April 25, 2024, 2:44 pm

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2023): “Di sản Hồ Chí Minh toả sáng giá trị dân tộc và thời đại”

KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890-19/5/2023)

 

Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh điểm bắt đầu và kết thúc đều hướng đến giải phóng con người, chăm lo cho hạnh phúc của con người. Di sản Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.

Sinh thời, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, người dân lầm than, cực khổ, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Trên hành trình bôn ba ấy, Người đã hoạt động tại nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều nền văn minh và nhiều dân tộc trên thế giới. Kết tinh từ văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại đã mang đến cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một thế giới quan độc đáo, để từ đó tư tưởng, giá trị nhân văn, đạo đức, nhân cách của Người lan tỏa mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tới các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, công lý, tiến bộ ở nhiều nơi trên thế giới. Những giá trị di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính phổ quát, vượt thời đại, là những vấn đề mà Việt Nam và nhân loại vẫn đang nỗ lực bảo vệ và theo đuổi. Những tư tưởng của Người về văn hóa, giáo dục cũng chính là sứ mệnh của UNESCO đang thúc đẩy như vai trò đa dạng văn hóa (diệt giặc dốt gắn liền với xóa nạn mù chữ, học tập suốt đời gắn với giáo dục toàn cầu; trồng cây gắn với bảo vệ môi trường). “Với những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1987, UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh, khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”

“… Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội…”

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), sáng ngày 11/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Hội thảo khoa “Di sản Hồ Chí Minh toả sáng giá trị dân tộc và thời đại”. Hội thảo diễn ra theo hai phiên: Phiên 1 với chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”; và phiên 2 với chủ đề “Các hoạt động lan tỏa di sản Hồ Chí Minh”, góp phần làm rõ thêm công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam; góp phần thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội thảo đã đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ những giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Tiếp tục khẳng định, di sản Hồ Chí Minh mãi mãi tỏa sáng, có giá trị vĩnh hằng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong công cuộc đổi mới hiện nay, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân loại. Chính vì vậy, công tác nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo di sản Hồ Chí Minh trong thời điểm hiện tại cũng như giai đoạn tiếp theo sẽ cho chúng ta có đầy đủ nhận thức hơn, sâu sắc hơn giá trị to lớn di sản của Người đối với dân tộc và nhân loại, đồng thời, làm cho giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh ngày càng tỏa sáng, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại.

Di sản Hồ Chí Minh là ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thức tỉnh dân tộc và nhân dân các nước thuộc địa vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh bại chủ nghĩa thực dân, góp phần vì những giá trị chung cao đẹp của nhân loại tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của khát vọng hòa bình, của tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Người đề xuất nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước có các chế độ xã hội khác nhau, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, bất đồng trên cơ sở hòa bình. Người đã bắc những nhịp cầu hữu nghị, giao lưu, hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Bằng tư tưởng tiến bộ, sự nhận thức sâu sắc về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn xa trông rộng, đi tắt đón đầu và lường trước những xu thế chính trị sẽ xuất hiện trong tương lai, Người đã kiến tạo Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, một nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc. Người đã xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm huy động, tập hợp sức mạnh từ các lực lượng, phát huy cao độ các nguồn lực để xây dựng và chấn hưng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ sau giá trị di sản quý báu về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với đặc điểm dân tộc và thời đại.

Di sản mang tính bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đối với dân tộc và thời đại, tiêu biểu và thực sự nổi bật cho đất nước chính là việc lựa chọn, tìm ra, thiết kế và xây dựng con đường độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới của đất nước thì tìm hiểu về di sản Hồ Chí Minh để thấy được những tư tưởng, luận điểm, quan điểm của Người về đường lối đổi mới đã góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần phải nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, thực hiện tâm nguyện cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ những Hoạt động Hồ Chí Minh, cách nhìn Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, suy nghĩ, tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy: Hồ Chí Minh dùng văn hóa như một chất keo, sợi dây gắn kết các dân tộc, xóa đi tất cả những khoảng cách. Ngay cả khi người Pháp, người Mỹ xâm lược chúng ta, Người vẫn nói rằng: Xâm lược là phải đánh, nhưng máu nào cũng là máu, người nào cũng là người. Người quý sinh mệnh người Việt Nam cũng như quý sinh mệnh người Pháp, người Mỹ… Việc UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự đúng đắn, tính chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam do Người lãnh đạo; là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước những áp bức, bất công; là sự ghi nhận, tôn vinh và đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc. Đó cũng là sự cổ vũ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước trước những khó khăn trong thời kỳ đó để Việt Nam có được thành tựu ngày hôm nay.

Minh Hằng

Nguồn Văn nghệ số 20/2023


Có thể bạn quan tâm