April 25, 2024, 3:08 pm

Kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2019), 50 năm thực hiện di chúc của Người: Nhật ký trong tù- những giá trị trường tồn

 

Nhật ký trong tù – một tác phẩm văn học Việt Nam đặc biệt, thể hiện một tâm hồn và một trí tuệ vĩ đại Hồ Chí Minh trong tình yêu thương con người sâu sắc, tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, khát vọng tự do cháy bỏng và tư duy, bản lĩnh cách mạng kiên cường.

 

Tháng 8 năm 1942, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng sang Trung Quốc, với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam độc lập Đồng minh và Phân bộ quốc tế chống xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đi đến Túc Vinh (một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam. Trong hơn một năm, từ 29/8/1942 đến 10/9/1943, Người lần lượt bị giam trong khoảng 30 nhà tù của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian này, Người đã viết tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) bằng chữ Hán – một tác phẩm văn học Việt Nam đặc biệt, có nhiều giá trị, từ khi được dịch ra tiếng Việt lần đầu năm 1960 (và bản dịch có chỉnh lí, bổ sung năm 1983) đến nay đã thu hút sự chú ý tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo giới học giả trong nước và nước ngoài, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới; đây cũng là tác phẩm văn học được đưa vào giảng dạy và học tập tại nhà trường Việt Nam từ nhiều thập kỉ qua. Vượt một chặng đường hơn bảy mươi năm kể từ khi sáng tác, Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được khẳng định những giá trị mới mẻ và trường tồn, có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự phát triển văn hóa, văn nghệ, đời sống xã hội, xây dựng và củng cố những giá trị đạo đức, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế hôm nay. Về tác phẩm này, nói như Buy-phông: “Văn phong, ấy là người”; hay Oan Uýt-man: “Ai mở cuốn sách này sẽ gặp một con người” và Phê-lích Pi-ta Rô-đri-ghêtx khẳng định: “Những lời đẹp đẽ đó dường như được nghĩ ra và viết riêng cho cuốn “Nhật kí trong tù”. Với tinh thần ấy, mở tập Nhật ký trong tù, (bản dịch trọn vẹn – NXB Giáo dục, 1995) chúng ta được gặp vẻ đẹp chân dung một người tù cách mạng – mà trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ có dịp tìm hiểu về phương diện một tâm hồnmột trí tuệ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguồn Internet

Một tâm hồn vĩ đại

Trong bài Mở đầu tập nhật ký, Bác viết:

Ngâm thơ ta vốn không ham,

Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây;

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

Bác “mở đầu” thật khiêm tốn, xem như lí do của việc sáng tác tập thơ này. Sinh thời, Bác chưa từng thừa nhận mình là nhà thơ. Nhưng ở hoàn cảnh tù đày, thiếu thốn mọi thứ, chọn việc làm thơ âu cũng là bất đắc dĩ. Với thể nhật kí, để ghi lại những điều trải nghiệm, những điều suy nghĩ, những điều quan tâm… và chính nhờ điều này, Bác đã để lại cho lịch sử văn học Việt Nam một tác phẩm bất hủ - mà trước hết thể hiện trong đó một tấm lòng nhân ái cao cả. Trong tù, đối diện khổ ải là lẽ thường, nhưng khác thường là những điều người tù quan tâm và hướng tới. Bác nghe tiếng khóc của Cháu bé trong ngục Tân Dương:

Oa…! Oa…! Oa…!

Cha sợ sung quân cứu nước nhà

Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

Dường như phía sau của những câu thơ ấy là cả một nỗi niềm nặng trĩu: ái ngại, xót thương tột cùng cho hoàn cảnh éo le của cháu bé. Âm thanh đêm của nhà tù mà Bác ghi lại không chỉ có thế. Trong bài Nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, Bác viết:

Hỡi ôi, chàng hỡi, hỡi chàng ơi!

Cơ sự vì sao vội lánh đời?

Để thiếp từ nay đâu thấy được,

Con người tâm ý hợp mười mươi.

Không còn là “nghe thấy”, là “cảm thấy” nữa; bài thơ thể hiện trọn vẹn âm thanh, lời lẽ thống thiết khóc chồng của một người phụ nữ - như thể cũng thấu cảm đến tận cùng nỗi đau đớn, vật vã mà người phụ nữ ấy đang chịu đựng. Cũng trong đêm, Bác nghe Người bạn tù thổi sáo:

Trong lao vẳng khúc nhạc tình quê

Âm chuyển sầu thương, điệu tái tê;

Nghìn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,

Lên lầu, ai đó, chốn phòng khuê.

Tiếng sáo cất lên, dường như người nghe – người tù đã vượt khỏi tâm trạng, hoàn cảnh thực tại tù ngục của chính mình mà nhập tâm vào âm thanh, mà hình dung theo âm điệu, để cảm nhận hết nỗi vời vợi xa cách nghìn trùng, nỗi cô quạnh éo le của người khuê phụ (đối tượng hướng tới của tiếng sáo), để rồi chia sẻ sâu sắc với nỗi nhớ quê, nỗi sầu muộn của người bạn tù. Chứng kiến cảnh Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng, một bức tranh hiện thực được mô tả cận cảnh, chi tiết, với tình huống thật trớ trêu, nhức nhối thành ám ảnh. Hai con người nhìn thấy nhau mà ở hai thế giới, nhìn thấy nhau “Mà cách nhau trời vực”; ở đó, sự dồn nén tâm trạng của đối tượng phản ánh khiến chính người chứng kiến phải thốt lên đau đớn: “Tình cảnh ái ngại thật!”...

Thế giới lao tù không chỉ có thế, trong bài Một người tù cờ bạc chết cứng, Bác viết:

Thân anh da bọc lấy xương,

Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi;

Hôm qua còn ngủ bên tôi,

Sáng nay anh đã về nơi suối vàng.

Đó là những câu thơ được Bác viết với lòng cảm thương vô hạn đối với một người tù xấu số. Lòng thương yêu vô hạn đối với con người của Bác còn trải rộng đến những người xung quanh trên đường Bác bị giải đi và nhìn thấy. Trong bài Long An – Đồng Chính, Bác ghi lại điều này:

Vùng đây tuy rộng, đất khô cằn

Vì thế nhân dân kiệm lại cần;

Nghe nói xuân nay trời đại hạn,

Mười phần thu hoạch chỉ đôi phần.

Ẩn sâu phía sau những lời thơ này là tâm sự thầm kín, ưu tư chia sẻ nỗi niềm với nhà nông cần kiệm mà vẫn có thể lâm vào đói kém trước tình cảnh bấp bênh của thiên nhiên khắc nghiệt. Cũng trên đường đi, Bác gặp cảnh Phu làm đường:

Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi,

Phu đường vất vả lắm ai ơi!

Ngựa xe, hành khách thường qua lại,

Biết cảm ơn anh được mấy người?

Đó là tiếng lòng cảm thông sâu sắc của Bác đối với nỗi vất vả của những người bình dị, lao động dãi dầu. Không chỉ ghi lại những ngẫm ngợi về những điều nghe thấy, nhìn thấy trực tiếp hằng ngày, khi bị giam cầm xa ở quê hương đất nước, tâm tưởng Bác luôn luôn đau đáu về nỗi lầm than cơ cực của hàng triệu đồng bào người dân nước Việt. Trong bài Ốm nặng, Bác viết:

“Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh,

“Nội thương” đất Việt cảnh lầm than;

Kể từ ngày Bác quyết chí rời quê hương đi tìm đường cứu nước, đến lúc này đã hơn 30 năm, nỗi niềm canh cánh ấy, tình yêu quê hương đất nước (mà sau này Người gọi là “ham muốn tột bậc”) ấy chính là mục tiêu, là động lực lựa chọn con đường của Bác. Hơn lúc nào hết, cách mạng Việt Nam khi đó đang cần Bác, vậy mà Người bị giam cầm, bị giải hết nhà lao này đến nhà lao khác suốt cả năm trời. Bài thơ Tức cảnh thể hiện điều này:

Cành lá khéo in hình Dực Đức,

Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công;

Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng,

Tin tức bên nhà bữa bữa trông.

Tấm lòng nhân đạo cao cả của Bác không chỉ thể hiện ở tình yêu sâu sắc đối với con người, mà còn thể hiện qua tình yêu thiên nhiên mãnh liệt. Ngắm trăng là một trong số các bài thơ như thế:

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Không có những những thứ cần thiết đối với một thi nhân theo quan niệm cổ điển, nhưng vẫn có một cuộc hội ngộ kì lạ giữa hai tri âm, tri kỉ. Kì lạ là bởi ở hoàn cảnh tù đày, và dẫu chỉ qua khung cửa sổ, con người và thiên nhiên vẫn hoàn toàn có thể “đối diện đàm tâm”, và thi nhân trước cảnh đẹp của đêm trăng vẫn thật “khó hững hờ”. Cùng cảm thức về thiên nhiên tri âm tri kỉ, trong bài Trên đường, Bác viết:

Dẫu trói chân tay đến ngặt nghèo,

Khắp rừng hương ngát với chim kêu;

Tự do thưởng ngoạn, ai ngăn được?

Cô quạnh đường xa, vợi ít nhiều.

Hoàn cảnh thật ngặt nghèo, khổ ải, song tình yêu thiên nhiên của Bác đã vượt lên tất cả, chủ động hướng về phía âm thanh rộn ràng và hương sắc tưng bừng của cuộc sống. Hiện thực về một người tù khốn khổ dường như bị mờ đi, dành chỗ cho một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm với sự biến đổi của thiên nhiên. Chính vì thế, trong Nhật ký trong tù, thiên nhiên “chiếm một địa vị rất danh dự” (Đặng Thai Mai), thiên nhiên trở thành một phương tiện tự biểu hiện của con người.

Cùng với tình yêu thiên nhiên, gắn với tình yêu thiên nhiên là tình yêu tự do và khát vọng tự do của Người. Mở đầu tập nhật ký, Bác đã khẳng định:

Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao;

Toàn bộ hành trình bị giam cầm, dẫn giải của một người tù - cũng chính những ngày tháng ấy là những ngày tháng “tự vượt ngục” trong tinh thần của Bác. Bài thơ Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh:

Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh,

Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình;

Làng xóm ven sông đông đúc thế,

Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.

Chính vì ý thức sâu sắc về tự do, Người luôn luôn lạc quan yêu đời, luôn luôn hướng về phía ánh sáng tương lai. Trong bài Giải đi sớm, Bác viết:

Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,

Bóng tối đêm tàn, tối sạch không;

Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,

Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng.

Hay trong bài Đi Nam Ninh:

Hôm nay xiềng sắt thay dây trói,

Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung;

Tuy bị tình nghi là gián điệp,

Mà như khanh tướng vẻ ung dung.

Có thể nói, Nhật ký trong tù đã thể hiện một tình yêu thương con người sâu sắc, tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, khát vọng tự do cháy bỏng của một của tâm hồn cao cả, thấm đẫm nhân văn Hồ Chí Minh.

 

Một trí tuệ vĩ đại

Nhật ký trong tù không chỉ thể hiện một tâm hồn vĩ đại, mà còn thể hiện một trí tuệ vĩ đại Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, dù trải qua bất cứ hoàn cảnh nào, Người vẫn luôn luôn nhận thức qui luật cuộc sống theo một tư duy tích cực. Bị tù đày, Bác Tự khuyên mình:

Ví không có cảnh đông tàn,

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân;

Nghĩ mình trong bước gian truân,

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.

Đông qua thì xuân tới, khó khăn chính là tình huống thử thách để vượt qua. Với nhận thức như vậy, Người đã chủ động biến hoàn cảnh tù đày thành thời gian để những suy ngẫm về đường lối, hướng đi cho cách mạng Việt Nam. “Hồ Chí Minh biến tai ương thành môi trường rèn luyện. Cường bạo của nhà tù càng nén xuống thì khí phách của anh hùng càng vùng lên” (Vũ Khiêu). Chính vì nhận thức sâu sắc ấy, đến bài 131 (Trời hửng) trong thứ tự tổng số 134 bài thơ của tập Nhật ký trong tù, Bác viết:

Sự vật vần xoay đà định sẵn,

Hết mưa là nắng hửng lên thôi;

Đất trời một thoáng thu màn ướt,

Sông núi muôn màu trải gấm phơi;

Trời ấm hoa cười chào gió nhẹ,

Cây cao, chim hót rộn cành tươi;

Người cùng vạn vật đều phơi phới,

Hết khổ là vui vốn lẽ đời.

“Khổ tận cam lai”, người cách mạng là người luôn luôn làm chủ thế giới quan khoa học và có nhận thức sâu sắc qui luật vận động tất yếu của cuộc sống, có khả năng tổng kết từng quá trình đấu tranh, rút ra những bài học kinh nghiệm quí giá để tiếp tục hành trình đi đến thắng lợi. Bác viết trong bài Học đánh cờ:

Phải nhìn cho rộng, suy cho kĩ,

Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;

Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,

Gặp thời, một tốt cũng thành công.

Chỉ mấy câu thơ ngắn, từ việc đánh cờ, với ý nghĩa ẩn dụ của hình tượng thơ, có thể thấy Bác đúc kết thật sâu sắc về điều kiện, tư duy, phương pháp và thời cơ đấu tranh cách mạng. Không những thế, trong số các bài học cách mạng, việc rèn luyện bền bỉ không ngừng và kiên định được xem là một nguyên tắc phấn đấu thành công. Bác cũng viết về điều đó bằng lối so sánh ẩn dụ trong bài thơ Nghe tiếng giã gạo:

Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;

Sống ở trên đời người cũng vậy,

Gian nan rèn luyện mới thành công.

Hoặc như về phương pháp sáng tác văn học, Bác cũng tổng kết trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi:

Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Như vậy, chất thép không chỉ là phẩm chất nói chung của người chiến sĩ cách mạng, mà nó cũng là phẩm chất xuyên thấm trong nhiều lĩnh vực trong đó có sáng tác văn học nghệ thuật - một lĩnh vực sáng tạo tinh thần của đời sống. Đối với Bác, dù ở lĩnh vực nào, hoàn cảnh nào, chất thép ấy cũng bộc lộ trong tinh thần, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất. Ngay từ khi bị tù đày, ở bài thơ mở đầu tập nhật kí, Bác đã khẳng định:

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao.

Và sau bốn tháng bị tù đày, mặc dù thân thể “Tiều tụy còn hơn mười năm trời”, Bác vẫn niềm kiên định ấy:

Kiên trì và nhẫn nại,

Không chịu lùi một phân,

Vật chất tuy đau khổ,

Không nao núng tinh thần.

Xuyên suốt nhiều bài thơ trong tập Nhật ký trong tù là sự đối lập và đối sánh giữa “vật chất” và “tinh thần”, và “tinh thần” bao giờ cũng được khẳng định. Thậm chí, cả khi bị ốm đau ở trong tù, Người cũng xác định:

Ở tù mắc bệnh càng cay đắng,

Đáng khóc mà ta cứ hát tràn!

Dường như ở vào mỗi hoàn cảnh éo le, đau khổ thì với Người lại là một lần đắp bồi ý chí và càng vững vàng niềm tin. Chính vì thế, phong thái ung dung tự tại, bản lĩnh kiên cường, tinh thần lạc quan cách mạng, luôn luôn làm chủ hoàn cảnh và làm chủ bản thân thể hiện trong “Nhật kí trong tù” đã kết tinh một phẩm chất trí tuệ vĩ đại của Người.

 

Thay lời kết

Trong Lời bạt cho công trình Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù của Viện Văn học (NXB Giáo dục, 1995), Giáo sư Vũ Khiêu viết: “Ngục tù vừa là điều bất hạnh, vừa là ngọn lửa thử vàng. Ngục tù làm gục xuống những tâm hồn yếu đuối nhưng lại làm bừng lên những phẩm chất của con người. Đọc Nhật ký trong tù tôi nhớ lại những nhà thơ trở thành nhà cách mạng và Hồ Chí Minh nhà cách mạng trở thành nhà thơ. Cả hai đều thống nhất ở bản thân mình những đức tính của cả nhà thơ và nhà cách mạng. Cả hai đều chứng minh một chân lí: ai thường xúc động và gắn bó với nhân dân trong hi vọng và đấu tranh, thì người đó dễ dàng cầm bút để làm thơ hoặc cầm súng để chiến đấu”. Với ý nghĩa đó, tác giả của Nhật ký trong tù – Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua tác phẩm của mình, đã để lại cho dân tộc và nhân loại một di huấn tinh thần bất hủ - trong đó nổi bật nhất là vẻ đẹp của một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại. Nhà thơ Xuân Diệu khái quát: “Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh”. Với hình thức nghệ thuật thể hiện bình dị mà sâu sắc, cổ điển mà hiện đại, tư tưởng của Bác, bản lĩnh tâm hồn và trí tuệ của Bác trong tập Nhật ký trong tù trường tồn một tấm gương khí phách cao đẹp, nguồn sáng diệu kì soi đường cho nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước.


Nguồn Văn nghệ số 20/2019


Có thể bạn quan tâm