April 26, 2024, 2:35 am

Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019): Điện Biên Phủ, 65 năm và một góc nhìn từ phía bên kia

 

Tôi may mắn được lớn lên khi đất nước đã bình yên, khi đó dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng chiến tranh chỉ còn là một tiếng vọng xa xôi! Tôi không biết có thể gọi là may mắn khi được sinh ra lớn lên và tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, rồi lập nghiệp tại Pháp. Hai quốc gia mà trong lịch sử đã có những mối quan hệ phức tạp, đôi khi đớn đau… May mắn là trang sử cũ đã khép lại và một trang mới đã mở ra! Việt – Pháp đã có quan hệ song phương, bình đẳng trong mọi lĩnh vực và tiến triển theo hướng tốt đẹp!

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sống tại Pháp, mỗi khi đến kỳ kỷ niệm những sự kiện lớn trong mối quan hệ lịch sử Pháp – Việt, tôi lại lần hồi đi khắp nước Pháp để tìm kiếm những nhân chứng sống, bởi tôi không muốn chỉ đọc những tư liệu mà còn muốn nghe, muốn thấy những luồng cảm xúc hiện rõ trong mắt, trên mặt những nhân vật của tôi khi khiến họ sống lại những giây phút hào hùng hoặc đớn đau khi xưa, và tôi luôn gặp may bởi được những nhân vật của mình đón tiếp rất tử tế.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại ôm máy xách túi đi đến các vùng nước Pháp tìm gặp những cựu chiến binh Pháp đã từng tham chiến tại Điện Biên Phủ, chứng kiến giờ phút cuối cùng của trận chiến khi nhận lệnh ngừng bắn và buông súng. Trong bài viết này tôi chưa dám và sẽ không phán xét ai đúng ai sai, bởi họ là những người lính, phải tuân lệnh cấp trên. Tôi cũng không bình về các chiến thuật chiến lược dẫn đến sự thắng bại trận của mỗi bên. Với tôi, cho dù là các sỹ quan binh lính Pháp hay bộ đội Việt Minh đã tham gia trận chiến Điện Biên Phủ thì đều đã trở thành những con người của lịch sử, bởi họ đã tham dự vào một trang sử trọng đại của thế giới, khắc sâu ghi dấu của thế kỷ 20.

Vâng, tôi đã đến gặp họ, những người lính ngày ấy giờ đã trên dưới 90 tuổi. Khi kể cho tôi nghe câu chuyện của họ, có người giữ được bình tĩnh hơn người khác, họ thực sự sống lại những ngày tháng ấy. Xúc động, có lúc cả tôi và họ đều rơi lệ… Lúc đầu, tôi đã nghĩ mình độc ác khi khơi gợi những kỷ niệm đớn đau nơi các cựu binh già ấy. Nhưng họ đều rất vui khi gặp tôi và còn cám ơn vì đã cho họ điều kiện thổ lộ những suy nghĩ của mình về cuộc chiến tranh Đông Dương, về tình người trong sự sống còn, cả những suy nghĩ của họ về trận chiến Điện Biên Phủ… Một số người đã tháp tùng Thủ tướng Pháp nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11 năm 2018, và đó là lần đầu tiên họ quay lại nơi này kể từ năm 1954. Họ đã rất xúc động khi thăm lại chiến trường xưa, gặp lại một số người đã từng là địch thủ trên chiến trận. Và tất cả đều đã rất vui khi chứng kiến sự phát triển của Việt Nam.

Khi ngồi nghe lại những đoạn băng ghi âm để viết những dòng này, tôi vẫn còn xúc động. Thi thoảng, đoạn băng có những khoảng lặng dài, tôi nhớ lúc đó những nhận vật của mình đã rất ngồi im rất lâu, hình như những cảm xúc đã ngăn họ cất tiếng. Đã có lúc, như một bản năng, tôi đã đặt tay mình lên tay những người cựu binh già đang chìm đắm trong hồi ức, khi đó đang đặt trên mặt bàn, hoặc trên đầu gối. Những ngón tay gầy guộc già nua run rẩy. Tôi mường tượng ra những cảnh dữ dội mà họ đã trải qua và đang kể lại. Và tôi tự đặt câu hỏi: Phía Pháp như vậy, phía Việt Minh chắc còn khủng khiếp hơn nhiều!... Trong đầu tôi, hình ảnh đang được kể lại cứ đan xen những hình ảnh của bộ đội Việt Minh, những hình ảnh mà tôi đã từng được xem, được thấy từ khi còn rất nhỏ ở trường học, trong những trang sách, trên truyền thông, và chúng bỗng trở nên sống động…

*

Tôi đến thành phố Tours để gặp ông Jacques Allaire. Hồi đó ông là Trung úy, chỉ huy một phân đội ở tiểu đoàn 6 lính dù của Quân đội Thuộc địa, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đại tá Bigeard. Ông hồi hưu Quân đội Pháp với quân hàm Đại tá, hiện sống cùng phu nhân tại một khu sang trọng quay ra sông Loire. Tours cách Paris gần 300 km. Đây là một thành phố đẹp, yên tĩnh với nhiều biệt thự có mái lợp đá cổ kính, đã trở nên thâm trầm theo thời gian và có dòng sông Loire chảy qua chia thành phố làm đôi nửa. Đại tá Allaire đã đến Việt Nam ba lần trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. “Lần thứ nhất vì tò mò, lần thứ hai thì hiểu thêm chút về Đông Dương” - ông nói. Ông cảm thấy yêu vùng đất với những con người dễ mến, ông nhận thấy “dân tộc này không hoang dã như người ta vẫn dạy chúng tôi trong các trường học mà trên thực tế, họ rất văn minh”, và về vấn đề này thì ông không phải là người đầu tiên đã nghĩ như thế, bởi trước ông, nhà văn Claude Farrère đã có dịp đến Đông Dương đã ghi nhận trong tác phẩm Những người văn minh (Les Civilisés) xuất bản năm 1905 và tác phẩm đã đạt giải Goncourt trong cùng năm ấy.

Tác giả Hiệu Constant với  cựu Đại tá Jacques Allaire

Ông kể : - “Tôi đi khắp nơi trên bán đảo Đông dương và sau khi Việt Minh tấn công vào tháng 3 năm 1954, chúng tôi quay lại Điện Biên Phủ lần 2 vào ngày 13 tháng 3 để chuẩn bị cho chiến dịch. Tôi còn nhớ những sẽ rất khó để kể ra. Đầu tiên, tôi đóng trên đồi Dominique, sau đó đến Eliane, và tôi kết thúc cuộc chiến tại đồi Eliane.... Cứ như thế, tôi đã kiên nhẫn và ông đã kể cho tôi nghe suốt chuỗi ngày diễn ra trận chiến. Theo ông, điều ông ghi khắc nhất trong ký ức đó là khi trận chiến kết thúc, khi nhận được lệnh dừng chiến, “… vì tất cả các đồi đều đã thất thủ, chúng tôi hoàn toàn bị bao vậy, và trong giây phút đó tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ trở thành tù binh

Tôi đề nghị ông kể về những thời khắc dữ dội và đau đớn nhất, ông nói: “Nếu phải tìm những thời khắc khó khăn và đau đớn nhất hồi đó thì sẽ có rất nhiều. Chúng tôi đã chiến đấu dữ dội từ ngày 13 tháng 3 đến mùng 7 tháng 5. Chúng tôi đã phải chịu đựng sức ép của các binh đoàn Việt Minh, chúng tôi đã tự hỏi liệu có ngày trở về không? Vào ngày cuộc chiến dừng, sự im lặng bao trùm lên khắp vùng đồng bằng, không một tiếng động, lúc ấy là một cái gì đó phi thực tế. Sau khi đã sống như trong địa ngục trần gian với tiếng inh ỏi của đạn pháo, của súng liên thanh nhiều tuần liền, khi trận chiến dừng lại, ta có cảm giác như đang ở trong một thế giới khác

Làm như vô tình, vào cuối mỗi buổi trò chuyện, tôi đều đặt câu hỏi liên quan đến việc Điện Biên Phủ thất thủ, Allaire trả lời: “Việc quân đội Pháp bị thua tại Đông Dương là điều tất yếu. Là chiến binh, chúng tôi buộc phải tuân lệnh cấp trên. Cá nhân tôi cho rằng chúng tôi vì hiếu kỳ của tuổi trẻ và tuân lệnh mà đi bảo vệ một cái gì đó còn rất mơ hồ, trong khi các chiến binh Việt Minh, họ muốn lấy lại nền độc lập của họ. Và đã liên quan đến Độc lập Quốc gia thì bất kỳ người con nào cũng tràn đầy nhiệt huyết và họ đã chiến thắng! Họ xứng đáng điều đó!

*

Theo dòng địa chỉ, tôi đến vùng Cherbourg để gặp ông François de Vaugiraud. Hiện ông trú cùng phu nhân tại một tòa lâu đài thời Phục hưng giữa một khu điền trang mênh mông, xa hẳn khu dân cư khác thuộc một ngôi làng nhỏ mang tên Sainte-Marguerite-d'Elle. Đó là một vùng quê cận tây bắc nước Pháp cách Paris gần 400 km... Qua điện thoại, François đã khá hồ hơi đồng ý tiếp tôi

Ông François de Vaugiraud

Sáng hôm đó, trên đường đưa tôi từ ga về nhà mình, ông François đã kịp giới thiệu với tôi đôi nét về vùng quê của ông. Theo ông thì cuộc sống ở đây khá vất vả, đến nỗi “thậm chí dân nhập cư còn không thèm đến sinh sống”… François nói say sưa về quê hương mình, như để khỏa lấp một điều gì đó. Tôi có cảm giác ông hơi ngại khi tôi sẽ chính thức đặt những câu hỏi về Điện Biên Phủ, về những ngày ông tham chiến tại Đông Dương. Quả vậy, khi tôi bắt đầu bật máy, ông đã nói ông chẳng nhớ gì hết. Ông có mặt tại Điện Biên Phủ từ tháng giêng năm 1954 cho đến khi kết thúc trận chiến, là Trung sỹ thuộc Trung đoàn Thiện xạ Marốc (Régiment Tirailleurs Marocain) đóng chốt tại đồi Eliane2 cùng ban chỉ huy, được giao nhiệm vụ ghi chép tất cả những gì diễn ra trong ngày: “Tôi đã không nhìn thấy gì hết, tôi chỉ thực sự nhìn thấy quân Việt Minh khi tôi bị bắt làm tù binh… ”. Ông chỉ giữ lại ký ức về chuỗi ngày sau khi bị bắt: “Chúng tôi đã đi bộ bảy trăm kilomet. Cái gì cũng thiếu thốn và rất đói. Tôi không trách các cán bộ Việt Minh đi tháp tùng chúng tôi, bởi họ cũng chỉ được ăn như chúng tôi. Nhưng nhiều bạn chiến đấu của tôi chết trên đường đi, do đói, do thiếu thuốc chữa trị…

Mặc dù những gợi ý của tôi, nhưng ông chỉ trả lời rất ngắn rồi lại nói sang chuyện khác. Ông kể cho tôi nghe về châu Phi, nơi ông đã đến và ở lỳ tại đó 6 năm liền. “Sau khi từ Đông Dương trở về vào tháng 9 năm 1954, được chăm sóc sức khỏe tích cực nên hồi phục khá nhanh, tôi đi châu Phi ngay… ” - “Tại sao vậy?” – tôi buột miệng hỏi. “Tôi cũng không biết, chỉ là tôi muốn thay đổi chính mình. Tôi không muốn sống tại Pháp nữa. Mọi người không hiểu chúng tôi, không ai có thể hình dung những cơ cực mà chúng tôi đã chịu đựng. Họ chỉ biết là chúng tôi bị thất trận… Tất cả những chuyện đó để vì cái gì chứ…”. Giọng ông như nghẹn lại: “Cuộc chiến tại Điện Biên Phủ đã khiến tôi có một cái nhìn khác về cuộc đời, về cuộc sống và con người… 

Khi đưa tôi ra ga tàu để trở về Paris, François đã cầm tay tôi rất lâu, cám ơn tôi đã ghé thăm, cho ông cơ hội được nói chuyện về Điện Biên Phủ “Hãy quay lại thăm tôi vào một dịp khác, tôi sẽ nhớ lại và kể cho cô nghe. Lần này, cô đến đường đột…, đã mấy chục năm tôi không đả động đến chuyện này, bởi không ai hỏi đến, không ai chịu ngồi nghe tôi nói chuyện một cách nghiêm túc… 

*

William Schilaroi tiếp tôi trong một quán cà phê ở Paris. Ông có lẽ là người có nhiều cảm xúc nhất trong số những khách mời của tôi. Hồi đó ông thuộc tiểu đoàn 8 Lính Dù Thiện xạ, và hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Pháp. Tôi đã gặp ông hai lần. Lần đầu gặp ông, tôi đã hơi ngài ngại, bởi có vẻ như những hình ảnh ngày ấy vẫn còn rất sống động trong ký ức ông. Mặt và mắt ông luôn đỏ trong suốt cuộc trò chuyện. Có những lúc tôi nhận thấy những giọt nước mắt rịn ra, lăn dài theo sống mũi ông. Chiến đấu ở tuyến đầu trong trận chiến Điện Biên Phủ nên ông đã bị thương năm lần. Những khốn cùng mà ông phải chịu đựng trong suốt trận chiến cứ theo lời ông tuôn ra. Hừng hực và dữ dội khiến nhiều lúc tôi phải rót nước mời ông, với mong muốn khiến ông dịu lại. Dẫu vậy, chưa một lần ông mở lời trách cứ quân Việt Minh và nhân dân Việt Nam, mà ngược lại ông luôn hàm ơn những con người đã giúp đỡ ông trong chuyến đi bộ dài 700 km với hai chiếc nạng làm tạm. “Đã có những con dòi rúc rỉa những vết thương của tôi, nhức nhối vô cùng!. Trong những câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt, tôi hiểu ông trách ban chỉ huy chiến dịch Pháp, đã bỏ rơi binh lính, đã bỏ rơi các ông. Tôi tin lời ông. “Cuộc chiến Điện Biên Phủ đã tái sinh tôi. Tôi trở thành một con người khác. Trong chuỗi ngày khủng khiếp đó, tôi đã phát nguyện rằng nếu tôi sống sót trở về, tôi sẽ dành trọn phần đời để làm thiện nguyện…. Quả vậy, ông đã rời Quân đội Pháp ngay khi từ Đông Dương trở về, và bằng những kinh nghiệm lĩnh hội được từ chính các đợt tập luyện để phục hổi sức khỏe của mình, ông chuyển sang làm việc trong ngành Thể thao và hiện giờ vẫn tiếp tục làm việc miễn phí trong các câu lạc bộ. “Tôi muốn lớp trẻ sống có ích hơn”… Ông kết thúc cuộc trò chuyện sau khi đã cho tôi xem lọ đất được lấy từ đồi Eliane2, và chỉ được sử dụng trong dịp có một thành viện hội Cựu chiến binh Điện Biên Phủ qua đời, họ sẽ rắc một chút đất ấy xuống nấm mộ. Với các cựu chiến binh Điện Biên Phủ, họ muốn đem theo mình một nắm đất của Việt Nam!

Ông William Schilaroi

*

Pierre Flamen sống tại một thành phố nhỏ nằm ở ngoại ô Paris. Dẫu ông không nói và giải thích với tôi rằng ông tôn trọng bí mật quân sự, nhưng qua những câu chuyện ông thổ lộ, tôi đoán ông là một nhà quân sự chuyên nghiệp, và là lính trinh sát. Ông là một trong những sỹ quan Pháp hiếm hoi trong nhiều đêm đã đến tận giao thông hào của Việt Minh ngay khi họ bắt đầu xây dựng những công trình này. “Tôi đã trình lên ban chỉ huy trận chiến, nhưng đã chẳng ai quan tâm. Pháp thua tại Điện Biên Phủ chính là do các Tướng Tá đã coi thường Việt Minh…. Ông cho tôi xem toàn bộ các tấm bản đồ ngày ấy và nhấn mạnh rằng chúng được được chụp từ trên máy bay chứ không phải được vẽ theo trí nhớ. Ông chỉ cho tôi từng cụm cứ điểm, từng ngày giờ mà nơi ấy thất thủ. Giọng ông cứ đều đều không âm sắc, ông kể đã rất không vui khi một số binh lính thuộc địa Pháp đã bỏ chốt ngay khi bắt đầu nổ súng “Họ đã không hề bị thương tích, trong suốt trận chiến quần áo họ vẫn sạch sẽ… . Ông nói đã không hề xấu hổ vì mình. Theo ông, là một người lính, trước khi tham trận đã phải xác định mọi chuyện đều có thể xảy đến, bị chết bị bắt…

Theo giọng ông kể, tôi nhận thấy cuộc sống của ông rất nhẹ nhàng: “Trong suốt thời kỳ ở Đông Dương, với tôi, thời kỳ bị bắt là nhẹ nhàng nhất. Tôi được tự do, được rũ bỏ hết mọi trách nhiệm và lo lắng…. Sau một hồi trầm ngâm ông tiếp tục “Lúc được lệnh ngừng bắn, lúc quân Việt Minh đến gặp chúng tôi trong giao thông hào, chúng tôi đều đã rất vui, cứ ngỡ có thể ôm hôn nhau. Vì lúc đó là chấm dứt chuỗi ngày địa ngục trần gian. Của cả hai phía!. Ông kể trong chặng đường đến nơi tập kết tù binh ở tỉnh Thanh Hóa, ông đã được đi cùng với một sỹ quan Việt Minh rất vui tính, “đến nỗi tôi bỏ ý định tẩu thoát, vì trước đó tôi đã bỏ trốn ba lần. Không, chúng tôi còn nhẹ nhàng thanh thản hơn các quân nhân Việt Minh đi tháp tùng, bởi chúng tôi đi tay không, còn họ thì phải mang súng và đồ đạc…

Ông Pierre Flamen

Chuyện ông kể còn dài, rất dài. Tôi chỉ lắng nghe mà chưa dám phán xét những điều ông kể, nhưng rút cục, ông đã chỉ trở về Pháp vào tháng 11 năm 1954, khi diễn ra sự kiện trao trả tù binh giữa Việt Nam và Pháp. Ông cũng tha thiết muốn gặp lại người cán bộ Việt Minh vui tính và thân thiện đã đi tháp tùng tù binh năm xưa “Nhưng tôi chẳng biết làm thế nào, tôi thậm chí còn không biết tên ông ấy….

*

Trong lần tìm hiểu những nhân chứng sống đã tham chiến tại Điện Biên Phủ này, tôi còn liên hệ gặp gỡ một số người khác nữa, có người đã thẳng thừng từ chối tiếp tôi, có người tiếp tôi với lời đề nghị ghi chép nhưng đừng viết ngay về họ, gắng đợi họ “về thế giới bên kia” thì hãy xử lý câu chuyện họ kể… Thế nhưng có một điểm chung là tất cả các cựu chiến binh Pháp đã từng tham trận tại Điện Biên Phủ đều mang trong mình tình cảm đối với Việt Nam, với nhân dân Việt Nam. Theo họ, đó là một dân tộc hiếu khách và thân thiện. Với họ, trận chiến Điện Biên Phủ là câu chuyện cấp nhà nước, cấp chính phủ. Họ cũng không oán thán hay hận thù quân đội Việt Minh mà trong suốt câu chuyện, họ luôn tỏ ra khâm phục các chiến thuật chiến lược của ban chỉ huy quân đội Việt Minh, họ ngưỡng mộ các chiến sỹ Việt Minh đã rất quả cảm, kiên cường và gan dạ, được huấn luyện và chỉ huy tốt, trên dưới đồng lòng. Đúng như Allaire và Flamen đã khẳng định: “Việt Minh có đầy đủ mọi thứ để chiến thắng! Và họ đã chiến thắng!

Với thời gian và thái độ khép lại quá khứ để cùng nhìn về tương lai, lịch sử ngoại giao Pháp – Việt đã chuyển sang một trang mới, mọi chuyện ngày xưa đã kết thúc. Những câu chuyện hôm nay tôi được nghe, dẫu sao cũng chỉ còn là ký ức. Một ký ức phảng phất buồn nhưng không dễ lãng quên

Paris tháng tư năm 2019

 

 

 


Có thể bạn quan tâm