April 25, 2024, 3:08 am

Kỹ năng mềm trong thẩm định tác phẩm nghệ thuật

 

Thẩm định tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn thuần là việc đánh giá đúng bản chất về mặt nội dung cũng như hình thức thể hiện của tác phẩm, mà cao hơn cả còn là những gợi ý chính xác, hay nói đúng hơn là định hướng sáng tác cho các nghệ sĩ và những người đam mê nghệ thuật có thể soi chiếu để tìm cho mình một hướng đi phù hợp. Nhưng, thẩm định tác phẩm nghệ thuật trong mỗi cuộc thi lại khác. Mỗi kết luận, đánh giá của hội đồng thẩm định giành cho một tác phẩm nghệ thuật lại được coi là tuyên ngôn nghệ thuật; Phân định tài năng chủ nhân của những tác phẩm nghệ thuật đó. Vì vậy, ngoài những quy định thẩm định mang tính kỹ thuật, người làm công tác thẩm định nghệ thuật (giám khảo cuộc thi) rất cần những kỹ năng mềm, bởi đây mới chính là giác quan thứ 6 để có thể đặt tác phẩm nghệ thuật vào đúng vị trí đích thực của nó.

 

Ảnh Internet

Tháng 12/ 2018, Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thuộc Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) đã chính thức ra mắt. Cùng với việc ta mắt trung tâm, Cục cũng công bố danh sách hội đồng giám định tác phẩm. Theo đó, Hội đồng giám định tác phẩm hội họa - đồ họa do họa sĩ Lương Xuân Đoàn làm Chủ tịch; Hội đồng giám định tác phẩm điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt do PGS-TS Vương Học Báu làm chủ tịch; nhiếp ảnh gia Vũ Quốc Khánh làm Chủ tịch Hội đồng giám định tác phẩm nhiếp ảnh. Trước báo giới, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Triển lãm, cho biết: Trung tâm ra đời do thực trạng mạo danh tác giả, nhái phong cách, sao chép sai quy định đang ảnh hưởng xấu tới thị trường tác phẩm mỹ thuật Việt Nam trong và ngoài nước. Chính vì thế, tuy các trung tâm giám định tranh ở các nước khác đều là đơn vị tư nhân thì ngành văn hóa vẫn quyết định thành lập trung tâm giám định thuộc nhà nước.

Ngay tại thời điểm này, dư luận xã hội đã bày tỏ quan điểm đồng tình, và cả kỳ vọng việc ra đời Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh sẽ góp phần làm trong sạch đời sống nghệ thuật theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhằm tránh cho người yêu nghệ thuật không bị đánh lừa, thậm chí mất tiền oan khi sở hữu những tác phẩm nghệ thuật bị làm giả. Niềm tin này hoàn toàn có cơ sở, bởi những cái tên được xướng lên (đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng thẩm định các Hội chuyên ngành), đều là những cây đa, cây đề của các Hội. Nhưng đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận chung, chưa có cá nhân, tổ chức nào yêu cầu trung tâm này giám định tác phẩm nghệ thuật của họ. Tại sao vậy? Hẳn mỗi người sẽ tự tìm lấy cho mình những câu trả lời khác nhau, ví như không có tranh giả, ảnh giả, không có tranh chấp bản quyền.v.v… và cũng có người sẽ nói, họ chưa thực sự tin tưởng vào khả năng thẩm định tác phẩm nghệ thuật của các Hội đồng chuyên ngành, do chủ yếu chỉ dựa vào những kỹ năng mềm (khả năng am hiểu nghệ thuật, chất liệu, kỹ thuật xử lý bố cục tác phẩm v.v…) mà không có sự can thiệp của khoa học, kỹ thuật (nếu có thẩm định công nghệ, sẽ do Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an thực hiện), trong khi một thế giới ngoài nghệ thuật đã tiến đến 4.0 với trí tuệ nhân tạo, và công nghệ số được cho là xoá tan mọi giới hạn.

 Trại Công tác Giám khảo & Trao đổi nghiệp vụ thẩm định ảnh toàn quốc năm 2018 do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, đã được coi là một hoạt động nghiệp vụ cần thiết nhằm làm “dầy” thêm kỹ năng mềm của những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật. NSNA Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giám khảo và thẩm định ảnh không chỉ là công việc đánh giá đúng về nội dung và hình thức thể hiện nghệ thuật của mỗi bức ảnh, phân xử chính xác tác phẩm đạt giải trong hệ thống giải thưởng của các sân chơi, mà còn có vai trò tác động, định hướng sáng tác cho nghệ sĩ và các nhà nhiếp ảnh”.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thành phần tham dự trại lần này gồm các nghệ sĩ đã từng tham gia các Hội đồng Giám khảo cấp quốc gia, khu vực, tỉnh/thành và các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm sáng tác, có nhiều tác phẩm đoạt giải.

 Những khởi động mang tính kỹ thuật nhằm tăng thêm “kỹ năng mềm” cho đội ngũ những người làm công tác giám khảo, thẩm định tác phẩm nghệ thuật không chỉ  được Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam thực hiện, mà nhiều hội chuyên ngành cũng đã triển khai. Song có một thực tế, để vượt qua những “khoảng tối” trong mỗi cuộc thi hẳn không dễ, NSNA Duy Anh tỉnh Tiền Giang bộc bạch “Nhận lời làm giám khảo ảnh là phải mặc áo giáp đi chấm”. Bởi khả năng bị “ném đá” rất cao nên rất áp lực về trách nhiệm, trong khi thù lao thấp, chủ yếu là tình nguyện với phong trào.

Vẫn biết những khen chê đằng sau mỗi cuộc thi là những điều không tránh khỏi, nhưng với những giám khảo thực sự có tầm, có tâm thì đó là những áp lực không dễ vượt qua. Điều này cũng chính là lý do, lý giải cho sự thiếu hụt đội ngũ kế cận tại các hội đồng chấm thi nghệ thuật. NSNA Vũ Quốc Khánh chia sẻ:  Đội ngũ giám khảo trẻ, có nhiều thành tích trong sáng tác, nhiều giải thưởng, giỏi công nghệ còn rất mỏng. Ở họ, kinh nghiệm sáng tác chưa nhiều, do đó phương pháp “đọc” tác phẩm nghệ thuật cần phải được trang bị đầy đủ hơn mới đảm đương được trọng trách “cầm cân nảy mực” trong các cuộc thi, hay trong vai trò “trọng tài” của các cuộc tranh chấp bản quyền và phân định tranh giả, tranh thật.

Trang bị kỹ năng “mềm” cho người làm công tác giám định tác phẩm nghệ thuật nói chung, giám khảo các cuộc thi nói riêng trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các chuyên ngành nghệ thuật. Ngoài các yếu tố kỹ thuật thì kỹ năng “mềm” đóng vai trò quyết định trong phân định ranh giới của tác phẩm nghệ thuật. Hay nói như ông Ngô Quang Dương, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người từng quản lý Trung tâm giám định nghệ thuật trước khi đứng ra trở thành đơn vị độc lập hồi cuối tháng 12 vừa qua, khẳng định: Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, nhiếp ảnh ra đời mang tính phòng ngừa nhiều hơn. “Nhu cầu trong giới là có thật, tuy nhiên nhiều khi không có người ta kêu thiếu, nhưng khi có trung tâm lại chẳng ai đến. Người sở hữu tranh thật cần gì đi đánh giá, người có tranh giả không dại gì đem đến giám định tranh giả. Người ngay không cần rồi, kẻ gian lại càng chẳng dại gì tìm đến, tuy nhiên tôi nghĩ trung tâm sinh ra chính là yếu tố cần, đảm bảo cho thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển”.

Thẩm định tác phẩm nghệ thuật, hay phân định ra ranh giới thật – giả đối với từng tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào đạo đức của người cầm cân nảy mực và sở hữu tác phẩm nghệ thuật. Nhưng, thời gian gần đây, thị trường mỹ thuật trong nước gần như dậy sóng vì có quá nhiều tác phẩm nghệ thuật của các danh hoạ nổi tiếng trong nước bị làm giả. Các hoạ sĩ đương thời và thân nhân của các hoạ sĩ quá cố trở thành nạn nhân của nạn sao chép tranh giả. Họ, ngoài bị cướp trắng trợn về bản quyền, còn bị mất đi danh dự… nên trong một chừng mực nhất định, đạo đức của người làm nghệ thuật cũng cần phải được coi là một phần của kỹ năng “mềm” hiện nay. Và chỉ những kỹ năng “mềm” được hoàn thiện thì đời sống nghệ thuật mới thực sự trong sạch với đầy đủ vẻ đẹp chân, thiện mỹ vốn có.

Nguồn Văn nghệ số 13/2019

 


Có thể bạn quan tâm