đoàn văn nghệ sỹ đến viếng hương cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ở Nghĩa trang liệt sỹ Bắc Trà My, trong đó có tác giả bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ. Trong cái nắng hè chói chang, tiếng ve râm ran, màu đỏ của hoa mười giờ, trong khói hương nghi ngút, nghe những câu thơ mà chạnh lòng của nhà thơ Đinh Mươk –nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư huyện Nam Trà My “Những ngày giỗ đầu như nhịp bước/ Ảnh bạn đã hoen màu, sợi tóc trắng tôi đâu/ Có thể mình vẫn vậy, cứ bên nhau/ Đêm mơ ngủ, nghe chăng lời tôi gọi/ Có cả thung đồi mùa khô vang dội/ Xác xơ, hun hút một tên người”.

Đoàn đi có những nhà văn trưởng thành từ quân đội: Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Trung Trung Đỉnh, Vũ Thị Hồng (Nguyễn Thị Bắc Hà), Nguyễn Bảo, Đỗ Viết Nghiệm… Từ những trải nghiệm máu lửa, ký ức, thời gian, trầm tích văn hóa của một vùng đất, các chiến sỹ trên mặt trận văn nghệ luôn bám sát hiện thực, sống, chiến đấu như một người lính thực thụ, gắn bó số phận mình với số phận nhân dân.

Nhà báo Lê Tất Cứ mang trong người bạo bệnh, nhưng không hiểu vì sao anh vẫn khỏe, tham gia hết chuyến đi của đoàn, anh cười bảo chắc do các anh linh anh hùng liệt sỹ phù hộ. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, mấy năm nay anh bị bệnh nặng, vừa mới ghép vào cơ thể một bộ phận quan trọng. Cầm củ sắn luộc được Ban Tuyên giáo huyện Hiệp Đức “đãi” trước sân nhà của bác Võ Chí Công ở Căn cứ Phước Trà, ông kể “Bữa cơm đầu tiên vào chiến trường Quảng Nam, là sắn, sắn với “cơm” nhưng đâu được 5 hạt cơm, độn canh lá sắn luộc muối chua, canh môn thục, môn dóc với ốc suối. Điêu khắc gia Trần Luân Tín, năm 1971 khi đó vừa 20 tuổi và là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, vào bộ đội, là chiến sỹ Tiểu đoàn 18 thông tin Sư đoàn 325 Quân đoàn 2. Ông trực tiếp tham chiến tại Thành cổ Quảng Trị những năm 1972 rực lửa, ông cũng là tác giả của Được sống và kể lại. Đến căn cứ Nước Oa, ông ghi vào cuốn sổ tay “Lần thứ ba về lại Quảng Nam cùng những người bạn. Thực sự là bạn cho dù cũ hay mới, vì sự đồng điệu của khoảnh khắc thanh xuân nồng nhiệt”.

Chuyến về nguồn, thăm chiến trường xưa trên đất Quảng Nam, Đà Nẵng của các Văn nghệ sỹ kháng chiến Khu V thời chống Mỹ đã giúp các văn nghệ sỹ được về, được đến những nơi mà cách đây 50 năm, 60 năm họ đã “Tôi luyện” tuổi trẻ của mình trong lửa đạn, để có những tác phẩm Văn học nghệ thuật góp mặt cho đời. Và đặc biệt, đất Quảng Nam, đất Khu 5 đã là điểm xuất phát đầu tiên giúp họ sống tốt với đời.

Nguồn Văn nghệ số 30/2022


Có thể bạn quan tâm