March 29, 2024, 6:21 am

Kỷ niệm 70 năm Báo Văn nghệ ra số đầu tiên: 70 Năm và Những dấu ấn lịch sử

 

Năm 1943, Đảng ta công bố Đề cương văn hóa, cùng với việc công bố bản đề cương, Hội văn hóa Cứu quốc đã ra đời và cơ quan ngôn luận của Hội văn hóa Cứu quốc là tạp chí Tiên phong cũng được thành lập. Sau chiến dịch Thu Đông năm 1947, Trung ương Đảng đã giao cho đồng chí Tố Hữu đứng ra tập hợp đội ngũ Văn nghệ sĩ kháng chiến làm nòng cốt để thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam với tôn chỉ mục đích là từng bước thực hiện đề cương Văn hóa của Đảng, xây dựng nền Văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam là Tạp chí Văn nghệ cũng được thành lập, kế tục sự nghiệp của tạp chí Tiên phong. Trở thành diễn đàn, nơi tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ tiến bộ, tài năng nhất lúc bấy giờ để phục vụ sự nghiệp xây dựng nền văn hóa của Đảng.

 

Hồ Chủ Tịch cùng nhà thơ Tố Hữu và các nhà văn miền Nam Phan Tứ, Trần Đình Vân. Ảnh TL

Tháng 3-1948, ngay sau chiến thắng Sông Lô, số đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ đã ra mắt bạn đọc. Ngay trong số đầu tiên, tạp chí Văn nghệ đã cho công bố những tác phẩm rất quan trọng, nhanh chóng trở thành những áng văn thơ kháng chiến kiệt xuất và còn nguyên giá trị tới ngày hôm nay như bài thơ Cá nước của nhà thơ Tố Hữu, bài thơ Nhớ máu của nhà thơ Trần Mai Ninh, truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân, bút ký Ấp Đồi cháy của nhà văn Nguyên Hồng, bài tiểu luận Nhận đường của nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc phẩm Sông Lô của nhạc sỹ Văn Cao…

Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù vô cùng khó khăn, ác liệt nhưng Tạp chí Văn nghệ vẫn ra được 56 số… Những tác phẩm văn thơ, nhạc họa kiệt xuất viết về cuộc kháng chiến chống Pháp còn lại đến ngày hôm nay đều được công bố lần đầu tiên trên tạp chí này. Một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu dần hình thành tập hợp xung quanh Hội Văn nghệ Việt Nam và tạp chí Văn nghệ… Sau nhà thơ Tố Hữu, các nhà văn nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… lần lượt thay nhau lãnh đạo tạp chí Văn Nghệ.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đội ngũ Văn nghệ sĩ Việt Nam đã trở nên đông đảo, hùng hậu… nhiều cơ quan báo chí mới đã ra đời… Tháng 3-1957, sau Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, bên cạnh việc tiếp tục xuất bản Tạp chí Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam được phép xuất bản một tờ báo riêng nhưng vẫn tiếp nối truyền thống của Tạp chí Văn nghệ. Thời gian đầu tờ báo của Hội Nhà văn lấy tên là báo Văn, sau đổi tên thành báo Văn học. Đến Tháng 5-1963, Tạp chí Văn nghệ được sáp nhập với Tuần báo Văn học, trở thành Tuần báo Văn nghệ trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tuần báo Văn nghệ dần định hình, trở thành một diễn đàn quan trọng nhất của văn nghệ sĩ nước nhà. Cho dù về sau Tuần báo Văn nghệ được giao cho Hội Nhà văn quản lý, nhưng tôn chỉ mục đích vẫn không thay đổi, luôn trung thành với đường lối Văn hóa Văn nghệ của Đảng và kế thừa vững chắc và ngày càng có chiều sâu truyền thống của tạp chí Tiên phong, tạp chí Văn nghệ từ  buổi ban đầu.

Với phương châm “Văn nghệ sĩ đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước”, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến cao trào, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời thì cùng thời điểm này Hội Văn nghệ Giải phóng với cơ quan ngôn luận là tờ Văn nghệ Giải phóng cũng ra đời… Nhiều nhà văn nhà thơ từ Miền Bắc, từ báo Văn nghệ đã lên đường vào chi viện cho chiến trường Miền Nam, chi viện cho Văn nghệ Miền Nam. Chính tại những nơi chiến trường ác liệt này nhiều tác phẩm nổi tiếng đã ra đời, trong đó không ít tác phẩm được in trên báo Văn nghệ tại Hà Nội trong các chuyên mục tác phẩm từ Miền Nam gửi ra, hay thư từ tiền tuyến đã góp phần kết nối Văn nghệ hai miền cùng tiếp lửa cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Báo Văn nghệ Giải phóng ra số đầu tiên vào ngày 15-1-1961 tại vùng đất thép Củ Chi. Số cuối cùng là số 135 ra ngày 21-1-1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh trước khi sát nhập với báo Văn nghệ. Trong những năm chiến tranh khói lửa, có 4 văn nghệ sĩ, nhà báo của Văn nghệ Giải phóng đã hy sinh trên các nẻo đường ra trận. Đó là Nhà văn, nghệ sĩ Trần Hữu Trang, Tổng biên tập đầu tiên của Văn nghệ Giải phóng, tiếp đó là nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà báo Phan Văn Hy, nhà báo Hồng Tân… Có thể nói, xuất bản Văn nghệ Giải phóng tại chiến trường Miền Nam, đội ngũ văn nghệ sỹ Việt Nam đã thể hiện rõ thái độ đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước trong những năm tháng thử thách khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giải phóng Miền Nam, thực hiện khát vọng thống nhất non sông đất nước của Đảng, của Bác Hồ và của toàn dân tộc ta.

Sau ngày đất nước thống nhất, ngày 29-1-1977 Hội Văn nghệ Việt Nam hợp nhất với Hội Văn nghệ Giải phóng, báo Văn nghệ hợp nhất với báo Văn nghệ Giải phóng, thực hiện được nguyện vọng của toàn dân tộc “Bắc Nam thống nhất, Văn nghệ một nhà”. Từ đây báo Văn nghệ được tăng cường thêm đội ngũ, tăng cường động lực, mở rộng phạm vi hoạt động để thực sự trở thành một tờ báo Văn nghệ của cả nước, cùng cả nước bước vào thời kì mới –Thời kì xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam thống nhất, ngày càng gìàu đẹp phồn vinh, xã hội công bằng dân chủ văn minh

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng về văn hóa, con người là một công cuộc nhiều khó khăn thử thách, có khi còn gian nan vất vả hơn cả nhiệm vụ xây dựng phục hồi kinh tế sau chiến tranh. Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Đoàn và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở thành một diễn đàn chính, một địa chỉ tin cậy để tập hợp và xây dựng đội ngũ các nhà văn Việt Nam. Trong đội ngũ những người làm báo tại báo Văn nghệ luôn xuất hiện những cây bút xuất sắc, những tác giả đi tiên phong trong việc khám phá những đề tài mới, những vùng đất mới, con người mới. Bên cạnh đó phải kể đến sự trưởng thành của hàng ngàn cộng tác viên của báo Văn nghệ trên khắp đất nước, trong đó hàng trăm cộng tác viên nòng cốt của báo Văn nghệ đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Đồng hành cùng dân tộc trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống xâm lược, các nhà văn Việt Nam, trong đó có đội ngũ những người làm báo Văn nghệ đã nhanh chóng bắt nhịp cùng đất nước trong sự nghiệp đổi mới. Trong những năm tháng sôi động khi Đảng ta bắt đầu khởi động công cuộc đổi mới, báo Văn nghệ thực sự đã trở thành một cơ quan ngôn luận nhanh nhạy, hiệu quả, có tính chiến đấu cao, bắt nhịp được với hơi thở của một cuộc cách mạng xã hội hết sức mới mẻ đang hình thành. Nhiều người nhắc tới thời kỳ đầu công cuộc đổi mới, báo Văn nghệ cũng bước vào thời kỳ vàng son của mình, chưa bao giờ báo Văn nghệ được chờ đón và hy vọng nhiều đến như vậy. Các nhà văn làm việc tại báo Văn nghệ thời kỳ đó rất hiểu sự kỳ vọng đó của bạn đọc, của nhân dân nên đã có những nỗ lực vượt bậc để kết nối với đội ngũ cộng tác viên trong cả nước, nắm bắt từng sự kiện nhỏ, từng nhịp đập của cuộc sống để đi và viết nên nhưng trang bút ký, phóng sự nóng hổi, giàu sức chiến đấu, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc đổi mới, cách tân xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Nhiệt huyết đó luôn được duy trì và nuôi dưỡng trong suốt nhiều năm qua, khi công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu thì các sáng tác trên báo Văn nghệ cũng thiên về kiếm tìm những nét đẹp mới trong tâm hồn người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Hội nhập quốc tế. Trong cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ ấy, mức độ thành công đôi khi rất khác nhau, thậm chí có cả những thất bại, vấp váp, nhưng những người làm báo Văn nghệ và bạn viết, bạn đọc của mình vẫn không chán nản, gục ngã, ngược lại ngày càng trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, sắc bén hơn.

Trong những năm gần đây, khi cơ chế thị trường đã ăn sâu bén rễ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, khi cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã khiến toàn xã hôi, nhất là thế hệ bạn đọc trẻ bị phân tâm, lượng người đọc văn học ngày càng giảm sút thì báo Văn nghệ cũng như toàn bộ hệ thống báo in, nhất là hệ thống báo chỉ dành riêng cho văn chương nghệ thuật, đang đứng trước những thử thách nghiệt ngã, thậm chí là những thử thách mang tính sống còn. Trước tình hình đó, cùng với đội ngũ bạn viết, bạn đọc chung thủy của mình, báo Văn nghệ đã nỗ lực để trụ vững, không thỏa hiệp trước xu hướng thương mại hóa, kiên quyết giữ vững tôn chỉ mục đích, giữ vững chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghệ thuật và lý tưởng xã hội mà các thế hệ những người làm báo Văn nghệ trong 70 năm qua đã, khai lập và nuôi dưỡng. Ngọn lửa thiêng liêng được các thế hệ đi trước trao lại, đến nay vẫn rừng rực cháy, soi sáng con đường đầy khó khăn mà những người làm báo Văn nghệ ngày hôm nay đang nỗ lực và dũng cảm vượt qua

                                                                         

  VĂN NGHỆ

 

 

 


Có thể bạn quan tâm