March 29, 2024, 6:05 pm

Kolkata sâu lắng ân tình

Ngay những ngày đầu xuân mới 2020, đoàn nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hà Văn Thể làm trưởng đoàn, nhà văn kiêm nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam, nhà văn Di Li, tôi và nhà văn Thế Đức lên đường đi dự Hội chợ sách Quốc tế Kolkata 2020 theo lời mời của Ủy ban Đoàn kết Hòa bình Hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam. Đoàn chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Kolkata vào lúc chiều muộn đã khá muộn, anh bạn Arvind có nụ cười lấp lánh làm sáng bừng cả khuôn mặt khá điển trai đã chờ chúng tôi với tấm biển: “Chào mừng đoàn nhà văn Việt Nam”. Các bạn trong Ủy ban ra đón quàng lên cổ chúng tôi những vòng hoa huệ thơm và trắng muốt điểm một bông hồng đỏ thắm như tục lệ đón khách quý của người Ấn Độ thay cho lời chúc may mắn và bình an.

 

Các bạn trong Ủy ban ra đón đoàn tại sân bay Kolkata

 

Hai chiếc xe taxi kiểu cổ lỗ sĩ chạy kêu phành phạch giống như chiếc xe trong bộ phim: Đến Thượng đế cũng phải cười lách qua những đường phố nhỏ hẹp với những căn nhà tồi tàn lụp xụp ven đường đưa chúng tôi về thành phố. Kolkata hiện ra trước mắt chúng tôi với vẻ xô bồ và náo nhiệt và không hề giấu đi sự nghèo nàn lạc hậu dưới làn mưa xuân khá là buồn tẻ và ảm đạm. Những chiếc xe buýt, xe ba gác, xe taxi cũ rích chen chúc nhau trên đường cùng với những chiếc xe hơi sang trọng của giới thương lưu khiến cho những người lần đầu đến đây khá ngỡ ngàng.

Chúng tôi đến Kolkata khi thành phố đã lên đèn. Ở khắp các phố người ta trang trí các điện thờ nữ thần Sarasvati, một trong các vị thần quyền năng nhất trong tín ngưỡng của người Ấn Độ. Đây là Nữ thần biểu trưng cho tri thức, thơ ca, nhạc họa, sự sáng tạo và nghệ thuật. Bởi vậy Sarasvati Puja (lễ cúng nữ thần) được tổ chức trên khắp các đường phố Kolkata trong những ngày diễn ra Hội chợ sách Quốc tế Kolkata lần thứ 44 này. Nhà văn tiến sĩ thần học Geetesh Sharma 88 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam râu tóc bạc phơ đón chúng tôi trước cửa văn phòng của Ủy ban và đưa chúng tôi về khách sạn. Ông luôn nói với các nhà văn Việt Nam rằng: “Chúng tôi yêu quý các bạn, yêu quý Việt Nam, yêu quý lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chúng tôi nghèo nhưng chúng tôi đón tiếp các bạn bằng cả trái tim mình”. Và tình thân ấy đã thể hiện ngọt ngào ấm áp trong suốt chuyến đi của đoàn những ngày sau đó. Anh bạn Arvind có nụ cười đẹp đã luôn theo sát chúng tôi như một vệ sĩ thực thụ, lo cho chúng tôi từng bữa ăn giấc ngủ và đảm bảo mọi chương trình hoạt động của đoàn được diễn ra như đã hoạch định.

Buổi sáng đầu tiên các bạn dẫn đoàn đến viếng tượng đài Hồ Chí Minh tại một công viên đẹp của Kolkata. Đây là tượng đài được nhân dân Ấn Độ xây dựng vào năm 1990 đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 100 năm của Người. Tượng đài của Bác được làm bằng đồng đặt trang trọng trên một khối đá quý hoa cương mầu nâu được đưa về từ một tỉnh cách Kolkata hơn 1.000km. Khối đá càng để lâu càng bóng và có thể bền vững với thời gian hàng trăm năm. Người Ấn Độ tự hào rằng họ là đất nước đầu tiên trên thế giới dựng tượng Bác bằng đồng với một sự ngưỡng mộ lớn lao. Tượng đài được chăm sóc khá cẩn thận và trang trọng. Đoàn nhà văn Việt Nam kính cẩn dâng lên Bác những vòng hoa huệ trắng và thơm cùng những bông cúc vàng như nắng. Dưới chân tượng đài Hồ Chí Minh đoàn đã chụp ảnh lưu niệm cùng với tiến sĩ Geetesh Sharma và các nhà văn của Ấn Độ. Chếch một đoạn đối diện với tượng đài phía bên kia đại lộ Jawaharlan Nehru là đại lộ được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1968. Đây cũng là đại lộ đầu tiên trên thế giới đặt tên Bác. Lần đầu tiên được đặt chân đến quê hương của nhà thơ Tagore, thủ phủ của miền Tây Bengal, thành phố có đến 12 triệu dân chúng tôi được chứng kiến một Kolkata khá là nhộn nhịp và đặc sắc bởi đa dân tộc, đa sắc mầu. Không khí thi ca, nhạc họa ở khắp nơi trên đường phố. Thỉnh thoảng lại thấy một nhóm người tụ tập để nhảy múa. Xứ sở của điện ảnh và nghệ thuật với những bộ phim được chiếu ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Chưa có một đất nước nào trên thế giới lại có nhiều ngôn ngữ đến như vậy. Ấn Độ có khoảng 1.600 ngôn ngữ bản địa, ngôn ngữ chính là tiếng Anh và Hindi. Anh bạn Arvind đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh thành phố, lướt qua Tượng đài chiến thắng Victoria và vào viếng đền Dakshineshwar đúng ngày lễ hội lớn hàng năm của họ.

Đền Dakshineswar Kali là một ngôi đền thiêng của người Hindi. Nằm ở bờ Đông của sông Hooghly ngôi đền được xây dựng năm 1855 bởi Rani Rashmoni, một nhà từ thiện và là người sùng đạo Kali. Ngôi đền nổi tiếng như một huyền thoại Bengal thế kỷ 19. Ngoài ngôi đền chính chín tầng có một khoảng sân rộng bao quanh là các điện thờ dọc theo các bức tường. Có mười hai điện thờ tượng trưng cho cặp Shiva - Kali dọc theo bờ sông và một đền thờ dành riêng cho Rani Rashmoni. Người ta kể rằng năm 1847 Rashmoni chuẩn bị thực hiện một chuyến hành hương dài đến thành phố Kashi linh thiêng của Ấn Độ để bày tỏ lòng sùng kính của mình đối với Đức Mẹ. Đêm trước khi cuộc hành hương bắt đầu Rashmoni đã thấy Đức Mẹ linh thiêng dưới hình hài nữ thần Kali trong một giấc mơ và bảo rằng: “Con không cần phải đến Banaras mà hãy đặt bức tượng của ta trong một ngôi đền đẹp bên bờ sông Hằng mà thờ cúng ở đó”. Ám ảnh bởi giấc mơ, Rani ngay lập tức tìm kiếm và mua một mảnh đất rộng hơn 120.000 m2 tại làng Dakhineswar. Quần thể đền chính được xây dựng từ năm 1847 đến 1855. Sau đó được mở rộng thêm 81.000 m2 trên khu đất là nghĩa địa Hồi giáo một phần có hình dạng như một con rùa được coi là phù hợp cho việc thờ cúng Shakti theo truyền thống của Mật tông, phải mất tám năm và chín trăm nghìn rupi để hoàn thành việc xây dựng. Tượng của Nữ thần Kali đã được dựng lên vào ngày Snana Yatra 31 tháng 5 năm 1855. Hơn một trăm ngàn người Bà la môn được mời từ các vùng khác nhau của đất nước để khánh thành. Rani Rashmoni chỉ sống được gần 6 năm sau khi khánh thành ngôi đền. Bà bị bệnh nặng vào năm 1861. Thấy cái chết của mình đã cận kề, bà quyết định trao lại tài sản ở Dinajpur (nay thuộc Bangladesh) để duy trì ngôi đền và qua đời vào ngày vào ngày 19 tháng 2 năm đó… Vào ngày lễ hội rất đông người dân từ các nơi đổ về khu đền, bỏ giầy dép bên ngoài họ xếp hàng để đi chân đất vào nơi tế lễ cầu may mắn, bình an và hạnh phúc lứa đôi. Chúng tôi vừa ra khỏi đền thì một trận mưa lớn ập tới, không mấy chốc các đường phố trở nên ngập lụt. Bát đũa xô chậu từ những túp lều rách nát ven đường nổi lềnh bềnh. Chúng tôi trú mưa cùng những người dân bản địa và cùng ướt như chuột lột vì mưa tạt khá mạnh. Đây là một kỷ niệm rất khó quên ven bờ sông Hằng…

Buổi trưa các bạn dẫn chúng tôi đến ăn ở một nhà hàng bản địa khá sạch sẽ và món ăn khá ngon. Ẩm thực Ấn Độ mang mầu sắc tôn giáo rất cao, người Ấn Độ không ăn thịt bò, thịt lợn. Thực phẩm của họ chủ yếu là gà, dê, cừu và hải sản. Ngũ cốc chủ yếu là bột mỳ và gạo. Cá của Ấn Độ ăn rất là ngon. Ngoài ra Ấn Độ còn được gọi là thiên đường gia vị của thế giới nên trên bàn ăn của Ấn Độ cũng rất phong phú về mầu sắc và được trang trí đẹp mắt. Các bạn có biết món cà ri được họ chế biến thế nào không? Một hỗn hợp của 5 loại chính: hạt thì là, bột nghệ, hạt mù tạt và bột ớt. Có khá nhiều loại cà ri như cà ri gà, cà ri trứng và cà ri hoa quả. Đây là một món ăn không thể không kể đến khi người ta nói đến Ấn Độ.

 

Giao lưu với các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ và nhạc sĩ của Ấn Độ tại văn phòng của Ủy ban Đoàn kết

 

Buổi chiều chúng tôi được mời đến văn phòng của Uỷ ban Đoàn kết để giao lưu với các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ và nhạc sĩ của Ấn Độ. Trong căn phòng nhỏ ấy cuộc giao lưu diễn ra vô cùng ấm cúng và cảm động. Các bạn quàng lên cổ chúng tôi những chiếc khăn đón khách ngũ sắc của Ấn Độ, trao nhau những món quà lưu niệm, đọc thơ, hát và nói chuyện.

Các nhà thơ Ấn Độ đọc thơ về Bác, hai tiếng Việt Nam và tên của Hồ Chí Minh vang lên bằng ngôn ngữ Hindi, tiếng Anh nghe cảm động đến rớt nước mắt. Ông Jitendra Dheer một nhà thơ nổi tiếng của Ấn Độ đã viết bài thơ Hồ Chí Minh bằng tiếng Hindi, dịch giả Prem Kapoor đã dịch ra tiếng Anh, và tôi xin chuyển ngữ ra tiếng Việt bài thơ như sau:

 

HỒ CHÍ MINH

Thơ Jitendra Dheer –

Nguyệt Vũ dịch

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đâu chỉ là cái tên

Là băng rôn chiến thắng

Là bất khuất tự do

 

Người không ngừng đấu tranh

Với cường quyền để quốc

Viết lên những chữ vàng

Bất hủ từng trang sử

 

Bản tuyên ngôn độc lập

Với sức mạnh muôn người

Chỉ biết ngẩng cao đầu

Và niềm tin chiến thắng

 

Người là Hồ Chí Minh

Tay bút cùng tay súng

Đoàn kết toàn nhân dân

Chống kẻ thù xâm lược

 

Đè bẹp kẻ áp bức

Đấu tranh chống bạo tàn

Biểu tượng nước Việt Nam

Mang sắc mầu tươi mới

 

Cuộc đấu tranh giải phóng

Và gìn giữ chủ quyền

Giành cuộc sống bình yên

Với tinh thần bất khuất

 

Tập hợp xung quanh Bác

Những người yêu tự do

Và hai từ Việt Nam

Vang dội toàn thế giới

 

Thành phố Kolkata

Quê hương của Tago

Giương cao tấm biểu ngữ

Tên bạn là Việt Nam

Tên tôi là Việt Nam

 

Thiên đường của tự do

Bình đẳng và bác ái

Sứ giả của hòa bình

ngập tràn tình hữu nghị

 

Người luôn trong tâm tưởng

suy nghĩ của chúng tôi

Thế giới hướng về Người

Khi ngập tràn đau khổ.

Xúc động vì tình cảm của các bạn đối với Bác Hồ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, nhà thơ Hà Văn Thể đã đọc bài thơ của mình tặng các bạn. Nhà văn Di Li đã đứng lên biểu diễn bài hát Khát vọng phổ thơ của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến như một ca sĩ chuyên nghiệp khiến các bạn trầm trồ. Trong không khí ngập tràn tình yêu ấy tôi đã đọc bài thơ Mặn của mình bằng tiếng Anh. Ngay sau đó dịch giả Prem Kapoor đã dịch ngay ra tiếng Hindi và đọc cho mọi người nghe. Nhìn ánh mắt của các bạn khi nghe thơ của các nhà thơ Việt Nam, bằng ngôn ngữ của các bạn tôi hiểu rằng thơ ca luôn chạm được tới trái tim người bất kể nó được viết bằng thứ ngôn ngữ nào.

Các nhà thơ Ấn Độ lần lượt đọc thơ và hát cùng chúng tôi. Nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam đã hát bài Chuyện tình hai dòng sông do chính chị sáng tác. Khi Di Li dịch lời bài hát ra tiếng Anh được mọi người vô cùng tán thưởng. Một nhà thơ nói với tôi: “Các nhà văn Việt Nam phải yêu đất nước mình lắm mới có được những tác phẩm hay như vậy”.

Buổi giao lưu vô cùng ấm áp và đáng nhớ. Hai đoàn nhà văn đã nói chuyện, tặng quà lưu niệm và dành cho nhau những tình cảm vô cùng quý giá về tình hữu nghị giữa hai nước. Đoàn đi đến đâu cũng được các bạn tiếp đón chân tình và trân trọng. Buổi chiều hôm ấy trong một căn phòng nhỏ giản dị với rất nhiều ngôn ngữ các nhà văn nhà thơ của hai quốc gia đã trải lòng cùng bạn bè quên hết những tất bật và cuộc sống lam lũ bên ngoài cánh cửa. Chúng tôi giao lưu cùng nhau, chụp ảnh cùng nhau ríu ra ríu rít. Những thông điệp từ trái tim đến với trái tim đã được gửi gấm cho nhau thân ái nồng nàn.

Nếu không có chương trình tham dự một lễ cưới Ấn Độ vào buổi tối hôm đó các bạn sẽ còn lưu luyến mãi. Buổi giao lưu đã được đăng lên tờ báo của Kolkata ngay buổi sáng hôm sau.

*

Hội chợ sách Quốc tế ở Kolkata được tổ chức hàng năm và năm nay là lần thứ 44, lần nào quy mô cũng hoành tráng như nhau. Các nhà xuất bản từ khắp nơi trên thế giới đổ về để quảng bá các tác phẩm văn học của họ. Có đến mấy trăm kios sách được trang trí rất đẹp và độc giả mua sách rất đông. Một chút trăn trở nhỏ trong tôi khi ao ước Việt Nam có một quầy sách trong cái không gian bao la của tri thức nhân loại này. Vấn đề không phải chúng ta không có những tác phẩm hay mà việc kết hợp với các nhà văn bản địa để dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng bản địa là những việc phải làm nếu chúng ta muốn quảng bá văn học Việt ra thế giới.

Và câu chuyện muôn thuở vẫn là kinh phí. Năm nay vì không có kinh phí nên Ủy ban Đoàn kết không dựng một quầy sách cho Việt Nam, tuy nhiên các bạn đã chuẩn bị sẵn một sân khấu để cho các nhà văn Việt Nam giao lưu với độc giả. Và một lần nữa nhà văn Di Li và nhà văn Linh Nga Niê Kdam lại trở thành ca sĩ với các bài hát của Việt Nam như: Hà Nội đêm trở gió, Tình ca, Chuyện tình hai dòng sông… Các độc giả Ấn Độ đến nghe rất đông và phỏng vấn rất nhiều…

Đoàn chỉ có vẻn vẹn ba ngày ở Ấn Độ nhưng chúng tôi thực sự đã tiêu từng phút thời gian của mình để giao lưu cùng bạn bè Ấn Độ, thâm nhập vào cuộc sống để hiểu được phần nào đất nước và văn hóa nơi đây, nghĩa tình sâu nặng mà nhân dân Ấn Độ đã dành cho Việt Nam, cho bác Hồ kính yêu. Đúng là các bạn còn nghèo lắm nhưng trái tim của các bạn thật ấm áp vô cùng… Tôi nhớ tiếng nhà thơ Prava trong trẻo đuổi theo xe taxi chở chúng tôi ra sân bay: “Tôi yêu các bạn, tôi yêu Việt Nam…”. Tôi cũng nhớ bóng dáng nhà văn già Geetesh Sharma râu tóc lơ phơ trắng như cước nhìn theo xe của chúng tôi và tôi chợt hiểu dường như có một tình yêu thực sự giữa con người với con người trên khắp thế gian này. Chỉ cần không có chiến tranh, không có nghèo đói và dịch bệnh giữa người với người chỉ có những vòng tay thân ái, tiếng hát và lời ca thì thế giới sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu.

Tạm biệt Kolkata, miền đất Tây Bengal lam lũ và huyền bí tôi nhớ tiếng thầm thì của nhà văn Geetesh Sharma bên tai khi chia tay:

- Hãy quay lại nhé, chúng tôi luôn chào đón các bạn.

Nguồn Văn nghệ số 10/2020


Có thể bạn quan tâm