March 28, 2024, 10:12 pm

Kỹ năng làm văn nghị luận xã hội theo hướng mở

1. Văn nghị luận trong nhà trường

Văn nghị luận phản ánh đời sống tinh thần, tư tưởng, ý chí và khát vọng của dân tộc trong lịch sử và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động đọc hiểu văn bản văn nghị luận và thực hành tạo lập văn bản nghị luận có vai trò quan trọng đối với mục tiêu hình thành phẩm chất và phát triển năng lực, nhân cách của học sinh.

Trên thực tế, việc đưa văn nghị luận vào giảng dạy trong chương trình môn ngữ văn thể hiện sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu của đời sống. Ở hai cấp học: trung học cơ sở và trung học phổ thông, hai kiểu bài văn nghị luận học sinh được tìm hiểu một cách thấu đáo (thông qua hoạt động đọc hiểu văn bản) và rèn luyện thuần thục các thao tác tạo lập văn bản là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Để thể hiện khả năng, hiểu biết, sáng tạo của mình, các nhà giáo thường xuyên tìm tòi phương hướng, các giải pháp sư phạm phù hợp nhất nhằm mục tiêu giúp học sinh nắm vững kỹ năng xác định vấn đề nghị luận và luận điểm, luận cứ trong bài văn nghị luận xã hội trong quá trình rèn luyện kỹ năng làm văn - viết bài văn - là hết sức cần thiết. Bởi vì, khi nắm vững trình tự các bước thực hiện, cách lập luận, học sinh mới có thể thực hiện tạo lập bài viết một cách tự tin, chất lượng và hiệu quả.

2. Nâng cao chất lượng làm bài văn nghị luận xã hội theo hướng mở

Để rèn luyện kỹ năng làm văn của học sinh, vai trò của giáo viên phải là “một đạo diễn” cho các hoạt động dạy học để hướng dẫn học sinh tiếp cận kiến thức và thực hành các thao tác tạo lập văn bản. Trong xây dựng kế hoạch dạy học (giáo án), sự “phù hợp” phải được chú ý, và ngữ liệu cho học sinh tiếp cận chính là những bài văn nghị luận xã hội tiêu biểu trong chương trình phổ thông và những đề bài có những vấn đề liên quan mật thiết tới quá trình học tập và rèn luyện của học sinh.

Giáo viên cần phân biệt các dạng đề văn nghị luận xã hội và đặc trưng của các dạng đề này: nghị luận về một tư tưởng đạo lý và đề văn nghị luận về một hiện tượng đời sống. Nhìn chung, đề bài thường nêu lên một hiện tượng, một vấn đề có tính thời sự được dư luận xã hội trong nước cũng như cộng đồng quốc tế đang quan tâm. Tất nhiên hai mặt của một vấn đề luôn được xem xét để nói đến trong một bài văn cho nên điều cần chú ý khi xác định vấn đề là: Thấy cái xấu mà tránh, thấy cái sai thì không làm. Tức là “hãy làm cái này, đừng làm cái kia”. Vấn đề thực tế rất rộng nhưng hoàn toàn có thể định hướng nhận thức đúng đắn về những hiện tượng gần gũi trong đời sống. Ở phạm trù tích cực, những mặt tốt như: Những phát ngôn - lời nói đúng nơi đúng chỗ, bảo vệ cái đúng, cái tốt; những hành động dũng cảm, chính nghĩa: Cứu người, đấu tranh chống cái xấu cái ác, cái tiêu cực; những hành động chia sẻ, quan tâm, yêu thương, chăm lo cho cộng đồng… Về hiện tượng tiêu cực, mặt trái như: Vấn đề ô nhiễm môi trường; bạo lực học đường; vi phạm luật an toàn giao thông; ăn mặc lố lăng, phản cảm; học sinh đến trường nhưng không phải là đi học; thái độ hờ hững, lạnh lùng (hay là bệnh vô cảm) trong đời sống hiện nay; hiện tượng giới trẻ phát ngôn bừa bãi, thiếu văn hóa trên các trang mạng xã hội; hành động vô trách nhiệm, thói đạo đức giả nhằm che đậy sự giả dối, xấu xa (bên trong một đàng, bên ngoài một nẻo)...

Một lưu ý ở đây về tính chất “mở” của bài văn là: Mở, không có nghĩa thoát li hoàn toàn hướng dẫn chung theo các quy định của chương trình giáo dục. Giáo viên trên cơ sở bám sát mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học theo mục tiêu của Chương trình; kết hợp với kinh nghiệm, vốn sống của mình để hướng dẫn học sinh cách thức tiếp cận kiến thức thuộc lĩnh vực “cái cần”, cái có ích, cái thiết thực theo chuẩn mực. Ban đầu có thể chỉ là việc tổ chức, hướng dẫn học sinh phương pháp học: kế hoạch học tập, cách đọc, cách ghi; sách cần đọc, kĩ năng cần học… Tiếp theo, những kĩ năng trình bày, diễn đạt trong bài tập làm văn phải được chú trọng ở tiết Luyện tập và Hoạt động vận dụng (ở trên lớp và ở nhà). Ở những tiết tập làm văn trên lớp, giáo viên đặc biệt quan tâm đến trình tự bốn bước (đọc đề, tìm hiểu đề/ lập dàn ý/ viết bài/ đọc bài/sửa chữa), và nhất là việc tập trung hướng dẫn học sinh việc lập dàn ý. Sau đó là việc hướng dẫn và sửa chữa các lỗi cơ bản: dẫn dắt vấn đề nghị luận, nêu vấn đề nghị luận, khẳng định, đánh giá và khái quát vấn đề sau khi phân tích. Nhất thiết giáo viên phải đọc và giúp học sinh nhận ra hạn chế, biết sửa chữa lỗi sai, phát huy ưu điểm của mình. Đối với trường hợp học sinh yếu, cần phải tập luyện từ cách đọc/xác định yêu cầu đề - lập ý và cách thức phân tích (thao tác cơ bản), sau đó mới tới các hoạt động đã nói ở trên.

Bên cạnh đó, giáo viên phải thường xuyên kiểm tra việc luyện tập ở nhà của học sinh thông qua việc giao các bài viết phù hợp: từ thấp đến cao, từ chủ yếu yêu cầu tái hiện đến trực tiếp bộc lộ suy nghĩ, sáng tạo. Giáo viên hướng dẫn, lưu ý học sinh cách sử dụng sách tham khảo, chọn lọc “cái cần”, “không sao chép”, không nên đóng khung bài học, bài làm khô khan trong phần “Ghi nhớ” của sách giáo khoa - tức là luôn chủ động và linh hoạt, tránh lệ thuộc khuôn mẫu một cách cứng nhắc và thụ động.

 

3. Vận dụng các thao tác hướng dẫn học sinh thực hành

Hai thao tác chính trong chuỗi hoạt động hướng dẫn học sinh tạo lập văn bản có thể mô tả khái quát như sau:

Thao tác thứ nhất: Xác định vấn đề nghị luận.

Đọc kĩ từng câu từng chữ để xác định đúng vấn đề nghị luận, để tránh lạc đề, xa rời vấn đề. Cụ thể: đọc đề, gạch chân từ ngữ quan trọng; đánh dấu các ý, các vế câu, các mệnh đề đặt ra; tìm hiểu, suy nghĩ mối quan hệ giữa các câu, các ý trong đề; hiểu yêu cầu (trực tiếp- nghĩa hẹp) (gián tiếp-nghĩa rộng); biết giải thích, nếu cần (lí do: dựa vào ý này, triển khai bài viết thuận tiện).

 Thao tác thứ hai: Xác lập luận điểm, xây dựng luận cứ.

Với những đề bài theo hướng mở, cần nhiều tới hiểu biết của học sinh về đời sống, xã hội, con người… sau đó mới là kĩ năng xác lập luận điểm, xây dựng luận cứ. Đây là hai thao tác với cách thực hiện theo trình tự hoàn chỉnh: xác lập những luận điểm và luận cứ, hết luận điểm này, tới luận điểm khác - tức là theo trình tự của một bài văn, từ mở bài, qua thân bài tới kết bài. Luận điểm có thể được xác định thông qua: các từ ngữ quan trọng (từ khóa); biểu hiện liên quan giữa các vế câu, mệnh đề, mệnh lệnh; vấn đề phải giải thích (với đề bài có những từ ngữ phải giải thích).

Điều lưu ý là phải xác định rõ giới hạn (độ mở của đề) để xây dựng luận điểm hợp lí. Có thể xác định luận điểm (ý lớn) từ việc phân định hai mặt đối lập: phải-trái, đúng-sai, tích cực-tiêu cực (hạn chế), tốt-xấu… sau đó mới xác lập luận cứ (ý nhỏ) để cụ thể hoá luận điểm (ý lớn). Xác định vấn đề qua “công thức”: biểu hiện-nguyên nhân-ảnh hưởng, tác động-khắc phục, bài học. Cuối cùng là chọn phương pháp lập luận phù hợp.

Xin được nêu một số bài tập/đề bài minh họa:

Ví dụ 1: Hiện tượng giới trẻ phát ngôn bừa bãi trên các trang mạng xã hội.

Khi đọc đề bài trên, học sinh phải chú ý tới hai vế/cụm từ: “Hiện tượng giới trẻ phát ngôn bừa bãi”, “Trên các trang mạng xã hội”. Vế thứ hai là giới hạn của vấn đề nghị luận cần quan tâm sau khi đã xác định: Giới trẻ phát ngôn bừa bãi (không phải là tất cả mọi người). Độ “mở” của bài văn: mặt trái trong sự phát triển của công nghệ thông tin và sự kiến giải, bàn luận theo cách nghĩ của cá nhân.

Vấn đề nghị luận: Những phát ngôn bừa bãi trên các trang mạng xã hội như: facebook, youtube, instagram… Các luận điểm cần triển khai: Biểu hiện/ nguyên nhân; Ảnh hưởng/ hậu quả; Hướng khắc phục/giải pháp; Bài học rút ra cho bản thân.

Luận cứ cần xác lập: (1) Những phát ngôn bừa bãi trên các trang mạng xã hội như: facebok, youtube, instagram… đó là: những phát ngôn không chính xác, bất chấp đúng sai, thậm chí rất mơ hồ “chỉ nghe nói, đỉnh cao của hiện tượng là những lời nguyền rủa bất lịch sự, những lời chửi mắng thiếu văn hoá. (2) Đối tượng hướng tới trong những phát ngôn: nhân vật trong làng giải trí, bạn bè, thậm chí thầy cô, cha mẹ… (3) Những ảnh hưởng, hậu quả từ phát ngôn: ảnh hưởng tới phẩm chất, tính cách con người, là hình ảnh xấu, phản cảm, thiếu văn hoá… (4) Nguyên nhân: Tuổi trẻ nông nổi, bồng bột; lối sống đua đòi, không phù hợp với văn hoá Việt; thiếu tình thương, thiếu sự quan tâm, giáo dục. (5) Hướng khắc phục/giải pháp: một là, cần có sự học tập, rèn luyện lời ăn tiếng nói: Dẫn chứng câu nói của cha ông ta như là “học ăn, học nói, học gói, học mở”; “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói…” “lời nói, gói bạc”... Hai là, sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, hiệu quả. Thực tế, có nhiều bạn trẻ kinh doanh chân chính từ các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube. Đây là điều giới trẻ phải biết… (6) Bài học thực tế: Thứ nhất, các trang mạng xã hội để giao lưu, học hỏi, là nơi thể hiện văn minh, văn hoá, không nên có những hành động, lời nói thiếu văn hoá mà ảnh hưởng tới bản thân, gia đình, xã hội. Thứ hai, hãy sử dụng công nghệ thông tin có ích cho bản thân là điều cần và nên ý thức, nên thực hiện.

Ví dụ 2: Hiện tượng thanh thiếu niên hiện nay (có cả học sinh-sinh viên) ăn mặc lố lăng, phản cảm.

Yêu cầu của đề: Hiện tượng ăn mặc lố lăng, phản cảm. Đây là vấn đề văn hoá - cách sử dụng trang phục. Chú ý là ở đây có đối tượng chung: thanh thiếu niên, cái riêng: Học sinh, sinh viên. Độ mở của đề bài là mặt trái, thiếu văn hoá, thẩm mỹ… điều học sinh cần có sự kiến giải phù hợp từ góc nhìn của tuổi trẻ.

Triển khai vấn đề này, cần hiểu: ăn mặc (trang phục) đối với con người cần phù hợp với lứa tuổi, công việc, nơi chốn... Các nội dung /luận điểm cần xây dựng: (1) Giải thích thế nào là mặc lố lăng phản cảm. (2) ảnh hưởng xấu. (3) biểu hiện. (4) nguyên nhân. (5) suy nghĩ, bài học.

Ví dụ 3:  Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn.

Đây là đề hoàn toàn mở, vấn đề đặt ra là việc làm tuy (tưởng) như không đáng (không ý nghĩa - rất nhỏ), nhưng thực ra có ý nghĩa lớn lao! Học sinh phải biết hệ thống hoá dẫn chứng để phân tích và bàn luận xác đáng: Trước nhất, xác định được những hành động tưởng như nhỏ bé, nhỏ nhặt nhưng lại có ý nghĩa lớn lao; tiếp theo, xác định những hành động có ảnh hưởng xấu, tác hại lớn nhưng người ta cho là chuyện nhỏ; nguyên nhân của hai hiện tượng/biểu hiện trên; nêu các ví dụ, phân tích, mô tả; bàn luận và khẳng định, rút ra bài học. Đề bài này tạo điều kiện cho học sinh thể hiện cá tính, sự sáng tạo cao trong bài viết.

Với các bài tập được cấu trúc theo thứ tự từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, học sinh sẽ quen và hình thành các kỹ năng cần thiết: đọc đề, xác định yêu cầu đề (vấn đề nghị luận), lập ý và triển khai vấn đề; từ đó, có thể viết thành thạo kiểu văn bản văn nghị luận nói chung, bài văn nghị luận theo hướng mở nói riêng. Thiết nghĩ, giải pháp trên đã bám sát mục tiêu chung và mục tiêu đặc thù của bộ môn, bước đầu đáp ứng mục tiêu trong chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn năm 2018 (ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ giáo dục và Đào tạo), đó là: học sinh được hình thành và rèn luyện, nâng cao năng lực tạo lập kiểu văn bản nghị luận; biết thể hiện chủ kiến, viết và trình bày vấn đề đúng quy trình… bởi sự chủ động “kiến thiết” và hướng dẫn thực hiện kế hoạch dạy học của người thầy, thực hiện “việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học theo hướng tập trung hướng dẫn các hoạt động học, tăng cường tối đa khả năng vận dụng kiến thức đã học của học sinh vào hoạt động thực hành là điều kiện tiên quyết của đổi mới dạy học ngữ văn theo định hướng năng lực” (Nguyễn Trọng Hoàn, http://dangcongsan.vn/khoa-giao/day-hoc-ngu-van-theo-dinh-huong-nang-luc-547820.html ngày 03/02/2020) hiện nay.

_________

1. GV Trường THPT Tôn Đức Thắng, Tân Phú, Đồng Nai.

Nguồn Văn nghệ số 12/2020


Có thể bạn quan tâm